Chúng ta có thực sự nói và viết những gì chúng ta nghĩ?
Chúng ta có thực sự nói và viết những gì chúng ta nghĩ?
Thường thì, chúng ta không nói ra hết những gì mình nghĩ; và nhiều hơn cả lệ thường, chúng ta không viết ra những gì mình tin tưởng. Những gì chúng ta thể hiện trong lời nói, câu từ của mình chỉ đạt đến một nửa những gì chúng ta thật sự nghĩ trong đầu.
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta dành thời gian suy nghĩ về mọi thứ, cuối cùng chỉ để thấy mình bị mắc kẹt trong ngữ nghĩa. Tương tự, tâm trí nhiều người dường như bị chiếm đóng, bị vướng mắc, bởi những ý tưởng và suy nghĩ mà dường như vô nghĩa khi chúng ta mường tượng lại chúng.

 

Thật khó để thốt ra những nghĩ suy đang chồng chất trong mình

Chúng ta, loài người, đang sống trong thói quen phát minh ra các cấu trúc nhân tạo, hiện thực hóa các khái niệm, và đặt tên cho các sự vật, chính vì thế đã cách ly chúng ra khỏi trạng thái tự nhiên nguyên thủy mà chúng có. Gọi tên một điều gì đó chính là giết chết nó đi. Năng lực thấu hiểu của tâm trí chúng ta là hạn chế, vì vậy chúng ta cần đặt tên và dán nhãn cho mọi thứ trên đời. Chúng ta có nhu cầu mô tả, và từ đó các vấn đề về ngôn ngữ nảy sinh.

Chúng ta sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện để truyền đạt lại những gì chúng ta tin là có ý nghĩa. Ngôn ngữ được cấu thành từ các từ, các dòng, các nét, và chính tả. Để phân biệt giữa việc truyền đạt ý nghĩa và sự có ý nghĩa: các từ, tự bản thân chúng chỉ là những nét mực hoặc 1 bit của pixel, hoàn toàn vô nghĩa, nhưng chúng ta vẫn dùng được chúng. Từ ngữ là công cụ. Ý nghĩa của chúng, cũng như ý nghĩa của chiếc búa tạ, là không cụ thể. Chúng chỉ có ý nghĩa khi được dùng vào trong một mục đích nào đó. Từ ngữ là phương tiện chúng ta sử dụng cho mục đích giao tiếp và mô tả.

Gọi tên một điều gì đó, là giết chết nó đi

Về mặt chức năng, từ ngữ là tác nhân của phân tách. Nếu bạn đặt tên cho một vật nào đó bất kỳ, thì, chính bằng cách đó bạn đã khẳng định rằng nó không thể là một vật nào đã được đặt tên khác. Chúa là ai, Đấng cứu thế, Nhà tiên tri, hay chỉ là một Người con? Đôi khi sự phân cấp nhỏ nhất trong lời nói của con người có khả năng tạo ra khác biệt khôn lường. Ngôn từ đóng khung cho thực tại của chúng ta. Và nếu đúng là như vậy, và nếu những chiến dịch chính trị đã thao túng được trái tim và tâm trí mọi người theo cách đó, thì ngôn từ còn có khả năng tàn phá ác độc hơn – thậm chí còn thường xuyên hơn – vì nó dường như đang giúp đỡ cho cái tốt. Tệ hơn nữa là, nếu một khái niệm, dù xấu hay tốt, không thể được mô tả bằng ngôn từ, thì theo như những gì chúng ta hiểu được, chúng hoàn toàn không tồn tại.

Bản thân ngôn từ không phải là vấn đề quá lớn, mà chính là cách tâm trí chúng ta vận hành. Tâm trí con người bị kẹt giữa những giằng xé liên tục từ khái niệm này tới khái niệm kia. Bất kỳ luận điểm nào được viết ra đều tự nó nói lên phản đề của chính nó. Trái cho thấy Phải, Chủ nghĩa Tự do vẽ ra cái bóng cho Chủ nghĩa Bảo Thủ. Chúng ta làm dịu con bệnh của tâm trí bằng cách áp đặt khuôn mẫu, giới hạn, và phạm trù lên mọi sự vật và ý tưởng, bao gồm cả đạo đức. Rốt cục, chúng ta biến từ ngữ thành vũ khí, và né chúng như né đạn.

Ngôn từ đã trở thành vũ khí của con người?

Nếu từ ngữ có khả năng sát thương đến thế, thì chúng ta cũng nên cảnh giác với việc nhồi nhét khái niệm vào con chữ khi, trong chiến tranh, việc chỉ mặt đặt tên là cái bẫy chết người.

Ngôn từ không đồng nhất với nghĩa gốc của chúng, vì chúng không thay đổi. Chúng dễ dàng bị phản đối, bị mất đi ý nghĩa và tác dụng ngay khi bị đặt ra khỏi bối cảnh phù hợp. Giống như bom mìn chiến tranh, chúng ngày một trở nên nguy hiểm và bất ổn. Từ ngữ không phải là những đứa trẻ có thể lớn lên, mà là tù nhân trong thời đại của chúng, đồng thời, chúng chính là tác nhân kìm hãm thời gian. Mặt khác, ý nghĩa lại tồn tại với thời gian, như một dòng chảy luôn luôn thích nghi và phát triển. Ý nghĩa mãi mãi là tất cả những điều mà từ ngữ không mô tả được.

Ngôn ngữ, trong chính hệ thống của nó, là một thành tựu vĩ đại của con người, là thứ đáng được tôn vinh và thưởng thức. Từ ngữ có thể, và nên, là những gì đẹp đẽ. Nhưng lời nói ra chỉ có thể chân thành vì lợi ích của chính nó, trong mối quan hệ nó ở trong, chứ không phải trong mối quan hệ với tất cả mọi sự vật sự việc. Nếu cuộc đời là một chuỗi các mối quan hệ gắn kết toàn bộ sự vật sự việc với nhau, và chúng ta có những khi muốn thể hiện bản thân mình, thể hiện toàn bộ con người mình trong cái nhất thời đó, với một mức độ chân thành mà từ ngữ lại không cho phép, chúng ta dễ cảm thấy buồn nản, tức tối và thậm chí có thể trở nên bạo lực.

Đôi khi những lời ta thốt ra không phải là những gì ta nghĩ

Trong những tình huống đó, chúng ta bám víu vào con chữ hoặc hình ảnh mà chính chúng ta không cảm nhận được để truyền đạt tâm tư chân thành của mình. Cuối cùng, chúng ta thay thế suy nghĩ của mình bằng những từ ngữ mà chúng ta không có ý nói ra, với những người mà chúng ta không có ý định làm tổn thương. Đó là lí do tại sao các cuộc trò chuyện đi đến tranh cãi không hồi kết, các mối quan hệ tan vỡ, và chúng ta vướng vào vô vàn rắc rối. Đó là sự khác biệt không thể vượt qua giữa lời nói với những gì chúng ta dự định nói ra.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các cặp đôi yêu nhau cãi nhau bằng lời nói nhưng làm lành bằng hành động. Nhìn chung, xã hội đã thừa nhận rằng lời nói chỉ là một cách biểu lộ cảm xúc thấp hèn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không bao giờ biểu đạt được suy nghĩ của mình bằng lời nói. Con người có khả năng đồng cảm, cho phép chúng ta dõi theo và thấu hiểu suy nghĩ của người khác qua lời nói. Giống như đèn báo hiệu tàu sắp vào ga, chúng ta cần sắp xếp lời nói bằng cách nào đó để biểu lộ, chứ không cản trở, suy nghĩ của chúng ta đối với nhau.  

Hãy để ngôn từ là phương tiện để truyền đạt tình yêu, một cách chân thành

Ta có thể nói ra lời yêu ai đó mà vẫn chân thành được không? Tôi nghĩ rằng không, cho dù bản thân nó không phải là vô lý. Vào một lúc nào đó, hàng tỉ năm về trước, vũ trụ đã khai sinh từ hư vô. Từ đó, vào một thời điểm khác, sự sống đã nảy nở từ hỗn mang. Như vậy, không có gì là không thể, tình yêu cũng có thể được chứa đựng trong những từ ngữ thô kệch vô tri. Nhưng tình yêu có nên phụ thuộc vào lời nói hay không? Không, tôi không tin như vậy.

Sự chân thành không nên lẫn lộn với sự thật. Sự thật là những gì được tạo ra trong lý trí, trong khi chân thành là sản phẩm của tình cảm và trái tim.Là người sở hữu cả trái tim và lời nói, chúng ta luôn có vẻ quyến rũ khi trở thành những kẻ nói dối chân thành, hơn là người truyền bá những sự thật mà lại không xuất phát từ tình cảm. Vậy nhưng, một hành động tốt đẹp có thể cũng chính là ngọn cờ báo hiệu cho những dối trá gây nhiều tổn thương và sau đó là lời nói bằng những con chữ đầy thù hận.

 

Theo Medium

Thảo Tâm (dịch)

 

Tags: