Làm thế nào để viết như Ernest Hemingway
Làm thế nào để viết như Ernest Hemingway
Tác giả của những tác phẩm kinh điển như "Giã từ vũ khí" và "Mặt trời vẫn mọc" được yêu thích bởi lối viết giản dị nhưng vô cùng hiệu quả. Nếu bạn muốn viết như Hemingway, hãy học hỏi phong cách của ông.
Hơn 60 năm sau khi Hemingway qua đời, ông không chỉ được nhớ đến bởi những câu chuyện đầy xúc động mà còn bởi kỹ thuật viết lách bậc thầy. Theo giáo sư E.J. Gleason, chuyên gia văn học Ireland và Mỹ tại Đại học Saint Anselm (New Hampshire), Hemingway đã tìm thấy giọng văn nghệ thuật của riêng mình trước tuổi 26. Phong cách đặc trưng của ông – những câu văn ngắn, súc tích, sử dụng ngôn ngữ đời thường – đã để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn học, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà văn hư cấu và phi hư cấu sau này.

Dù lối viết của Hemingway có vẻ đơn giản, nhưng hoàn toàn không hề dễ bắt chước, và càng không phải là sự đơn điệu. Một nhà văn thiếu tài năng có thể che giấu sự hời hợt của mình bằng những từ ngữ phức tạp và câu văn rối rắm, nhưng để viết như Hemingway đòi hỏi trí tuệ và nỗ lực thực sự. Giống như một bác sĩ phẫu thuật, Hemingway gọt bỏ từng chi tiết thừa thãi trong câu chuyện, để lại trên trang giấy chỉ một bộ khung vững chắc và vài “cơ quan” thiết yếu – những điều thực sự quan trọng với người đọc.

Chính sự sắc bén trong câu chữ đã giúp những tiểu thuyết ngắn của Hemingway nổi tiếng vang dội, đồng thời khả năng diễn đạt súc tích giúp ông xây dựng những mối quan hệ mạnh mẽ – dù đôi khi đầy biến động. Tuy khó để đạt được trình độ ấy, nhưng không phải là không thể. Trong cuốn sách "Write Like Hemingway" xuất bản năm 2019, Gleason đã tổng hợp 10 nguyên tắc viết lách mà Hemingway đặt ra cho chính mình. Liệu việc tuân theo những quy tắc đó có giúp bạn viết nên một kiệt tác kế thừa "Ông già và biển cả" hay "Giã từ vũ khí"? Có lẽ là không. Nhưng chắc chắn nó sẽ đưa lối viết của bạn đến gần hơn với sự sắc sảo, tinh tế mà Hemingway đã để lại cho thế giới.

 

Cẩm nang phong cách viết của tờ The Kansas City Star

 

Gleason, người đã nhiều lần nghiên cứu và giảng dạy về Hemingway trong suốt 50 năm gắn bó với học thuật, đã lần theo dấu vết phong cách viết của nhà văn này, và nhận ra nó bắt nguồn từ công việc đầu tiên của ông – phóng viên cho tờ The Kansas City Star. Nhờ mối quan hệ trong gia đình, Hemingway đã có được công việc này ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Dù vui mừng vì thoát khỏi không gian lớp học cứng nhắc, ông vẫn lo sợ rằng sự thiếu chắc chắn về chính tả và ngữ pháp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài viết của mình. Nhưng may mắn thay, các biên tập viên tại tờ báo đã chuẩn bị sẵn sàng để dạy ông một khóa huấn luyện khắc nghiệt.

Sự tồn tại của The Kansas City Star có công lao không nhỏ của một biên tập viên đặc biệt – Thomas W. Johnston, Jr. – người đã đưa tờ báo từ một tờ tin tức địa phương thành tờ báo có sức lan tỏa toàn bang với nửa triệu độc giả. Dù Johnston đã rời The Star một năm trước khi Hemingway gia nhập, ông vẫn có một vai trò quan trọng trong việc mài giũa tài năng của chàng trai trẻ này. Johnston trao cho các phóng viên quyền tự do lớn trong tác nghiệp, miễn là bài viết của họ tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc ngôn ngữ chính xác. Để duy trì tiêu chuẩn đó, ông đã tổng hợp những nguyên tắc viết lách vào một cẩm nang phong cách – một tài liệu mà Hemingway, cũng như tất cả các phóng viên của tòa soạn, coi như “kinh thánh”.

Mỗi quy tắc mà Gleason nhắc đến trong cuốn sách của mình đều bắt nguồn từ cẩm nang này. Những chỉ dẫn như: "Hãy dùng câu ngắn", "Hãy viết theo hướng khẳng định, đừng viết theo hướng phủ định" đã định hình lối viết của Hemingway. Không chỉ dừng lại ở các quy tắc cụ thể về ngữ pháp hay dấu câu, cẩm nang này còn đề cập đến những khía cạnh trừu tượng hơn như giọng điệu, phong cách và góc nhìn. Nếu như các nhà văn như William Faulkner hay James Joyce thích thử nghiệm với ngôn từ, thì Hemingway lại có khuynh hướng tiết chế và đơn giản hóa. "Phong cách," như Gleason từng viết về niềm tin suốt đời của Hemingway, "không phải là một lựa chọn có ý thức, mà là kết quả của sự rèn luyện không ngừng với nghề viết."

 

Từ phóng viên đến nhà văn

 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cây bút vĩ đại trên thế giới đều từng là nhà báo. Những người làm báo hiểu hơn ai hết rằng cách kể một câu chuyện cũng quan trọng không kém nội dung của nó. Một phóng viên có nhiều lợi thế hơn nhà văn hư cấu, đặc biệt là trong khâu biên tập. Nếu như các tiểu thuyết gia có thể viết hàng trăm trang mà không cần lo nghĩ, thì các phóng viên buộc phải tuân theo số lượng từ giới hạn. Không gian in ấn có hạn, và độc giả cần sự thật ngắn gọn, không phải những đoạn văn hoa mỹ.

Để đáp ứng yêu cầu này, các phóng viên phải viết một cách súc tích nhất có thể. Những câu văn dài lê thê là kẻ thù số một, và ngôn ngữ đời thường luôn được ưu tiên hơn những thuật ngữ chuyên ngành. Cẩm nang phong cách của The Kansas City Star nhấn mạnh: "Cả sự đơn giản lẫn sự tinh tế đều gợi ý rằng nên dùng 'home' thay vì 'residence', 'lives' thay vì 'resides'." Chính lối biên tập chặt chẽ này đã giúp Hemingway tạo ra những trang văn sâu sắc. Bằng cách loại bỏ những chi tiết không cần thiết như miêu tả cảnh vật hay tính từ rườm rà, ông đã truyền tải câu chuyện của mình một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất.

Những nhà văn giỏi thường cũng là những người biên tập tài ba. Thomas Mann từng viết khoảng 5.000 từ mỗi ngày, nhưng sau khi chỉnh sửa, chỉ giữ lại khoảng 500 từ. Nhưng không ai biết cách tận dụng "khoảng trống" trong câu chữ tốt như Hemingway. Giọng văn trần thuật, những mô tả thô ráp nhưng đầy sức nặng khiến những chi tiết rùng rợn trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết – như cảnh cưỡng hiếp ở cuối truyện "Up in Michigan".

Hemingway thường so sánh lối viết của mình với một tảng băng trôi – những gì hiện lên trên mặt nước chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Phần còn lại ẩn sâu bên dưới, chỉ có thể phát hiện được bằng sự quan sát và suy luận tinh tế. Chính sự kiệm lờitinh giản ấy đã làm nên một Hemingway huyền thoại – một bậc thầy của những gì không được nói ra, nhưng lại thấm vào từng câu chữ.

 

Vào chiến hảo

 

Dĩ nhiên, tiểu thuyết và báo chí là hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Một bên chỉ nhằm cung cấp thông tin, trong khi bên kia lại khơi gợi cảm hứng và mang đến sự giải trí. Vì thế, có không ít kỹ thuật viết lách mà dù rất hữu ích với một phóng viên, lại chẳng mấy tác dụng đối với một nhà văn. Những mô tả tỉ mỉ hay các biện pháp tu từ như ẩn dụ không có chỗ trên mặt báo, nhưng trong tiểu thuyết, chúng lại là những yếu tố quan trọng để tạo dựng bối cảnh và—quan trọng nhất—gợi lên cảm xúc. “Hãy đưa thời tiết vào trong cuốn sách của cậu,” John Dos Passos từng khẩn thiết nhắn nhủ một Hemingway còn trẻ, người lúc bấy giờ viết quá đơn giản đến mức tác phẩm của anh có nguy cơ mất đi cá tính.

Nhưng Hemingway chẳng mấy bận tâm đến lời phê bình. Sau khi học được phong cách viết từ tờ The Kansas City Star, ông bắt đầu tập trung vào yếu tố thứ hai làm nên một câu chuyện hay: nội dung. Hemingway tự nhận mình là một người đàn ông của hành động. Ông không thích hư cấu thuần túy mà muốn đưa vào chất liệu từ chính cuộc đời thật. Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Hemingway rời Kansas để trở thành tài xế lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ. Lao mình vào vùng nguy hiểm để thu thập trải nghiệm cho những trang viết, ông lái xe khắp châu Âu, cứu những người lính bị thương trước khi chính bản thân mình cũng bị thương nặng.

Hầu như mọi trải nghiệm trong chiến tranh của Hemingway đều len lỏi vào những tác phẩm của ông theo cách này hay cách khác, đặc biệt là trong "Giã từ vũ khí". Như nhà phê bình Gleason từng chỉ ra, không một nhân vật nào trong "Mặt trời vẫn mọc" mà không có nguyên mẫu ngoài đời thực. Sự kiên quyết của Hemingway trong việc lấy chất liệu từ thực tế từng khiến các đối tác xuất bản lo lắng. Năm 1953, ông viết thư cho luật sư của mình, Alfred Rice, thú nhận rằng “hầu hết nhân vật” trong những câu chuyện ông đang viết đều “vẫn còn sống” và rằng ông “đang viết hết sức cẩn thận để không ai bị nhận diện.”

 

Viết như Ernest Hemingway

 

Như bao nhà văn tự đòi hỏi khắt khe với bản thân khác, Hemingway cũng không ít lần mắc kẹt trong sự bế tắc của việc sáng tạo. Nhưng  ông hiếm khi để điều đó làm mình phiền lòng. Dù là một tay nghiện rượu nặng, Hemingway chưa bao giờ uống khi viết. Mỗi khi thấy bế tắc, ông thường đứng bên cửa sổ, lặng lẽ nhìn ra đường chân trời. “Tất cả những gì cậu cần làm,” ông viết trong cuốn hồi ký "A Moveable Feast", “là viết một câu thật. Hãy viết câu chân thật nhất mà cậu biết. Luôn luôn có một câu như thế - một câu mà tôi từng biết, từng nhìn thấy, hay từng nghe ai đó nói.”

Chính phong cách viết sắc sảo, súc tích đã giúp Hemingway tạo nên những tác phẩm được yêu thích nhất trong văn học phương Tây. Gleason nhận định: “Muốn kiểm chứng giá trị của một cuốn sách, các tiểu thuyết gia tập sự có thể tự hỏi: có chương nào, đoạn văn nào, nhân vật nào, hay tình tiết nào có thể lược bỏ hoặc mở rộng mà vẫn giúp tác phẩm trở nên hiệu quả hơn không?” Với những tác phẩm xuất sắc nhất của Hemingway, câu trả lời luôn là “Không.” Mỗi cảnh, mỗi câu, mỗi từ đều phục vụ một mục đích nhất định. Dù mục đích ấy không rõ ràng ngay từ đầu, thì chắc chắn nó sẽ lộ diện trước khi câu chuyện kết thúc.

Ernest Hemingway là kiểu nhà văn mà ngay cả những người không thường xuyên đọc “Văn chương” với chữ “V” viết hoa cũng cảm thấy thân thuộc. Những câu chuyện của ông xuất hiện trong hầu hết chương trình giảng dạy ở các trường trung học Mỹ, và học sinh thường đón nhận chúng một cách tích cực. Lý do là bởi Hemingway có tài thu hút ngay cả những độc giả lơ đễnh nhất, cuốn họ vào câu chuyện bằng lối viết ngắn gọn và giữ chân họ bằng thứ văn phong rõ ràng, dễ tiếp cận đến mức khiến ta phải tự hỏi: tại sao không có nhiều tác phẩm kinh điển khác cũng được viết theo cách ấy?

- Theo Big Think

Tags: