Đừng chỉ nhét vào vali của mình những giấc mơ: đến khi nào cuốn hộ chiếu của bạn mới được lấp đầy?
Đừng chỉ nhét vào vali của mình những giấc mơ: đến khi nào cuốn hộ chiếu của bạn mới được lấp đầy?
Hành trình lớn cần một hành trang lớn, con người lớn. Tầm vóc của mỗi công dân toàn cầu không phụ thuộc vào nguồn gốc xử sở của họ mà được bồi đắp nên bởi những kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức tích lũy mỗi ngày.

Nữ sinh này chinh phục Harvard, nam sinh kia từ chối Google. Mỗi lần lên mạng đọc những bài báo đó, trong tôi nhen nhóm hai cảm xúc trái ngược: vừa thấy ghen tị, vừa thấy được truyền cảm hứng. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác học tập ở Việt Nam đều ôm mộng đặt chân lên miền đất hứa. Nhưng chúng tôi dành phần nửa thời gian để mơ tưởng, nửa còn lại để chùng chình nghĩ cớ bao biện cho việc mình “hoàn toàn ổn” khi chấp nhận chôn chân mãi nơi này.

Phụ nữ đâu cần học thức cao, chỉ cần đảm đang bếp núc là tròn vai người vợ người mẹ. Không có tiền thì sao mà du học được. Người châu Á sang đó toàn bị phân biệt đối xử… Đã bao giờ bạn cầu viện đến những lý lẽ đó để huyễn hoặc bản thân rằng: tốt nhất là “yên phận” ở quê hương mình? Có lẽ điều đó chỉ đúng nếu bạn muốn vươn mình ra biển lớn mà chưa bồi đắp hành trang cho bản thân – hành trang của những công dân toàn cầu.

Cuốn sách là lời trải lòng và chia sẻ kinh nghiệm của những con người đã làm nên điều bạn cho là “không thể”:

tự tin tỏa sáng trên trường quốc tế, đập tan định kiến về danh tính người Việt bé nhỏ và yếu kém. Cuốn sách không chỉ tập trung vào lựa chọn du học truyền thống, mà còn mở rộng nhiều “gói” hành trình khác cũng thú vị không kém, đó là tình nguyện ở nước ngoài, thực tập ở nước ngoài và du lịch ở nước ngoài.

Những trăn trở trước khi khăn gói ra thế giới…

  1. Nên đi du học vào thời điểm nào?

Không quan trọng bạn đi du học từ cấp 3, đại học hay sau đại học, thời điểm hợp lý nhất chính là thời điểm hội tụ sự “chín muồi” về cả kiến thức nền tảng, ngoại ngữ và kinh nghiệm sống – những yếu tố then chốt giúp bạn không “đứt cánh giữa đường”. Để hiểu rõ và hiểu sâu nội dung được giảng dạy, bạn cần trang bị một nền tảng ngoại ngữ “đủ dùng” và kiến thức cơ bản về chuyên ngành mình học cũng như về xã hội nói chung. Bên cạnh đó, bạn cần chuẩn bị tinh thần cho một cuộc sống tự lập, không người thân, tự lo liệu cuộc sống mới, tồn tại ở môi trường mới.

  1. Phụ huynh Việt Nam có nên lo lắng khi gửi con sang Hoa Kỳ du học?

Hoa Kỳ là nền giáo dục tiên tiến lâu đời, là lựa chọn lý tưởng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã có một số thay đổi về chính sách dành cho du học sinh (giảm số lượng visa  H1B và loại bỏ visa J1) cộng với nạn phân biệt chủng tộc. Dù vậy, môi trường học tập ở đây luôn cởi mở, với nhiều cơ hội tiếp xúc các sinh viên và giáo sư có trình độ học vấn cao. Những bạn sinh viên Việt Nam sắp bước vào năm nhất cần chuẩn bị kiến thức về bang và thành phố mình dự định đến, tìm kiếm và nói chuyện với ít nhát một bạn sinh viên đang theo học tại nơi đó trên Facebook để có cái nhìn chân thật nhất về cuộc sống du học.

…đến những lo lắng về shock văn hóa: Làm sao để thích nghi với cuộc sống mới?

Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng và cô lập?

Hãy thử biến căn phòng thành căn nhà của bạn bằng cách tự đóng bàn ghế, trang trí, sắp xếp tủ, rèm sao cho giống với cấu trúc phòng Việt Nam; bước ra khỏi vùng an toàn và giao lưu hòa nhập, để cuộc sống không nhạt nhòa trong guồng quay khép kín – sáng đi học, tối về nhà; tham gia hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ để giải tỏa căng thẳng lớp học và tìm những điểm tựa mới nhưng cũng đừng quên chia sẻ cập nhật với quê nhà để luôn vững bước trong quãng thời gian bản lề này.  

…Và những câu hỏi muôn thuở khi tự lập ở xứ người

  1. Có nên đi làm thêm?

Sinh viên làm thêm với lượng thời gian được Chính phủ cho phép sẽ giúp bạn trang trải các phí sinh hoạt ăn uống, vừa hòa nhập và hiểu hơn về văn hóa bản địa, giao lưu kết bạn và mở rộng quan hệ xã hội – những yếu tốt giúp đỡ ít nhiều sự nghiệp của bạn sau này. Công việc như phụ giúp nhà bếp, bồi bàn, trợ lý nghiên cứu, hay làm ở thư viện không quá sức đối với chúng ta, xong vấn đề nằm ở việc cân bằng với việc học ở trường. Hãy tranh thủ tận dụng tối đa khoảng thời gian nhàn rỗi như di chuyển, lướt mạng xã hội để hoàn thành bài vở. Đặc biệt, bạn nên chọn công việc làm thêm liên quan đến con đường sau này bạn muốn đi để chứng tỏ kinh nghiệm cũng như sự phù hợp của bạn với nhà tuyển dụng tương lai nhé.   

  1. Quản lý tài chính cá nhân sao cho hiệu quả?

Để vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống nhưng không bị cháy túi, bất kỳ ai cũng nên rèn luyện thói quen kiểm soát tài chính của mình bằng STEP - chuỗi bốn bước đơn giản: Save (tiết kiệm thông minh), Track (giám sát chi tiêu), Envision (dự tính tương lai), và Prioritize (học cách ưu tiên). Chìa khóa để vững vàng về tài chính cá nhân đó là kỷ luật thép và tỉnh táo theo sát mục tiêu quan trọng trong cuộc sống.

Sẵn sàng giăng lưới ra khơi

Thế kỷ của hội nhập và toàn cầu hóa khiến cuộc chơi mở rộng cho tất cả, không phân biệt những cuốn hộ chiếu “quyền lực” hay cuốn hộ chiếu của “quốc gia đang phát triển”. Tuy nhiên, chỉ có niềm tin, ý chi, và ước mơ là chưa đủ để chinh phục  biến lớn. Hành trình lớn cần một hành trang lớn, con người lớn. Tầm vóc của mỗi công dân toàn cầu không phụ thuộc vào nguồn gốc xử sở của họ mà được bồi đắp nên bởi những kinh nghiệm, trải nghiệm và kiến thức tích lũy mỗi ngày.

Tags: