Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ cuối: Khi các nhà khoa học trải nghiệm cận tử
Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ cuối: Khi các nhà khoa học trải nghiệm cận tử
Các nhà khoa học, đặc biệt là bác sĩ, kể lại trải nghiệm cận tử của chính mình đều được đặc biệt chú ý bởi họ là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, uy tín, không dễ "cảm tính, cả tin"...

Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử: Kỳ 6: Trải nghiệm cận kề cái chết đánh đố khoa học

Những trải nghiệm "địa ngục, thiên đàng" của TS, Bác sĩ Rajiv Parti

Cách đây 15 năm, tiến sĩ - bác sĩ Rajiv Parti, trưởng khoa gây mê hồi sức của Bệnh viện Tim Bakersfield ở California (Mỹ), bị sa sút sức khỏe nghiêm trọng. Các xét nghiệm y khoa kết luận ông mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. 

Ông đã trải qua phẫu thuật loại bỏ khối u, nhưng căn bệnh hiểm nghèo này vẫn chưa chịu dừng hành hạ ông. Năm 2010, ông bị sốc nhiễm khuẩn và lại tiếp tục trải qua phẫu thuật. Chính lần này, ông đã có cuộc trải nghiệm cận tử sâu sắc mà không thể quên.

Kể lại trong cuốn sách Dying To Wake Up (Chết để thức tỉnh), tiến sĩ Rajiv Parti tự sự có thể nhớ lại chi tiết hành trình trải nghiệm cận tử của chính bản thân. Đầu tiên, ông thấy mình ở trên cao và chứng kiến ca mổ trên thân xác chính mình. Ông còn nhớ lời các bác sĩ phẫu thuật trao đổi và "tán dóc" với nhau. Sau đó, ông lại thấy mình tiếp tục đến một thế giới khác, nhớ lại một số kiếp sống của mình và gặp lại người cha đã mất từ lâu.

 

Bác sĩ người Ấn Độ Rajiv Parti hiện đang sống ở California. Ảnh: trithucvn

Viết sách, vị bác sĩ gốc Ấn Độ này kể trong lúc thân xác nằm trên bàn phẫu thuật thì nơi ông đến là "biên giới địa ngục". Ông đã nhìn thấy các khung cảnh u ám, đáng sợ, nhưng người cha đã ôm ông và đưa ông đến một đường hầm ánh sáng, rồi tiếp tục là hai thiên sứ xuất hiện dẫn ông đến một nơi trong sáng, an lành. Hai thiên sứ này nói cần chữa bệnh cho thân tâm của ông và khuyên ông nên thay đổi, sống nhân ái hơn với mọi người, với bệnh nhân của mình mà trước đó ông khi là bác sĩ điều trị hay cáu giận họ...

Những trải nghiệm "địa ngục, thiên đàng" của Eben Alexande

Một trải nghiệm cận tử khác cũng được rất nhiều người quan tâm là của tiến sĩ Eben Alexande, một chuyên gia phẫu thuật não uy tín ở Mỹ. Kể lại câu chuyện cận kề cái chết của mình, ông đã viết cuốn sách Proof of Heaven (Minh chứng thiên đàng) bán rất chạy ở cả Mỹ và nhiều nước khác gồm Việt Nam. 

Nên nhớ rằng Eben Alexander có hồ sơ khoa học rất uy tín. Ông học Đại học Bắc Caroline, chuyên ngành hóa năm 1976, sau tiếp tục học lên tiến sĩ ở Đại học y khoa Duke năm 1980. Vị tiến sĩ - bác sĩ này học tiếp nội trú của Đại học y khoa Duke, Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Đại học y khoa Harvard danh tiếng. Sau đó, Eben Alexande là nghiên cứu sinh giải phẫu não tại Anh, rồi trở thành phó giáo sư ngoại khoa của Đại học y khoa Harvard.

 

Tiến sĩ Eben Alexande

Năm 2008, ông Eben Alexande bị viêm màng não nghiêm trọng do E.coli gây hôn mê trong suốt một tuần. Các bác sĩ điều trị cho ông đã tư vấn gia đình nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian cho nhà khoa học này những trải nghiệm cận tử vô cùng đặc biệt mà ông đã viết rằng cuộc sống và thế giới quan của mình đã thay đổi hoàn toàn sau đó. Tuy nhiên, trải nghiệm của ông lại có điều khác biệt với trải nghiệm cận tử của nhiều người khác hay kể rằng gặp người thân đã mất, ý thức rõ được cái tôi của mình, xem lại được quá khứ.

Còn riêng với Eben Alexande không nhớ cái tôi của mình là ai, không được hội ngộ với người thân yêu đã khuất như những người khác. Thế giới kỳ lạ ông trải nghiệm là một thứ cảm giác "phi thời gian, phi biên giới" và vô tận đến nỗi ông thấy mình chỉ là "một điểm ý thức đơn độc giữa một đại dương bên ngoài giới hạn thời gian". 

Ông kể lại trong sách rằng cảm thấy bản thân mình "đi xuyên qua ánh sáng tuyệt đẹp, tới một thung lũng ngập tràn sự tươi tốt"... Ông thấy mình cũng như mỗi người khác đều có sự liên kết với mọi người, với vũ trụ bao la trong sự rộng mở của thấu hiểu và tình yêu thương. Một trải nghiệm đã làm thay đổi hoàn toàn nhà khoa học này sau khi ông tỉnh lại.

Là nhà nghiên cứu khoa học, tôi tin có thể giải thích phù hợp cơ chế sinh học. Các nhà thần kinh học đều đồng ý có chỗ cho khoa học và niềm tin trong cùng một cuộc nghiên cứu trải nghiệm cận tử. - Tiến sĩ Donn Dexter (thành viên Học viện Thần kinh Mỹ)

Say mê "âm nhạc thiên đàng" sau khi chết hụt

Tuy không nổi tiếng như Eben Alexande nhưng bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình Anthony Cicoria, của Bệnh viện Chenango Memorial, New York, Mỹ, cũng được các nhà nghiên cứu cận tử chú ý.

Ông sinh năm 1952, đến năm 1994 thì bị sét đánh trong chuyến đi dã ngoại cùng gia đình. Lúc đó, ông đang đứng gọi điện thoại cho mẹ ở bồn điện thoại công cộng trong khu Albany (New York) thì bị sét đánh trúng khiến tim ông ngừng đập. Người thân nghĩ ông đã không qua khỏi.

 

Bác sĩ Anthony Cicoria. Ảnh: KLTV

 

Kể lại trải nghiệm cận tử của riêng mình, bác sĩ Anthony Cicoria nói rằng khoảnh khắc bị điện giật ngã gục xuống, ông đã thấy mình tách ra khỏi thân xác vật chất để có thể thấy rõ cơ thể đang nằm đấy. Rồi ông có thể đi xuyên các vật cản như bức tường, cây cối để tới nơi phát ra ánh sáng xanh êm dịu trong sự háo hức về với Chúa... Sau đó, ông được cấp cứu tỉnh lại với cơ thể có nhiều vết bỏng.

Điều đặc biệt là sau lần đối diện với cái chết, ông tự dưng thay đổi tính cách với niềm đam mê sâu sắc âm nhạc piano cổ điển mà ông gọi là âm nhạc của thiên đường. Những giai điệu liên tục tuôn chảy vào tâm hồn để ông mua cây đàn piano đầu tiên và tập luyện, sáng tác âm nhạc để rồi được mời biểu diễn trong các dàn nhạc lớn, kể cả độc tấu piano những bản nhạc cổ điển nổi tiếng. 

Từ một người không hiểu biết về âm nhạc, bác sĩ Anthony Cicoria đã thật sự trở thành một nghệ sĩ piano đầy đam mê và tài năng khác thường sau lần bị sét đánh...

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước

Còn rất nhiều chuyện cụ thể về trải nghiệm cận tử từ những người dân lao động bình thường đến các nghệ sĩ, bác sĩ, nhà khoa học uy tín trên khắp thế giới. Và cũng đã có nhiều nghiên cứu khoa học về vấn đề này với những kết quả thu được ở mức độ nhất định. 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, câu hỏi lớn của loài người là liệu có cuộc sống khác, thế giới khác sau cái chết hay không thì vẫn tiếp tục là... câu hỏi mà khoa học chưa thể giải đáp xác đáng và vẫn đang trên hành trình đi tìm câu trả lời.

Lý do là dù có không ít cá nhân kể chuyện trải nghiệm cận tử của mình rằng đã gặp lại cha mẹ đã mất, đã thấy ánh sáng thiên đàng, xuống địa ngục..., nhưng thực tế cũng có rất nhiều người được cấp cứu tỉnh lại khẳng định hoàn toàn không biết, không nhớ gì hết khi cận kề cái chết. 

Lý do thứ hai là đến nay các kỹ thuật khoa học vẫn chưa có cách nào chứng minh chính xác được những chuyện kể trải nghiệm cận tử đầy ly kỳ và nhân văn là đúng hay không ngoài niềm tin về họ là chủ yếu. Các kỹ thuật và giải pháp y tế tới nay cũng không thể thực hiện thí nghiệm đưa người ta đến ngưỡng cận tử để tìm hiểu chính xác xem họ đã thấy gì...

Thực tế, nhân loại vẫn đang "chia phe" trong câu hỏi lớn ngàn đời của loài người sẽ về đâu sau khi chết. Cơ bản là có phe hoàn toàn tin rằng con người không hoàn toàn chết đi mà sẽ tiếp tục sống ở một hình thái khác, một thế giới khác nào đó; phe hoàn toàn không tin; và phe giữa, tức những người mà chủ yếu là các nhà khoa học, vẫn đang trên hành trình đi tìm câu trả lời.

Từ phương Đông đến phương Tây đều đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều nghiên cứu vấn đề này. Hy vọng loài người sẽ câu trả lời khoa học khả tín ở một thời điểm nào đó: chúng ta sẽ về đâu sau khi chết.

Theo T.trẻ

Tags: