Khi được một ai đó ban đặc ân, chúng ta sẽ trở nên thiên vị bất cứ điều gì liên quan đến họ
Khi được một ai đó ban đặc ân, chúng ta sẽ trở nên thiên vị bất cứ điều gì liên quan đến họ
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mâu thuẫn lợi ích chính là khuynh hướng “đền đáp ân huệ” cố hữu trong mỗi chúng ta.
Bản chất của dối trá - Tái bản
(1 lượt)

Con người là giống loài mang đặc điểm xã hội sâu sắc, nên mỗi khi có ai đó đưa tay giúp đỡ ta hay xuất hiện với một món quà, chúng ta sẽ cảm thấy như mình mang ơn họ. Cảm giác đó có thể làm thiên lệch cách nhìn nhận, và khiến chúng ta muốn tìm cách giúp đỡ họ trong tương lai.

Trong số những nghiên cứu thú vị nhất về sức ảnh hưởng của ân huệ, phải kể đến công trình do Ann Harvey, Ulrich Kirk, George Denfield và Read Montague tiến hành (khi họ còn theo học trường Cao đẳng Y khoa Baylor). Trong nghiên cứu trên, Ann cùng các đồng sự đã tìm hiểu xem liệu ân huệ có ảnh hưởng đến thị hiếu thẩm mỹ hay không.

Khi người tham gia nghiên cứu tập trung tại phòng thí nghiệm sinh học thần kinh trường Baylor, họ được yêu cầu đánh giá các tác phẩm từ hai phòng triển lãm; “Mặt trăng thứ Ba”, và “Con sói Cô độc”. Người tham gia cũng được thông báo rằng các phòng tranh sẽ mạnh tay trả thù lao cho họ trong thí nghiệm này. Một số người hay tin rằng phòng tranh “Mặt trăng thứ Ba” đã tài trợ cho khoản thù lao, trong khi số khác lại nghĩ đó là “Con sói Cô độc.” Cùng với thông tin trên, người tham gia bắt đầu bước sang phần chính của cuộc thí nghiệm. Từng người một được yêu cầu đứng bất động càng lâu càng tốt trước một máy quét ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI – functional magnetic resonance imagining), một cỗ máy lớn với hốc hình trụ nằm giữa. Sau khi yên vị trong lòng khối nam châm khổng lồ, họ bắt đầu xem qua một loạt 60 bức tranh (mỗi lần một bức). Toàn bộ số tranh này đều thuộc về các họa sĩ phương Tây từ thế kỷ XIII đến XIX, với phạm vi thể loại trải rộng từ nghệ thuật tượng trưng đến trừu tượng. Nhưng 60 bức tranh còn phản ánh một thông tin khác. Gần góc trên bên trái của mỗi bức đều được gắn logo nổi bật của phòng tranh nơi mọi người có thể tìm mua chúng - đồng nghĩa người tham gia sẽ nhận ra một số bức tranh đến từ phòng triển lãm tài trợ cho cuộc thí nghiệm, và một số bức khác đến từ phòng tranh còn lại. 

Khi phần thí nghiệm máy quét kết thúc, mỗi người tham gia tiếp tục được yêu cầu quan sát số tranh có gắn logo trên một lần nữa; nhưng lần này, họ sẽ phải đánh giá mỗi bức tranh theo thang điểm từ “thích” đến “không thích”.

Với kết quả đánh giá trong tay, Ann và đồng sự của cô có thể so sánh xem những bức tranh nào được người xem ưa thích hơn – của phòng tranh “Mặt trăng thứ Ba” hay “Con sói Cô độc.” Như bạn có thể đoán, khi các nhà nghiên cứu xem xét bảng điểm, họ phát hiện người tham gia đã cho điểm cao hơn đối với những bức tranh đến từ phòng triển lãm tài trợ cho họ.

Bạn có thể nghĩ rằng sự ưa thích của người xem dành cho phòng tranh tài trợ chỉ là phép lịch sự thông thường – hoặc có thể chỉ là phép xã giao, như khi chúng ta dành lời khen cho người bạn mời ta dùng bữa tối, dù đó chỉ là những món ăn xoàng xĩnh. Đây chính là lúc chiếc máy fMRI thể hiện phần vai trò của nó trong thí nghiệm. Hãy cứ cho rằng thói cả nể nói trên có ảnh hưởng sâu sắc, nhưng ngay cả kết quả chụp não cũng cho thấy hiệu ứng tương tự; cụ thể, sự xuất hiện của logo nhà tài trợ đã kích thích hoạt động của phần não bộ quyết định cảm giác yêu thích của người tham gia (đặc biệt là thùy giữa vỏ não trước trán – phần não bộ phụ trách hoạt động tư duy bậc cao, bao gồm các mối liên hệ và ý nghĩa). Điều này cũng chứng minh rằng đặc ân từ phòng tranh tài trợ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cách người xem phản ánh tác phẩm hội họa. Và hãy nhớ rằng: khi người tham gia được hỏi “liệu logo của nhà tài trợ có ảnh hưởng chút nào đến thị hiếu nghệ thuật của họ không thì tạo hóa đã lên tiếng: “Không, hoàn toàn không”

Bên cạnh đó, những người tham gia còn được nhận số tiền khác nhau cho khoảng thời gian họ dành cho thí nghiệm. Một số nhận được 30 đô-la từ phòng tranh tài trợ, trong khi số khác nhận được 100 đô-la. Ở mức cao nhất, người tham gia sẽ được trả đến 300 đô-la. Kết quả cho thấy: sự thiên vị dành cho phòng tranh tài trợ cũng tương đương với khoản tiền họ nhận được. Cường độ hoạt động của não bộ tại các tâm não quyết định sự yêu thích đạt mức thấp nhất khi thù lao là 30 đô-la, cao hơn khi thù lao tăng lên 100 đô-la, và cao nhất khi số tiền chạm mức 300 đô-la.

Kết quả trên đã chứng minh rằng một khi ai đó (hoặc tổ chức nào đó) ban đặc ân cho chúng ta, chúng ta sẽ dần trở nên thiên vị bất cứ điều gì liên quan đến họ – và mức độ thiên vị cũng tăng dần theo tầm quan trọng của đặc ân ban đầu (trong trường hợp này là số tiền thù lao). Thật thú vị khi ân huệ về tiền bạc lại có thể ảnh hưởng đến thị hiếu nghệ thuật của ai đó, đặc biệt nếu ân huệ này (trả tiền cho những người tham gia nghiên cứu) chẳng liên quan gì đến các tác phẩm hội họa, vốn được sáng tác độc lập với các phòng tranh. Càng thú vị hơn khi người tham gia biết rằng họ sẽ được phòng tranh trả thù lao bất chấp kết quả đánh giá các tác phẩm ra sao, nhưng lại để khoản thù lao đó làm phát sinh tính cả nể, và lôi kéo thị hiếu của họ.

- Đoạn trích từ cuốn sách “Bản chất của dối trá” của tác giả Dan Ariely

 

Tags: