Cứ làm đi: Bỏ quên danh từ, hành động theo động từ
Cứ làm đi: Bỏ quên danh từ, hành động theo động từ
Nếu chỉ coi mình là ‘’họa sĩ’’ thì khi muốn thử nghiệm sáng tác trong lĩnh vực văn học, bạn sẽ làm gì? Nếu chỉ coi mình là một ‘’nhà làm phim’’, bạn sẽ làm gì nếu muốn thử việc điêu khắc?

Mỗi khi theo đuổi một công việc nào đó, liệu bạn sẽ tập trung vào chức danh muốn đạt được, hay quan tâm nhiều hơn đến công việc mà bạn cần phải làm? Những danh hiệu từ trước đến nay vẫn luôn được đề cao, bởi chúng thể hiện sự công nhận mà mọi người dành cho bạn, cho những thành tựu mà bạn đã đạt được. Ấy vậy, những chức danh đó cũng có thể khiến bạn trở nên rối trí. Hãy cùng tác giả Austin Kleon lý giải tại sao ta nên cố gắng tập trung vào những công việc (động từ) cần làm thay vì theo đuổi những “danh từ” qua cuốn sách Cứ làm đi.  

 

“Động từ” sẽ đưa bạn đến những vùng đất xa xôi và thú vị hơn    

 

Việc quá coi trọng chức danh công việc vô hình trung sẽ tạo cho bạn cảm giác như mình cần phải làm những việc phù hợp với chức danh, chứ không phải với thực tế. Những chức danh ấy cũng có thể hạn chế các loại hình công việc mà bạn nghĩ mình có thể làm được. Nếu chỉ coi mình là ‘’họa sĩ’’ thì khi muốn thử nghiệm sáng tác trong lĩnh vực văn học, bạn sẽ làm gì? Nếu chỉ coi mình là một ‘’nhà làm phim’’, bạn sẽ làm gì nếu muốn thử việc điêu khắc?    

Muốn trở thành những ‘’danh từ’’ nhưng lại không muốn bước qua những ‘’động từ’’, bạn sẽ khó lòng đạt được những thành tựu như mong muốn. Cũng giống như ngóng trông ai đó gọi bạn là nghệ sĩ trước khi tạo ra một tác phẩm thực sự, bạn sẽ không thể làm nghệ thuật được nữa. Để trở thành ‘’một người sáng tạo’’, bạn có thể đưa ra tín hiệu bằng cách: đeo kính mắt hàng hiệu, dùng Macbook Pro và đăng lên Instagram những bức hình văn phòng ngập nắng. Thế nhưng, chỉ có những hành động, những sự cố gắng không ngừng mới có thể biến bạn trở thành một ‘’người sáng tạo’’ thực thụ. 

 

Quẳng gánh lo đi để tập trung vào những ‘’động từ’’ của mình. 

Chơi đùa là công việc của trẻ em, nhưng cũng là công việc của nghệ sĩ. Đây chính là mấu chốt để bạn có thể tập trung vào những ‘’động từ’’ của mình. Tác giả Austin Kleon đã từng quan sát đứa con trai Jules 2 tuổi của mình tập vẽ. Ông nhận ra rằng cậu bé không mảy may quan tâm đến việc hoàn thành bức vẽ (danh từ) mà năng lượng của cậu nhóc hoàn toàn tập trung vào việc vẽ (động từ). Cậu nhóc không hề quan tâm điều xảy ra với những bức tranh sau khi cậu hoàn thành chúng. Austin cũng nhận ra rằng Jules vô cùng vui vẻ khi vẽ, bất kể là dùng chì màu vẽ trên giấy hay dùng phấn vẽ lên mặt đường. Niềm vui của cậu bé khi thực hiện những tác phẩm đó hoàn toàn tách biệt khỏi kết quả là những bức vẽ thu được. 

Các nghệ sĩ vĩ đại cũng có thể duy trì tâm thế ‘’chơi đùa’’ tương tự như vậy trong suốt sự nghiệp của họ. Nghệ thuật và người nghệ sĩ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi họ cảm thấy quá nặng nề vào việc phải tập trung vào kết quả. Theo lời Vonnegut, toàn bộ mục đích của nghệ thuật là để trở thành chính mình, để hiểu hơn về thế giới nội tâm của bản thân và giúp tâm hồn ngày một trưởng thành. 

Khi cảm thấy bản thân đã mất đi thói ham chơi, hãy luyện tập vì chính mục đích nguyên bản của luyện tập. Nhạc sĩ vẫn có thể chơi nhạc ngẫu hứng thay vì tạo ra một bản thu hoàn chỉnh. Các nhiếp ảnh gia có thể chụp ảnh và xóa ngay lập tức. Những việc làm ấy sẽ giúp khởi thông năng lượng sáng tạo, giúp bạn tìm thấy những công cụ và chất liệu mới mẻ để nuôi dưỡng sự tò mò và hứng khởi của bản thân. Hãy cố gắng tạo ra niềm vui mỗi ngày, cho chính bản thân ta và những người xung quanh.

Cuối cùng, đừng quên rằng bạn không cần phải gánh trách nhiệm với cả thế giới mà chỉ cần có trách nhiệm với công việc của mình, vậy nên đừng ngần ngại mà hãy bắt tay vào thực hiện những ‘’động từ’’ của mình! 

Tìm hiểu sâu hơn về những lời khuyên bổ ích khác dành cho những tâm hồn đam mê sáng tạo qua cuốn sách Cứ làm đi của tác giả Austin Kleon. 

Tags: