Trong xã hội siêu tích cực này, chúng ta có thái độ không khoan nhượng với sự tiêu cực. Nhưng ai có thể cảm thấy “Tuyệt cú mèo” mọi lúc mọi nơi?
Tuy nhiên lúc đầu, mong muốn hạnh phúc rất chân thật. Trẻ em muốn được sống vui vẻ. Trẻ sơ sinh cũng vậy. Mong muốn được hạnh phúc giống như một khao khát lành mạnh và rất đỗi bình thường. Giống như mong muốn được hít thở không khí trong lành hay có thể mua thực phẩm sạch 100%.
Nhưng tuyên ngôn “Tôi chỉ muốn được hạnh phúc” trở thành một cái hố trên sàn nhà, chỉ được đậy điệm đơn giản bằng một tấm thảm. Vì một khi bạn nói như thế, ngụ ý ở đây là bạn không hạnh phúc.
Cái bẫy hạnh phúc là nếu bạn không định nghĩa chính xác “hạnh phúc” là gì thì bạn sẽ không thể cảm nhận nó. Cho dù hạnh phúc là gì đối với bạn thì nó cũng phải được cụ thể hóa và có tính khả thi.
Khi bạn có một tiêu chuẩn về hạnh phúc, bạn áp nó vào cuộc sống của mình và xem bạn cần thay đổi thế nào để hạnh phúc do bạn định nghĩa trùng với hạnh phúc đích thực.
Cách thức định nghĩa hạnh phúc và ép nó vào cuộc sống để có được hạnh phúc sẽ có hiệu quả với một số người – nhưng không phải với một số khác. Tôi thuộc nhóm số khác. Tôi không phải là một người hạnh phúc. Có những thứ cho tôi trải nghiệm vui vẻ. Nhưng niềm vui là một cảm giác thoáng qua, giống như một cái hắt hơi lâu một chút. Có nhiều lúc tôi cảm thấy thú vị. Tôi cảm thấy u sầu. Và tôi cũng thường xuyên cảm thấy mình yếu đuối, giận dữ, bối rối, sợ hãi, thất vọng. Tất cả những cảm xúc đó không thể gom chung vào cái gọi là hạnh phúc. Nhưng điều tôi nghĩ là: những cung bậc cảm xúc đó có tệ quá mức không?
Tôi biết một nhà vật lí rất yêu nghề. Mọi người hiểu nhầm sự tập trung và suy nghĩ không dứt của người đó là cảm giác không hạnh phúc. Nhưng thực tế thì không. Anh ấy bận rộn. Tôi cá rằng khi anh mất, sẽ có một quyển sách được úp trên ngực anh.
Sống như một người không-hạnh-phúc không đồng nghĩa với việc bạn phải buồn bã, ủ dột. Bạn có thể vẫn thấy thích thú, thay vì hạnh phúc. Bạn có thể say mê, thay vì hạnh phúc.
Tuy nhiên, rào cản ở đây là trong xã hội lạc quan tếu này, chúng ta đều ngầm hiểu với nhau là tất cả mọi người đều tẩy chay sự tiêu cực. Về cơ bản, những gì được xếp vào dạng tiêu cực đều là những gì không-lạc-quan-thái-quá. Nói nghiêm túc thì ai trong chúng ta có thể vui vẻ hết ngày này qua ngày khác? Ai sẽ cảm thấy “Thật tuyệt, cảm ơn!” mọi lúc mọi nơi?
Cảm giác tức giận và tiêu cực cũng có tác dụng của chúng. Thay vì giảm bớt cảm giác không thoải mái, kém hài lòng bằng cách “cố gắng để sống tích cực”, hãy cứ để mình tiêu cực! Thật đấy, hãy cứ thử đi. Bạn sẽ thực sự chạm tay vào cảm xúc đích thực của mình: “Mình cảm thấy thất vọng, thấy mình vừa béo vừa ngu. Mình đúng là thất bại khi nghĩ mình như thế. Cố gắng để tích cực và lạc quan làm mình tức điên và khi tức điên, mình rất tuyệt vọng.”
Đôi khi cho phép bản thân tiếp nhận bất cứ cảm xúc nào mà không phán xét hoặc cố tình sàng lọc có thể làm giảm bớt sức ép của những cảm xúc tiêu cực, gần như là bạn đẩy chúng vào một cái sân rồi cả lũ chạy lòng vòng xong đá bay những năng lượng tiêu cực.
Một hậu quả của ý nghĩ “chúng ta phải vui vẻ, tích cực 24/7” là ta cần phải được chữa lành những tổn thương. Khi tôi 32 tuổi, một người tôi quí mến mất trong bệnh viện. Cái chết của anh ấy không hề đột ngột và tôi đã chuẩn bị tinh thần từ nhiều năm trước (như kiểu học để lấy bằng). Khi anh ấy ra đi, tôi giật mình như thể anh ấy mất vì bị tai nạn tai bay vạ gió. Tôi gần như là không được chuẩn bị gì hết.
Tôi không biết cần phải làm gì với bản thân mình. Tôi mất một năm mới có thể ngừng nghĩ rằng tôi có thể gặp anh ấy trong mơ. Một khi tôi tin rằng anh ấy đã đi, tôi bắt đầu giai đoạn tiếp theo: chờ đợi. Chờ đợi để được chữa lành. Quá trình này mất vài năm.
Sự thực về sự chữa lành là đây là một từ sách vở. Một người nào đó gần gũi với bạn qua đời? Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn chữa lành tổn thương. Chuyện sẽ diễn ra như thế này, trong một vài ngày đầu tiên, những người xung quanh sẽ vỗ vai bạn làm bạn giật mình rồi bắt đầu thở đều lại. Bạn sẽ cảm thấy mặc dù bạn rồi cũng sẽ chết, nhưng nỗi đau nặng trĩu này vẫn đè nặng lên vai và gần như không thể chịu đựng.
Cuối cùng bạn sẽ đi tắm và rời khỏi nhà. Có thể trong một năm, bạn sẽ xem một bộ phim. Một ngày nào đó, ai đó sẽ nói điều gì đó khiến bạn mỉm cười. Bạn sẽ đưa tay giữ chặt miệng vì bạn cười nhưng nụ cười đó khiến bạn đau lòng, bạn cảm thấy mình như kẻ phản bội. Sao bạn có thể cười cho được?
Với bạn bè, bạn có vẻ như đã vực dậy từ mất mát. Bạn sẽ nghĩ, mọi chuyện xảy ra như một cái hố giữa cuộc đời, bị thu bé lại vừa đúng bằng một vấn đề mà chỉ một tràng cười đã đủ để che giấu.
Nhưng những cái hố cũng có điểm thú vị. Khi chúng xuất hiện, con người có thể sống chung hòa bình với rất nhiều cái hố có kích thước và hình dạng khác nhau. Sự hài lòng, tình yêu, lòng trắc ẩn, sự hoàn thiện - những đức tính đó không thoát ra khỏi những cái hố bất kể kích thước thế nào. Vì thế trong cuộc đời chúng ta vừa có thể có đủ thể loại hố, mất mát, và những cảm xúc phát triển từ những tổn thương chưa được chữa lành vừa có thể vui vẻ với đời, yêu đương và cảm thấy thỏa mãn.
Một trong những sự thực xa xưa nhất, sâu sắc nhất là: Có những lúc, những sự việc trong cuộc sống khiến ta khó có thể chịu đựng. Nhưng cuộc sống vẫn đủ nhân nhượng với mọi người. Những thứ có khả năng giết chết chúng ta không lấy đi tính mạng ta. Chúng nên được coi như động lực thúc đẩy ta đi tới.
Sự thật về việc chữa lành là bạn không cần chữa lành để trở nên trọn vẹn. Tôi muốn nói là những mảnh ghép bị hư hại hay khuyết thiếu nói lên bạn là ai - trái tim bạn mất đi một số cảm xúc dường như là quan trọng nhất. Tuy nhiên, bạn vẫn là bạn. Thực tế là bạn còn trở nên lớn lao hơn lúc trước đã từng.
Những trải nghiệm của con người lúc nào cũng đáng giá hơn những tế bào sinh học.
Trạm Đọc
Theo Augusten Burroughs