Đọc “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” và hiểu về sức mạnh của sự thinh lặng
Đọc “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” và hiểu về sức mạnh của sự thinh lặng
“Thật là dễ dàng để nghĩ rằng thinh lặng là quay lưng lại với thế giới. Nhưng với tôi thì ngược lại, thinh lặng chính là mở lòng ra với thế giới, trân quý và yêu cuộc sống nhiều hơn” - Erling Kagge.

Erling Kagge là một người có thể được xem là vẹn toàn, với vai trò chính trị gia, triết gia, luật sư, nhà sưu tầm nghệ thuật, ông còn là đại sứ của Rolex, nhưng bên dưới tất cả những danh hiệu đó là một Erling bình dị đã tìm thấy được cái thinh lặng nội tại giữa dải băng trắng xóa ở tiệm cận 2 cực giới hạn của thế giới.

Erling Kagge nổi tiếng vì thành tích mà chưa con người nào trong lịch sử từng thành tựu được. Trong những năm của thập niên 90, ông đã có một hành trình dài đi tới Bắc Cực, Nam Cực, và chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, bằng chân, không thiết bị hỗ trợ và không phương tiện liên lạc.

Ông tìm thấy ở những vùng đất cao và xa của thế giới ấy, không phải là cảm giác về sự thành công, sự chinh phục để thỏa mãn cái tôi hiếu kì trong mình, mà là con đường ông đến với Thinh Lặng, để tìm thấy một Erling Kagge ở trong sâu thẳm nội tâm mình.

Thành tựu gần nhất của Erling là cuốn sách Silence in the Age of Noise (được First News chuyển ngữ tựa đề qua tiếng Việt bằng một câu thơ “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm) ghi chép về chuyến du hành của ông đến những sự khoan khoái giản dị nhất nhưng đa phần chúng ta vẫn chẳng sao đạt được.

Một cảm giác tĩnh-mịch đến sâu sắc, không một chút vướng bận nhưng tràn đầy sự thấu hiểu và thông tuệ. Ông trân trọng cái cảm xúc ấy, cái cảm xúc ông chưa từng tìm thấy ở bất cứ đâu trong cái thế giới phồn hoa với các thiết bị công nghệ của cuộc sống hiện đại.

Từ đó ông vẫn duy trì và tìm kiếm lại cái cảm giác phi thường bằng cách đi bộ băng qua LA, giong buồm vượt Đại Tây Dương hai lần, khám phá hệ thống cống ngầm New York.

Erling Kagge chia sẻ: “Phải, chúng ta đều e sợ cái chết theo nhiều cấp độ khác nhau, thế nhưng nỗi sợ chưa sống trọn vẹn, thậm chí còn dữ dội hơn. Nỗi sợ ấy tăng tiến cho đến khi bạn tiến gần hơn đến đoạn kết cuộc đời, khi bạn hiểu rằng rồi thì cũng quá muộn”.

Bạn là người sẽ quyết định gật đầu đồng tình hay lắc đầu bác bỏ những lời lẽ ấy. Chẳng có gì sai trái khi ngồi quanh một chiếc bàn trang hoàng cho bữa tiệc và nhận ra rằng mình đã hoang phí cuộc sống quá nhiều. Rằng bạn chưa từng thật sự hiện diện hết mình. Rằng bạn đã sống gián tiếp cuộc sống của một kẻ khác.”

Khi viết cuốn sách “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, nhà văn Kagge giải thích rằng ông tìm được nguồn cảm hứng từ chính 3 cô con gái của ông, tuổi từ 15 đến 21. Cả ba đều đã lớn lên với một vật bất ly thân là chiếc điện thoại Iphone. Ông giải thích: “Mấy cô con gái của tôi không hề biết được thế nào là thinh lặng. Với chúng lúc nào cũng có một biến cố đang xảy ra, lúc nào cũng có cám dỗ”. Theo ông, dù sống ở đâu và thời đại nào, con người cũng cần có thinh lặng. Thinh lặng không phải là “thời trang”, mà là điều con người đã cần đến từ hàng ngàn năm trước.

Cũng vì lẽ đó cho nên cái mà chúng ta đang trải qua hàng ngày chính là sự nghèo nàn trải nghiệm.

Và ngược lại khi chúng ta tiếp tục tìm kiếm “những trải nghiệm vui vẻ” của đời sống, thay vì dừng lại để hít một hơi thật sâu, đóng thế gian lại và dùng thời gian ấy để tận hưởng bản thân. Sự nghèo nàn ấy có thể không chỉ thiên về sự thiếu đi các trải nghiệm, mà chính sự thừa mứa sinh hoạt trong thế giới đô thị nhưng lặp đi lặp lại như việc ăn, ngủ, nghỉ, chơi cũng có thể tạo ra cảm giác nghèo nàn về tâm hồn chúng ta.

Hãy lưu ý rằng cái thinh lặng mà bạn đang trải qua khác với cái thinh lặng mà người khác trải qua. Ai cũng sở hữu sự thinh lặng của riêng mình.

Ông chia sẻ “Trong nền văn hóa Á Đông thì thinh lặng là một cái quan trọng hơn châu Âu rát nhiều. Nếu bạn nghe người Nhật nói chuyện với nhau, tôi cảm thấy sự im lặng giữa những lần họ cất tiếng cũng quan trọng không kém những gì được nói ra”.

Sự thinh lặng chính là bộ não đang hoạt động. Suy nghĩ. Nếu muốn tìm thấy sự an yên, trước hết bạn phải ngừng suy nghĩ. Không làm gì cả. Thinh lặng là một công cụ giúp chúng ta thoát khỏi thế gian xung quanh để đi vào chính mình. Nếu bạn có thể làm được, nó sẽ trở nên giống như một “thác nước bên trong bộ não”.

Cũng giống như nếu ta nghe các diễn văn của Brack Obama ta có thể thấy cách ông ấy sử dụng những khoảng lặng để chinh phục và đi sâu vào tâm hồn những người nghe.

Cuốn sách “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” được thiết kế như một cuốn tạp chí nhỏ, với những hình ảnh núi tuyết, dải quang phổ đặc trưng ở những nơi tác giả từng đến. Sau 50 ngày sống một mình ở Nam Cực, ông cho biết: đầu óc ông rộng hơn cả bầu trời; ông cảm thấy như được kết hợp với vũ trụ bao la. Ông khẳng định: “Được ở một mình và cảm nghiệm được sự thinh lặng, bạn sẽ có được cảm giác rất an toàn và đầy ý nghĩa”.

Trong cuốn sách Sách dày 187 trang này, ông cũng đã nhiều lần nhắc đến nhà khoa học kiêm triết gia Pháp Blaise Pascal (1623- 1662) với một câu nói nổi tiếng của ông: “Tất cả mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên một mình trong phòng”.

“Khi tôi nói về cái tĩnh tại bên trong, cái mà ta bắt gặp là bản thân ta. Gặp gỡ bản thân là một trong những thứ khó thực hiện nhất trong cuộc sống, và đó là lý do vì sao nó quan trọng, vì nếu ta vượt ta được tất cả các tiếng ồn, ta cũng có thể cho người khác/vạn vật đi vào trong ta” - Erling Kagge.

Chí Trung


Tags: