Hội nhà văn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vui mừng chào đón hai tân chủ tịch mới
Hội nhà văn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vui mừng chào đón hai tân chủ tịch mới
Đại hội diễn ra vào nửa đầu tháng 1 năm 2021 của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh đã chọn ra những tân Chủ tịch tài năng và nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển mạnh mẽ và vững bền của văn học Việt.

Nhà văn Bích Ngân giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh

Trong hai ngày 14 và 15-1, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội lần thứ 8, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã bầu nhà văn Bích Ngân giữ chức Chủ tịch hội; hai Phó Chủ tịch là nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà văn Trầm Hương.

Trong thời gian qua, các nhà văn, nhà thơ thành phố đã có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật mang bản sắc đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng. Hầu hết tác giả, tác phẩm văn học của thành phố bắt nguồn cảm hứng từ đời sống thực tế và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; sách viết về cuộc sống đương đại, truyền thống cách mạng, về lịch sử dân tộc chiếm tỷ lệ cao. Nhiều tác giả đã quan tâm hơn đến yếu tố thị trường, nỗ lực sáng tạo, đổi mới cách viết phù hợp với đời sống hôm nay.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành (BCH) gồm 11 thành viên. Trong phiên họp đầu tiên, BCH đã bầu nhà văn Bích Ngân giữ chức Chủ tịch hội; hai Phó Chủ tịch Hội là nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà văn Trầm Hương. Ngay sau lễ ra mắt BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã xin rút khỏi BCH vì lý do cá nhân và đã được đại hội biểu quyết đồng ý. 

BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa 8 ra mắt đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của BCH Hội Nhà văn thành phố khóa 7. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, BCH khóa mới cần có kế hoạch kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chi hội, Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhằm khuyến khích, động viên, tạo cảm hứng sáng tạo trong các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và nghệ thuật của thành phố, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vận động nhiều hơn nữa các tác phẩm viết về kết quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong văn học, góp phần nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo trong đội ngũ hoạt động của Hội Nhà văn thành phố…

Nhà thơ Trần Gia Thái là tân Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Ngày 10-1, Đại hội XIII nhiệm kỳ 2020-2025 Hội Nhà văn Hà Nội đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 550 đại biểu trong số 736 hội viên toàn thành phố.

Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội quy tụ những cây bút tiêu biểu của Thủ đô.

Nhiệm kỳ mới với chủ đề Văn học Thủ đô với việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội trong thời kỳ mới, Hội Nhà văn Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp, tập hợp, đoàn kết tài năng. Theo đó, Hội sẽ đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng giải thưởng, tổ chức các cuộc thi văn học về đề tài Hà Nội, lập Quỹ sáng tác Hà Nội, thành lập Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Hà Nội, nâng cao chất lượng website, bồi dưỡng cây bút trẻ...

Đại hội đã thống nhất bầu Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XIII (2020-2025) gồm 9 thành viên. Trong đó, nhà thơ Trần Gia Thái được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội, 3 Phó Chủ tịch là: Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà văn Y Ban và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.

Nhà thơ Trần Gia Thái trở thành Chủ tịch mới của Hội Nhà văn Hà Nội

Phát biểu tại đại hội, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh: Để ngày càng phát triển và trở thành một Hội nòng cốt của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, từng bước đưa nền văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển xứng với vị thế và tầm vóc của mảnh đất văn hiến và Anh hùng, Hội Nhà văn Hà Nội cần quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học trong thời kỳ mới; cổ vũ hội viên sáng tạo những tác phẩm có chất lượng về tư tưởng, nghệ thuật, nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị cao quý, truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội; vận động xã hội hóa trong việc đầu tư sáng tác, công bố, xuất bản, phổ biến các tác phẩm văn học có giá trị; đẩy mạnh giao lưu quốc tế và phát triển đội ngũ trẻ...

Trạm Đọc / tổng hợp theo Báo Hà Nội Mới, Báo Nhân Dân

 

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Haruki Murakami áp lực khi dẫn radio trực tiếp

Alpha Books khai trương nhà sách chi nhánh Vinh và tổ chức sự kiện tọa đàm "Nghệ An trong lịch sử"

Lì xì sách - Nét văn hóa mới cho một Tết Văn Minh

Tags: