Có thể bạn chưa biết: “Quyền lực” đám đông ở thời hiện đại đã được phân tích từ hơn 100 năm trước
Có thể bạn chưa biết: “Quyền lực” đám đông ở thời hiện đại đã được phân tích từ hơn 100 năm trước
“Không phải cả thế giới có trí tuệ hơn Voltaire, nhưng chắc chắn Voltaire có trí tuệ hơn cả thế giới” -  nếu bạn xem “cả thế giới” là một đám đông.
Tâm lý học đám đông
(5 lượt)
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà báo chí và truyền thông là một loại quyền lực không thể xem thường. Dư luận là một loại sức mạnh. Phản ứng của đám đông được biểu hiện một cách cụ thể lên đến đỉnh điểm nhờ sự phản ánh của báo chí với vô số các luồng tư tưởng trái ngược nhau. Bạn có bao giờ nhận thấy được sự bất lực của chính phủ hoặc các đảng phái trong việc định hướng dư luận? Bạn có bao giờ e sợ những cơn thịnh nộ của đám đông trên mạng xã hội? Bạn cảm thấy dư luận là một sức mạnh vô hình không thể điều khiển, không thể tiên đoán, và không thể khống chế? Đó là vì đa số những cá nhân chúng ta đều không hiểu, thậm chí là không biết một chút gì về tâm lý học đám đông, về những nền tảng tư tưởng, niềm tin, và các nhân tố quan trọng đã định hình và tác động lên từng suy nghĩ và hành vi của đám đông. 

Bạn có thể dựa trên các kiến thức về tôn giáo, thể chế, chính trị, lịch sử,... để giải thích các hiện tượng lịch sử và các hiện tượng xã hội hiện nay. Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu bạn bỏ qua góc nhìn dựa trên tâm lý học về các đặc tính chủng tộc, di truyền và các truyền thống của một dân tộc. Khi bỏ qua các yếu tố về tâm lý đám đông, bạn sẽ không thể hiểu được động cơ của một sự kiện đã, đang và sẽ xảy ra, thậm chí là cả khi chúng xảy ra ngay xung quanh bạn. Sự thành công gần như tuyệt đối của các nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới cũng như lý do mà các luồng tư tưởng đối chọi mạnh mẽ với nhau lại có thể xuất hiện cùng lúc và tồn tại song song dường như là một “bí thuật” trong mắt mọi người. NhưngTâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon có thể cho bạn lời giải đáp, một lời giải đáp dựa trên các cơ sở hoàn toàn khác so với những giải thích trước đó mà bạn từng nghe qua. Quyển sách tập trung phân tích và đánh giá những vấn đề mà cho đến ngày nay nó vẫn còn rất đáng chú ý. Ngoài những giá trị vượt thời gian, có điều gì khác đã giúp quyển sách này tồn tại hơn 125 năm?

 

 

Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon được xem là một trong những trước tác kinh điển của thế giới và cũng là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp khoa học đồ sộ bao gồm nhiều lĩnh vực của ông. “Người ta quan tâm đến Le Bon vì đám đông, còn Le Bon quan tâm đến những điều sâu xa hơn từ đám đông ấy”. Bản sắc dân tộc, số phận của nền văn minh, những bộ máy nhà nước cùng các thể chế chính trị đều được kể đến. Điều gì còn ẩn giấu đằng sau những yếu tố đó? Chúng có ảnh hưởng gì đến đám đông? Chúng quyết định tâm lý đám đông hay chính tâm lý đám đông đã hình thành nên chúng? Quyển sách sẽ trả lời đầy đủ các câu hỏi trên với tổng cộng 13 chương được chia thành 3 quyển lớn: Tâm hồn của đám đông, Quan điểm và niềm tin của đám đông, Phân loại và mô tả các loại đám đông

 

 

Ở quyển thứ nhất, tác giả phân tích đến các yếu tố cấu thành nên tâm lý của một đám đông, và điều kiện để hình thành nên một đám đông đúng nghĩa. Chúng ta sẽ thấy được cách mà các yếu tố vô thức thể hiện sự thống trị thông qua việc điều khiển suy nghĩ và hành vi của mỗi người khi họ ở trong một đám đông, chúng khiến họ suy nghĩ hoàn toàn khác đi so với lúc họ là một cá nhân riêng rẽ. Người ta có thể trở nên đạo đức hơn, bao dung hơn hoặc anh hùng hơn bao giờ hết, hoặc họ cũng có thể trở thành những kẻ giết người, bất khoan dung, chuyên chế và bảo thủ. Tất cả những loại tình cảm xuất hiện trong tâm lý đám đông đều bị điều khiển và khống chế, bằng cơ chế của sự ám thị, lây nhiễm và lặp đi lặp lại. Những cơ chế đó như những cơn lốc xoáy hung bạo, còn “một cá nhân trong đám đông thì chỉ như một hạt cát trong vô số các hạt các khác, dễ dàng bị gió cuốn tung”. Bởi vì trong đám đông, lý trí được thay thế bằng sự vô thức, và các bản tính hoang dã man rợ của loài người sẽ bị đẩy lên đến mức cao nhất, nên chẳng có gì ngạc nhiên nếu các kiểu tình cảm trong tâm lý của một đám đông được đẩy lên đến mức thái quá và tiêu cực. “Khi biệt lập, anh ta có thể là một cá nhân có học thức, nhưng trong đám đông, anh ta trở thành một kẻ mọi rợ, một sinh vật hành động bản năng”. Cũng như sự tụ họp của một đám đông chẳng có gì hơn “sự ngu đần được hợp lại chớ không phải là trí thông minh”. Do đó, cho dù là khác nhau về mặt giới tính, tôn giáo, học thức, địa vị xã hội, nhưng khi “nằm trong một đám đông được tổ chức, một người đã tụt xuống nhiều nấc trên chiếc thang văn minh”. 

Le Bon liên tục khẳng định “một số sự kiện lịch sử quan trọng nhất chỉ có thể được hiểu một cách thấu đáo khi chúng ta nhìn nhận đúng hình thức tôn giáo của các niềm tin mà đám đông chấp nhận”. Tuy nhiên, đằng sau các niềm tin sâu xa về mặt tâm lý, còn có các nhân tố khác, mà các nhân tố nền tảng cho mọi niềm tin và quan điểm của đám đông. Chúng được giải thích chi tiết và dễ hiểu ở quyển thứ 2. 

 

 

Quyển này bàn về các quan điểm và niềm tin của đám đông, trong đó có đề cập đến các nhân tố trực tiếp và gián tiếp tác động lên quan điểm của đám đông và các phương pháp thuyết phục đám đông của các nhà lãnh đạo. Đây có lẽ là chương sách hay nhất và thu hút người đọc nhất khi nó hầu như trả lời cho tất cả các câu hỏi mà ta vừa nêu ra ở phần trên: đám đông có thể bị điều khiển hay không và yếu tố nào có thể chi phối họ? Liệu các nhà lãnh đạo có phải chỉ là những kẻ nắm bắt được các chiêu thức lừa gạt tâm lý một cách tinh vi? Sức mạnh của đám đông có phải chỉ là một loại sức mạnh mang tính hủy diệt đối với các nền văn minh? Nhà nước và báo chí có còn khả năng định hướng dư luận? Hay họ đang chạy theo dư luận và sự thay đổi của đám đông để tồn tại? 

Có thể các quan điểm và giải thích của tác giả sẽ gây ra những tranh luận trái chiều, tuy nhiên xin được trích dẫn một số quan điểm của tác giả dưới đây để bạn đọc tự rút ra được kết luận cho chính mình: 

“ Môi trường, các hoàn cảnh, các sự kiện đều phản ánh những ám thị xã hội nhất thời. Chúng có thể ảnh hưởng đáng kể, song những ảnh hưởng này luôn mang tính nhất thời nếu nó đối lập với các ám thị của chủng tộc, tức là đối lập với ám thị của tổ tiên”.

 

 “Các thể chế và chính phủ mới là sản phẩm của chủng tộc, còn xa chúng mới là thứ có thể sáng tạo ra một thời đại, chúng chỉ là những sáng tạo của thời đại.”

 “Ngày nay, các nhà văn đã mất đi toàn bộ ảnh hưởng của mình, còn báo chí thì chỉ phản ánh dư luận. Còn về các nhà lãnh đạo, họ chẳng hề nghĩ đến việc định hướng dư luận, mà chỉ lo chạy theo nó.”

 

“Báo chí, nếu trước kia nó giữ vai trò định hướng dư luận, thì nay cũng như các chính phủ, phải nép mình trước quyền lực đám đông. Báo chí từ bỏ việc áp đặt bất cứ tư tưởng nào, học thuyết nào. Nó chạy theo mọi thay đổi trong tư duy của công chúng, và sức ép cạnh tranh buộc báo chí phải chạy theo những thay đổi đó để không đánh mất độc giả.” 

 

Như vậy, khi nghiên cứu niềm tin và quan điểm của một dân tộc, “người ta luôn thấy có những nền tảng vững chắc, trên đó cũng có những quan điểm luôn thay đổi như lớp bụi phủ trên một tảng đá”. Chính vì vậy, niềm tin và quan điểm của đám đông tạo nên hai nhóm khác biệt rõ ràng. Trong đó, những quan điểm dễ thay đổi của đám đông, tùy theo mức độ ảnh hưởng của các ngôn từ và công thức, các ảo tưởng và những cơ chế ám thị, sự lặp đi lặp lại và lây nhiễm, mà thay đổi theo thời gian. Còn những niềm tin nền tảng mà trong đó yếu tố quan trọng nhất là chủng tộc, lại là gốc rễ thực sự của một nền văn minh, là nền tảng cho toàn bộ các giá trị của những học thuyết, trào lưu nghệ thuật, văn học,... hay cả thể chế chính trị. 

Chính vì đặc điểm dễ thay đổi và bị chi phối hoàn toàn bởi vô thức, nên đám đông sẵn sàng nghe theo những ai dẫn dắt họ bằng những ý tưởng đã chiếm được tình cảm trong tâm hồn họ trước đó. “Người nào nắm được cách kích thích trí tưởng tượng của đám đông cũng sẽ biết cách thống trị họ”. Và không còn nghi ngờ gì khi nói những nhà lãnh đạo của đám đông là những nhà tâm lý học đám đông xuất sắc. Các nhà lãnh đạo am hiểu đám đông và sử dụng các phương thức như sự khẳng định, ám thị, sự lặp đi lặp lại và sự lây nhiễm để tìm kiếm những “tân tín đồ” cho mình. Và cho đến khi nào các nhà lãnh đạo này còn có uy tín, họ hoàn toàn có khả năng thực hiện được tất cả những gì họ muốn bằng sức mạnh của đám đông, với các cơ chế ám thị, khẳng định, lặp đi lặp lại và lây nhiễm. Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ. Qua phương pháp của các nhà lãnh đạo, ngôn từ và hình ảnh sẽ là khởi nguồn của một loại quyền lực kinh khủng mà có lẽ bạn chưa từng nghĩ tới. Chúng có thể mang lại cho cử tri một số lượng phiếu bầu đáng kể, mặc dù không ai trong số các nghị viên có thể giải thích rõ là mình đang bỏ phiếu cho điều gì. 

 

Tuy nhiên, mọi niềm tin chỉ là ảo tưởng, cho nên nó chỉ có thể tồn tại cho đến khi nào nó không bị nghi ngờ, xem xét. Do đó, nếu các nhà lãnh đạo muốn giữ vững quyền lực của mình, thì hãy giữ khoảng cách với đám đông và đừng bao giờ chấp nhận khi uy tín bị đem ra bàn luận. 

Nếu đọc kỹ và liên tưởng đến các sự kiện chính trị - xã hội hiện nay, bạn đọc có thể dựa vào các kiến thức tâm lý này để tự đưa ra đánh giá của mình. Có thể bạn sẽ có một cái nhìn mới mẻ hơn và thậm chí là sâu hơn khi đối diện với các câu hỏi như vì sao Tổng thống Donald Trump lại có sức hút nhất định với một số người? Trong thời đại tự do ngôn luận của chúng ta có thực sự đang “tự do ngôn luận” hay không? Vì sao sự thóa mạ, công kích và tranh cãi trên Internet ngày càng cháy lên mãnh liệt dù chỉ với một mồi lửa nhỏ? Và sức mạnh của nó đạt đến đâu? Nền giáo dục tuyệt vời mà chúng ta được hưởng thụ có thực sự tốt như ta nghĩ? Hay báo chí có còn giữ được tính trung thực ban đầu? 

Cuốn sách này của Gustave Lebon đã “chỉ rõ những đặc tính chung của các đám đông tâm lý”, phần còn lại của tác phẩm - chương 3 - là đôi lời của tác giả nhằm trình bày về cách phân loại đám đông và mô tả đặc điểm của họ. 

Theo tác giả có hai loại đám đông có tổ chức: đám đông không thuần nhất đám đông thuần nhất. Mỗi loại đám đông có tổ chức đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố khác nhau. Ví dụ như bạn sẽ dễ dàng phân biệt giữa các đám đông không thuần nhất với nhau nhờ vào yếu tố chủng tộc vì “tâm hồn của chủng tộc quyết định hoàn toàn tâm hồn của đám đông”. Đám đông cử tri cũng là một loại đám đông không thuần nhất. Quan điểm chung nhất của những người thắng cử thể hiện đặc tính chủng tộc của đất nước đó. Để chiếm được lá phiếu của các cử tri, ứng cử viên chỉ cần “tâng bốc họ và hứa hẹn cho họ những điều tốt đẹp nhất”. Còn với đối thủ của mình, ứng cử viên phải “đè bẹp đối thủ bằng cách khẳng định liên tục, lặp di lặp lại để chứng minh đối thủ cực kỳ hèn nhát, đê tiện”,.. Nếu đối thủ của họ không hiểu chút gì về tâm lý đám đông, “ông ta sẽ minh oan bằng các lập luận, lý lẽ, bằng chứng, thế là ông ta sẽ chẳng còn cơ may nào chiến thắng”. Đó là lý do vì sao có nhiều nước trên thế giới hạn chế quyền lực trực tiếp của việc phổ thông đầu phiếu, mà lại chuyển quyền lực đó sang một hình thức gián tiếp hơn nhằm tránh các quyết định cảm tính và những niềm tin mù quáng như “có lẽ nào chân lý không nằm ở phía đa số khi ai cũng có đầu óc sáng suốt” (Tocqueville). Tương tự, các đám đông thuần nhất lại bị các yếu tố như niềm tin, nền tảng giáo dục, lợi ích, môi trường sống,.. chi phối mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình khác của đám đông thuần nhất được tác giả nhắc đến chính là bồi thẩm đoàn. Giống như đám đông, bồi thẩm đoàn cũng bị tác động rất lớn bởi tình cảm. “Họ có thể tỏ lòng nhân từ với một phụ nữ ưa nhìn, hoặc một đám trẻ mồ côi và hiếm khi phán quyết nặng tay với tội giết chết một đứa con mới đẻ của một bà mẹ”. Do đó, trong bồi thẩm đoàn, lý trí cá nhân không hề có chỗ đứng khi chỉ cần “ một hoặc hai người cương quyết là đủ để lôi kéo số thành viên còn lại”. 

Tôi nghĩ đây là một cuốn sách khá khó đọc vì nó có quá nhiều thuật ngữ khoa học và chứa 1 lượng kiến thức liên ngành khá lớn. Có lẽ bạn đọc sẽ vướng phải một số khó khăn khi bắt gặp một số ví dụ, dẫn chứng và một vài thuật ngữ chuyên ngành, cũng có thể những sự thay đổi đến chóng mặt của các thông tin trên mạng xã hội hoặc các mặt báo sẽ hấp dẫn sự tò mò của bạn hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đủ kiên nhẫn để đọc hết những dòng phân tích đơn giản mà sâu sắc của Le Bon, bạn sẽ rút ra được khá nhiều điều mới lạ và hấp dẫn về tâm lý đám đông. Thậm chí là sẽ thú vị hơn nhiều nếu bạn có thể nắm bắt được những nguyên nhân sâu xa trong sự thay đổi của các luồng dư luận và tư tưởng, thay vì phải chạy theo chúng mỗi ngày. 

Lê Phương Quyên

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tâm lý học đám đông: Nếu đám đông lập tài khoản Facebook, thì đây là Profile của nó

 
 
 
Tags: