Hãy tưởng tượng một cậu bé lên 5 vô tình vấp ngã vào phòng bố mẹ và ngạc nhiên thấy mẹ đang khóc. Thường ngày mẹ rất mạnh mẽ và sẽ sẵn sàng giúp đỡ cậu nếu cậu ngã. Giờ cậu cũng muốn làm điều gì đó để ngăn những giọt nước mắt của mẹ, nhưng bối rối không biết hành động ra sao (Bà khóc có thể vì món nợ, vì khoảng thời gian khó khăn ở công ty, hay vì cãi vã với đồng nghiệp – một đứa trẻ có lẽ còn quá nhỏ để có thể nắm bắt được tất cả những điều này). Vậy nên cậu dịu dàng hỏi mẹ có muốn uống nước không – thậm chí còn gợi ý xuống nhà lấy Ngài Thỏ Bông cho mẹ.
Theo logic, thôi thúc trong người sẽ khiến ta cố gắng thử mọi cách để giúp đỡ người khác. Hai người có thể sẵn sàng giúp đỡ nhau, nhưng lại đồng thời thiếu kĩ năng để truyền tải ý tốt của mình. Sau cùng thì họ có thể vì điều này mà cảm thấy bị cô lập, giận dữ và không được yêu thương.
Ta tự làm khó bản thân như thế vì ta quá chậm chạp trong việc nhận ra một hiện tượng khá kì lạ nhưng không thường được đề cập đến: Ý niệm về giúp đỡ ở mỗi người rất khác nhau. Chúng ta nghiễm nhiên áp dụng cách mình thường thích được xoa dịu cho đối phương. Tuy nhiên, thiện chí tốt, cách làm sai lại khiến cho người đó cảm giác như bị phớt lờ hoặc lăng mạ. Ta vội vàng cho rằng họ “ăn cháo đá bát” và thề rằng sẽ không bao giờ cố gắng đối tốt với họ nữa.
Vì vậy, trước khi muốn giúp đỡ, hãy cố gắng hiểu rõ rằng ta, và bạn đời, cần được yêu thương theo cách nào để có thể cảm nhận được sự chân thật.
1. Lắng nghe
Ta có thể là kiểu người khi buồn hay gặp khó khăn cần có người để kể ra ngay lập tức. Những điều ta kể có thể chẳng liên quan gì đến nhau. Hay ta có thể nói lại một điều vài lần là chuyện bình thường, hoặc bỏ qua nhiều đoạn để nhảy cóc gọn gàng tới hồi kết. Nhưng đó không phải là vấn đề, vì sau cùng, khi trải qua nhiều chuyện, thứ ta cần là được cùng nhau ngồi lại thật lâu và lắng nghe. Ta muốn bạn đời thể hiện họ đang thật sự quan tâm đến ta qua ánh mắt chứ không phải bằng lời nói suông, nhận ra sự tức giận, nỗi thất vọng trong ta, hay vào thời điểm thích hợp sẽ giục ta “Kể tiếp đi…” hoặc một lời động viên nho nhỏ khác.
Trong những tình huống như vậy, ta thường chẳng bao giờ muốn nhận được câu trả lời, lời giải đáp hay phân tích tình huống từ ai hết. Ta không cần họ vạch ra giúp một vài kế hoạch rồi hối thúc ta thực hiện, cũng chẳng cần họ phải nhanh chóng đáp lại ta để giữ cuộc nói chuyện không bị im lặng quá lâu. Tất cả những gì ta muốn là họ ngồi nghe bởi vấn đề thật sự mà ta cần được giúp đỡ không phải là một vấn đề cụ thể nào (như là vé gửi xe, anh chị em chồng/vợ, hay bưu kiện vẫn chưa được chuyển đến). Đó là cảm giác mà những người mới gặp không thể nào đặt họ vào địa vị của ta mà hiểu được. Có lẽ có nguyên nhân cho điều này: bố mẹ ta có thể là những người có đầu óc thực tế, bận rộn và thành công nhưng vì một lẽ nào đó khá cộc cằn trong cách họ bắt ta ra quyết định để giải quyết một vấn đề. Lúc này ta cảm nhận được rằng mình bị bắt đưa ra giải pháp tức thời chẳng qua là do cha mẹ không muốn lắng nghe vấn đề của ta thêm nữa. Đó là lí do việc được lắng nghe là cốt, là bản chất của tình yêu.
2. Đưa ra giải pháp
Lại một lần nữa, ở một khía cạnh khác, tình yêu sẽ không đem lại cảm giác chân thật trừ khi nó song hành cùng với những giải pháp quý giá và được xây dựng dựa trên thực tiễn. Sự cảm thông hời hợt chẳng có giá trị gì hết. Ta muốn được nghe các lời khuyên về việc nên hành động tiếp như thế nào, chiến lược nào là khả dụng, ta có thể gọi điện hỏi ai và làm sao nhận được câu trả lời. Thật tốt biết bao nếu người khác nói rằng họ có thể cảm nhận được nỗi đau của ta. Tình yêu chính là một tờ giấy với những gạch đầu dòng ý tưởng được viết tay bởi nửa kia.
Thêm vào đó, ta có lẽ sẽ không phản đối nếu nửa kia là người có thể hỗ trợ ta về mặt tài chính. Thời gian mà người đó dành cho ta chỉ là một phần. Ta có thể muốn người kia trả tiền thuê một kế toán hay luật sư, hay mời ta đi ăn ở một nhà hàng đắt đỏ. Sau thuở ấu thơ với gia cảnh không được vững mạnh về tài chính, để có thể cảm nhận sự giúp đỡ, ta không còn an tâm chỉ dựa vào những lời người khác nói mà phải cậy đến những tờ hóa đơn. Ta nhớ lúc ta vui khi một người họ hàng lớn tuổi tặng ta một món quá đã được chọn lựa cẩn thận khi ta lên chín mà lại phải ở trong viện do bị ngã. Người đó không nói chyện với ta nhiều (có lẽ vì họ ngượng) nhưng hành động này thật sự đã lay động ta. Ta chắc chắn rằng họ là người tốt – như thể đây là lần đầu tiên ta phát hiện ra điều đó – khi ta biết món quá giá bao nhiêu.
3. Truyền tinh thần lạc quan
Khi ta thủ thỉ những đau buồn của mình, có khi ta chỉ thèm muốn được nghe câu “Tất cả rồi sẽ ổn thôi”. Ta chẳng nề hà một chút phóng đại trong câu nói đó. Sự thất vọng có thể ập xuống khiến ta khó chịu và muốn buông xuôi. Nhưng với ta, tình yêu là một loại hi vọng.
4. Cùng bi quan
Có những người, tinh thần lạc quan lại là thứ khiến ta nổi đóa. Điều làm ta bình tĩnh lại là một cuộc dạo bộ trầm lặng trong khi suy ngẫm về các khía cạnh của những điều tồi tệ. Ta không muốn cô đơn trong những nỗi sợ. Ta mong muốn có ai đó cùng khám phá những kịch bản tồi tệ nhất với hi vọng đầy u ám rằng mình sẽ có thể bình tĩnh trở lại. Chỉ khi người kia sẵn sàng hùa theo những phân tích đầy khó chịu của ta thì ta mới an tâm rằng ta đang không hề bị kiểm soát bới thứ cảm xúc chai sạn, mà đang được dẫn dắt bởi một người đủ chân thành để nhận thấy mối nguy hiểm, hay lo lắng về hiểm họa đó giống ta – và có lẽ sẽ gắn bó với ta ngay cả khi ta bị bỏ tù.
5. Âu yếm
Âu yếm nghe có vẻ vụn vặt tầm thường, nhưng với ta đó là bằng chứng chân thật nhất của tình yêu. Đầu tiên ta cần ai đó trấn an, giữ ta thật chặt trong vòng tay, bình lặng, trong khi ta nhắm mắt cảm nhận cái ôm vững chắc đó. Có thể đối với người trưởng thành lớn tuổi, giúp đỡ là để gắn kết với phần nhận thức bên trong, nhưng với ta, cảm nhận xúc giác là liều thuốc xoa dịu. Ta nhớ lại những kỉ niệm thuở ấu thơ. Cha mẹ ta luôn rất uyên bác và biết rằng một đứa trẻ đang buồn không muốn bị giảng cho một bài. Vì vậy họ sẽ nằm xuống ngay cạnh ta, ôm ấp, vỗ về ta và luồn đôi bàn tay mềm ấm qua mái tóc.
Điều không may là ở chỗ ta có thể dễ khiến người khác bực bội nếu ta không biểu đạt tình yêu đúng cách – và tương tự, ta cũng có thể bị xúc phạm khi nỗ lực của ta không được trân trọng. Dù là cho đi sự lạc quan hay bi quan, cái ôm âu yếm hay tài chính, tất cả sẽ không được người nhận cho là một hành động xuất phát từ lòng tốt, mà có khả năng trở thành lời lẽ xúc phạm đối phương.
Nhận biết những cách giúp đỡ khác nhau ít nhất sẽ đưa cho ta một vài dấu hiệu cảnh báo để tránh được hiểu lầm. Thay vì giận dữ với nỗ lực vụng về (đôi khi còn sai hướng) của người yêu, ta có thể hiểu người bạn đồng hành ngốc xít này thực tế đang nỗ lực cư xử tốt.
Có lẽ, tình yêu sẽ luôn thăng hoa khi hai người vẫn luôn tiếp tục giữ lửa, cố gắng biểu đạt mong muốn thành sự giúp đỡ thực sự, dựa trên tâm lí học và lịch sử xã hội loài người.
Trạm Đọc
Theo The Book of Life