Học cách làm việc sâu như Teddy Roosevelt
Học cách làm việc sâu như Teddy Roosevelt
Nếu là sinh viên Đại học Harvard giai đoạn 1876-1877, bạn hẳn sẽ biết chàng sinh viên năm nhất với mái tóc rễ tre, tóc mai kiểu sườn cừu, sôi nổi, tự tin tên là Theodore Roosevelt. Nếu kết bạn với anh chàng này, bạn sẽ sớm nhận ra một nghịch lý.
Làm Ra Làm Chơi Ra Chơi
(80 lượt)

Một mặt, có vẻ như thứ gì cũng có thể khiến anh hứng thú. Sự chú ý của anh được phân tán rộng khắp tới “một loạt sở thích tuyệt vời” như lời một người bạn cùng lớp – danh sách mà nhà viết tiểu sử Edmund Morris đã đưa ra gồm quyền anh, đấu vật, tập thể hình, khiêu vũ, thơ ca và nỗi ám ảnh suốt đời với chủ nghĩa tự nhiên (chủ nhà của Roosevelt trên phố Winthrop không hài lòng với việc cậu sinh viên thuê nhà thường xuyên mổ xẻ và lấy mẫu vật trong căn phòng đi thuê của mình). Roosevelt đam mê chủ nghĩa tự nhiên đến nỗi anh đã cho ra đời cuốn sách đầu tay mang tên The Summer Birds of the Adirondacks (tạm dịch: Những chú chim mùa hè của vùng Adirondacks) ngay vào mùa hè năm thứ nhất đại học. Nó được đánh giá khá cao trên Bulletin of the Nuttall Ornithological Club (Tập san của Câu lạc bộ Điểu cầm học vùng Nuttall) – một ấn bản, khỏi phải nói, luôn nghiêm túc đón nhận những cuốn sách viết về các loài chim – và cuốn sách cũng đủ hấp dẫn để khiến Morris đánh giá Roosevelt, ở độ tuổi này, là “một trong những nhà tự nhiên trẻ tuổi hiểu biết nhất nước Mỹ”.

Để có dư giả thời gian dành cho đam mê ngoại khóa này, Roosevelt đã hạn chế tối đa thời gian dành cho những gì mà anh nên chú trọng nhất: công việc học hành ở Harvard. Dựa vào cuốn nhật ký và thư từ của Roosevelt từ thời kỳ này, Morris ước tính được rằng vị tổng thống tương lai lúc này dành chưa đến sáu tiếng mỗi ngày cho việc học. Người ta có thể kỳ vọng điểm số của Roosevelt sẽ đột phá. Anh không phải là sinh viên giỏi nhất lớp, nhưng chắc chắn cũng không đến nỗi lẹt đẹt: Vào năm thứ nhất, anh đạt điểm xuất sắc ở 5/7 môn học. Lời giải thích cho nghịch lý này ở Roosevelt hóa ra là cách xử lý bài vở đây độc đáo. Roosevelt sẽ bắt đầu lịch trình bằng cách khoanh vùng tám tiếng từ 8 giờ 30 phút sáng đến 4 giờ 30 phút chiều. Sau đó, anh sẽ trừ thời gian để ôn bài và các tiết học, thời gian rèn luyện thể thao (hằng ngày) và ăn trưa. Thời gian còn lại sau đó được dành riêng cho việc học. Như đã đề cập, khoảng thời gian này thường không chiếm quá nhiều giờ, nhưng anh đã tận dụng chúng nhiều nhất có thể bằng cách chỉ làm bài tập trên lớp trong thời gian này với cường độ cao. “Anh ấy dành khá ít thời gian ngồi ở bàn học, Morris giải thích, “nhưng luôn tập trung rất cao độ và đọc rất nhanh nên thường có nhiều thời gian nghỉ ngơi [khi làm bài tập ở trường] hơn hầu hết các bạn cùng khóa.”

Chiến lược này yêu cầu bạn áp dụng cường độ học tập theo kiểu của Roosevelt vào ngày làm việc của mình. Cụ thể, hãy xác định một nhiệm vụ quan trọng (tức là một công việc đòi hỏi phải làm việc sâu mới hoàn thành được) có mức ưu tiên cao trong danh sách của ban. Sau đó, ước tính xem bạn thường cần dành bao nhiêu thời gian cho loại công việc này, rồi tự đặt ra cho mình một thời hạn đầy thử thách nhằm rút ngắn tối đa khoảng thời gian cần thiết đó. Nếu có thể, hãy công khai cam kết đáp ứng hạn chót đó – chẳng hạn, nói cho người phụ trách tiến độ dự án biết thời điểm dự tính của bạn. Nếu không (hoặc nếu thời hạn này gây rủi ro cho công việc của bạn), hãy khích lệ bản thân bằng cách đặt đồng hồ đếm ngược trên điện thoại và đặt nó trong tầm mắt khi bạn làm việc.

Lúc này, bạn chỉ còn một cách duy nhất để hoàn thành nhiệm vụ chuyên sâu kịp thời hạn, đó là làm việc với cường độ tập trung cao – không kiểm tra e-mail, không suy nghĩ vẩn vơ, không lướt Facebook, không đi pha cà phê vài lần. Giống như Roosevelt tại Harvard, hãy tập trung xử lý nhiệm vụ đó bằng mọi nơ-ron tự do của bạn cho đến khi nó hoàn toàn bị khuất phục bởi sự tập trung cao độ. 

Đầu tiên, hãy tiến hành thử nghiệm này không quá một lần một tuần - để não bộ của bạn làm quen với cường độ và có thời gian nghỉ ngơi. Khi đã cảm thấy tự tin vào khả tập trung có thể đáp ứng đúng thời hạn, hãy tăng tần suất làm việc lên như Roosevelt. Tuy nhiên, đừng quên đặt ra hạn chót khả thi sao cho bạn có thể liên tục chinh phục các thời hạn (hoặc ít nhất là gần tới), nhưng để làm vậy, bạn cần phải tập trung sát sao đến từng chi tiết.

Động lực chính cho chiến lược này rất đơn giản. Làm việc sâu đòi hỏi mức độ tập trung vượt xa ngưỡng mà hầu hết người lao động trí óc cảm thấy thoải mái. Phương pháp của Roosevelt sử dụng thời hạn giả để giúp tăng mức độ mà bạn thường xuyên đạt được một cách có hệ thống – trong một số trường hợp, đó là cung cấp hoạt động rèn luyện đi kèm với nghỉ ngơi cho các trung tâm chú ý của não bộ. Một lợi ích nữa là phương pháp này không tương thích với sự phân tâm (làm gì có chuyện bạn vừa xao lãng lại vừa đáp ứng kịp thời hạn). Do đó, mọi phương pháp đều khiến bạn có thể thấy buồn chán và thực sự muốn tìm kiếm thêm tác nhân kích thích vào một lúc nào đó – nhưng hãy kiềm chế. Như đã lập luận trong chiến lược trước, bạn càng cố chống lại những tác nhân thôi thúc này, sự kháng cự càng dễ chế ngự. 

Sau vài tháng triển khai chiến lược này, hiểu biết của bạn về ý nghĩa của sự tập trung sẽ thay đổi khi bạn đạt đến cường độ mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ. Và nếu có điểm gì giống Roosevelt thời trẻ, bạn có thể sử dụng thời gian rảnh rỗi để tận hưởng những thú vui lành mạnh hơn trong cuộc sống, chẳng hạn như cố gắng gây ấn tượng với các thành viên sáng suốt của Câu lạc bộ Điểu cầm học vùng Nuttall. 

- Trích sách "Làm ra làm, chơi ra chơi"

Tags: