Hiểu về Trump: Ta học được gì từ cuốn sách của Newt Gingrich?
Hiểu về Trump: Ta học được gì từ cuốn sách của Newt Gingrich?
Trump hỏi Gingrich về ước tính phí tổn cho một chiến dịch tranh cử tổng thống. Gingrich đã nói rằng Trump cần 70 đến 80 triệu đô la để có thể trở thành một đối thủ có tính “cạnh tranh cao”. Câu trả lời của ông ta thực đầy ấn tượng”, Gingrich viết, “Sau một lúc suy nghĩ, ông ấy nói: 70 đến 80 triệu đô, cũng như mua một chiếc du thuyền. Điều này sẽ vui hơn rất nhiều so với mộ
Khi Kellyanne Conway sử dụng cụm từ “Sự thật thay thế” (“Alternative facts”) trong một cuộc phỏng vấn với NBC, tuyên bố này đã làm dư luận dậy sóng không chỉ vì lời thừa nhận trắng trợn về sự dối trá này, mà bởi vì nó đã đưa ra một cách để nhìn nhận tính minh bạch trong môi trường chính trị: giống như định luật 3 Newton, mọi sự thật đều có một sự thật khác ngược chiều và có sức ảnh hưởng tương đương, mỗi chiều sự thật được dùng làm vũ khí để củng cố niềm tin tiên nghiệm của nó.
 
Cuốn sách mới của Newt Gingrich, Hiểu về Trump, là một ví dụ điển hình về điều này. Trong một nỗ lực để miêu tả tổng thống như một anh hùng của tầng lớp lao động nhưng luôn dính vào những hiểu lầm tai hại, hay một phi chính trị gia trở thành nạn nhân của các kênh truyền thông đối nghịch, cuốn sách đã liệt kê những sự thật khó mà tin được, một khi chúng ta đã thấy cách Trump phát ngôn, hoặc ứng xử, hoặc điều hành.
 
Bản tuyên ngôn của Gingrich có lời mở đầu viết bởi không ai khác ngoài Eric Trump - người gọi cuốn sách này là “cái nhìn trong cuộc của một chiến dịch vĩ đại nhất mọi thời đại". Tiếp sau đó là những phân tích về những yếu tố tạo nên một kì tích bất ngờ là chức tổng thổng của Trump. Trong đó, một số yếu tố rất không liên quan và những yếu tố khác rất xa lạ với Trump. Dưới đây là một vài luận điểm nổi bật của cuốn sách:
 
Trump đóng mác Queens, không phải Manhattan
 
Gingrich nhấn mạnh trong mở đầu cuốn sách rằng Trump không phải là một người ở khu Manhattan quyền lực và giàu có mà là một người khu Queens khiêm tốn. Tương tự, một phần rất đáng kể trong chương đầu được dành đề đóng khung Trump như thế này: “là một doanh nhân, không phải là một học giả”; “Một người xây dựng, không phải là một nhà tài chính”; “Một người theo chủ nghĩa thực dụng, không phải là một hệ tư tưởng”.
 
Thật khó để tranh luận về những đặc điểm đó; Trump chắc chắn không phải là một học giả, dường như ông cũng không có ý thức hệ giống như các chính trị gia đảng Cộng hòa. Nỗ lực của Gingrich để diễn giải những gì các học giả cánh hữu đã lý luận trong một năm rưỡi - rằng Trump hiểu các vấn đề mà người lao động Mỹ bình thường phải đối mặt và luôn tìm cách giải quyết chúng – mất tính thuyết phục khi đi kèm với những câu chuyện nhỏ về tương tác cá nhân của ông với tổng thống.
 
Gingrich nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa ông, cùng người vợ Callista, và Trump ở Des Moines trước khi chiến dịch bầu cử bắt đầu. Trump hỏi Gingrich về ước tính phí tổn cho một chiến dịch tranh cử tổng thống. Gingrich đã nói rằng Trump cần 70 đến 80 triệu đô la để có thể trở thành một đối thủ có tính “cạnh tranh cao”.
 
“Câu trả lời của ông ta thực đầy ấn tượng”, Gingrich viết, “Sau một lúc suy nghĩ, ông ấy nói: 70 đến 80 triệu đô, cũng như mua một chiếc du thuyền. Điều này sẽ vui hơn rất nhiều so với một chiếc du thuyền!
 
Gingrich lại càng ấn tượng khi thấy Trump ăn đồ ăn nhanh trên chiếc máy bay Boeing 757 “xịn” của mình. Sau đó tác giả khen ngợi sự quan tâm trọn đời của tổng thống cho người lao động. Cuối cùng, ông ca ngợi cách tổng thống tiếp cận kiến ​​thức như một doanh nhân thay vì như một học giả, và cho rằng dù ông có biết tên thủ đô của 42 quốc gia hay không không quan trọng, “trái ngược hoàn toàn với giới trí thức tại Washington”, Trump “luôn đảm bảo rằng mình sẽ biết những gì cần phải biết để thành công vào thời điểm quyết định”.
 
Đồng quan điểm đó, Gingrich viết rằng “vị tổng thống thức dậy hàng ngày và muốn biết những gì thực sự xảy ra trên thế giới” - và cung cấp bằng chứng bằng việc Trump sẵn sàng đón nhận cuộc gọi chúc mừng sau cuộc bầu cử từ tổng thống Đài Loan.
 
Vụ việc đó phần lớn lại được xem là một hành động ngoại giao bất cẩn, nhất thời đe dọa mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, khi Tập đoàn Trump nhận được chấp thuận sơ bộ để đăng ký 38 nhãn hiệu tại Trung Quốc, Trump đã nhanh chóng quay trở lại chính sách Một Trung Quốc sau khi chơi đùa với ý định bãi bỏ chính sách đó.
 
Trump rất giỏi trong việc lật ngược những quan điểm phổ biến (conventional wisdom)
 
Trong bài tiểu luận sắc bén cho tờ New York Times năm 1995 với tiêu đề “Giáo lý của Gingrich” (“Teachings of Speaker Gingrich”), Joan Didion đã viết như sau về cựu phát ngôn của Nhà Trắng: Ông ta luôn đặt mình vào những vị trí lôi kéo theo phản ứng tiêu cực và sự phẫn nộ vô định hình của đám đông. Nhưng ông sẽ giữ vững lập trường, dùng khả năng hùng biện của mình, một mình, đối lập với 'hệ thống', với 'Washington', với 'giới thượng lưu tự do', với ‘giới thượng lưu bờ đông'... hoặc đơn giản là với một 'bọn họ' (“they”) nào đó không xác định.
 
Trong cuốn sách mới nhất Gingrich lại đặt ra một “bọn họ” nào đó luôn đối nghịch với “chủ nghĩa nhân dân” nửa vời của Trump. Ông viết rằng để hiểu Trump chúng ta phải nghĩ về ông như một cái bàn bốn chân, mỗi chi biểu thị một phần trong ý thức hệ của Trump: chống lại cánh tả, chống lại sự ngu ngốc, chống lại tính đúng đắn về chính trị (political correctness), chống lại phong trào thân Mỹ (pro American).
 
“Khả năng đâm thủng quan điểm phổ biến rất quan trọng vì phần lớn quan điểm phổ biến ở Washington khá ngu xuẩn”, Gingrich viết. “Một ví dụ hoàn hảo là sự nhốn nháo đến nực cười sau khi Trump quyết định sắp xếp lại lịch các cuộc họp tình báo hàng ngày thành hai hoặc ba lần một tuần. Trump giải thích rằng những cuộc họp này có nội dung lặp đi lặp lại đến mức lãng phí thời gian”.
 
Người ta tự hỏi liệu Gingrich có thể cung cấp một giai thoại tốt hơn để làm rõ hình ảnh của Trump như một con người người của nhân dân, một người đang chỉnh đốn bộ máy quan liêu và tinh giản các thủ tục của chính phủ. Vậy mà ví dụ tốt nhất ông có thể đưa ra là biến thể lại những phát ngôn vô lý và thô tục của Trump – thành một cái bàn bốn chân.
 
Những kẻ trí thức dốt nát sẽ không còn làm vướng bận chúng ta
 
Trong một chương có tên là “Sự trỗi dậy của IYI” (The rise of IYI), Gingrich tìm cách định giá sự thiếu kinh nghiệm của Trump như một tài sản thay thế những kẻ mà Nassim Taleb gọi là những “Trí thứ dốt nát” (Interlectual Yet Idiot).
 
Taleb đã phổ biến thuật ngữ này trong một bài tiểu luận đăng vào tháng 9 năm 2016. IYI là một biệt danh dành cho tầng lớp thượng lưu, bè lũ nịnh hót, và thế hệ ái kỉ (snowflakes). Gingrich học vẹt luận điểm này để bàn về cuộc tranh biện Tổng thống lần thứ nhất. Taleb mô tả IYI là một người theo dõi tạp chí The New Yorker, tham dự TED Talks, và không vận động thể chất gì hết. Taleb viết: “Hãy cẩn thận với bọn tri thức nửa vời. Họ nghĩ rằng mình uyên bác, nhưng họ thực chất còn không biết được thế nào là ngụy biện”.
 
Trớ trêu thay, cựu phát ngôn Nhà Trắng - người dành sự nghiệp của mình để phân tán sự hoài nghi hướng về phía chính phủ - có vẻ đã mất đi khả năng nhìn thấu những lời ngụy biện của mình.
 
Sự trớ trêu tiếp tục khi Gingrich dẫn chứng Michael Polanyi để bảo vệ Trump: “Kiến thức sách vở là những gì bạn sẽ học được từ một nền giáo dục truyền thống, trong khi kiến ​​thức ngầm là những gì bạn học được bằng cách thực sự làm gì đó”. Gingrich viết: “Ở Hoa Kỳ, chúng ta có thừa kiến ​​thức rõ ràng về bộ máy quan liêu, cơ sở chính trị, phương tiện truyền thông và các tổ chức cấp cao hơn. Tổng thống Trump đang dẫn đầu phong trào đưa kiến ​​thức ngầm lên ngôi trong hệ thống liên bang, để chính phủ có thể thực sự hoạt động hiệu quả và thực tế nhằm mục đích phục vụ người dân của mình.
 
Nước Mỹ đang trải qua một quá trình chuyển đổi vĩ đại và Trump là ứng cử viên duy nhất có vẻ nhận thức được điều đó.
 
Trong nửa sau cuốn sách thảo luận về cách Trump và đảng Cộng Hòa có thể hoạt động thành công, Gingrich tiếp tục viết thánh văn ca ngợi khao khát của Trump để đem đến thay đổi bắt đầu từ các cử tri.
 
Đầu tiên, Gingrich chỉ trích cánh tả có “văn hóa bắt nạt những người không có đặc quyền”, và tố cáo chủ nghĩa tự do bản sắc như một xu hướng độc hại đã góp phần vào làn sóng phẫn nộ mà Trump đã phải hứng chịu.
 
“Nếu bạn nhìn thế giới qua một lăng kính định nghĩa chủng tộc, giới tính và khuynh hướng tình dục”, thì Gingrich viết, “thì mọi thứ sẽ được nhìn nhận bằng sự chấp nhận hoặc thù địch với những khía cạnh đó của bản sắc cá nhân”.
 
Bàn về bài phát biểu nhậm chức của Trump, Gingrich lập luận rằng “Trump đã nói chuyện trực tiếp với hàng triệu người Mỹ đang thất vọng, những người đã chứng kiến ​​cộng đồng của họ suy tàn trong khi những kẻ trí thức ngu dốt của chính phủ và truyền thông tuyên bố nền kinh tế đang cải thiện, tình trạng thất nghiệp đang giảm và Mỹ đang dẫn đầu thế giới."
 
Nhìn chung, cuốn sách đầy rẫy những lời vô vị kiểu Gingrich. Nó không chính xác giúp chúng ta “Hiểu về Trump”, nhưng nó đưa ra một cái nhìn về nghệ thuật hùng biện mà người ta có thể sử dụng để biện hộ cho những thứ không thể biện hộ được.
 
Còn về lời nhận xét của Gingrich về những người chống lại tổng thống, thì một câu chắt lọc rất hữu ích và rất Trump có thể được tìm thấy ở ngay trang đầu tiên: “Hoặc là họ không biết gì cả hoặc là họ đang nói dối. Kệ đi!”.
 
Anh Thư biên dịch
Tags: