Khám phá bí ẩn của những loài động vật
Khám phá bí ẩn của những loài động vật
Bộ sách khoa học thường thức giúp bạn đọc khám phá thế giới bí ẩn của bạch tuộc, hải ly và chim chóc đến từ các môi trường sống khác nhau.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương - Giám đốc Marketing Phương Nam Books - cho biết nếu như thời gian trước, các dòng sách đa dạng, phong phú theo chiều rộng, thì trong năm 2022, nhiều chủ đề sách sẽ mang tính chiều sâu hơn.

 “Chúng ta sẽ được tiếp cận những tựa sách chuyên biệt, phục vụ nhu cầu tìm hiểu sâu của bạn đọc. Bộ sách gồm ba cuốn: Chim chóc chưa bao giờ ngốc, Tâm tư của bạch tuộc, Đế chế hải ly thoạt nghe sẽ tưởng là sách thường thức về động vật, nhưng lại được viết bằng văn phong dí dỏm cùng cách tiếp cận thú vị và thi vị”, bà Hoàng Phương chia sẻ.

Theo đó, bộ sách này sẽ đưa độc giả lặn sâu vào ý thức của bạch tuộc, tiến hành giải mã bộ não thiên tài của loài chim và khám phá khúc tráng ca về hải ly. Ba tác phẩm khoa học với giọng văn mạch lạc mang đến những chuyến phiêu lưu trên từng trang sách.

Bộ sách khoa học thường thức về động vật gồm ba cuốn. Ảnh: Thu Huệ.

Vai trò của hải ly

Vốn bản tính nghịch ngợm, hải ly bị “đồn thổi” là loài gặm nhấm gây hại bậc nhất nước Mỹ và cũng là đối tượng thường bị các thợ săn truy lùng. Nhưng ít ai biết chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cảnh quan sinh thái.

Ben Goldfarb là nhà báo môi trường. Ông viết câu chuyện về vai trò của loài hải ly đối với hệ sinh thái qua cuốn Đế chế hải ly. Ông cho rằng việc khai thác lông thú đã làm loài hải ly biến mất ở các con sông và hồ nước trên khắp Bắc Mỹ.

Ben Goldfarb đưa người đọc chu du khắp các vùng hoang dã của Mỹ chỉ để chứng minh rằng loài gặm nhấm này là những “kỹ sư xây đập hàng đầu”. Những công trình của hải ly giúp trữ nước, kiến tạo đồng lầy, ngăn chặn lũ lụt, cháy rừng và mang đến môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật khác.

Đế chế hải ly là câu chuyện về một trong những loài động vật có ảnh hưởng nhất đến tự nhiên, đồng thời, cuốn sách nói về cách muôn loài có thể học cách sống chung và làm lợi cho nhau như những người bạn đồng hành trên cùng một Trái Đất.

Tờ Washington Post nhận xét đây là “chuyên luận kiệt tác về thế giới tự nhiên”. Trong khi đó, trang Pulisher Weekly nói cuốn sách mang đến một “bức chân dung trìu mến về loài gặm nhấm cứng đầu”.

Tác phẩm đoạt giải thưởng "PEN American Center Litarary" và trở thành một trong 50 tác phẩm phi hư cấu đáng chú ý (theo bình chọn của Washington Post), lọt danh sách những cuốn sách khoa học được yêu thích nhất năm 2018 (theo Science News) và top 10 cuốn sách khoa học - công nghệ hay nhất năm 2018 (theo Booklist).

Sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc. Ảnh: Thu Huệ.

Giải mã bộ não của loài chim

Jennifer Ackerman là cây bút chuyên viết về khoa học, tự nhiên, sinh vật học với 30 năm kinh nghiệm. Bà viết cho nhiều tạp chí và báo uy tín, trong đó có National GeographicNew York Times.

Bà đã du hành nhiều nơi trên thế giới để khảo cứu và chứng minh rằng những loài chim có bộ não tuyệt vời hơn chúng ta tưởng. Nhiều loài còn thông minh ngang linh trưởng và ngay cả con người. Cuốn Chim chóc chưa bao giờ ngốc giải nghĩa cho điều đó. Tác phẩm nằm trong danh sách best-seller của New York Times.

Chim chóc thường bị xem là loài vật kém thông minh vì bộ não nhỏ xíu. Thế nhưng, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh chim chóc có trí tuệ điêu luyện, hơn rất nhiều so với những gì con người tưởng tượng.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả Jennifer Ackerman phơi bày trước mắt người đọc nhiều năng lực thần kỳ của loài chim, từ khả năng toán học, âm nhạc, ngôn ngữ đến khiếu thẩm mỹ đặc biệt.

“Não chim có lẽ nhỏ, nhưng rõ ràng là ‘có võ’. Chim chóc đã tồn tại trong hơn 100 triệu năm. Chúng là một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của tự nhiên, phát minh ra những chiến lược sinh tồn mới, kiểu khôn khéo đặc trưng của riêng chúng mà ít nhất ở một số khía cạnh, dường như vượt xa sự khôn khéo của loài người”, tác giả viết.

Jennifer Ackerman nghiên cứu và chứng minh những phát hiện đột phá nhất về loài chim trên thế giới. Bà không chỉ miêu tả những đặc điểm thiên tài của chim, mà còn đào sâu vào những khám phá mới nhất về trí não của loài này.

Với giọng văn kể chuyện hấp dẫn, thú vị, tác giả đưa người đọc qua hai thập kỷ nghiên cứu về chim. Cuốn sách không chỉ là một tác phẩm đáng đọc về loài chim mà còn là sự ngợi ca về tính đa dạng và bí ẩn của thế giới mà con người đang sống.

Tờ Wall Street Journal nhận xét cuốn sách có sự khiêu khích người đọc và là một “chuyên luận mang tính cách mạng thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của chúng ta về khả năng nhận thức của loài chim”.

Sách Tâm tư của bạch tuộc. Ảnh: Thu Huệ.

Tâm tư của bạch tuộc

Từ truyền thuyết, văn học đến phim ảnh, bạch tuộc thường bị khắc họa như những quái vật hung tợn, đại diện cho thế lực xấu. Nhà tự nhiên học Sy Montgomery đã viết cuốn Tâm tư của bạch tuộc với mong muốn mở ra góc nhìn mới về loài thân mềm này.

Để thực hiện cuốn sách, bà kết bạn với những con bạch tuộc có tính cách đặc biệt ấn tượng như Athena hiền lành, Octavia quyết đoán, Kali hiếu động và Karma vui vẻ. Mỗi sinh vật ấy đều thể hiện trí thông minh theo nhiều cách.

Sy Montgomery đã ghi lại sự trân trọng ngày càng sâu đậm của mình đối với loài động vật thân mềm này bằng cách kể một chuyện tình độc đáo.

Hài hước, giải trí, nhưng cảm động và sâu sắc, Tâm tư của bạch tuộc mang đến những bài học thú vị mà loài bạch tuộc có thể dạy chúng ta và cuộc gặp gỡ giữa hai cá thể khác biệt.

Tờ Times Literary Supplement nhận xét cuốn sách “mở ra thế giới đầy nước, nơi trí thông minh của động vật được vẽ bằng thứ ánh sáng lấp lánh đến nỗi tôi khó lòng rời khỏi để trở về đất liền khô ráo”.

Tác phẩm được vào vòng chung khảo National Book Award năm 2015 và lọt danh sách best-seller của New York Times cùng nhiều danh hiệu như: Cuốn sách phi hư cấu nổi bật của năm, sách công nghệ - khoa học của năm…

Theo Zing News

Tags: