GS.TS Bùi Thị Minh Hồng là GS về Quản trị Kinh doanh tại ĐH Thành phố Birmingham. Chị từng giảng dạy trong chương trình Tiến sỹ về Quản lý Giáo dục của ĐH Bath, và chương trình Thạc sỹ Phát triển Nguồn Nhân lực tại ĐH Southampton. Chị là cử nhân kinh tế, cử nhân tiếng Anh, thạc sỹ Quản lý và Lãnh đạo Giáo dục, và tiến sỹ về Phát triển Nguồn nhân lực. Chị là học giả liên ngành có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu Xây dựng Tổ chức để phát triển sáng tạo và bền vững.
Từ năm 2010, chị là tác giả, đồng tác giả của trên 100 bài viết, tài liệu được xuất bản trên các tạp chí khoa học, chương sách và hội nghị quốc tế. Tạp chí Public Administration Review năm 2014 đánh giá GS.TS Minh Hồng là “nhà nghiên cứu tài năng” (talented researcher) và “học giả hàng đầu” (leading scholar). Đến nay, chị được tài trợ tổng cộng hơn một triệu bảng Anh từ các viện, trường, tổ chức và doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức của mình.
Trong vòng một thập kỷ, chị đã hướng dẫn thành công 14 nghiên cứu sinh, trong đó nhiều người đã giành giải thưởng cao trong nghiên cứu. Rất nhiều sinh viên đã thành công trong sự nghiệp dưới sự cố vấn nghề nghiệp của chị. Chị muốn phát triển những thế hệ mới vượt trội cả về tầm nhìn và tư duy toán cầu. Forbes Việt Nam vinh danh chị trong danh sách 20 Người Phụ nữ có tầm ảnh hưởng 2021.
TS Bùi Thị Minh Hồng đọc rất nhiều sách các loại, nhưng cũng khá lựa chọn sách để đọc. Trong bài viết dưới đây chị chia sẻ về 5 cuốn sách đặc biệt với bản thân và chị cho rằng mỗi người đều nên đọc 5 cuốn sách này.
The 7 habits of high effective people - 7 thói quen để thành đạt (Stephen R. Covey)
Đây là cuốn sách tôi đã đọc từ cách đây 30 năm trước khi đang còn là sinh viên năm 2. Cuốn sách giới thiệu tới người đọc những thói quen tạo nên sự khác biệt giữa những người bình thường và những người thành đạt, có khả năng xử lý các vấn đề quanh mình một cách hiệu quả. Đó là những người không chỉ để ý đến thành tích của cá nhân, mà còn luôn luôn để ý đến thành công của tập thể, đội nhóm; cuối cùng là luôn luôn đổi mới bản thân để duy trì được sức mạnh của bản thân, hướng tới mục tiêu đã được xác định. Cuốn sách đó đã nhem nhóm trong tiềm thức mơ hồ của tôi về sự phát triển con người, để sau đó gần một thập kỷ tôi quyết định làm tiến sỹ về lĩnh vực con người trong tổ chức.
The necessary revolution (Peter Senge)
Với rất nhiều những câu chuyện đầy cảm hứng của các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới, từ Alcoa đến Oxfam, từ DuPont đến GE… cuốn sách The necessary revolution tiết lộ cách các tập đoàn và tổ chức tìm ra các giải pháp vừa đảm bảo sự tồn tại lâu dài, vừa đảm bảo sự thành công kinh doanh khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng môi trường và áp lực từ các vấn đề xã hội. Tác giả cho thấy rõ ràng rằng: những người bình thường ở mọi cấp trong mọi tổ chức đều có khả năng và tinh thần đổi mới để làm những điều phi thường. Cuốn sách này đã đưa tôi tới lĩnh vực nghiên cứu liên ngành và đa ngành vì những thách thức toàn cầu sẽ không thể xử lý được bằng cách làm đơn ngành xưa cũ, chả khác nào thầy bói xem voi.
Originals - Tư duy ngược dịch chuyển thế giới (AdamGrant)
Trước khi vô tình nhặt được cuốn sách này ở một hiệu sách ở trung tâm Hà Nội, tôi luôn tư vấn sự nghiệp cho sinh viên thạc sỹ và tiến sỹ của mình với lời khuyên: hãy đi ngược lại với số đông. Cuốn sách trên của Adam Grant đã giúp tôi khẳng định là những lời khuyên của mình với sinh viên là có lý. Grant giúp độc giả nắm được phương pháp để nhận biết một ý tưởng hay, cách lên tiếng mà không bị cô lập, xây dựng liên minh, chọn thời điểm thích hợp để hành động, kiểm soát nỗi sợ hãi và nghi ngờ; cũng như cách thức để các bậc phụ huynh và giáo viên có thể nuôi dưỡng khả năng sáng tạo độc đáo ở trẻ; và giải pháp để các nhà lãnh đạo đấu tranh với tư duy “bầy đàn”, tìm những con người giống mình, thay vì tìm những con người khác biệt, thậm chí là lập dị.
Thinking Better: The Art of the Shortcut (Marcus Du Sautoy)
Trong cuốn sách thú vị này, Marcus Du Soutoy - một trong những nhà toán học đương đại hàng đầu của thế giới - chỉ cho độc giả cách sử dụng toán học để tìm ra những lối đi tắt, giúp tiết kiệm thời gian/ chi phí giải quyết vấn đề, để đi đến thành công một cách nhanh nhất, với những câu chuyện minh họa sống động về các nghệ sĩ, nhà khoa học và doanh nhân, những người sử dụng các phím tắt toán học để thay đổi thế giới. Mới mẻ, thú vị, khai sáng và thực tế, cuốn sách là ấn phẩm nên đọc với bất kỳ quan tâm đến việc tìm lối đi sáng tạo mới đến thành công. Tuy nhiên, để đọc được cuốn sách này đòi hỏi người đọc phải có tư duy toán học nhất định. Nếu bạn là dân học STEM, hay yêu thích môn toán thì tôi khuyên không nên bỏ lỡ cuốn sách này.
Leading in the Digital World: How to Foster Creativity, Collaboration, and Inclusivity (Amit S. Murkherjee)
Trong thời kỳ đại dịch, khi mọi thứ chuyển dịch trên mạng thì tôi vô tình tham gia cuộc nói chuyện của Amit Murkherjee, một GS trường Kinh doanh Quốc tế Hult của Mỹ. Từ đó tôi biết tới cuốn sách này của ông, và nó tới đúng thời điểm nền kinh tế thế giới phụ thuộc gần như 100% vào công nghệ số vì giãn cách xã hội. Với tôi, cuốn sách như một minh chứng cho thấy những người luôn khao khát thử thách mới dù không bao giờ là dễ dàng, những người có đôi cánh rộng hơn là chiếc đuôi dài: họ là những nhà lãnh đạo thế hệ mới.
Dựa trên khảo sát và các cuộc phỏng vấn với hàng trăm giám đốc điều hành cấp trung và cấp cao từ khắp nơi trên thế giới (trước đại dịch Covid), Mukherjee giải thích cách thức công nghệ kỹ thuật số đã định hình lại cơ cấu và các thức hoạt động của các tổ chức, cũng như điều này có ý nghĩa gì như thế nào với các nhà lãnh đạo. Từ đó ông giải thích lý do tại sao các công nghệ kỹ thuật số kêu gọi một kiểu lãnh đạo mới: nhấn mạnh đến sự sáng tạo, hợp tác và bao hàm đa dạng xã hội.
VH ghi