ĐỪNG TRỞ NÊN XẤU XA - Khi lợi ích kinh tế đánh bại lý tưởng tốt đẹp ban đầu
ĐỪNG TRỞ NÊN XẤU XA - Khi lợi ích kinh tế đánh bại lý tưởng tốt đẹp ban đầu
“Đừng trở nên xấu xa” là hồi chuông cảnh tỉnh rằng đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt tình trạng cố tình mù quáng trước những việc làm của Big Tech.
Đừng Trở Nên Xấu Xa
(2 lượt)

Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, nơi nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên bite và byte thay vì những vật chất hữu hình. Một kỷ nguyên mà mọi sự tiện lợi đều bắt đầu chỉ với một “click" chuột hay một cái chạm màn hình. Với món lợi từ kinh doanh “dữ liệu, trí tuệ và thông tin", các công ty thuộc Big Tech ngày càng trở nên quyền lực và phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển này không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực của họ, mà còn dần trở nên không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống. 

Theo nghiên cứu, số lượt tìm kiếm trên Google chiếm 90% tổng lượt tìm kiếm toàn cầu. Số những người trưởng thành dưới 30 tuổi đang sử dụng internet có đến 95% người sử dụng Facebook và Instagram. Hệ điều hành Google và Apple đang chạy trên 99% tổng số điện thoại di động toàn cầu. Apple và Microsoft cung cấp 95% hệ điều hành máy tính cho cả thế giới. Amazon chiếm 50% tổng doanh số thương mại điện tử của Mỹ. Và 80% tổng tài sản doanh nghiệp hiện được nắm giữ bởi chỉ 10% công ty - là những gã khổng lồ kỹ thuật số... Danh sách những con số ấn tượng này một lần nữa củng cố sự thật về tầm ảnh hưởng khủng lồ của công nghệ số lên đời sống của mỗi cá nhân. 

Tuy lợi ích mà nhóm Big Tech mang lại là không thể phủ nhận, nhưng trên thực tế rất nhiều vấn đề nguy hại đến kinh tế, chính trị hay chính cuộc sống của chúng ta cũng đang dần được nhận ra từ sự phát triển bành trướng của nhóm những ông lớn công nghệ này. 

Bậc thầy vĩ đại về quản trị Peter Drucker từng nói: “Trong mọi cuộc suy thoái kinh tế lớn trong lịch sử Mỹ, ‘kẻ phản diện' đều từng là những ‘anh hùng' của thời kỳ bùng nổ trước đó.” đến thời điểm hiện tại, có lẽ các công ty Big Tech này đang dần trở thành kẻ phản diện. Những kẻ phản diện với các vấn đề đáng lo ngại như phân mảnh kinh tế, cản trở tiến trình chính trị và che mờ tâm trí của chúng ta… 

 

 

Với mong muốn làm sáng tỏ những vấn đề đã khiến mọi người lo lắng có liên quan đến Big Tech, cũng như cùng tìm ra cách để giải quyết những vấn đề đó, tác giả Rana Foroohar - Phó tổng biên tập của tờ Financial Times, chuyên gia phân tích kinh tế của CNN đã cho ra đời cuốn sách “Don’t be evil" với tựa việt “Đừng trở nên xấu xa". Cuốn sách không tô vẽ hay ca ngợi những lợi ích mà các công ty công nghệ này đã làm, mà tập trung nhìn nhận vào sự thật, những tác động đáng lo ngại hữu hình từ những công ty kinh doanh sản phẩm vô hình. 

“Don't be evil" là câu mở đầu nổi tiếng trong quy tắc ứng xử nguyên bản của Google. Nhưng theo Foroohar có vẻ không chỉ Google mà các công ty thuộc Big Tech cũng đã dần quên đi mục đích tốt đẹp ban đầu ấy của mình. 

 

Big Tech và những ảnh hưởng về kinh tế

 

 

Với kinh nghiệm ba mươi năm làm phóng viên kinh tế của mình, Rana Foroohar đã lần theo dòng tiền và nhận định Big Tech có nhiều tiền hơn bất cứ ngành nghề nào khác. 

Google, Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Uber… là những cái tên đã thay thế nền kinh tế dựa vào công nghiệp của thế kỷ 19 và 20 bằng nền kinh tế dựa trên thông tin - thứ vốn đã và đang định hình thế kỷ 21. 

Các công ty công nghệ này dần sở hữu sức mạnh không gì lay chuyển nổi và kéo theo những tác động có thể thấy rõ cho nền kinh tế. Báo chí đang dần bị nuốt chửng bởi Google và Facebook - hai công ty nắm giữ 60% thị trường quảng cáo trên Internet trong năm 2018. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của khoảng 1.800 tờ báo tính từ năm 2004 đến năm 2008, khiến 200 hạt ở Mỹ hoàn toàn không còn báo chí. 

Kể từ khi Big Tech trỗi dậy và nắm giữ quyền lực khó lòng xoay chuyển, vốn đầu tư mạo hiểm cho giai đoạn đầu cũng như số lượng các công ty khởi nghiệp được tài trợ giảm mạnh, khiến số lượng việc làm mới và lương cũng giảm theo. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Robert Litan từ Viện Brookings thì: “Động lực kinh doanh và tinh thần kinh doanh ở Mỹ đang trải qua một thời kỳ suy thoái trầm trọng, kéo dài.” Mặc dù xu hướng này đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng lần giảm mạnh nhất là vào giữa những năm 2000, khi Big Tech thật sự bùng nổ. 

Khi các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh, họ càng tận dụng sức mạnh thị trường để đánh bại đối thủ cạnh tranh: họ mua lại công ty đối thủ, hoặc săn tìm những nhân tài từ công ty đó… điều này đã tạo nên sự nhiễu loạn cho những công ty mới thành lập và cho cả những người lao động. 

Quay trở lại với Google, ban đầu họ chủ yếu kiếm tiền từ việc nhượng quyền công nghệ tìm kiếm cho các trang nội dung khác nhau, tích luỹ lưu lượng truy cập để có thêm nhiều lưu lượng truy cập theo cách chậm mà chắc. Nhưng sau đó, dưới rất nhiều áp lực trong việc tạo ra doanh thu, Google đã dần đi ngược lại so với triết lý đạo đức của mình. Biến mình từ một công ty tự phát, vui tươi, lý tưởng trở thành một tập đoàn lớn nhưng lại bao phủ trong vô vàn câu hỏi về mặt đạo đức. 

Bất chấp việc người dùng bị xâm nhập dữ liệu, về việc giám sát khách hàng 24/7, hay quảng cáo tràn lan thì triển vọng của một nền kinh tế vận hành trên dữ liệu thay vì đồng tiền đô-la đơn giản là quá hấp dẫn, khó thể cưỡng lại. Các công ty công nghệ dần bị lợi ích kinh tế che mờ mắt, tìm mọi cách để giữ chân người dùng trên không gian mạng càng lâu càng tốt. Còn những hệ quả bắt nguồn từ đó thì có lẽ được cho là vấn đề của những người khác, sẽ được giải quyết vào lúc khác. 

 

Big Tech và những tác động chính trị 

 

Theo tác giả Foroohar, Facebook, Google và nhiều công ty công nghệ hoàn toàn có thể (và thực tế là) giám sát gần như mọi thứ chúng ta làm trên không gian mạng. Mặc dù vậy, họ vẫn muốn đi nước đôi và chối bỏ trách nhiệm khi trên nền tảng của mình xuất hiện những bài viết thù địch, tin giả hay quảng cáo nhằm mục đích chính trị. 

Suốt nhiều năm qua, dàn lãnh đạo của Youtube, Facebook, Google và Twitter đã luôn biết nền tảng của họ có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền những thông tin sai trái. Nhưng họ chỉ xác định rằng việc khắc phục vấn đề không đáng để mạo hiểm mô hình kinh doanh của họ. 

Trong “Đừng trở nên xấu xa", tác giả Foroohar đã thẳng thắn chỉ ra sự tác động thay đổi cục diện bởi những công ty công nghệ lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Theo bà, cùng với sự phát triển về số lượng người dùng khổng lồ thì vấn nạn thao túng bầu cử thông qua nền tảng mạng xã hội tiếp tục trở thành một vấn đề nan giải của toàn thế giới, khi Google và Facebook vẫn được sử dụng để áp chế tiếng nói của người dân, hoặc thậm chí ủng hộ các cuộc diệt chủng hay giết người ở nhiều quốc gia, từ Châu Á đến Châu Phi. Thay vì với mục đích kết nối, lan toả như ban đầu, thì cuộc cách mạng kỹ thuật số này đang dần trở thành công cụ thu thập dữ liệu cá nhân để phục vụ những mục đích đen tối của một nhóm độc tài. Những người đứng đầu của Big Tech thay vì quan tâm đến tiếng nói của cộng đồng, họ chọn bận rộn ủng hộ cho bất kỳ bên nào có thể mang lại lợi ích cho họ nhiều nhất có thể. 

Với sự phát triển của mình, những tác động đến chính trị mà Big Tech gây ra là vô cùng lớn. Không chỉ trong vụ việc lan truyền phân biệt chủng tộc, tin giả hay thay đổi cục diện bầu cử năm 2016, mà còn trong việc xói mòn lòng tin của công chúng. Mạng xã hội càng phát triển, niềm tin của người dân đối với nền dân chủ tự do ngày càng suy giảm. Một phần nguyên nhân có liên quan đến những tin giả được phát tán tràn lan, thậm chí nhiều hơn tin thật đến 70%. 

Không ai đoán biết được dữ liệu cá nhân của chúng ta còn có thể được sử dụng cho những mục đích gì, nhất là khi tất cả được tiến hành trong bí mật. Hệ quả là nền dân chủ Mỹ ngày càng bị Big Tech lấn át, từng chút một. 

 

Ảnh hưởng của Big tech lên chính đời sống của chúng ta 

 

“Google và Facebook đã tìm ra cách khai thác dữ liệu và làm cho các quảng cáo nhắm mục tiêu của họ có độ chính xác không kém gì một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhắm vào một chỉ huy của tổ chức khủng bố IS, người vừa bước ra khỏi một boong-ke ở đâu đó trong lãnh thổ Syria vào lúc 3:13 chiều để hút một điếu thuốc.”

Đó là ví dụ mà Foroohar đã đưa ra để thấy được sự chính xác gần như tuyệt đối của việc phân phối các quảng cáo từ các nền tảng kỹ thuật số trong việc thu thập dữ liệu cá nhân. Khi lướt bất kỳ trang mạng xã hội nào hay sử dụng một ứng dụng nào, bạn đều được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để có thể đăng nhập và sử dụng các tiện ích. Những hành động tưởng chừng đơn giản ấy, nhưng đã khiến bạn tự mở hàng loạt ứng dụng theo dõi vị trí và hoạt động của bạn từng giây từng phút. Như Foroohar đã trực tiếp điểm mặt chỉ tên, những ứng dụng này đã và đang đại diện cho một ngành công nghiệp “tọc mạch" - trị giá đến 21 tỷ đô la và bên hưởng lợi nhiều nhất không chỉ có các công ty công nghệ lớn. 

Dù có không ít người nhận ra được mặt tối từ công nghệ số, nhưng không phải ai cũng thoát được khỏi cơn nghiện ấy. Chúng ta bị xao nhãng bởi dịch vụ cũng như sản phẩm bắt mắt, bóng bẩy và hấp dẫn mà họ tạo ra. Tất cả chúng ta đều nghiện những thiết bị tiện ích, ứng dụng cũng như các mạng xã hội nhiều đến mức không thể nhận ra vấn đề được nữa. Và theo tác giả Foroohar, điều này cũng chính là sức mạnh nguy hiểm nhất của Big Tech - sức mạnh thao túng suy nghĩ, hành động và cả não bộ của chúng ta. 

Các thương gia kinh doanh công nghệ số luôn tìm mọi cách để chúng ta gắn chặt trên không gian mạng, hoặc khiến chúng ta kết nối hết phương tiện truyền thông này đến phương tiện truyền thông khác. Ví dụ như, một danh sách phát liên tục trên Spotify, những trang mạng xã hội với bài viết và video nối tiếp nhau, các bộ phim tự động chuyển tập trên Netflix,... 

Mạng xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó là các vấn đề về sức khỏe tâm thần đáng báo động. Trong một nghiên cứu gần đây, Hiệp hội Tâm lý học Mỹ đã đưa ra kết luận: “những người liên tục kiểm tra thiết bị (để xem email, tin nhắn hay lướt mạng xã hội) dễ bị căng thẳng hơn những người khác.” Và tình trạng trầm cảm ngày một gia tăng ở giới trẻ có sử dụng mạng xã hội.

Thậm chí sự suy giảm nhận thức, mất trí nhớ hay đột quỵ và tử vong khi sử dụng “quá liều" các ứng dụng công nghệ số không còn là trường hợp hiếm gặp. Không dừng lại ở đó, Big Tech dường như còn không ngần ngại khi khai thác nỗi đau tinh thần mà họ đã góp phần tạo ra. Ví dụ: Facebook đã cố tình sử dụng các kỹ thuật thuyết phục để nhắm vào mục tiêu là những thanh thiếu niên trầm cảm ở Úc để quảng cáo sản phẩm/dịch vụ khác nhau. 

 

Phải làm gì để không trở nên xấu xa?

 

 

Câu chuyện về Big Tech và các tác động của nó vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thậm chí mỗi phút trôi qua lại có thêm nhiều những câu hỏi mới về tác động của nó đến cuộc sống của chúng ta. Nhưng câu hỏi quan trọng và cấp thiết nhất phải tìm câu trả lời, theo tác giả Rana Foroohar chính là: 

Chúng ta sẽ làm gì? 

Chúng ta đang gặp phải rất nhiều trở ngại trong việc giải quyết các vấn đề độc quyền, công nghệ có tính gây nghiện và các vấn đề chính trị do các công ty công nghệ lớn gây ra. Mọi công nghệ mà chúng ta đang bị cuốn vào đều tiềm ẩn những nguy cơ, nhưng không phải ai cũng giữ vững được lập trường khi lướt qua các bài đăng Facebook hoặc Twitter, mà đa phần đều đang dựa vào cảm tính nhiều hơn là dựa vào sự thật. 

Với kinh nghiệm nhiều năm làm phóng viên chuyên mục kinh doanh toàn cầu và chuyên gia phân tích kinh tế, Rana Foroohar đã thẳng thắn phân tích những tác động của Big Tech đến các khía cạnh của đời sống, kinh tế và chính trị. Không phủ nhận những lợi ích mà những ông lớn công nghệ này đã mang lại cho nền kinh tế, nhưng cũng thẳng thắn đưa ra những lập luận và dẫn chứng về cách họ từng bước dỡ bỏ quy tắc ban đầu để chạy theo những lợi ích hấp dẫn khác. 

Với việc làm rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng của Big Tech, Rana Foroohar đồng thời cũng đưa ra những hướng giải quyết để hạn chế sức mạnh độc quyền của Big Tech và giúp mỗi chúng ta trở thành người dùng thông minh hơn trong thế giới công nghệ số. Một số giải pháp mà Foroohar đưa ra có thể kể đến như: xem xét lại các quy định miễn trì pháp lý và quản lý dành cho Big Tech cũng như chính sách chống độc quyền dưới một góc độ rộng hơn về quyền lực chính trị, phân tích về vấn đề việc làm trong thời đại Big Tech có thể thay thế nhiều công việc của con người và quan trọng nhất là đưa ra hướng giải quyết cho việc nghiện sử dụng công nghệ… 

“Đừng trở nên xấu xa” là hồi chuông cảnh tỉnh rằng đã đến lúc chúng ta nên chấm dứt tình trạng cố tình mù quáng trước những việc làm của Big Tech. Sự giàu có và quyền lực của Big Tech đã khiến họ trở nên kiêu ngạo khủng khiếp. Họ đang cho rằng xã hội nên được định hình theo hình ảnh của họ. Quy mô và tốc độ phát triển của Big Tech trước nay đã gây ít nhiều những khó khăn cho việc theo dõi và kiểm soát của chính phủ. Nhưng nếu mỗi người dùng đủ tỉnh táo để phân tích và nhận ra mình nên từ bỏ và nên chọn lọc điều gì thì chính chúng ta đã giúp được mình thoát khỏi những cái bẫy trên không gian mạng. 

Sự tiện lợi, hào nhoáng, bóng bẩy của những công nghệ mới thường khiến người dùng mờ mắt và đem lại nguồn thu dồi dào cho những công ty đứng phía sau nó. Nhưng đã đến lúc chính chúng ta và cả những ông lớn công nghệ nên có trách nhiệm hơn với việc sử dụng công nghệ số. Đừng để những vật chất hấp dẫn trước mắt khiến chúng ta đi chệch khỏi đường ray đạo đức và trách nhiệm. Đừng trở nên xấu xa! 

Cuốn sách Đừng trở nên xấu xa của tác giả Rana Foroohar do First News phát hành tại Việt Nam. Trạm Đọc dành tặng bạn mã ưu đãi SACHMOIFNT3 giảm thêm 10% khi đặt mua cuốn sách tại đây. Thời gian áp dụng đến hết ngày 31/03/2023
Tags: