Hồi ký Andersen - Người tháo bỏ đôi giày hạnh phúc
Hồi ký Andersen - Người tháo bỏ đôi giày hạnh phúc
Gọi là hồi ký đời ông nhưng nó giống hơn với một tập sách để ông bày tỏ niềm cảm kích với tất cả những ân nhân và những người bằng hữu tri kỷ ông đã tương ngộ trên đường đời.
Hồi ký Andersen - Chuyện Đời Tôi
(7 lượt)

Ngày xửa ngày xưa, một nàng thị nữ được thần Hạnh phúc giao cho một đôi giày sung sướng, mà cứ hễ ai xỏ vào thì người ấy sẽ được sống trong bất cứ hoàn cảnh nào mình ao ước, để con người ấy có thể sung sướng ít nhất một lần trong cuộc đời mình.

 Người thứ nhất xỏ vào nó, ông ao ước trở về thời vua Hans vàng son, nhưng ai ngờ thời ấy chẳng có điện đường, phố xá thì bùn lầy, không có xe ngựa, mà cũng làm gì có nhà ông ở đó. Người thứ hai xỏ vào nó, bác ao ước từ tuần canh trở thành trung úy, để rồi phát hiện ra làm trung úy có tiền đấy nhưng lại cô đơn; rồi bác ao ước bay lên Mặt trăng, nhưng Mặt trăng toàn những sinh vật đang tranh luận về sự sống trên Trái đất. Người thứ ba xỏ vào nó, từ ông tham hóa thành nhà thơ, nhưng làm nhà thơ rồi thì ông lại ao ước hóa thành con sơn ca, mà đến khi làm sơn ca ông mới thấy ao ước làm nhà thơ là vớ vẩn. Đến người thứ tư, anh ao ước được đi tới Alps nơi phong cảnh hữu tình, song đến được đó lại gặp bao kẻ khốn cùng, anh liền nghĩ giá mà không phải lê xác đi thì tốt biết mấy, ước gì chỉ có linh hồn không thì dễ chịu biết bao. Cầu được ước thấy, anh chết.

Đã nhiều năm rồi kể từ lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn Đôi giày hạnh phúc của Andersen, vậy mà đến nay, tôi vẫn còn nhớ thật rõ ràng về nó, một câu chuyện rất hóm hỉnh mà cũng rất buồn. Cùng với những eventyr (truyện thần tiên) khác của ông mà tôi từng đọc vào thời niên thiếu ấy, tôi đã nghĩ về văn chương Andersen như áng thơ về sự oan trái của những giấc mơ. Bởi từ Nàng tiên cá đến Cô bé bán diêm, có ai không tan biến trong sự huy hoàng của những giấc mơ?

Cho nên khi mở những trang đầu cuốn hồi ký Chuyện đời tôi của ông (theo bản dịch của Đăng Thư, do Omega+ và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành), tôi đã đinh ninh hẳn đó sẽ là một tự truyện đầy xót xa về nhân thế. Nhưng không, ngay đoạn đầu tiên, Andersen đã viết: “Có một Đấng Chúa đầy lòng yêu thương sẽ dẫn dắt mọi sự theo hướng tốt đẹp nhất”.

Ta không thể đếm bao nhiêu lần trong cuốn sách dày hơn 600 trang này, Andersen đã mô tả một buổi tối như buổi tối thơ mộng, tốt lành nhất đời mình. Đó là buổi tối ở Leipzig nơi nghệ sĩ dương cầm tuyệt vời Clara Schumann đã chơi đàn cho ông nghe trong khi ông cùng dùng bữa với vợ chồng họ. Đó là buổi tối khi ông đọc những câu chuyện của mình cho nhà vua và hoàng hậu trong lâu đài nguy nga, rồi tháp tùng hoàng gia đến những hòn đảo sắp chìm trôi dưới biển. Đó là buổi tối ở Roma nơi ông cảm thấy chính mình cũng trở thành phế tích, khi ông sống giữa những đóa hồng rộ nở và tiếng chuông giáo đường của thành phố diệu kỳ. Đó là buổi tối ở Zurich khi Wagner chăm chú nghe ông kể về những nhà soạn nhạc của đất nước Đan Mạch và cùng nhau, họ trải những giây phút chuyện trò không bao giờ có lại. Ngay cả buổi tối mà ông viết Cô bé bán diêm cũng hoàn toàn tươi sáng, lộng lẫy và tràn đầy những điều vui: ông được một vị công tước đón tiếp rồi sống giữa vùng quê nơi rừng bao la, hồ yên tĩnh, sương bồng bềnh và bờ vịnh quanh co. Không biết bao lần ông thốt lên một điều đại loại như: “Con người thật tốt biết bao!”

Cuốn sách đơn giản là khác xa so với dòng văn chương tự truyện thời ấy, nơi những bậc túc giả mượn cớ kể chuyện đời mình mà bày tỏ sự khiển trách sâu cay với những cái gai trong mắt hay vạch mặt những “kẻ thù” khó ưa. Không phải Andersen không từng đối mặt với những lời cười cợt hay hạ bệ của cả những người ông kính trọng, chỉ là ông buồn rầu héo hon nhưng luôn có quá nhiều lòng từ bi và tình yêu để cho đi.

Hãy đọc cuộc gặp gỡ giữa ông và kịch tác gia Heiburg, vị tiền bối công kích ông dù chẳng thèm đọc văn chương ông viết, nhưng rồi sự tự nhiên và đôi mắt thông minh của con người ấy khiến Andersen nhận ra mình không tài nào mà giận được. Và cuộc tranh luận kết thúc bằng việc cả hai cùng nhau đi xem đài thiên văn trong ngôi nhà của Heiburg, rồi mấy mươi năm sau, “cay đắng cũ lãng quên, ngọt ngào mới giữ lại”, họ cùng nâng ly vì cuốn sách mới của Andersen mà Heiburg mô tả là “sảng khoái như một chuyến lang thang trong rừng mùa xuân”.

Đời ông cũng đẹp như cổ tích, và nếu độc giả muốn đọc về một cuộc đời sóng gió, nghịch cảnh, khổ ải, thương đau thì đừng đọc cuốn sách này làm gì.

Đọc cuốn hồi ký này cũng sảng khoái như một chuyến hành hương về miền tươi đẹp như thế, với từng trang từng trang tràn ngập ánh nắng làm cả những mất mát cũng lấp lánh, hiền hòa và mến thương. Ở đó, thiên nhiên cũng đẹp và con người cũng đẹp, cả thế giới như một Hang động diệu kỳ còn Andersen là chàng Aladdin thấy điều gì cũng ẩn chứa trong nó phép màu vô tận. Hoặc nó là một thư viện ký ức mà ở đó, ký ức nào cũng là viên ngọc sáng.

Trong hoài niệm của ông, anh em nhà Grimm khiến ta phải quyến luyến biết chừng nào; Victor Hugo thì ân cần tử tế, chẳng ngại đưa Andersen đi xem vở kịch mà vì nó ông luôn bị đám đông huýt gió bài bác; Felix Mendelssohn trẻ thơ hiền hậu với tâm hồn nhạy cảm nhìn thấu tâm can người khác; Charles Dickens đẹp trai, tươi tỉnh và nồng hậu, con người ấy đã ủi an Andersen khỏi những muộn phiền bằng những tiếng cười hoan hỉ, đã rưng rưng khi chia tay ông nơi ga xe lửa, đã chân tình đón tiếp ông trong ngôi nhà nhỏ tràn đầy niềm vui ở Gadshill; rồi Liszt, rồi Heine, rồi con cháu của Goethe, con cháu của Walter Scott, có cả một người thợ làm bánh viết ra những vần thơ quyến rũ nhất, nhưng lại chỉ muốn mãi mãi làm người thợ làm bánh nổi tiếng nhất ở Nimes thay vì sa ngã trong vinh quang ngắn ngủi của thi ca; và vô vàn những gương mặt khác, từ Nhà vua đến một đứa trẻ, từ một nhà quý tộc tới một người thợ thủ công, ai ai cũng lương thiện hiền từ.

Và thiên nhiên, thiên nhiên cũng sống động vô cùng! Andersen là một nhà lữ hành đích thực, người ngao du chỉ để ngao du, người đã ngắm nắng vàng ửng đỏ “như phản chiếu qua lớp thủy tinh của chai bia” ở London, đã bôn ba tới tận Illyria huyền thoại của Shakespeare để ngắm hoàng hôn, đã đi viếng mộ Hamlet nơi có chàng chăn cừu cô độc thổi khúc nhạc thê lương trên cây sáo làm từ nhành cây cơm cháy, đã ngắm những đêm Bắc Cực Quang sáng trời, đã xem núi Vesuvius phun lửa rực rỡ ở đằng xa, hòa cùng trăng và những ngọn đuốc đánh cá dát vàng biển cả.

Nói như chính Andersen ở một đoạn nào đó, đời ông cũng đẹp như cổ tích, và nếu độc giả muốn đọc về một cuộc đời sóng gió, nghịch cảnh, khổ ải, thương đau thì đừng đọc cuốn sách này làm gì. Nơi đây, chỉ có câu chuyện đầy cảm động về một nhà văn vì tội nghiệp cho cây thông con bị gãy mà vun tưới lại nó, để đến một ngày nó vươn chồi nảy nở. Phải chăng, thiên nhiên đẹp và con người đẹp đến bao nhiêu cũng vì tấm lòng văn sĩ đẹp quá đó thôi, tấm lòng tựa một cây đèn sáng như muôn vạn vì sao, và dưới ánh sáng ấy, bất kể ai, phong cảnh nào, nỗi buồn nào cũng long lanh bát ngát.

600 trang, chỉ có vài chục từ là Andersen nhắc về một mối tình đôi lứa, mà lại là mối tình đơn phương không thành, nhưng dường như cần gì nhắc tới tình yêu theo nghĩa hẹp khi mà dường như, với ông, tự thân cuộc sống đã là một Tình Yêu với chữ T và Y được viết hoa? Một tự truyện tràn đầy niềm tin vào lòng hướng thiện của con người như thế, khiến tôi nhớ về câu thoại của thầy giáo văn chương John Keating trong Dead Poets Society: “Ta không đọc và viết thơ ca vì nó dễ thương. Ta đọc và viết thơ ca vì ta là thành viên của nhân loại. Và nhân loại thì đầy đam mê […] Văn chương, cái đẹp, tinh thần lãng mạn, tình yêu, đó là những thứ mà vì chúng, ta sống”.

Ở đoạn cuối truyện thần thiên Đôi giày hạnh phúc, Nữ thần Trừng phạt đã hỏi Nữ thần Hạnh phúc rằng thế đôi giày kia đã đem hạnh phúc gì cho con người vậy. Nữ thần Hạnh phúc trả lời: “Ít ra cũng đem được cái chết dịu dàng, cái chết giữa tuổi thanh xuân cho anh ta trước khi anh phải nếm mùi khổ hạnh của cuộc sống”. Nữ thần Trừng phạt không đồng ý, và nàng liền quyết định “thực sự cứu giúp” anh ta, bằng cách cho anh ta sống dậy.

Andersen có khiếu hài hước của riêng mình. Cuộc sống là một sự trừng phạt, nhưng ta thà được sống. Ông đã biết cách giễu cả những nhà thơ mơ làm chim sơn ca, giễu cái dòng máu đầy mộng tưởng chảy trong chính cuống rốn của mình, giễu cợt cả cái chết – thứ vinh hiển cao cả trong mắt người thi sĩ. Ông biết nằm mơ và cũng biết cách tỉnh giấc khỏi giấc mơ để đón lấy cuộc sống như giấc mơ đẹp nhất. Một văn nhân, một thi sĩ đích thực chẳng những không phải người sống xa hiện thực nhất, mà là người sống gần với nó hơn bất cứ ai, đó là những người duy nhất vừa biết bay, vừa biết đáp xuống bằng một đôi chân không đi đôi giày hạnh phúc, một đôi chân trần rất mỏng, rất mềm, hòa vào đất ấm. 

Theo Tia Sáng

Tags: