Hồi bố mẹ bằng tuổi mày, hay Bọn trẻ con bây giờ sao thế nhỉ?
Hồi bố mẹ bằng tuổi mày, hay Bọn trẻ con bây giờ sao thế nhỉ?
Mãi không chịu trưởng thành có phải là một điều xấu?
Hồi bố mẹ bằng tuổi chúng mày, bố mẹ rất nghe lời ông bà. Không bao giờ chửi bậy. Tự có trách nhiệm với bản thân. Bố mẹ biết nắm lấy cơ hội, biết cái này cái kia. Trẻ con bây giờ động vào cái gì là hỏng cái đấy. Bọn trẻ con bây giờ chẳng như ngày xưa. Bọn trẻ con bây giờ...

 

Hoặc là thế này, nếu bạn thích. Bằng tuổi chúng mày, bố mẹ phải cuốc bộ 10 cây số đến trường. Ngày mưa cũng như ngày nắng. Bây giờ chúng mày chả chịu làm gì, động tí là lười chảy thây ra. Phải chăm chỉ làm việc vào con ạ. Ra đây tao kể cho mà nghe.

 

Người lớn thường có xu hướng lí tưởng hóa những ngày xưa yêu dấu và than vãn về tình trạng yếu đuối của giới trẻ ngày nay. Họ có thể chỉ ra ngày xưa khó khăn thế nào và mọi thứ bây giờ dễ dàng ra sao. Dù là bạn nghe được những lời này dưới dạng nào, có một thứ rõ ràng như thế này: kí ức của mọi người bị bóp méo theo thời gian. Có thực sự là mỗi thế hệ đều khác biệt thế hay không, quá khứ toàn những ngày khổ cực nhưng tươi đẹp? Khó mà nói được. Những lời người lớn nói làm tôi nhớ đến bài thơ “Khi Ta Bằng Tuổi Con” của Shel Silverstein:

 

Bác hỏi, “Con lên mấy rồi?’’

Tôi trả lời, “Con chín tuổi rưỡi”, và rồi

Bác thở phào ra một cái và nói,

“Hồi bằng tuổi con… Ta lên mười.”


Và đó, tóm lại vấn đề là kí ức của chúng ta trong quá khứ.

 

Trong cuốn sách mới được xuất bản, “Hai mươi mấy cái tuổi đầu: Tại sao bọn thanh niên trông bế tắc thế”, đồng tác giả Robin Marantz Henig và đứa con gái hai mươi mấy cái tuổi đầu của cô, Samantha, đã nghiên cứu tại sao mọi thứ lại như bài thơ ở trên. Có chuyện gì với bọn trẻ ngày nay vậy? Và tại sao mọi thế hệ đều nghĩ rằng bọn trẻ con bây giờ khác xa so với ngày xưa?

Năm 2000, nhà tâm lý học Jeffrey Arnett đã công bố nghiên cứu về sự tồn tại của một giai đoạn phát triển của cuộc đời: tuổi trưởng thành mới nổi. Trước đó, người ta thường quan niệm rằng một người thường đi thẳng từ tuổi vị thành niên lên thanh niên, bây giờ có thêm một giai đoạn trung gian, khi vừa là người lớn vừa chưa đủ lớn. Sự tiến bộ của xã hội công nghiệp hóa- hiện đại hóa đã đẩy những lựa chọn quyết định quan trọng của tuổi trưởng thành—kết hôn, sinh con, vân vân—cho lứa tuổi 20, 30, và kết quả là chúng ta không cần phải trưởng thành nhanh như ngày xưa. Thay vào đó, chúng ta nuôi hi vọng vào một giai đoạn phát triển mới được tạo ra.

 

Tác giả Marantz Henig đã ghi trong cuốn sách của mình rằng Arnett không phải là người đầu tiên đề cập đến khái niệm này. Trong một bài báo vào năm 1970 trên tờ The American Scholar, nhà tâm lý học Kenneth Keniston cũng từng nghĩ ông đã tìm ra một xu hướng lang thang vô định. Ông gọi đơn giản là “tuổi thanh xuân”. Và tuổi thanh xuân đó được miêu tả giống như thế hệ tuổi trưởng thành mới nổi, mặc dù “Arnett đã kết luận ngược lại, nhưng thực ra chúng ta không khác mấy so với bọn trẻ bây giờ”. Như một vòng lặp vĩnh cửu của đời sống, mâu thuẫn giữa các thế hệ cứ nối tiếp nhau….

 

Bọn trẻ ngày nay...

Trong tạp chí Psychological Science, hai nhà tâm lý học của trường đại học Alberta đã khám phá ra nghịch lý giữa kiến thức liên thế hệ (intergeneration): khi chúng ta nghe kể lại những câu chuyện từ thế hệ trước, những câu chuyện đó dựa trên những kí ức đã được chọn lọc cẩn thận. Không chỉ bởi vì những gì trong trí nhớ ta đều không hoàn hảo (và thậm chí là nhớ sai), mà vấn đề sẽ được phóng đại lên khi bạn áp dụng nó vào một kiểu mà những trải nghiệm được truyền từ người nghe này sang người nghe khác. Đó là một kiểu trí nhớ tam sao thất bản. Các nhà nghiên cứu quan tâm tới bản chất của các sự kiện mà chúng ta nhớ được: chúng ta ghi nhớ cái gì, và Tại sao?

 

Có một khái niệm được gọi là “gợn nhớ’’ ( reminiscence bump), khi chúng ta thường có xu hướng nhớ lại những kí ức xảy ra vào khoảng 10 đến 30 tuổi hơn là ở những thời điểm khác. Trong cuốn sách Hai mươi mấy tuổi đầu, tác giả giải thích rằng đó là vì “tuổi trẻ là thời điểm mà rất nhiều sự kiện xảy ra mang lại ảnh hưởng cả đời” và tuổi thanh xuân là lúc mà “cảm xúc của mọi người” hoạt động hết công suất, điều đó có nghĩa là lúc này chúng ta có thể mã hóa tốt hơn những sự kiện xảy ra trong đời và cố gắng dựng lại kí ức đó vào thời điểm sau đó. Những sự kiện mà chúng ta nhớ trong cuộc đời mình và những người khác là những thứ khiến ta thay đổi. Sự thay đổi có thể nằm ở một trong vài loại: những sự kiện theo kịch bản văn hóa-xã hội như tốt nghiệp hay kết hôn, những sự kiện cá nhân như tai nạn hay thất bại gì đó, hay những sự kiện mang kí ức tập thể như chiến tranh hay thảm họa thiên nhiên. Nhưng dù là gì đi chăng nữa, nó mang đặc điểm là làm thay đổi trạng thái cân bằng. Để kiểm tra giả thuyết này, hai nhà tâm lý học đã làm một thí nghiệm chia 60 sinh viên chưa tốt nghiệp của trường đại học Alberta ra làm hai nhóm: nhóm xung đột và nhóm không xung đột. Nhóm xung đột tới từ các gia đình đã sống qua các cuộc đảo chính bằng bạo lực ở các nước như Iran và Yugoslavia. Nhóm không xung đột là người dân Canada chính gốc.

 

Cả hai nhóm đều được yêu cầu chỉ ra 10 sự kiện mà họ coi là quan trọng nhất trong cuộc đời của cha mẹ, viết mỗi sự kiện vào một mảnh giấy khác nhau. Sau đó vài mảnh giấy sẽ được ngẫu nhiên đưa lại cho những người tham gia, và người đó sẽ phải đoán xem năm nào mà sự kiện đó xảy ra. Sau đó các sự kiện lại được đưa ra một lượt nữa. Và lần này người tham gia phải đánh giá nó theo bốn thang đo: cha mẹ họ nói chuyện về nó có thường xuyên không? họ có chịu ảnh hưởng tâm lí nào? Sự kiện đó có ảnh hưởng thần kinh thế nào? Và nó có phải một sự kiện lịch sử, ví dụ như chiến tranh không?

 

Các nhà nghiên cứu đã thấy kết quả là, hầu hết các sự kiện được nhớ lại đều là những chuyển biến trong đời mà có tác động cả vật chất lẫn tinh thần. Hơn thế nữa,những sự kiện này thường được đem ra thảo luận trong bối cảnh gia đình - và chỉ 19% trong nhóm xung đột có trải nghiệm cá nhân với sự kiện đó, có tới 29 trên 30 người nói rằng nó là những sự kiện mang tính định hình cuộc sống của cha mẹ họ. Và với nhóm không xung đột? Thiếu vắng hẳn đi những sự kiện đáng nhớ như đảo chính hay di cư, họ không tập trung vào những sự kiện mang tính thay đổi, mà là kí ức lần đầu được nuôi một chú chó hay thua trong một sự kiện thể thao lớn. Trong cả hai trường hợp, nhận thức về mặt tâm lý học của mỗi người đã quyết định lựa chọn họ nhớ cái gì - và những gợn nhớ đó rõ ràng là mang tính định hình nhân cách.

 

Nếu như kết quả của thí nghiệm trên là đáng tin cậy, có vẻ cảm xúc trong việc ghi nhớ dường như không có nhiều liên hệ đến các gợn nhớ. Thay vào đó, sự ghi nhớ nằm ở bản chất của sự kiện, tầm quan trọng của nó như một khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, dù nó to lớn (như chiến tranh) hay nhỏ bé (một con vât cưng). Và điều này liệu có phải là nguồn gốc của cái hồi-bằng-tuổi-chúng-mày? Nếu chúng ta nhìn cuộc đời mình như một chuỗi các thay đổi và chuyển dịch quan trọng, liệu có lí do nào rằng một người lớn tuổi nhìn lại bọn hai mấy tuổi đầu không thay đổi chút nào và kết luận là bọn trẻ ngày nay có gì đó sai sai. Chúng ta quên đi những thời điểm trì trệ trong và thay vào đó tập trung nhớ một cách có chọn lọc về những thời điểm mà sự trì trệ đó biến mất và có gì đó mới mẻ xuất hiện. Và bùm, hết trì trệ. Chẳng có chút nghi ngờ nào khi so sánh với điều đó, bọn trẻ bây giờ trông có vẻ bế tắc. Lúc nào cũng thế. Cứ mãi thế. Mãi thế.

 

Tuổi trẻ có bế tắc không?\

Hiện thực là cái rất hạn hẹp. Càng rời xa khỏi hiện tại, tầm nhìn của chúng ta ngày càng bị bóp méo. Khi hồi tưởng lại, chúng ta thực sự là những kẻ vị kỉ. Cái mà chúng ta nhìn thấy trong quá khứ là kí ức chứ không phải những sự kiện tất yếu. Chúng ta thậm chí còn không nhin thấy điều mà ta nghĩ rằng mình thấy. Ta nhìn nó qua tấm mạng che đi chính đôi mắt của mình, cuộc sống của mình, sự chuyển biến trong con người mình, kí ức có chọn lọc của mình. Đó là điều dễ chịu. Và còn tốt hơn nữa nếu nghĩ rằng ngày xưa mình tốt hơn bọn trẻ bây giờ?

 

Vậy nên tuổi trẻ nông nổi có thực sự nổi—hay là được tạo ra. Sự thực là, làm người lớn là một điều cần thiết và cũng là một lựa chọn. Chúng ta lớn lên khi ta cần lớn lên. Loài người thực sự giỏi trong việc trưởng thành khi ta cần đến điều đó, khi cần chịu trách nhiệm và sống với kì vọng lớn lao khi hoàn cảnh kêu gọi. Hãy cùng xem lại tháp nhu cầu của Maslow, cái kim tự tháp nổi tiếng minh họa rằng ta chỉ có thể bước tới bậc tiếp theo (ví dụ thể hiện bản thân) nếu như các nhu cầu cơ bản như thức ăn và nơi trú ẩn đã được bảo đảm. Khi người ta bị ép phải trưởng thành, phải chịu trách nhiệm quá sớm, có lẽ người ta chỉ làm những gì phải làm, dù thực sự tâm trí chưa sẵn sàng cho điều đó. Vấn đề quan trọng là: nếu cần phải lớn lên, ta sẽ làm điều đó. Nếu chưa làm điều đó, thì cứ từ từ.

 

Công nghiệp hóa-hiện đại hóa lối sống đã khiến việc trưởng thành không còn là một điều gì đó bức thiết. Khi xã hội tiến lên, không việc gì phải vội vàng. Ta không cần phải phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, ta thoải mái lựa chọn. Nhưng lựa chọn chỉ có thế thôi. Đó là một thứ thoải mái. Ngay cả thời niên thiếu cũng không phải một giai đoạn phát triển mới, thay vào đó mỗi giai đoạn của cuộc đời đều hiện diện ở dạng tiềm năng.  Tâm lý của chúng ta không thể ngay tức thì thay đổi một cách sâu rộng và cả cơ thể sinh học cũng thế. Ta chưa bao giờ được hưởng sự xa xỉ của thời thiên thiếu, và chúng ta lớn lên mà không hề có đấu tranh.

 

Sự chuyển dịch từ giai đoạn niên thiếu sang trách nhiệm người lớn đã định hình nhân cách tiền-giáo-dục-cấp-ba có thể không phải là một điều tốt đẹp. Chúng ta có lẽ đều đang phải chịu đựng nó khi bị ép phải trưởng thành quá sớm. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta bỗng dưng rơi vào bất kì giai đoạn nào của cuộc đời. Ta có sự lựa chọn, việc được tự do trưởng thành, không bị ép chín sớm luôn là ưu tiên.

 

Hãy xem lại xem mọi thứ đã ảnh hưởng thế nào vào hành động của chúng ta. Phụ nữ từng được xem như phái yếu từ xưa đến này. Họ có bỗng nhiên trở nên mạnh mẽ được không? Dường như là không. Và hãy xem việc phát triển “bình thường’’ như thế nào nếu chúng ta ra khỏi xã hội phương tây. Đó là điều mà những người trưởng thành phải làm. Họ đã và đang làm thế. Lúc nào cũng bọn trẻ con thế này bọn trẻ con thế nọ.

 

Quyền được lựa chọn là một thứ không thể bị coi nhẹ. Nhưng cũng tương tự như thế, việc trưởng thành từ từ không phải một điều gì đó xấu xa đáng tội. Chúng ta nên đón nhận nó như chính nó. Một đặc quyền nhờ sự tiến bộ của xã hội và sự tồn tại của bạn trong xã hội đó. Một đặc quyền do may mắn sinh ra đúng nơi chốn, đúng thời điểm. Trưởng thành không phải là một ép buộc. Bọn trẻ con ngày nay chẳng có vấn đề gì cả. Hãy để chúng tận hưởng việc chưa-làm-người-lớn.

 

Theo Scientific American - When I was your age...: Or, what is it with kids these days?

Tags: