Chắc hẳn rất nhiều người đã đọc hai tác phẩm này, song tôi vẫn muốn được trình bày sơ qua những quan điểm của tôi về những điều Rand viết.
Có rất nhiều phần trong hai cuốn sách này tôi hoàn toàn đồng tình, nhưng vẫn có những điểm mà tôi tin rằng Rand đã lập luận sai.
Dù sao đi nữa, nếu bạn đang tìm kiếm những cuốn sách có thể thách thức quan điểm của bạn thì chắc chắn một điều, hai tác phẩm này hoàn toàn có thể đứng đầu danh sách của bất kì ai.
Suối nguồn kể về câu chuyện của Howard Roark, một kiến trúc sư sống để xây dựng những công trình. Với anh, việc phục vụ người khác, của cải vật chất hay việc được ghi nhận cũng không tài nào sánh được với sự vĩ đại của tòa nhà mà anh hình dung ra. Roark là nhân vật được Rand dựng nên làm điển hình cho một cá nhân đặc biệt đạo đức, người có những lý lẽ của mình, sống cuộc đời của mình, và lấy bản thân làm cốt lõi cho mọi mục đích của mình.
Ở đầu cuốn sách tôi không thích Roark. Anh cứng đầu một cách vô vọng và thường phải chịu chịu tổn thương vì anh không thể chia sẻ với người khác về tầm nhìn của mình. Tuy vậy, về phần sau cuốn sách, bạn sẽ bắt đầu thấy ngưỡng mộ Roark khi anh dần dần khẳng định hệ thống giá trị của mình và rõ ràng rằng anh sẽ không chịu thỏa hiệp những giá trị ấy để đổi lấy sự nổi tiếng.
Atlas nhún vai cũng có một nhóm nhân vật tương tự, lần này thì là về một người đàn ông từ chối đem phát minh vĩ đại nhất của anh ra sản xuất vì không muốn chính phủ thối nát ăn cắp nó khỏi anh. Tôi cảm giác rằng Atlas nhún vai thậm chí còn thể hiện quan điểm triết học của Rand rõ ràng hơn, nhưng không có giá trị giải trí đại chúng bằng Suối nguồn.
Hai cuốn sách này đã thách thức rất nhiều giả thuyết của tôi, bao gồm:
- Mục đích sống trong cuộc đời là phục vụ người khác.
- Làm phi lợi nhuận thì cao quý hơn là có lợi nhuận.
- Sự ích kỉ thì ác độc mà vị tha thì tốt đẹp.
Tôi đã thay đổi một vài quan điểm của tôi nhờ hai cuốn sách này. Dưới đây là một số ý tưởng tôi cảm thấy hữu ích:
Xét trong trường hợp tất cả những thứ khác đều ngang bằng, người nào làm ra nhiều tiền hơn thì sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn. Nếu bạn chấp nhận quan điểm cơ bản rằng tiền chỉ là một phương tiện trao đổi giá trị thì người nào kiếm ra $400,000 một năm thì sẽ tạo ra giá trị gấp 10 lần một người có thể chỉ kiếm ra $40,000 một năm. Đây chính là định luật cơ bản trong kinh tế, nhưng thường thì bạn sẽ chỉ nhìn nhận rằng người giàu tham lam thì thường là người xấu, thay vì cho rằng họ là những người đóng góp nhiều cho thế giới.
Vấn đề này tôi đã cố gắng thể hiện nhiều lần, nhưng phải đến Rand thì mới diễn đạt nó đủ tốt. Vấn đề đó là, lý tưởng tối thượng mà cuộc sống của bạn phải hưởng đến chỉ có thể là lý trí (tư duy bằng bộ não của chính mình). Rand thậm chí còn gợi ý rằng chúng ta chỉ có thể tồn tại nếu chúng ta chấp nhận tư tưởng là bạn chỉ có thể tư duy bằng chính đầu óc của mình. Phần lớn tác phẩm Suối nguồn đi vào chứng minh niềm tin này, thông qua những nhân vật mà cuộc đời của họ đầy rẫy sai lầm vì chỉ sống dựa vào ý kiến của người khác.
Trong quá trình thảo luận về ý kiến này, nhiều người phản bác rằng lý trí đồng nghĩa với việc ta phủ nhận tất cả những thứ phi logic khác. Đây là một sự hiểu lầm. Trong bối cảnh mà Rand và tôi miêu tả, thì lý trí chỉ đơn giản là bạn sử dụng não mình để tư duy, rằng chính bạn phải là người chấp nhận rằng A là A mà 2+2=4. Tư duy bằng suy nghĩ thay vì bản năng. (Bạn vẫn có thể là một người có đức tin lý trí, nhưng bạn sẽ không đơn thuần tin chỉ vì muốn tin)
Khi nói cô độc, tôi không có ý ám chỉ đến nghĩa cô độc thông thường. Cô độc ở đây chỉ đơn giản là cuộc sống của bạn không phải là cho người khác. Suy nghĩ của bạn, giá trị của bạn, những nguyên tắc của bạn phải xoay quanh chính bạn. Bạn không thể đẩy trách nhiệm cuộc đời mình cho gia đình, cho bạn bè, hay cho người thầy mà gần đây bảo rằng bạn nên làm gì.
Theo tôi, sở dĩ Rand phải chịu nhiều chỉ trích là bởi tự cô đặt mình vào một vị trí khiến người khác hoặc là đồng thuận hoàn toàn, hoặc chối bỏ hoàn toàn. Hoặc bạn đồng tình với mọi thứ cô nói, hoặc bạn là người phi lí trí và chối bỏ sự thật. Có thể thấy hình thức này giống như thể Rand là một thủ lĩnh một phong trào tôn giáo riêng, và sự thực là nhiều người nhìn nhận quan điểm của Rand đúng như vậy.
Nếu bạn nhìn dưới góc độ hoàn toàn logic mà lại chấp nhận tất cả các quan điểm mà Rand đưa ra, thì cũng có nghĩa là bạn chấp nhận mọi lập luận và mâu thuẫn bên trong đó. Tuy tôi công nhận có nhiều luận điểm Rand đưa ra là tốt, tôi cũng chưa thấy bất kì một quan điểm triết học nào lớn, có sử dụng đến lý luận mà lại không bị phản bác cả.
Mỉa mai là ở chỗ trong khi Rand ủng hộ những giá trị như tự tư duy hay sống lí trí, thì cô lại định vị cuốn sách của mình như một dạng Kinh Thánh cho những người duy lí trí. Nếu có một hệ thống những suy nghĩ được tổ chức lại, mà lời tuyên bố ra thì có vẻ lí trí, nhưng thực ra lại đòi hỏi người khác tuân thủ theo nó toàn diện; thì đó chính là tôn giáo.
Trong những cuốn sách của Rand, tôi nhận thấy có vài lỗi trọng yếu và một số điểm tôi thấy mình vẫn chưa đủ lí lẽ để tranh biện. Dưới đây là một số vấn đề của tôi, nhưng tôi mong rằng bạn có thể tự đọc cuốn sách để ra quyết định cho riêng mình.
*Lưu ý: Phần viết dưới đây có thể tiết lộ nội dung câu chuyện*
Trong Atlas nhún vai, Rand đã tưởng tượng ra một xã hội không tưởng, ở đó mọi người đều hạnh phúc và tạo ra nhiều của cải vật chất vì họ hoàn toàn làm việc vì chính bản thân mình, trao đổi với nhau dựa trên giá trị chứ không phải nhu cầu. Song, xã hội mà Rand hình dung ra đó không chỉ là một sự thổi phồng hoàn toàn vô căn cứ, mà còn Không chỉ là một sự thổi phồng hoàn toàn vô căn cứ, xã hội mà Rand dựng nên chỉ làm những lập luận đứng về tính ích kỷ của cô bị lung lay.
Bạn không thể đứng về phía ích kỷ tối thượng chỉ bằng cách nói rằng nó có thể giúp tạo ra một xã hội không tưởng. Sự thật là, nếu bạn trân trọng một xã hội mà ở đó mọi người đều hạnh phúc và thịnh vượng, cũng có nghĩa bạn phải bạn quan tâm đến điều gì đó vượt trên cả cái tôi ích kỷ cá nhân. Nên nếu ai đó hoàn toàn tin vào ý tưởng của Rand, thì phiên bản xã hội không tưởng của họ chỉ có thể là một nơi mà ai nấy đều khổ sở và tự mình làm tổn thương chính mình.
Nếu như bạn đặc biệt ích kỉ, nhưng vậy thì con trẻ sẽ được nuôi nấng như thế nào, hay bạn sẽ vực dậy sau một thất bại ngắn hạn như thế nào? Rand cố gắng tránh né vấn đề này bằng cách khẳng định rằng một người ích kỉ sẽ luôn giữ những giá trị của họ. Rất nhiều nhân vật chính trong tác phẩm của Rand sẵn sàng chết cho điều mà họ tin tưởng.
Mặc dù Rand có nỗ lực sử dụng logic để có thể xử lý những mặt tối của sự ích kỷ tối thượng, cuối cùng cô ấy vẫn không tránh khỏi va vấp. Thế còn nhân vật, trái ngược với quan điểm của Rand, chỉ biết trân trọng sự vị tha quên mình thì sao? Anh ta có thể làm rất nhiều thứ mà Rand ghê tởm, nhưng nếu đó chính là các giá trị mà anh ta luôn bám vào, thì anh ta cũng vẫn là một phiên bản mở rộng của hình dung mà Rand đề ra về một con người hoàn toàn ích kỷ mà thôi.
Rand khẳng định, bất kỳ ai cũng nên theo đuổi các giá trị của riêng mình. Vấn đề là, khẳng định này bỏ qua bước đánh giá xem giá trị nào mới là quan trọng. Chuyện một con người nên tuân theo những giá trị họ sở hữu gần như là một chuyện hiển nhiên. Ví dụ, một trong những nhân vật xấu xa nhất trong những cuốn sách của Rand, Elsworth Toohey, có thể nói là đã tuân thủ những giá trị riêng của mình, theo cái cách hoàn toàn đi ngược với các giá trị của Rand.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là một chủ đề chính mà Rand viết trong những cuốn sách của mình, nhưng nó gợi ra một vấn đề mà Rand đã bỏ qua. Nếu tất cả mọi người đều chỉ hành động dựa trên những động cơ ích kỷ của họ, sẽ xảy ra những hậu quả không thể tránh khỏi. Nếu không có hình thức tổ chức hay kiểm soát nào đó lên các cá nhân, một xã hội có thể tự ăn thịt chính mình.
Điển hình cho vấn đề này, hãy tưởng tượng một cánh đồng rộng lớn, trên đó 20 người chăn cừu đang chăn đàn chiên của mình. Lũ cừu càng ăn nhiều thì càng khỏe, người chăn cừu càng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Tuy vậy, nếu như tất cả 20 người chăn cừu đều ép cho đàn của mình gặm lượng cỏ tối đa chúng có thể, thì miền đất cuối cùng sẽ chỉ còn trơ trọi và vô dụng.
Trong trường hợp này, chủ nghĩa tư bản vô độ đã bỏ qua yếu tố an toàn cơ là giới hạn những người chăn cừu chỉ cho cừu gặm cỏ ở mức độ ổn định đủ duy trì bền vững. Nếu như đẩy hết tất cả các tư tưởng tới mức cực đoan (vị tha, vị kỉ, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít) thì chắc chắn chúng - những ý thức hệ bị tối giản hóa đó – sẽ những có thể gây ra những hậu quả không tưởng.
Chắc chắn là trong Suối nguồn và Atlas nhún vai còn hàm chứa rất nhiều tư tưởng vĩ đại. Tôi không có ý ám chỉ là chỉ qua vài phê bình của tôi mà quy kết toàn bộ cả hai cuốn sách là rác rưởi. Chúng đều là những tiểu thuyết tuyệt vời từ cả góc độ triết học lẫn giải trí. Tôi khuyến khích rằng bạn nên đọc chúng và tự ra quyết định. Tôi cho rằng khi ấy bạn sẽ vẫn có thể thực hành lý tưởng tối thượng của Rand về việc tự tư duy cho mình.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Scotthyoung