Haruki Murakami: Sự ra đời của những tiểu thuyết trên bàn ăn phòng bếp
Haruki Murakami: Sự ra đời của những tiểu thuyết trên bàn ăn phòng bếp
Haruki Murakami, ngay từ ban đầu, không chọn trở thành một tiểu thuyết gia, càng không thể tưởng rằng có một ngày mình trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới bằng những dòng viết được nghênh đón nhiệt liệt. Cơ hội, tựa như một phép màu, đến với ông một cách đột ngột, thay đổi ông và trao sức mạnh cho ông, để ông tìm được sứ mệnh của đời mình.
Khoảnh khắc ấy, một trận bóng chày năm 1978, khi một nhà văn hẵng còn chưa được hình thành.

Gần như là tất cả mọi người — ý tôi là hầu hết chúng tôi, những con người thuộc xã hội Nhật Bản ấy — tốt nghiệp ra trường, tìm một việc làm, rồi, sau một thời gian, kết hôn với một ai đó. Chính bản thân tôi ban đầu cũng chẳng có lý do gì mà không dự tính đi theo khuôn mẫu đó cả. Hoặc, ít nhất là, tôi đã tưởng tượng rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo lối ấy. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi kết hôn rồi mới bắt đầu đi làm, rồi (bằng cách nào đó) cuối cùng cũng vật lộn để có được tấm bằng tốt nghiệp. Nói cách khác, thứ tự mà cuộc đời tôi chảy trôi hoàn toàn trái ngược với những gì được coi là lẽ thường tình. 

Bởi ghét cái ý tưởng làm việc dưới trướng một công ty, tôi quyết định gây dựng một vị trí của riêng mình, một nơi mà mọi người có thể đến nghe nhạc jazz, uống cà phê, ăn nhẹ và cả uống. Ý tưởng ấy, đại loại thì, giản đơn và vô tư quá: điều hành một công việc kinh doanh như thế, tôi nghĩ, cho tôi cái dịp thư thả mà nghe bản nhạc mình ưa thích từ sáng đến khuya. Vấn đề là, vì cưới nhau từ khi còn học đại học, chúng tôi chẳng có đồng nào trong mình. Vì vậy, trong ba năm đầu, vợ chồng tôi làm việc như nô dịch, thường ôm đồm cả tá công việc cùng một lúc để dành dụm nhiều nhất có thể. Sau đó, tôi vay tiền kiểu xoay vòng, tận dụng mọi khả năng giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Chúng tôi dùng tất cả số tiền kiếm được, cùng nhau mở một quán cà phê, cũng là một quán bar nhỏ, ở Kokubunji, nơi lui tới thường xuyên của sinh viên, ở ngoại ô phía tây Tokyo. Đó là năm 1974.

Quán cà phê của Murakami, Peter Cat, năm 1974.

Chúng tôi đang làm những gì mình thích, nhưng cũng không thể không nhức nhối ngày qua ngày với món nợ chất chồng vẫn luôn thường trực. Chúng tôi nợ ngân hàng, nợ cả những người đã đưa tay giúp đỡ mình. Rồi một lần nọ, hoàn toàn kẹt tiền trả hàng tháng cho ngân hàng, vợ chồng tôi đang lê bước giữa đêm khuya thì tình cờ thấy một số tiền nằm trên đường. Tôi không biết đó có phải là sự đồng phương tương tính [1] hay sự cứu vớt nào của thánh thần không, nhưng số tiền ấy bằng đúng số tiền mà chúng tôi đương cần. Khoản thanh toán của chúng tôi đến hạn vào ngày hôm sau, nên đây thực sự có thể gọi là một sự đáp đền vào phút chót. (Những sự kiện kỳ ​​lạ như thế vẫn thường xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau trong đời tôi.) Hầu hết người Nhật có lẽ sẽ làm điều đúng đắn là nộp tiền cho cảnh sát, nhưng với những người đã đi tới cùng đường như chúng tôi, chúng tôi không thể sống với thứ thương cảm tốt đẹp như thế nữa.

Khi quay đầu nhìn lại, tất cả những gì tôi có thể nhớ là mình đã cật lực làm việc như thế nào. Tôi thường mường tượng rằng hầu hết mọi người đều tương đối tự do ở độ tuổi đôi mươi, nhưng chúng tôi lại khác. Chúng tôi hầu như không có thời gian để tận hưởng “những ngày vô tư của tuổi trẻ” - những ngày tháng như thế gần như còn chẳng đi qua đời tôi. Tuy nhiên, tôi dồn hết thời gian rảnh rỗi mình có vào việc đọc. Cùng với âm nhạc, sách là niềm vui lớn mà tôi có. Dù bận rộn đến đâu, tan nát hay kiệt sức đến nhường nào, không ai có thể tước đi khỏi tôi những niềm vui thú đó.

Một buổi chiều tháng 4 rực rỡ năm 1978, tôi tham dự một trận đấu bóng chày tại sân vận động Jingu, cách nơi tôi sống và làm việc không xa. Đó là trận mở màn mùa giải Central League, lúc một giờ đồng hồ, Yakult Swallows gặp Hiroshima Carp. Khi đó tôi là một người hâm mộ Swallows, nên thỉnh thoảng ghé vào để xem một trận đấu thay vì đi dạo.

Tôi nghĩ người ném bóng xuất phát ở Hiroshima ngày hôm đó là Yoshiro Sotokoba. Yakult phản công với Takeshi Yasuda. Ở cuối hiệp đầu tiên, Hilton đã tung cú ném đầu tiên của Sotokoba vào sân bên trái để nhân đôi cách biệt. Tiếng rắc đầy thoả mãn khi bat gặp bóng vang lên khắp sân vận động Jingu. Những tràng pháo tay rải rác vang lên xung quanh tôi. Trong khoảnh khắc đó, chẳng vì lý do gì và chẳng biết khởi phát từ đâu, một ý nghĩ đột nhiên ập đến với tôi:

 

Tôi nghĩ mình có thể viết một cuốn tiểu thuyết.

Tôi vẫn có thể gợi lại chính xác cảm giác ấy. Cảm giác như thể có thứ gì đó từ trên trời liệng xuống, và tôi đã bắt được nó trong tay. Tôi không biết tại sao nó lại có một cơ hội rơi vào tay mình. Lúc đó tôi không biết, và tới tận bây giờ tôi vẫn còn không biết. Nhưng dù nguyên cớ là gì, điều ấy đã diễn ra. Tất cả những gì tôi có thể nói là cuộc sống của tôi đã thay đổi đáng kể và vĩnh viễn, ngay lập tức - khi Dave Hilton thực hiện cú nhân đôi cách biệt tuyệt đẹp đó tại Sân vận động Jingu.

Sau trận đấu (tôi nhớ rằng Yakult đã thắng), tôi đi tàu đến Shinjuku, mua một tập giấy viết và một cây bút máy. Thời đó chưa có bộ xử lý văn bản và máy tính như bây giờ, tức chúng ta phải viết mọi thứ bằng tay, từng ký tự một. Cảm giác viết thật mới mẻ. Tôi hẵng còn nhớ mình đã kích động như thế nào. Đã rất lâu rồi tôi chẳng đặt bút máy lên giấy như thế.

Mỗi tối sau đó, đã là rất khuya khi đi làm về, tôi ngồi vào bàn bếp và viết. Vài giờ trước khi bình minh là thời gian duy nhất tôi rảnh rỗi. Trong hơn sáu tháng sau đó, tôi đã viết Lắng nghe gió hát. Tôi hoàn thành bản nháp đầu tiên của nó vào khoảng thời gian mùa bóng chày kết thúc. 

Ấn bản đầu tiên của "Lắng nghe gió hát"

Lắng nghe gió hát  là một tác phẩm ngắn, gần với truyện vừa hơn là tiểu thuyết. Tuy thế, đã phải mất nhiều tháng và ngàn vạn nỗ lực mới có thể hoàn thành nó. Tất nhiên, một phần lý do là tôi có ít thời gian mày mò viết lách, nhưng vấn đề lớn hơn cả là tôi chẳng hề biết cách viết một cuốn tiểu thuyết. Thành thật mà nói, dù đọc tất cả các thể loại, tôi vẫn dành sự yêu thích đặc biệt cho thế kỷ 19 và truyện trinh thám Mỹ. Chưa bao giờ tôi nghiêm túc nghiên cứu tiểu thuyết đương đại Nhật Bản nào cả. Bởi vậy, tôi không biết loại tiểu thuyết nào đang được đọc vào thời điểm đó, hoặc tôi nên viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật như thế nào. 

Trong vài tháng, tôi làm mọi việc thuần tuý dựa trên phỏng đoán, áp vào dòng viết của mình tất cả những gì có vẻ sẽ thành ra một dạng phong cách, và rồi chạy theo nó. Tuy nhiên, khi đọc lại kết quả của quá trình ấy, tôi chẳng có mấy ấn tượng. Ừ thì, nó dường như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một cuốn tiểu thuyết đấy, nhưng nó nhạt thếch. Toàn bộ cuốn sách khiến tôi thấy mình lạnh sống lưng. Tôi nghĩ, tới tác giả còn cảm nhận như thế, phản ứng của độc giả có lẽ sẽ còn tiêu cực hơn. Có vẻ như tôi không có những gì nó cần, tôi chán nản nghĩ. Thường khi, tất cả sẽ kết thúc ở đó — tôi sẽ bỏ đi. Nhưng không. Sự hiển linh màu nhiệm mà tôi nhận được trên dốc cỏ của Sân vận động Jingu vẫn còn khảm sâu nơi tâm trí tôi.

Nhìn lại thì, chẳng có gì là lạ khi tôi không thể tạo ra một cuốn tiểu thuyết hay cả. Tin chắc rằng một người như tôi, người chưa bao giờ viết bất cứ điều gì trong đời, có thể tạo ra thứ gì đó tuyệt vời ngay lập tức mới là sai lầm. Tôi đã cố gắng hoàn thành một điều không thể. Từ bỏ cái việc cố gắng viết ra thứ gì quá đối phức tạp đi, tôi nhủ thầm. Quen hết đi những ý tưởng rập khuôn về “tiểu thuyết” hay “văn học” đi, ghì những xúc cảm và nghĩ suy của mình xuống mặt giấy ngay khi nó xuất hiện, một cách tự do, theo cách mà ta thích thôi. 

Đó là một buổi sáng Chủ nhật ngập nắng mùa xuân, khi tôi nhận được cuộc gọi từ một biên tập viên của tạp chí văn học Gunzo, nói với tôi rằng Lắng nghe gió hát đã lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng nhà văn mới của họ. Đã gần một năm trôi qua kể từ trận mở màn mùa giải ở sân vận động Jingu, và tôi đã bước sang tuổi 30. Lúc đó là khoảng 11 giờ sáng, nhưng tôi vẫn còn ngủ say, do làm việc rất muộn vào đêm trước. Tôi lúng túng nhấc ống nghe lên, nhưng lúc đầu chẳng biết ai ở đầu dây bên kia, hay biết anh ta đang muốn nói gì với mình. Thật thà mà nói, khi đó tôi đã quên mất rằng mình đã gửi Lắng nghe gió hát cho Gunzo. Khi đã hoàn thành bản thảo và đặt nó vào tay người khác, cái khát khao được viết của tôi đã hoàn toàn lắng xuống. Có thể nói, sáng tác cuốn sách nọ là một hành động bột phát — tôi đã viết nó một cách trơn tru lắm, ngay khi ý tưởng ập đến với tôi — nên ý tưởng rằng nó có thể lọt vào danh sách ấy chưa bao giờ nảy ra trong tôi cả. Trên thực tế, tôi đã gửi cho họ bản duy nhất của cuốn sách ấy. Nếu họ không chọn nó, nó có thể sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi thế giới này. (Gunzo không trả lại những bản thảo bị từ chối.) Và như thế, rất có thể tôi sẽ không bao giờ viết một cuốn tiểu thuyết nào khác. Cuộc sống kì lạ vậy đấy.

Người biên tập nói với tôi rằng, có năm người vào vòng lựa chọn cuối cùng, trong đó có tôi. Tôi lấy làm kinh ngạc, nhưng cũng rất buồn ngủ, vì vậy chẳng thực sự để ý niệm về giải thưởng ấy ngấm vào mình. Tôi ra khỏi giường, tắm rửa, mặc quần áo và đi dạo cùng vợ. Ngay khi chúng tôi đi ngang qua trường tiểu học địa phương, tôi nhận thấy một con chim bồ câu đang rúc trong bụi cây. Khi nhặt nó lên, tôi thấy nó dường như bị gãy một cánh. Một thẻ kim loại dán vào chân nó. Tôi nhẹ nhàng đặt nó trong lòng bàn tay và mang nó đến đồn cảnh sát gần nhất, tại Aoyama-Omotesando. Khi đi bộ dọc theo những con phố nhỏ của Harajuku, hơi ấm của chú chim bồ câu bị thương truyền vào tay tôi. Tôi cảm thấy nó run rẩy. Chủ nhật hôm đó trời quang đãng, cây cối, các tòa nhà và cửa sổ cửa hàng lấp lánh đẹp đến rộn lòng trong ánh nắng mùa xuân.

Đó là khi ý niệm ấy thật sự chạm vào tôi, lay tỉnh tôi. Tôi sẽ giành được giải thưởng. Và tôi sẽ tiếp tục trở thành một tiểu thuyết gia, sẽ thành công ở một mức độ nào đó. Ấy là một giả định đặc biệt táo bạo, nhưng ngay lúc đó, tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ xảy ra. Hoàn toàn chắc chắn. Không phải trên lý thuyết, mà tôi trực tiếp cảm thấy như thế.

Tôi viết Pinball, 1973 vào năm sau, như phần tiếp theo của Lắng nghe gió hát. Tôi vẫn điều hành quán bar nhạc jazz, tức Pinball cũng được viết vào đêm muộn, trên bàn bếp của tôi. Tôi gọi hai tác phẩm này là tiểu thuyết trên bàn bếp của mình, với tình yêu xen lẫn chút ngượng ngùng. Ngay sau khi hoàn thành Pinball, 1973, tôi quyết định trở thành một nhà văn toàn thời gian và chúng tôi đã bán cơ sở kinh doanh ấy. Tôi ngay lập tức bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên của mình, Cuộc săn cừu hoang, cuốn sách mà tôi coi là bước khởi đầu thực sự trong sự nghiệp tiểu thuyết gia của mình.

Tuy nhiên, hai tác phẩm ngắn đầu tay đóng một vai trò quan trọng trong những thành tựu của đời tôi. Chúng hoàn toàn không thể thay thế, chung giống như những người bạn cố hữu. Có vẻ như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau lần nữa, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên tình bạn ấy. Chúng là một sự hiện diện quan trọng và quý giá trong cuộc sống của tôi hồi đó. Chúng đã sưởi ấm trái tim tôi và động viên tôi trên con đường mình đã chọn.

Tôi vẫn có thể nhớ rành mạch cảm giác thứ gì nó - bất cứ thứ gì khi đó - rơi xuống tay tôi vào ngày hôm ấy, 30 năm trước, trên bãi cỏ phía sau hàng rào ngoài sân vận động Jingu; và tôi vẫn nhớ như in hơi ấm của chú chim bồ câu bị thương mà tôi đã nhặt được trên đôi tay ấy, vào buổi chiều mùa xuân một năm sau, gần trường tiểu học Sendagaya. Tôi luôn gợi dậy những cảm giác ấy, bất cứ khi nào tôi nghĩ về ý nghĩa của việc viết một cuốn tiểu thuyết. Những ký ức thuộc về xúc giác như thế dạy tôi tin vào thứ tôi mang trong mình, và mơ về những khả năng mà nó mang lại. Thật tuyệt vời làm sao, thật diệu kỳ làm sao, khi những cảm giác đó vẫn còn đọng lại trong tôi, tới tận ngày hôm nay.

.

[1] Đồng phương tương tính (Synchronicity) là hiện tượng hai hoặc nhiều sự kiện có vẻ không liên quan nhau, khó có thể xảy ra một cách đồng thời ngẫu nhiên nhưng lại xảy ra trùng hợp một cách có ý nghĩa.

Trạm Đọc | via Literary Hub.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

10 cuốn sách xuất sắc nhất của Haruki Murakami

Bỏ Mèo - Kỷ niệm về cha

Những lời bộc bạch của Khỉ Shinagawa

Tổng thống Obama: Ý nghĩa của sách với cuộc đời một con người