Học viên óc lợn thì cô giáo óc gì: Những vấn đề về tâm lý học hành vi giữa thầy và trò
Học viên óc lợn thì cô giáo óc gì: Những vấn đề về tâm lý học hành vi giữa thầy và trò
Từ cách ứng xử của cô giáo T trung tâm M** English đòi thu 100k của học viên tới những vấn đề tồn tại trong giáo dục.
Trong hai ngày gần đây, bất kì ai sử dụng Facebook có lẽ đều đã được xem cảnh cô giáo chửi nhau tay đôi với học sinh tại một trung tâm với những lời lẽ thô tục. Đoạn clip này đã tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội và đa số mọi người đều lên tiếng chỉ trích cô giáo không có tư cách làm giáo viên. Nhưng cũng có một bộ phận nói rằng vụ việc xảy ra là do lỗi của cả hai bên.

Điều đầu tiên và là lỗi bị ném đá nhiều nhất của cô giáo (sau đây xin gọi là cô T) đó là dùng ngôn ngữ thô tục (cả tiếng Anh và tiếng Việt ) để quát tháo và chửi bới học sinh. Một người giáo viên không phải là một vị thánh, nhưng ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên môn (ở đây là dạy ngoại ngữ), cần phải đảm bảo biết cách ứng xử với các tình huống sư phạm.

Những tấm hình chế, meme của cô giáo T xuất hiện khắp nơi trên Internet.

Kỉ luật là điều tối cần thiết trong tất cả các lớp học để các học viên có sự tiến bộ, đặc biệt là với những học viên thuộc lứa tuổi sinh viên hoặc người đi làm, không có sự giám sát của nhà trường và bố mẹ, tuy nhiên việc chửi bới hay so sánh học sinh với con lợn là hành động phản giáo dục. Thay vào đó,  giáo viên có thể rèn kỉ luật bằng các hình phạt thích đáng như sử dụng quyền lực mềm.

Quyền lực mềm (soft power) là khái niệm của Joseph Nye Jr., giáo sư Đại học Harvard. Định nghĩa ban đầu của Joseph Nye về quyền lực mềm “là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không phải ép buộc hoặc mua chuộc.” Đến năm 1999, ông đưa ra một khái niệm cụ thể hơn “Quyền lực mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hoá và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia.* Trong tình huống cụ thể này, giáo viên có thể sử dụng sức mạnh của tâm lí đám đông để tạo ra một tòa án đạo đức chung. Ví dụ giáo viên có thể bỏ ra ngoài và để cả lớp tự đứng ra xử lí học viên vi phạm.

Khi bị người khác xúc phạm, bị gọi là lừa đảo, cô T đã mất kiểm soát về hành vì của chính mình, đánh mất hình ảnh người cô giáo trong mắt học viên, tự hạ mình ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn cậu học viên. Trong một clip khác phân trần, cô T có giải thích phương pháp của mình: "Một khi học sinh không hãi, thì nó sẽ không học". Tuy nhiên, đây cũng là một lối mòn suy nghĩ trong giáo dục hiện nay. Một phương pháp giáo dục hiện đại là phải dựa trên tinh thần khai phóng, dân chủ và lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà là người tạo môi trường thoải mái và tự do cho học sinh tự tìm hiểm chứ không bắt buộc làm theo khuôn mẫu. Tinh thần giáo dục hiện đại là “không có học sinh dốt, chỉ có thầy cô dạy chưa đúng phương pháp”. Nếu đổ lỗi cho học sinh "lười", "dốt" thì sẽ khiến học sinh thấy mặc cảm tự ti và xuất hiện vô số hệ lụy tiêu cực.

Đã từng có những vụ việc tương tự, trong hình là cô giáo Lê Na được cộng đồng mạng gọi là cô giáo "bọ cạp.

Việc quát tháo tạo ra không khí căng thẳng không chỉ cho học viên bị quát mắng mà cho toàn bộ tập thể lớp. Những học viên lớn tuổi, có cái tôi lớn sẵn sàng lên giọng thách thức và cãi nhau tay đôi với giáo viên, còn những học viên nhỏ tuổi sẽ sợ hãi và rụt rè, không dám thể hiện bản thân trong tương lai.  Khi giáo viên quát mắng học viên với giọng kẻ cả bề trên, họ đang thể hiện quyền lực bằng những hành vi bản năng nhất để áp bức học sinh. Nhưng điều này vô hình làm đèn nén, ức chế, tuy thời gian đầu có phát huy tác dụng nhưng nó như một quả bom nổ chậm đang âm thầm. Kết quả là sau một thời gian thấy không công bằng, học sinh sẽ cãi lại, thậm chí đánh đập cả giáo viên. Đó là trường hợp xảy ra không chỉ một lần.

Ngoài việc thiếu kiểm soát trong lời nói, lỗi thứ hai của cô T (và có thể là cả của trung tâm) là phạt tiền, một biện pháp đánh vào kinh tế. Đó là bởi vì một khi đã áp dụng phạt tiền, tôi tin chắc rằng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để không phải làm bài tập.

Trong cuốn Phi lý trí, giáo sư Dan Ariely có viết về quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn gái bạn đưa cho bạn 500.000đ và nói rằng: “Hôm nay anh làm tình tuyệt vời quá”. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Và nếu bạn đã làm việc hết sức cực nhọc trong suốt một tháng liền và bạn được trả lương bằng những cái ôm từ sếp thì bạn sẽ nghĩ thế nào?

Lý do là vì chúng ta áp dụng những quy chuẩn khác nhau trong hai trường hợp khác nhau: quy chuẩn xã hội và quy chuẩn thị trường. Trong bất cứ tình huống nào, những kì vọng và hành vi của chúng ta phụ thuộc vào quy chuẩn nào mà ta đang sử dụng.

Quy chuẩn xã hội xác định cách chúng ta ứng xử với những yêu cầu và ân huệ thân tình, khi mà bạn không phải ngay lập tức trả ơn.

Quy chuẩn thị trường, mặt khác, lạnh lùng và toan tính hơn: nguồn lực được trao đổi; người ta làm vì tiền lương - trao đi đổi lại sòng phẳng.

Trong hai quy chuẩn này, mọi người rất dễ vô tình áp dụng chúng sai tình huống. Hậu quả thường rất tai hại: hãy thử kết thúc buổi  hẹn hò bằng cách trả người yêu bạn 500.000đ vì sự hiện diện của cô ấy.

Việc học sinh làm bài tập về nhà dựa trên quy chuẩn xã hội, họ cảm thấy đó là nghĩa vụ của một học sinh nên sẽ cảm thấy áy náy về mặt đạo đức và có lỗi với giáo viên nếu không thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên nếu đã áp dụng mức phạt 100k, lớp học đã áp dụng quy chuẩn thị trường, học viên sẽ cảm thấy không có lỗi khi không làm bài, và họ coi đó như một trao đổi sòng phẳng dưới lăng kính thị trường. Và hậu quả là sẽ có những học viên sẽ chẳng bao giờ thèm làm bài nữa.

Cuốn sách Phi lý trí.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, anh chàng học viên trong clip trên xúc phạm cô giáo cũng không hề đúng. Một khi đã theo học ở bất cứ đâu thì phải theo các quy định ở đó, chứ không phải có tư tưởng tôi đã đóng tiền nên lớp học này là của tôi, thích đi thì đi thích nghỉ thì nghỉ, không cần để ý đến kỉ luật và nội quy. Hãy nhớ lại vụ Facebook bán thông tin người dùng ngay trong thời gian gần đây, nếuu bạn đã từng cài đặt một phần mềm hay đăng kí một dịch vụ nào đó trên mạng (mà tôi chắc chắn là bất kì ai đọc được bài này đã làm), gần như chắc chắn là chẳng mấy ai biết cái Term of Service (Điều khoản dịch vụ) này là cái gì đâu - chỉ cần biết là cuộn tới cuối cùng và ấn vào ô "I have read and understood the Terms of Service and I agree with it" (Tôi đã đọc và hiểu Điều khoản dịch vụ và tôi đồng ý với nó, đại loại như vậy).

Chính vì tâm lý người dùng bình thường không bao giờ đọc ToS như vậy mà rất nhiều công ty dùng điều này để lợi dụng người dùng. Nếu họ có bị truy cứu, họ chỉ cần đưa ra bằng chứng là người dùng đã hiểu và đồng ý và rồi ta-da, thắng kiện. Nếu chưa tìm hiểu kĩ mà đã đóng tiền đăng kí học thì chính học viên (người chưa đọc kĩ hợp đồng) mới là người có lỗi.

Vụ việc lần này gióng lên một hồi chuông cảnh báo sau hàng loạt những vụ “bóc phốt” các trung tâm tiếng Anh như Elight và những lùm xùm về giáo dục như “cô giáo câm”, cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau... gần đây. Để tránh những sự việc tương tự, các giáo viên cần nghiên cứu kĩ hơn về phương pháp giáo dục và xử lí tình huống sư phạm, đồng thời những người muốn học tiếng Anh ở trung tâm cần phải tìm hiểu kĩ về nơi mình định theo học.

M.Đ

Bài viết thể hiện quan điểm của một độc giả Trạm Đọc, chúng tôi đăng tải với tinh thần tôn trọng nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm của tác giả. Trạm hi vọng các bạn đọc với tinh thần khai phóng.

Tags: