Đưa ta về mảnh “ĐẤT LÀNH” của Pearl S.Buck sau 20 năm vắng bóng
Đưa ta về mảnh “ĐẤT LÀNH” của Pearl S.Buck sau 20 năm vắng bóng
Bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng Đất lành (1933), Đời con (1933) và Ly tán (1935) của nữ nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới Pearl S. Buck đã đoạt giải Pulitzer (1932) và sau đó là giải Nobel văn chương (1938). Pearl S. Buck là nữ nhà văn Mỹ đầu tiên nhận giải Nobel danh giá này.
Đất lành, như tên gọi, là câu chuyện về người và đất, về tình yêu và hy sinh, về giàu có và nghèo khổ, dục vọng và giản đơn; là câu chuyện về nông dân, được kể bằng giọng văn mộc mạc. Ta sẽ không thấy các kỹ thuật hành văn phức tạp, chỉ có kể, kể và kể. Tự thân câu chuyện tạo nên và truyền tải ý nghĩa tới người đọc. Một câu chuyện trần trụi, về tình cảnh trần trụi, của một gia đình bé mọn, sống chết với đất và làm giàu từ đất. Khởi đầu với Vương Long lấy A Lan, một nô tì nhà họ Hoàng, đến sau này nạp thêm thê thiếp, rồi con ông lấy con gái nhà khá giả hơn, tất cả đều diễn ra một cách tự nhiên, như hơi thở, như lẽ thường, như sự thuận theo ý trời, để rồi đọng lại một sự thật giản đơn: con người sống chết vì đất, đổ mồ hôi tâm sức vì đất thì sẽ được tưởng thưởng.

Đời con tiếp nối mạch Đất lành với sự biến chuyển thời cuộc. Nếu bối cảnh Đất lành là xã hội phong kiến triều Thanh, khi Nho giáo còn tồn tại, các giá trị như hiếu đễ, trọng nam khinh nữ được đề cao, thì đến Đời con, những giá trị này dần bị phá bỏ. Nhân vật chính của Đời con là Vương Mãnh Hổ, từ đứa con căm hận cha, bỏ nhà ra đi, tự tìm đường sống riêng, trở thành một lãnh chúa, tướng quân lừng lẫy, uy quyền một vùng. Song cũng như tập đầu, tập kế tiếp này cũng có những mặt đối nghịch, giữa Mãnh Hổ và hai anh, giữa Mãnh Hổ và con trai, Vương Nguyên – như một dấu chuyển sang Ly tán.

Các tình tiết trong Ly tán, tập ba và tập cuối của bộ truyện, diễn ra trong thời kỳ hiện đại, đúng hơn là giai đoạn giao thời của xã hội Trung Quốc: các giá trị xã hội cũ không còn, các giá trị xã hội mới đang thành hình. Theo chúng tôi, tập này có lẽ gần gũi nhất với bạn đọc hiện đại, bởi nó đầy ắp những đối nghịch do thời cuộc, do khoảng cách thế hệ, được khắc họa đậm nét, tinh tế, nhiều chỗ rất xúc động dẫu mông lung y như tuổi trẻ chênh vênh giữa ngã ba cuộc đời. Song rốt cuộc, cái đọng lại không phải là đúng sai trong cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới, giữa thế hệ trước và thế hệ sau, mà là TÌNH NGƯỜI, như Nguyên dành cho cha vào thời khắc cuối đời, và nhìn về tương lai tươi sáng của mình.

 

THÔNG TIN TÁC GIẢ

 

Caption

Pearl S. Buck (1892-1973) là nhà văn được giới phê bình và độc giả khen ngợi vì những mô tả mang tính đột phá về đời sống nông thôn Trung Hoa. Bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng Đất lành đã giúp bà đoạt giải Pulitzer (1932). Với sự nghiệp sáng tác chói sáng của mình, Buck được trao giải Nobel Văn chương năm 1938.

Sinh ra tại Mỹ nhưng Buck trải qua phần lớn 40 năm đầu đời ở Trung Quốc. Là con gái một nhà truyền giáo của phái Trưởng lão tại Chiết Giang, bà nói được cả tiếng Anh và tiếng Trung thổ ngữ, đôi khi còn được biết tới qua tên tiếng Trung là Trại Trân Châu. Buck bắt đầu viết văn từ thập niên 1920, và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Gió Đông Gió Tây năm 1930. Từ sáng tác đầu tay Gió Đông, gió Tây tới tác phẩm cuối cùng Chuyện Kinh Thánh năm 1971, bà đã cho ra mắt hơn 70 tác phẩm. Một sức viết thật dồi dào!

Trong suốt cuộc đời mình, Buck tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động nhân đạo, tham gia đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền, cũng như hỗ trợ điều trị người khuyết tật. Năm 1950, bà xuất bản cuốn tự truyện Đứa trẻ không bao giờ lớn (The Child Who Never Grew), viết về cuộc đời mình ở bên Carol; câu chuyện chân thực này đã phá vỡ điều cấm kỵ trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ - bàn luận đến việc tìm hiểu người khuyết tật. Trước định kiến không nhận nuôi trẻ con lai trong xã hội Mỹ, đặc biệt là những đứa trẻ nạn nhân của chiến tranh, bà sáng lập Mái ấm tình thương (Welcome Home) vào năm 1949, là cơ quan tiếp nhận trẻ lai quốc tế đầu tiên ở Mỹ. Ngoài ra, Tổ chức Quốc tế Pearl S. Buck là một tổ chức phi lợi nhuận và luôn nhắm đến các vấn đề của trẻ em châu Á.

Năm 1973, Buck mất vì ung thư phổi ở Vermont. Theo lời thủ tướng Chu Ân Lai, bà là “người bạn của nhân dân Trung Hoa”. Ngôi nhà cũ bà từng sống ở Chiết Giang giờ trở thành bảo tàng vinh danh di sản của bà.

Tags: