Tập 1 hướng tới Cách phụ huynh thiết lập mối quan hệ với giáo viên tiểu học của con, bạn sẽ bắt gặp những chủ đề, tình huống thực tế của cha mẹ khi cho con tới trường:
Điểm nóng: Bạo lực học đường, đề phòng còn hơn cứu chữa.
Tới tập 2: Cách gia đình và nhà trường phối hợp ăn ý nhất, bạn sẽ thấy xuyên suốt cuốn sách là những chia sẻ chân thành của cô giáo Tiêu Tuyết Lệ khi giải quyết tình huống thực tiễn trẻ gặp phải ở trường học và cách gia đình phối hợp với nhà trường để trẻ có những năm tháng tiểu học vui vẻ nhất:
Điểm nóng: Không sinh con thứ vì hơn thua.
Với mỗi chủ đề, bạn có thể bắt gặp đâu đó những hình ảnh quen thuộc, những trải nghiệm của con hoặc cháu mình hay của chính bạn đã từng trải qua như: Trẻ lười phát biểu sẽ tác động thế nào? Làm thế nào khi trẻ lười làm bài khi ở nhà? Trẻ thích làm điệu thì ứng xử ra sao? Lo lắng về đứa con “hai mặt” (trên lớp và ở nhà biểu hiện khác nhau) thì bố mẹ nên giải quyết ra sao?... Hãy lật chậm từng trang sách và nghiền ngẫm từng câu chuyện, chắc chắn bạn sẽ có được những gợi ý, những bài học cho riêng mình khi giáo dục trẻ: “Muốn bước vào trái tim của trẻ, hãy nói chuyện chân thành. Trước tiên, cần tìm ra sở thích chung của hai người. Con đường bắt đầu từ sở thích chung là con đường ngắn nhất, nhẹ nhàng nhất tiến tới cánh cửa trái tim”; “Khi trẻ làm bài tập, cha mẹ nên học phương pháp ‘thả diều’, chỉ giữ sợi dây trong lòng, để con tự do đi thật xa, bay bổng thoả thích, dù đôi lúc gặp phải gió to làm chao đảo, cũng đừng vội thu dây diều.”; “Trẻ thích làm điệu, điều đó không sai, quan trọng là hướng dẫn con tư duy đúng đắn về thẩm mỹ”.
Một điểm cộng cho bộ sách là quá trình chắp bút đầy tâm huyết của tác giả − cô giáo, chuyên gia giáo dục Tiêu Tuyết Lệ. Tác giả đề cập vô cùng thẳng thắn, chân thành và dễ hiểu những vấn đề dễ gặp phải trong quá trình trưởng thành của trẻ. Rất nhiều vấn đề hiện thực mà tế nhị trong cuốn sách chính là những vấn đề khiến các bậc phụ huynh như chúng ta liên tục băn khoăn suy nghĩ. Bạn có thể nhìn thấy người giỏi toàn diện để học hỏi, hay nhìn vào những tấm gương xấu để rút ra bài học thông qua nhiều ví dụ trong sách. Có lẽ, đây là bức tâm thư chân thành nhất, hữu ích nhất với phụ huynh mà tôi từng đọc. Một cuốn sách làm tâm hồn trong sáng, rộng mở!
Nếu là một giáo viên tiểu học tương lai, bạn sẽ rút ra được rất nhiều kinh nghiệm từ cuốn sách này, hiểu được nhiều điều mà thường ngày không thể thu lượm trên giảng đường. Rất nhiều tình huống trong cuốn sách là những vấn đề trọng điểm trong trường tiểu học được tác giả đích thân trải nghiệm rồi chia sẻ lại với độc giả, không chỉ hữu ích cho cha mẹ mà cũng rất hữu ích đối với giáo viên tiểu học. Tôi vô cùng khâm phục cách ứng xử khéo léo của cô giáo trong từng trang sách, ngay đến cách họp phụ huynh cũng rất đặc biệt: “Họp phụ huynh không phải là buổi bình phẩm học sinh, càng không phải chương trình đơn ca của thầy cô giáo, mà nên là buổi đối thoại bình đẳng giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh, là cầu nối cho những chia sẻ chân thành, thiết thực. Khi chiếc cầu nối đã được xây xong, mọi vấn đề khó khan trong giáo dục đều sẽ được giải quyết.” Không còn là buổi họp truyền thống: điểm danh, cô giáo diễn thuyết, một vài phụ huynh phát biểu rồi gặp riêng phụ huynh cá biệt. Ở đây, bạn sẽ bắt gặp một buổi họp phụ huynh hoàn toàn mới mẻ và thú vị: mở đầu là video như thước phim tài liệu để cha mẹ xem lại mọi sinh hoạt của con ở trường, từ học tập lao động đến các hoạt động tập thể, buổi họp diễn ra với người dẫn chương trình là một bạn trong lớp mà không phải cô giáo, cô giáo chỉ là người mở đầu trong phần “kể ưu điểm của bạn”, tiếp đó là học sinh và phụ huynh. Sau đó, học sinh và phụ huynh cũng tích cực viết ra những nguyện vọng của mình vào phiếu làm việc được cô giáo chuẩn bị tỉ mỉ.
Có thể nói, Để trẻ hạnh phúc đến trường chính bộ cẩm nang cần thiết, là người bạn đồng hành của với mọi gia đình có con ở lứa tuổi tiểu học, tiền tiểu học và là một bộ sách được khuyến đọc dành cho các thầy cô giáo.
-- Nga Vũ