CHUYỆN CÂY THÔNG NON - Một cuốn cổ tích mùa giáng sinh đặc biệt
CHUYỆN CÂY THÔNG NON - Một cuốn cổ tích mùa giáng sinh đặc biệt
Nằm trong bộ bốn “Chuyện kể mùa đông” của ông gồm “Bà Chúa Tuyết”, “Cô bé bán diêm” và “Người Tuyết” - những tác phẩm được các độc giả trên toàn thế giới đón đọc mỗi mùa Giáng sinh về, “Chuyện Cây Thông Non”, một trong những ngụ ngôn ý nghĩa nhất của văn hào Hans Christian Andersen về ngày lễ đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt!
Được Andersen cho ra mắt vào mùa Giáng sinh năm 1844 và được tái bản 5 lần chỉ tính riêng trong cuộc đời của tác giả, “Chuyện Cây Thông Non” kể về nhân vật chính là một cây thông nhỏ trong rừng, luôn muốn lớn lên thật nhanh để khám phá thế giới và mong ước những điều đặc biệt và huy hoàng sẽ đợi chờ mình. Dù xuyên suốt tác phẩm, Cây Thông Non luôn giữ tinh thần lạc quan vào một tương lai tích cực, nhưng đến cuối cùng, chú vẫn luyến tiếc quá khứ khi chỉ sau một đêm được làm cây thông Giáng sinh, chú lại bị người chủ vứt bỏ.

Không nằm ngoài phong cách viết truyện cổ tích quen thuộc của Andersen, “Chuyện Cây Thông Non” gửi tới thông điệp có phần trưởng thành và sâu sắc hơn những cuốn cổ tích khác, không đơn thuần chỉ là bài học đạo đức, cách trẻ cư xử mà ở đó là sự chiêm nghiệm nỗi buồn và những triết lý. Nội dung cuốn sách tập trung vào hành trình vội vã của cái cây thông nhỏ khi rời khỏi khu rừng cùng tâm trạng bàng quan với mọi điều xung quanh. Kiên nhẫn, biết chờ đợi và đừng chỉ nghĩ về tương lai mà hãy trân quý cả hiện tại, đó là những điều mà Andersen muốn nhắn nhủ. 

Nhân dịp 180 năm ra mắt cuốn sách, mùa Giáng sinh năm nay, Crabit Kidbooks cùng NXB Hà Nội quyết định chuyển ngữ sang tiếng Việt. Phiên bản “Chuyện Cây Thông Non” được thiết kế đặc biệt với chi tiết cắt ở trang bìa, đồng thời được minh họa chỉn chu và chăm chút bởi họa sĩ trẻ Như Quỳnh, người cũng đứng đằng sau minh họa của tập thơ “Vương quốc nhỏ bí mật”.

Theo chia sẻ của Như Quỳnh, với mong muốn bảo toàn tính cổ điển trong minh họa truyện cổ tích, cô đã sử dụng hiệu ứng giả risograph, tạo màu in theo từng lớp giống phương cách truyền thống, dù sách được sản xuất kỹ thuật số hiện đại. Với bảng màu vàng - xanh - đỏ quen thuộc của mùa Giáng sinh, cách Như Quỳnh chuyển dịch màu sắc theo dòng tự sự của câu chuyện vừa là điểm nhấn minh họa đặc biệt của “Chuyện Cây Thông Non”, vừa đem tới trải nghiệm đọc sách ý nghĩa tới các bạn nhỏ, giúp trẻ cảm nhận được những ẩn dụ mà Andersen gửi gắm trong cuốn cổ tích của mình.

Theo Crabit Books

Tags: