Cần có những giải thưởng chuyên nghiệp
Thời gian nhận bài dự thi Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam 2021 là từ ngày 25-5 đến 5-7-2021. Ngoài gần 40 giải thưởng cá nhân và 10 giải tập thể, Ban tổ chức sẽ chọn để trưng bày khoảng 400 tác phẩm. Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam sẽ là hoạt động được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển hoạt động mỹ thuật của thiếu nhi trong và ngoài nhà trường.
Ban tổ chức cuộc thi kỳ vọng, với mùa hè 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam 2021 sẽ thu hút đông đảo các em thiếu niên nhi đồng tham gia. Giải thưởng cũng được kỳ vọng là sẽ trở thành một “sân chơi chuyên nghiệp” dành cho các em thiếu nhi có năng khiếu và yêu thích bộ môn mỹ thuật, trở thành một địa chỉ để ươm mầm, nâng đỡ những tài năng trẻ còn bỡ ngỡ trước những ngưỡng cửa vào đời.
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 vừa qua, Báo Thể thao và Văn hóa đã tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Ở mùa giải thứ 2 này, hạng mục giải thưởng cao nhất là “Hiệp sĩ Dế Mèn” đã không có. 5 giải “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho tiểu thuyết “Đi trốn” (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Bình Ca; phim hoạt hình "Khúc gỗ mục" của đạo diễn-NSND Nguyễn Thị Phương Hoa và êkíp (Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam); chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của hoạ sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007); Truyện tranh "Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!" (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng); bộ truyện "Khác biệt mới tuyệt làm sao" (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các hoạ sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương.
Ngay sau khi mùa giải thứ 2 khép lại, mùa giải Dế Mèn thứ 3 năm 2022 cũng chính thức được khởi động. Là giải thưởng nghệ thuật thường niên do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập và tổ chức từ năm 2020, Giải thưởng Dế Mèn nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ).
Trong mùa giải đầu tiên, giải Hiệp sĩ Dế Mèn đã được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm “Làm bạn với bầu trời” cùng sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi với 40 đầu sách. 4 giải “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với chùm bài hát cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Chí Ngoan với bản thảo tập truyện ngắn “Mộng giang hồ” và hai tài năng nhí là Cao Khải An (12 tuổi) với bản thảo truyện dài “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” và Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với chùm tranh về COVID-19.
Tuy mới trở thành một giải thưởng nghệ thuật lấy đối tượng thiếu nhi làm trung tâm được 2 năm, nhưng Giải thưởng Dế Mèn thực sự đã có những đóng góp đáng kể cho đời sống nghệ thuật chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi của nước nhà. Chất lượng mùa giải năm nay được đánh giá khá cao, với sự xuất hiện của nhiều tác giả đã thành danh, trong đó có những tác giả đã chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành bản thảo dự thi vào giờ chót. Trong số các tác giả “nhí” dự thi, có 2 tác giả tuổi dưới 12 đã dự thi bằng 2 tiểu thuyết dài hàng trăm trang, thuộc thể loại fantasy, trong đó một tiểu thuyết song ngữ - ban đầu được viết bằng tiếng Anh (dự kiến 4 tập, mới hoàn thành 1 tập) rồi mới dịch ra tiếng Việt và được các bạn cùng lớp minh họa.
“Ươm cây” mới có ngày “hái quả”!
Còn nhớ, vào năm 1991, Báo Hoa học trò ra đời và có chuyên mục “Hương đầu mùa” ngay từ số đầu ra mắt đã trở thành sân chơi, nơi ươm mầm tài năng văn chương của nhiều cây bút nổi tiếng sau này như Trang Hạ, Đặng Thiều Quang, Bình Nguyên Trang, Hoàng Anh Tú, Đương Huyền Phương... Lứa học trò những năm ấy, hằng tuần đều chờ đợi tờ báo được phát hành và khi cầm tờ báo trên tay, chuyên mục tìm đọc đầu tiên bao giờ cũng là các tác phẩm được đăng trong chuyên mục “Hương đầu mùa”. Tình yêu văn chương của nhiều thế hệ học trò đã được nhen nhóm, vun trồng từ đó. Tiếc là về sau này, không còn có sân chơi văn chương nào dành cho tuổi mới lớn được yêu thương chăm chút, có sức sống và hấp dẫn đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên như vậy.
Nhiều người quan tâm đến sự phát triển của văn học nước nhà vẫn bày tỏ mong muốn sẽ có một “sân chơi văn chương” nào đó là “phiên bản” của chuyên mục “Hương đầu mùa” sẽ lại xuất hiện và trở thành nơi “ươm mầm” cho tài năng văn chương, là nơi sẽ tạo những điều kiện tốt nhất như không khí, độ ẩm, ánh nắng, tình yêu thương và sự chăm chút để cho những hạt giống văn chương có thể nảy mầm và vươn lên tươi tốt.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là một người rất quan tâm đến văn học thiếu nhi, văn học của người trẻ và luôn đề cao giá trị tinh thần của văn chương đối với việc hình thành nhân cách, tâm hồn của mỗi người. Chính vì thế, nhiều người kỳ vọng rằng trong nhiệm kỳ làm chủ tịch của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ làm được điều này.
Có một điều chắc chắn rằng, để có được những tác phẩm nghệ thuật hay giải thưởng nghệ thuật dành cho thiếu nhi có uy tín, có chất lượng, thì công tác đào tạo, định hướng, gieo mầm nghệ thuật phải được chú trọng. Nhưng xem ra, việc “ươm mầm nghệ thuật” dành cho thiếu nhi đang có những biểu hiện của việc ít được chú trọng do tâm lý phụ huynh và trào lưu xã hội có xu hướng theo đuổi những nghề nghiệp có tính chất ổn định, kiếm được nhiều tiền hơn là theo đuổi nghệ thuật.
Còn nhớ, từ mùa hè năm 2017, CLB Art star do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức và họa sĩ Lê Tiến Vượng làm chủ nhiệm đã "chiêu sinh" các học viên nhí cho các lớp: Mỹ thuật ứng dụng, Văn và Báo chí, Nhiếp ảnh. Hoạt động của CLB đã hoạt động sôi nổi suốt mùa hè và trong năm học được duy trì mỗi cuối tuần. Trong nhiều năm, các bạn thiếu nhi có thể trải nghiệm "Một tuần nghệ sĩ" hay tham gia trại hè EcoCamp vốn rất chú trọng đến môn văn học của cô Thụy Anh. Tuy nhiên, từ mùa hè năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên các hoạt động sinh hoạt hè nói chung và các CLB nghệ thuật nói chung đều phải đóng cửa để phòng dịch cũng là điều hết sức đáng tiếc.
Hiện nay, hệ thống các nhà văn hóa dành cho thiếu nhi từ cấp huyện trở lên và ngay cả ở một "địa chỉ đỏ" dành cho thiếu nhi như Cung Thiếu nhi Hà Nội đã bắt đầu xuống cấp với những mô hình giáo dục bắt đầu bộc lộ những yếu kém, lạc hậu, thì việc ngày càng có thêm nhiều CLB do các cá nhân mở ra chính là những địa chỉ đi tiên phong trong việc dạy trẻ con tiếp cận và biết yêu nghệ thuật.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng từng chia sẻ rằng, việc thành lập và duy trì các lớp học nghệ thuật của CLB Artstar bước đầu cũng có những khó khăn nhất định. Song, với suy nghĩ đầy lạc quan rằng: "Nếu không đi không thể thành đường", họa sĩ Lê Tiến Vượng tin tưởng rằng, việc dạy và học nghệ thuật ở Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể, trong đó những thay đổi bắt đầu từ chính tâm lý các phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, những giải thưởng nghệ thuật dành cho thiếu nhi như Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam vừa được khởi động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ, tôn vinh thích đáng đối với các tài năng trẻ.
Theo Nguyệt Hà - VNCA