Câu lạc bộ sách hàng tỷ USD
Câu lạc bộ sách hàng tỷ USD
Ngành xuất bản là một trong những loại hình kinh doanh hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương giữa mùa đại dịch COVID-19. Ước tính chỉ riêng tại Mỹ trong năm 2020 số lượng đầu sách bán ra đã tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Vậy nhưng với việc các nhà sách buộc phải đóng cửa, độc giả sẽ tìm mua sách mới bằng cách nào?! Một trong những phương pháp được ưa chuộng nhất hiện nay là tham gia một câu lạc bộ sách.

Vài nét về câu lạc bộ sách

Khi độc giả tham gia một câu lạc bộ sách, cứ đến đầu tháng, họ sẽ nhận được một bản danh sách giới thiệu những đầu sách đáng đọc nhất trong tháng đó. Bạn đọc chỉ cần gửi thư hay tin nhắn trả lời cho câu lạc bộ biết họ muốn mua tác phẩm nào là sẽ nhận được cuốn sách đó. Số tiền mua sách sẽ được câu lạc bộ trừ vào khoản lệ phí mà người tham gia phải đóng hằng năm.

Câu lạc bộ sách đầu tiên xuất hiện tại Đức vào năm 1919 và ngay lập tức gặt hái được những thành công lớn. Tất cả các bên tham gia mô hình kinh doanh này đều có lợi. Thứ nhất, nhà xuất bản tiết kiệm được khoản tiền marketing do được giới thiệu sách trực tiếp đến độc giả. Mặt khác, người đọc đỡ tốn công sức tự mình đi tìm hiểu xem cuốn sách nào nên đọc. Book of the Month Club, câu lạc bộ sách nổi tiếng nhất ở Mỹ, bán được hơn 200 triệu bản sách chỉ trong 40 năm hoạt động đầu tiên.

Vào thập niên 1950, các nhà xuất bản bắt đầu khuyến khích những người tham gia cùng một câu lạc bộ sách tổ chức thành các hội, nhóm cấp thị trấn hay cấp thành phố. Những hội nhóm này sẽ gặp mặt nhau hàng tháng để trao đổi về cuốn sách họ mới đọc. Mục tiêu của các nhà xuất bản là giúp bạn đọc giữ được niềm đam mê với sách giống như khi người chơi cờ tham gia hội cờ tổ dân phố vậy. Họ không hề nghĩ rằng, mình đã “gieo hạt giống” đầu tiên cho việc đưa câu lạc bộ sách trở thành cái gì đó đạt giá trị ở tầm cao sang hơn một loại hình dịch vụ kinh doanh.

Các câu lạc bộ sách có thể giúp người đọc ít mất thời gian khi phải chọn sách

Các đảng phái chính trị bắt đầu tổ chức câu lạc bộ sách, đơn cử như Workers Book Club (Hội sách Công nhân) của Đảng Lao động Anh. Các đảng phái vừa muốn tăng sự trung thành của các đảng viên, vừa tổ chức giáo dục, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho họ. Đối với những hội nghề nghiệp như hội luật gia, hội bác sỹ, v.v… câu lạc bộ sách là cách dễ nhất để truyền bá các kiến thức, kỹ năng công việc hiện đại nhất đến với hội viên. Đến cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, các câu lạc bộ sách đã thực sự trở thành một tổ chức đoàn thể không thể thiếu trong các xã hội phương Tây.

Bước sang trang sách mới

Việc mạng Internet trở nên phổ biến đã khiến nhiều người nghĩ đến sự “khai tử” của câu lạc bộ sách. Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn đọc đã có thể tìm thấy thông tin cụ thể từng đầu sách. Vậy thử hỏi họ còn có lý do nào để tham gia câu lạc bộ sách? Vậy nhưng các câu lạc bộ sách vẫn phát triển đều đặn theo từng năm. Tất cả mọi chuyện đều nhờ vào công sức của một người: Ngôi sao truyền hình Mỹ Oprah Winfrey.

Công chúng biết nhiều đến Oprah thông qua chương trình talk show nổi tiếng của bà. Nhưng nhiều người không biết rằng, ngoài việc sở hữu tính cách cuốn hút mọi người, Oprah còn có con mắt của một nhà kinh doanh tài ba. Bà nhận ra rằng, nhiều người thèm muốn đạt được thành công như mình. Vậy là Oprah thành lập Câu lạc bộ sách Oprah Winfrey. Thông qua các chiến dịch marketing, bà gửi gắm thông điệp này đến các khách hàng tương lai: “Nếu các bạn đọc và làm theo những cuốn sách này, bạn cũng sẽ đạt được thành công giống như tôi!”. Đến nay Câu lạc bộ sách Oprah Winfrey đã có hơn 10 triệu người tham gia. Ước tính mỗi năm Oprah nhận được khoảng 1,2 triệu USD từ câu lạc bộ sách.

Học hỏi thành công của Oprah, nhiều người nổi tiếng khác trên thế giới đã thành lập câu lạc bộ sách do mình đứng đầu. Một số câu lạc bộ sách do người nổi tiếng thành lập đáng phải kể đến có, Between Two Books (ca sỹ Florence Welch); Our Shared Self (nữ diễn viên Emma Watson), và Belletrist (hai nữ diễn viên Emma Roberts và Karah Preiss). Bellerist đặc biệt nổi bật vì chương trình giới thiệu sách cùng tên. Emma Roberts và Karah Preiss thường xuyên đăng tải lên Youtube các video phỏng vấn tác giả của những cuốn sách được đề cử. Thông qua các video này, độc giả vừa hiểu thêm về tác phẩm, vừa có cảm giác như mình được làm bạn đồng hành khám phá thế giới trí thức với hai nữ diễn viên.

Trên một khía cạnh khác, người đọc ngày càng cảm thấy bị đe doạ bởi các nguồn thông tin giả mạo. Ngay cả sách cũng không an toàn. Chỉ cần một cái nhấp chuột trên Amazon là bất kỳ ai cũng có thể tìm được những cuốn sách chỉ toàn đăng tải thông tin vô căn cứ và có động cơ mờ ám phía sau. Amazon, Alibaba và nhiều trang thương mại điện tử khác không có một cơ chế hiệu quả để dò tìm và loại bỏ những tác phẩm sai sự thật.

Trong bối cảnh này, người đọc tìm đến câu lạc bộ sách do các cơ quan truyền thông tổ chức. Một ví dụ tiêu biểu là câu lạc bộ sách Now Read This. Dịch vụ này được sinh ra từ mục giới thiệu sách trên mặt báo New York Times và chương trình thời sự  PBS NewsHour. Độc giả có thể hoàn toàn tin tưởng về chất lượng tác phẩm họ lựa chọn do tất cả đầu sách của Now Read This đã được các chuyên gia kiểm chứng. Dự báo xu hướng các cơ quan truyền thông tổ chức câu lạc bộ sách sẽ còn phát triển trong tương lai gần.

Một nguồn an ủi

Đại dịch COVID-19 đã buộc hàng triệu người trên thế giới phải dành hầu hết thời gian ở trong ngôi nhà của mình. Một trong những nguồn an ủi được nhiều người tìm đến là sách. Theo một khảo sát mới đây của Nielsen Books, 41% người Anh được hỏi cho biết họ đọc nhiều sách hơn sau khi lệnh phong toả được thiết lập. Với những độc giả mới còn thiếu kinh nghiệm chọn lựa tác phẩm, tham gia câu lạc bộ sách là một cách dễ dàng để tìm được những tác phẩm có chất lượng. Pew Research Center (Mỹ) đã tổ chức một cuộc khảo sát về câu lạc bộ sách hồi tháng 9 năm ngoái. Kết quả nhận được là, cứ mười người Mỹ lại có một người là thành viên câu lạc bộ sách. Cứ 8 thành viên câu lạc bộ sách, lại có 3 người mới tham gia sau khi lệnh giới hạn xã hội được ban bố.

Một nhân tố mới trong lĩnh vực câu lạc bộ sách là các nhà sách nhỏ. Cách đây hơn mười năm, các nhà sách độc lập gần như biến mất hoàn toàn ở phương Tây do bị những chuỗi cửa hàng như Barnes& Nobles mua lại. Vậy nhưng chính các chuỗi cửa hàng này lại không kịp thay đổi để thích ứng với sự xuất hiện của sách điện tử. Các nhà sách nhỏ xuất hiện trở lại để lấp đầy lỗ trống thị trường này. Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, nhiều nhà sách nhỏ đã chuyển qua kinh doanh theo mô hình câu lạc bộ sách.

Lợi thế của các nhà sách nhỏ là người bán hiểu rất rõ người mua do họ thường sống ở cùng một thị trấn, một quận thành phố. Nhờ sự thấu hiểu mà nhà sách có thể giới thiệu các tác phẩm khác nhau phù hợp với từng khách hàng một. Đây là chìa khoá để những nhà sách nhỏ như Bookshop (thành phố Chambersburg, bang Pennsylvania) có thể sống sót qua mùa dịch.

Vị Giám đốc của Bookshop lấy một ví dụ khi trả lời phóng vấn: “Với những khách hàng mong muốn cải thiện chất lượng công việc tại nhà, chúng tôi sẽ giới thiệu với họ hai tác phẩm “Atomic Habits” của James Clear và “Stealing Fire” của Steven Kotler và Jamie Wheal. Cả hai quyển sách này đều nói về cách từ bỏ thói quen xấu để có thể đối mặt với những thay đổi trong một thế giới bất ổn!”.

Theo số liệu thống kê từ các câu lạc bộ sách trên khắp nước Mỹ, tác phẩm đang được nhiều người giới thiệu với nhau nhất là “Man's Search for Meaning”. Tác giả của cuốn sách là nhà thần kinh học và bác sỹ tâm lý Viktor Emil Frankl. Ông kể lại trải nghiệm của mình khi sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã và cách mà các tù nhân đối mặt với sự tuyệt vọng. Trong khi đại dịch tiếp tục tước đi hy vọng của nhiều người, càng ngày có nhiều bạn đọc tìm đến “Man's Search for Meaning” như một cuốn cẩm nang giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý trước mắt.

Việc đọc sách nói riêng và tiếp xúc kiến thức nói chung không nhất thiết phải là một chuyến hành trình đơn độc. Những người bạn đồng hành sẽ giúp mỗi người trong chúng ta có thêm các góc nhìn khác về những điều mà mình đang học hỏi. Quan trọng hơn nữa, đó là cảm giác luôn có người bên cạnh để cùng ta trải qua những cảm giác vui - buồn - giận - hờn mà sách đem lại. Mô hình câu lạc bộ sách không chỉ còn là một hình thức kinh doanh. Nó đã và đang làm chức năng của một “cây cầu” kết nối những tâm hồn với nhau.

 

Theo Vũ Lê - VNCA

Tags: