Lịch sử giải thưởng
Những năm cuối của thế kỷ 19, Joseph Pulitzer được coi là hiện thân của nền báo chí Mỹ. Sinh ra tại Hungary, với bản tính nồng nhiệt, sôi nổi, bất khuất, ông được nhắc tới như một nhà báo tài hoa nhất, một người nhìn xa trông rộng, một thành viên đầy nhiệt huyết chống lại chính phủ không trung thực, những kẻ hiếu chiến. Ông là người đầu tiên kêu gọi đào tạo phóng viên trình độ Đại học tại các trường chuyên ngành báo chí. Không chỉ với báo chí, Pultizer còn có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực khác như văn học, âm nhạc và kịch nghệ.
Năm 1904, Pulitizer viết di chúc và lập ra 4 giải thưởng chính cho báo chí, 4 cho văn học và kịch nghệ, một cho giáo dục và 4 học bổng du học. Giải thưởng văn học đã được giành cho một tiểu thuyết Mỹ, một vở kịch Mỹ đã trình diễn tại New York, một cuốn sách về lịch sử nước Mỹ, một cuốn tiểu sử về một người Mỹ và một lịch sử ngành báo chí. Ông đã lập nên các hội đồng tư vấn với mục đích thận trọng hơn trong việc đưa ra nhận xét và quyết định trao giải thưởng. Hội đồng này có quyền không trao giải nào nếu các tác phẩm tham không đạt tiêu chuẩn. Sau khi giải thưởng được lập ra năm 1917, hội đồng đã đổi tên thành Hội đồng giải thưởng Pulitzer và tăng số lượng lên tới 21 giải. Các lĩnh vực mới được đề cử gồm thơ, nhạc và nhiếp ảnh.
Năm 1943, âm nhạc đã được thêm vào danh mục các giải thưởng. Giải thưởng không chỉ dành cho các tác phẩm nhạc cổ điển mà còn bao gồm nhạc Jazz. Năm 1997, trong lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Pultizer, hội đồng đã ghi nhận vai trò quan trọng của báo chí trực tuyến mạng. Pulitzer được coi như một giải quốc gia danh giá nhất và là nguồn cổ vũ lớn lao cho các nhà báo, nhà văn và nhạc sĩ. Tuyên bố chính thức về giải thưởng diễn ra vào tháng 4 hằng năm. Giải thưởng được trao bởi hiệu trưởng trường Đại Học Columbia. Pulitzer đã trao cho ĐH Columbia $2,000,000 để thành lập Trường Báo chí và một phần tư số tiền sẽ được dành để trao giải thưởng hoặc học bổng khuyến khích cho các dịch vụ công chúng và đạo đức công chúng, văn học Mỹ và sự cải cách giáo dục. Pulitzer viết “Tôi thực sự quan tâm và dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp này, coi nó như một nghề cao cả có ảnh hưởng lớn đến nhận thức và đạo đức của con người…”
JOSEPH PULITZER, 1847–1911
Joseph Pulitzer sinh ngày 10 tháng 4 năm 1847 tại Mako, Hungary. Ông là con trai của một thương gia giàu có, mang dòng máu Magyar-Jewish. Mẹ là người Đức, một người công giáo La Mã sùng đạo. Sau đó gia đình ông đến Budapest và ông lớn lên ở đó. Tại đây, ông được học trong các trường tư và được gia sư giảng dạy. Năm 17 tuổi, Joseph quyết định trở thành người lính và tòng quân cho quân đội Áo, đã từng là lính lê dương của Pháp làm nghĩa vụ tại Mexico và lính quân đội Anh tại Ấn Độ. Sau đó, ông phục viên do sức khỏe yếu và mắt kém. Đây cũng là điều làm ông phiền muộn trong suốt những năm cuối cuộc đời. Tuy nhiên, tại Hamburg Đức ông vẫn tham gia phục vụ tại quân đội Mỹ, chịu trách nhiệm về tiền thưởng nhập ngũ và đăng ký lính dự bị cho quân Mỹ. Pulitzer thành thạo tiếng Đức và Pháp nhưng nói tiếng Anh không nhiều. Sau đó, ông đến St. Louis làm rất nhiều nghề như người dắt la, khuân vác hành lý, bồi bàn.
Thời gian sau đó ông theo học tiếng Anh và Luật. Say mê nghiên cứu, ông thường đắm mình trong thư viện Mercantile và cơ hội nghề nghiệp lớn nhất của đời ông đến một cách đặc biệt trong phòng đánh cờ của thư viện này. Quan sát chơi cờ, ông phê bình một cách lém lỉnh các bước đi và cả người chơi. Thực sự ấn tượng và bị thu hút bởi Pulitzer, những người chơi cờ chính là các biên tập viên của các tờ báo tiếng Đức hàng đầu Westliche Post đã mời Pulitzer làm việc. 4 năm sau đó, năm 1872, chàng trai trẻ Pulitzer đã xây dựng được danh tiếng của một nhà báo làm việc không mệt mỏi. Ông được mời làm chủ bút của một tờ báo đang trên bờ vực phá sản. Ở độ tuổi 25, Pulitzer trở thành một chủ bút và theo sau đó là hàng loạt các hợp đồng làm ăn.
Năm 1878, ông là chủ sở hữu của tờ St. Louis Post-Dispatch và trở thành một nhân vật thường xuyên được nhắc tới trong giới báo chí. Cùng năm đó, ông kết hôn với Kate Davis một phụ nữ Washington điển hình về hoạt động xã hội trong một nhà thờ tin lành. Từ một người Hungary nhập cư trẻ tuổi ông đã trở thành một công dân Mỹ, một phát ngôn viên, một cây bút và một biên tập viên thành thạo tiếng Anh. Mang một vẻ hào hoa phong nhã, râu nâu đỏ và cặp kính kẹp mũi, ông hòa nhập một cách dễ dàng với xã hội St.Louis với những buổi tiệc tùng, cưỡi ngựa trong công viên. Lối sống này đã dừng lại khi ông là chủ sở hữu của St. Louis Post-Dispatch. Ông làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm và có thể muộn hơn.
Các bài viết của Pulitzer nhằm vào các bê bối chính phủ, chính sách với ngòi bút của nhà chủ nghĩa dân túy sắc nhọn và hiệu quả. Pulitzer đã làm việc quá sức và sức khỏe, thi lực của ông suy giảm. Trong chuyến đi tới New York năm 1883, ông gặp Jay Gould, một nhà tài chính. Họ đã thương lượng về việc mua tờ New York World. Ông đã thuê thêm một số kỹ thuật viên như ê kíp tờ Post-Dispatch. Bộ máy ông tạo nên làm việc rất hiệu quả với ấn bản của tờ The World đã lên tới 600,000 và trở thành tờ báo lớn nhất. Ông vô tình trở thành nạn nhân của cuộc tranh đấu phát hành báo chí. Sức khỏe của Pulitzer suy giảm nghiêm trọng vào tuổi 43 nên ông đã rút lui khỏi vị trí biên tập viên của tờ The World, tuy nhiên vẫn duy trì sự quản lý cần thiết với định hướng kinh doanh của tờ báo. Tờ The World sau đó đã trở thành tiếng nói thuyết phục trên nhiều vấn đề của Đảng Dân Chủ. Ông khẳng định nền Cộng Hòa và báo chí sẽ thăng trầm cùng nhau. Pulitzer được hoan nghênh cho những vinh quang chiến đấu vì tự do của báo chí. Năm 1912, một năm sau khi Pulitzer qua đời, trường Báo Chí Columbia được thành lập, và giải thưởng Pulitzer lần đầu tiên được trao năm 1917.
Giải thưởng Pulitzer
Hơn 2,000 ứng viên được đề cử mỗi năm tranh giải thưởng Pulitzer song chỉ có 21 giải được trao. 120 ban giám khảo sẽ làm việc trong cả năm để đưa ra 3 đề cử cho mỗi lĩnh vực (giải thưởng được trao cho 20 lĩnh vực khác nhau)
Trước ngày 1 tháng 2, văn phòng quản lý đặt tại trường Báo Chí Columbia sẽ nhận được các đề cử báo chí. Đầu tháng 3, 77 biên tập viên, nhà xuất bản, nhà văn, nhà giáo dục họp tại Trường Báo chí để đánh giá các bài viết trong 14 danh mục báo chí. Số thành viên giám khảo tăng lên do số lượng các ứng cử tăng. Giải thưởng cho hoạt họa được đưa vào danh mục giải thưởng năm 1922 và nhiếp ảnh năm 1942. Năm 1968, danh mục được chia ra thành tin vắn và biếm họa. Giải thưởng cho thơ có từ năm 1922, cho văn xuôi năm 1962. Kịch được trao giải có thể là các vở được trình diễn tại New York hay các rạp địa phương. Gám khảo âm nhạc thường gồm 3 sáng tác gia và một phê bình cùng làm việc tại New York.
Khâu cuối cùng của cuộc thi hằng năm khởi động từ đầu tháng 4, hội đồng sẽ họp tại Pulitzer World Room của trường Báo Chí Columbia. Trong những tuần đầu, hội đồng đọc những bài báo đề cử, 15 sách đề cử, nghe nhạc, đọc kịch bản và tham dự các buổi biểu diễn hoặc xem video nếu có thể. Lĩnh vực đầu tiên được thảo luận là văn học và âm nhạc. Hội đồng sẽ xem xét các đề cử trong 2 ngày để chọn ra 3 đề cử không xếp theo thứ tự được yêu thích. Sau đó, giải thưởng được quyết định theo số đông bầu chọn. Hội đồng cũng có quyền bầu “ không giải thưởng” hoặc bầu chọn 3 phần 4 để chọn một đề cử. Nếu hội đồng thấy không đề cử nào thoả mãn yêu cầu thì có gọi điện hỏi trực tiếp quản trị viên.
Yêu cầu bảo mật đối với các đề cử được thực hiện một cách nghiêm túc cho tới khi giải thưởng được công bố một tuần sau cuộc họp tại phòng World Room. Tên 3 người đạt giải trên mỗi danh mục sẽ được công bố ngày hôm đó. Huy chương vàng được trao bao gồm giải thưởng $10,000. Quỹ giải thưởng ban đầu được gây dựng bởi đầu tư từ số tiền thừa hưởng ban đầu và sau đó là các khoản bổ sung như $50 tiền lệ phí ứng cử. Các thành viên hội đồng giải thưởng Pulitzer và giám khảo nhà báo không nhận trợ cấp. Các giám khảo về văn học, âm nhạc và kịch nghệ do đóng góp cả một năm dài làm việc nhận một khoản danh dự là $2,000. Không giống như các giải thưởng khác như Nobel, người thắng cuộc nhận giải từ hiệu trưởng trường ĐH Columbia tại một bữa tiệc trưa đơn giản trước sự chứng kiến của gia đình, các nhà chuyên môn, thành viên hội đồng và khoa Báo chí. Hội đồng từ chối các lời đề nghị đưa lên ti vi nhân dịp này.
Nguyễn Cảnh Bình dịch