Trong 10 năm tới, khoảng 1,2 tỷ người trong độ tuổi từ 15 đến 30 sẽ gia nhập thị trường việc làm, và với các phương tiện chúng ta hiện có trong tay, khoảng 300 triệu người sẽ có được việc làm. Chúng ta sẽ mang lại cái gì cho những người trẻ này, với quân số khoảng một tỷ người? Tôi nghĩ đây là một trong những thách thức lớn nhất nếu chúng ta muốn đạt được sự phát triển hòa bình và thắp lên hy vọng cho những người trẻ này.
Martti Ahtisaari, cựu Tổng thống Phần Lan, 1994-2000, Người đoạt giải Nobel Hòa bình
Lời giới thiệu: Vâng, chúng ta có thể (học hỏi gì lẫn nhau)
Ở đâu đâu ta cũng thấy rõ một điều là, những ngôi trường mà chúng ta có hiện nay sẽ không thể mang lại cơ hội cho học sinh học được những gì các em cần cho tương lai. Nhu cầu về một hệ thống dạy và học chất lượng cao hơn và về một nền giáo dục công bằng, hiệu quả hơn là nhu cầu mang tính toàn cầu. Quả thực, các hệ thống giáo dục đang phải đối mặt với một thách thức kép: Làm thế nào để đổi mới trường học sao cho học sinh có thể học được những loại hình kiến thức và kỹ năng mới mà thế giới tri thức luôn xoay vần bất ngờ này của chúng ta đòi hỏi, và làm thế nào để phương thức học tập kiểu mới đó được tiếp cận đến mọi đứa trẻ bất chấp điều kiện kinh tế xã hội của họ.
Để vượt qua các thách thức này là một yêu cầu cấp bách cả về đạo đức lẫn kinh tế đối với xã hội cũng như các nhà lãnh đạo của xã hội chúng ta. Nó là một bổn phận đạo đức, bởi vì điều kiện an sinh và hạnh phúc tối thượng của mỗi người có được là nhờ kiến thức, kỹ năng và thế giới quan mà giáo dục mang lại. Nó cũng là một nhu cầu cấp thiết về mặt kinh tế, vì hơn bao giờ hết, sự thịnh vượng của các quốc gia phụ thuộc vào các bí quyết. Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây cho thấy lực lượng người trẻ thất nghiệp đang trở nên tuyệt vọng đến mức độ có thể khiến cho nhiều chính quyền bị hạ bệ. Rất nhiều trong số những người trẻ này bị thiếu hụt một sự giáo dục và đào tạo phù hợp để giúp họ tự lực cánh sinh.
Cuốn sách này nói về Phần Lan và làm thế nào người Phần Lan cải tổ mạnh mẽ hệ thống giáo dục của họ từ chỗ rất đỗi tầm thường trong những năm 1980 trở thành một trong những mô hình về sự xuất sắc và công bằng trong giáo dục ngày nay. Các chỉ số quốc tế cho thấy Phần Lan là một trong những nước có tỷ lệ công dân có giáo dục cao nhất trên thế giới, cung cấp cơ hội giáo dục một cách bình đẳng và sử dụng nguồn lực có hiệu quả.
Giáo dục Phần Lan gần đây đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả quốc tế. Linda Darling-Hammond (2010) viết rất nhiều về điều này trong cuốn sách của bà có tiêu đề The Flat World and Education (Thế giới Phẳng và Giáo dục). Marc Tucker (2011) lấy Phần Lan là một ví dụ tiêu biểu về mô hình hiệu quả cao đối với nước Mỹ trong cuốn Surpassing Shanghai (Thượng Hải Phi thường) mà ông chủ biên. Andy Hargreaves và Dennis Shirley (2012) chọn Phần Lan là một ví dụ về một quốc gia đã cải cách thành công hệ thống giáo dục trong cuốn sách của họ có tên The Global Fourth Way (Cách Thứ Tư của Toàn cầu). Diane Ravitch (2013) nhắc đến Phần Lan trong cuốn sách Reign of Error (Sự thống trị của sai lầm) của bà như một ví dụ cho người Mỹ, theo đó bà chỉ ra tại sao việc duy trì giáo dục công lại giúp mang lại một nền giáo dục tốt hơn cho tất cả mọi người.
Một chương dành riêng về giáo dục Phần Lan đã trở thành một phần không thể thiếu của bất cứ cuốn cẩm nang hay cuốn sách nào viết về tư duy và thực hành đương đại trong lĩnh vực giáo dục. Các cơ quan phát triển quốc tế, các công ty tư vấn, các hãng truyền thông nhắc đến Phần Lan như một mô hình tốt và “nhân chứng” cho sự chuyển đổi giáo dục công thành công . Các chuyên khảo về trường học và giáo viên Phần Lan đã được xuất bản ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Slovenia, Mexico, Đức và nhiều nước khác. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách này đã được dịch ra 20 thứ tiếng, suy ra rõ ràng là có một mối quan tâm trên bình diện toàn cầu đối với kinh nghiệm của Phần Lan.
Khi dẫn dắt cuộc cải cách giáo dục ở Phần Lan đầu những năm 1990, Tiến sỹ Vilho Hirvi, khi đó là Tổng giám đốc Ban Giáo dục Quốc gia của Phần Lan, nói trong một bài phát biểu với nhân viên của ông rằng “một quốc gia có giáo dục không thể được tạo ra bằng vũ lực”. Ông cho rằng giáo viên và học sinh cần phải được lắng nghe, và rằng con đường tiến lên phía trước đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực. Ở Phần Lan, giáo viên và học sinh luôn đòi hỏi quyền xử trí linh hoạt và tự do hơn trong việc quyết định thiết kế bài dạy như thế nào, học cái gì, và khi nào. “Chúng ta đang tạo ra một nền văn hóa giáo dục mới và sẽ không lùi bước”, Hirvi nói. Đóng vai trò cơ bản đối với nền văn hóa mới này là việc tạo dựng lòng tin giữa giới chức giáo dục và nhà trường. Lòng tin đó, như chúng ta đã chứng kiến, tạo ra sự cải cách không chỉ bền vững mà còn nằm trong tay của những người giáo viên tiến hành sự cải cách ấy.
LỪNG DANH PHƯƠNG BẮC
Trong những năm 1990, giáo dục Phần Lan không có) điểm gì đặc biệt đối với quốc tế: Các bạn trẻ Phần Lan đi học thường xuyên, mạng lưới trường học phủ rộng và dày đặc, ai nấy đều được tiếp cận giáo dục phổ thông, giáo dục đại học là một lựa chọn khả thi đối với ngày càng nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, thành tích của học sinh Phần Lan trong các cuộc khảo thí quốc tế khi ấy chỉ mấp mé mức trung bình của quốc tế, trừ môn đọc, là môn mà học sinh Phần Lan làm tốt hơn hầu hết học sinh ở các nước khác.
Cuộc suy thoái bất ngờ và chấn động của những năm đầu thập kỷ 1990 đưa Phần Lan tới bên bờ khủng hoảng tài chính. Cần phải có các giải pháp táo bạo và tức thời để khắc phục tình trạng mất cân đối tài chính quốc gia và phục hồi nền ngoại thương vốn biến mất cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết năm 1990. Nokia, thương hiệu công nghiệp toàn cầu chủ chốt của Phần Lan, với các sản phẩm thông tin di động của họ, trở thành một đầu tàu vô cùng quan trọng kéo Phần Lan ra khỏi vũng lầy kinh tế lớn nhất của đất nước kể từ sau Thế chiến Hai. Một thương hiệu Phần Lan khác chưa được nhiều người bên ngoài Phần Lan biết tới khi đó, peruskoulu, hay hệ thống trường học cơ bản toàn diện 9 năm, là nhân tố chủ chốt còn lại giúp khôi phục kinh tế và xã hội Phần Lan.
Trong thập niên 1990, trên thế giới cũng có những nước mà giới chức lãnh đạo giáo dục thấy hệ thống giáo dục của nước họ đang lâm vào tình trạng tương tự như tình trạng của Phần Lan. Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nhiều trường phổ thông, trường đại học và toàn bộ hệ thống giáo dục. Lấy Ireland, Hy Lạp, Anh hay Mỹ làm ví dụ, thành tích của học sinh còn xa mới đạt được mức cần phải có ở những nền kinh tế tri thức này, nơi hiệu suất và đổi mới là những điều kiện cần thiết cho công cuộc cạnh tranh và tiến tới một đời sống bền vững. Học sinh dường như thấy việc đào tạo ở trường phổ thông và đại học ngày càng nhàm chán và không thiết thực với nhu cầu của mình trong một thế giới đang xoay vần chóng mặt.
Câu chuyện về chuyến hành trình giáo dục của Phần Lan trong cuốn sách này mang đến hy vọng cho tất cả những ai đang trăn trở không biết hệ thống giáo dục của họ liệu có thể cải thiện được hay là không. Câu chuyện này cũng đề xuất ý tưởng cho những ai đang tìm cách điều chỉnh chính sách giáo dục để phù hợp với thực tại của sự hồi phục kinh tế. Các bài học từ Phần Lan rất mới mẻ vì chúng khác với các ý tưởng thường được trình bày trong sách hay tạp chí về phát triển giáo dục. Hơn nữa, những bài học này cho thấy cải thiện có hệ thống là việc làm khả thi nếu chính sách và chiến lược được xây dựng một cách thông minh và bền vững và giáo viên cùng lãnh đạo nhà trường được tham gia vào việc lên kế hoạch, thực hiện và xem xét tất cả các khía cạnh của những thay đổi mà họ muốn tạo ra.
Những bài học này tuy đầy hứa hẹn song lại đặt ra yêu cầu là chúng ta phải kiên nhẫn. Trong kỷ nguyên này, khi người ta đặt nặng vấn đề “kết quả tức thì”, giáo dục đòi hỏi phải có một cách tư duy khác. Cải cách nhà trường là một quá trình phức tạp, từ từ. Vội vàng là hỏng. Câu chuyện được kể trong cuốn sách này làm sáng tỏ điều đó. Các bước đi cần phải được dựa trên cơ sở nghiên cứu và cần phải được phối hợp tiến hành giữa giảng viên đại học, nhà hoạch định chính sách, hiệu trưởng và giáo viên.
Cuốn sách này mô tả việc một quá trình như thế đã diễn ra như thế nào ở Phần Lan từ sau ế chiến Hai. Đây là cuốn sách đầu tiên được viết cho độc giả quốc tế, kể về câu chuyện bằng cách nào Phần Lan đã tạo ra một hệ thống được ca ngợi là công bằng và có chất lượng cao. Nhiều tờ báo và hãng phát thanh truyền hình lớn của thế giới, New York Times, Washington Post, CNN, Times of London, Le Monde, El País, National Public Radio, NBC, Deutsche Welle và BBC, đều đăng tải về “phép màu” giáo dục Phần Lan này. Nhà làm phim Morgan Spurlock quá bị mê hoặc trước hệ thống nhà trường Phần Lan và đã lồng ghép các hình ảnh nhà trường Phần Lan vào phần nói về giáo dục của chương trình phim tài liệu Inside Man (Con người bên trong) trên kênh CNN. Hàng nghìn đoàn đại biểu chính thức đã tới thăm giới chức, trường học và cộng đồng Phần Lan để tìm hiểu điều gì là động lực cho sự xuất sắc của giáo dục Phần Lan. Câu chuyện này, tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa được triển khai thành một tác phẩm có tầm vóc như một cuốn sách để ta có thể liệt kê, kết nối và giải thích về rất nhiều người tham gia, tổ chức và lực lượng phi con người có liên quan.
Phương pháp tiếp cận của tôi trong cuốn sách này vừa mang tính cá nhân vừa mang tính học thuật. Cá nhân là do mối quan hệ gần gũi của tôi với giáo dục ở Phần Lan. Tôi sinh ra ở bắc Phần Lan, lúc nhỏ học ở trường tiểu học làng nơi cả bố cả mẹ tôi đều là giáo viên ở đó. Hầu hết ký ức thời thơ ấu của tôi có liên quan đến trường học theo cách này hay cách khác. Tôi may mắn được chứng kiến những bí mật hậu trường của lớp sau khi tất cả mọi người đã về nhà hết rồi, và tôi thấy thế giới đó thật giàu có. Đó là “nhà” của tôi, và ngôi nhà đầy ắp niềm vui. Có lẽ chẳng ai ngạc nhiên khi sau này tôi trở thành giáo viên. Ngôi trường đầu tiên tôi dạy là một trường phổ thông ở Helsinki. Tôi dạy toán và vật lý ở đó bảy năm. Sau đó, tôi có một quãng thời gian làm trong lĩnh vực quản trị giáo dục và đào tạo giáo viên, đủ dài để hiểu được sự khác biệt giữa giáo dục trong và ngoài nhà trường. Là nhà phân tích chính sách cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyên gia giáo dục của Ngân hàng ế giới và chuyên gia giáo dục của Ủy ban Châu Âu, tôi đạt được một tầm nhìn toàn cầu cần thiết để hiểu sâu hơn vị trí khác biệt của Phần Lan trong giáo dục.
Là đại diện của Phần Lan trong nhiều vai trò khác nhau này, tôi bắt buộc phải có hiểu biết sâu sắc hơn về cái làm nên sự khác biệt trong các phương pháp Phần Lan khi phải trả lời câu hỏi của cử tọa và giới truyền thông khắp thế giới. Trong 10 năm qua, tôi đã thực hiện hơn 400 bài phát biểu chính và trả lời 200 cuộc phỏng vấn về hệ thống giáo dục Phần Lan trên khắp thế giới. Tôi đã nói chuyện với hàng nghìn người, điều này đã dạy cho tôi biết rằng phải nhạy cảm với tính phức tạp của đổi mới giáo dục. Trò chuyện với những người quan tâm đến giáo dục, giống như tôi đây, đã góp phần rất lớn thúc đẩy tôi viết cuốn sách này.
Dưới đây là một số câu hỏi hay được hỏi đi hỏi lại: “Đâu là bí quyết thành công giáo dục của Phần Lan?” “Vì sao Phần Lan tuyển được toàn tài năng trẻ xuất sắc nhất làm nghề sư phạm?” “Thiếu sự đa dạng sắc tộc có ảnh hưởng như thế nào đối với thành tựu giáo dục tuyệt vời ở nước này?” “Làm sao để biết liệu các trường có tuân thủ theo những gì họ nên làm nếu không thông qua các bài kiểm tra đối với học sinh hay thanh tra đối với giáo viên?” “Phần Lan đã cứu hệ thống giáo dục của mình như thế nào trong cuộc suy thoái kinh tế những năm 1990?” Tôi thật lấy làm biết ơn những câu hỏi như thế và những lời nhận xét mang tính phê bình đối với tư duy của tôi. Không có những điều ấy hẳn tôi sẽ không bao giờ có thể trau chuốt được sự đánh giá của mình đối với những khác biệt của Phần Lan.
Cuốn sách này cũng có định hướng học thuật vì nó bắt nguồn từ những nghiên cứu mà tôi tham gia trong suốt hai thập kỷ qua với tư cách tác giả, đồng tác giả và nhà phê bình. Cuốn sách này, do đó, không phải là một chuyên khảo điển hình được viết ra với mục đích báo cáo kết quả một đề án nghiên cứu hay một sự kiện nào đó. Thay vào đó, nó là một công trình tổ hợp của một thập kỷ phân tích chính sách, kinh nghiệm với tư cách nhà giáo và người quản lý, và việc đối thoại với hàng nghìn nhà giáo dục từ trên khắp thế giới. Tôi có may mắn được ngao du bên ngoài Phần Lan kha khá thời gian và được làm việc với một vài chính phủ nước ngoài đủ để hiểu rõ hơn bản chất thực sự và đặc trưng của giáo dục Phần Lan cùng cuộc sống tại các ngôi trường Phần Lan.
Tôi từng dạy một khóa học có tên “Nhập môn về hệ thống giáo dục Phần Lan” tại Đại học Helsinki trong nhiều năm. Sinh viên của tôi đến từ khắp nơi trên thế giới. Đa số đến Phần Lan để học trọn một năm tại đây vì họ muốn tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc và tinh thần của hệ thống giáo dục Phần Lan. Việc dạy ở Trường Sau Đại học về Giáo dục của Đại học Harvard đã đưa tôi đến với sinh viên Mỹ, đối tượng hay quan tâm đến nền giáo dục trên khắp thế giới. Cơ hội dạy sinh viên ở các cơ sở giáo dục đến nay là cách tốt nhất để giúp tôi hiểu rõ hơn hệ thống giáo dục Phần Lan. Tôi đã hoàn thiện và cập nhật cuốn Bài học Phần Lan ấn bản lần hai này nhờ nghe ngóng học hỏi từ các sinh viên, khán thính giả, đồng nghiệp của mình.
CẢM HỨNG PHẦN LAN
Hệ thống giáo dục công lập ở nhiều nơi trên thế giới đang gặp khủng hoảng. Mỹ, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Pháp và nhiều nước tiên tiến khác đều đang vấp phải thách thức ngày càng trầm trọng trong hệ thống giáo dục công của mình: Thất bại tràn lan trong việc tạo ra đủ cơ hội học tập cho tất cả học sinh. Các giải pháp cứng rắn hơn không phải là chuyện không phổ biến ở những nước này, với một công thức chung nhằm chấn chỉnh những hệ thống giáo dục đang gặp thất bại: Cạnh tranh gay gắt hơn giữa trường học, trách nhiệm giải trình lớn hơn về thành tích của học sinh, thù lao cho giáo viên được trả theo kết quả làm việc, đóng cửa những trường gặp rắc rối.
Cuốn sách này không có ý nói rằng áp dụng các biện pháp cạnh tranh gắt gao hơn, đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn, bãi bỏ công đoàn giáo viên, mở nhiều trường công đặc cách hơn, hay áp dụng các mô hình quản lý kiểu các công ty trên thế giới trong hệ thống giáo dục chính là sẽ mang lại giải pháp cho các cuộc khủng hoảng này, mà ngược lại. Thông điệp chính của cuốn sách này là, chúng ta có một cách làm khác để cải thiện các hệ thống giáo dục, khác với tư tưởng cải cách dựa trên thị trường nói đến ở trên. Cách làm khác này bao gồm phát triển đội ngũ giáo viên, hạn chế việc thi cử đến mức tối cần thiết, đặt trách nhiệm và lòng tin lên trên trách nhiệm giải trình, đầu tư vào công bằng trong giáo dục, và giao việc lãnh đạo cấp trường và cấp quận huyện cho các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm.
Đây là những nội dung của các chính sách giáo dục phổ biến ở một số nước có thành tích giáo dục cao (trong đó có Phần Lan) trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) 2012 của OECD (2013b; 2013d). Các chương trong sách dẫn giải ra năm lý do khiến Phần Lan là một nguồn cảm hứng thú vị và thích hợp đối với các quốc gia khác đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của họ.
Thứ nhất, hệ thống giáo dục của Phần Lan độc đáo ở chỗ nó đã phát triển từ một hệ thống rất bình thường để trở thành một kiểu mẫu giáo dục đương đại và “có kết quả cao” trong khoảng hai thập kỷ từ cuối những năm 1970. Điểm đặc biệt khác nữa là ở chỗ quốc gia này có thể tạo ra một hệ thống giáo dục trong đó học sinh được học tập tốt và nền giáo dục công bằng đã tạo ra rất ít khác biệt trong thành tích học tập giữa các trường ở các vùng khác nhau của đất nước, như đã được chỉ ra trong tất cả các nghiên cứu PISA kể từ năm 2000 đến nay. Địa vị hiếm có trên quốc tế này có được là nhờ Phần Lan sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý và ít phải cố gắng hơn các quốc gia khác trong các nỗ lực cải cách.
Thứ hai, nhờ tiến bộ vững chắc đã được chứng minh này, Phần Lan là minh chứng cho thấy có một cách khác để xây dựng một hệ thống giáo dục thành công, đó là sử dụng các giải pháp đi ngược lại với các chính sách giáo dục dựa trên thị trường vốn đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Cách thay đổi kiểu Phần Lan này, như mô tả của Andy Hargreaves và Dennis Shirley (2009) trong cuốn Cách ứ Tư của họ, là cách dựa trên lòng tin, tính chuyên nghiệp và chia sẻ trách nhiệm. Quả thực, về cải cách giáo dục, Phần Lan là ví dụ về một quốc gia không thanh tra trường học, không dựa vào dữ liệu được thu thập từ bên ngoài, không có chương trình học tiêu chuẩn hóa, không có thi cử kiểu “được ăn cả ngã về không”, không áp dụng chế độ trách nhiệm giải trình dựa trên kết quả kiểm tra của học sinh, không có tư duy kiểu chạy đua-lên-đỉnh.
Thứ ba, nhờ vào thành công của mình, Phần Lan có thể gợi mở những phương án tư duy khác về các giải pháp cho các vấn đề giáo dục kinh niên đang tồn tại ở Mỹ, Anh và các nước Bắc Âu khác như: Tỷ lệ bỏ học cao, giáo viên bỏ nghề sớm, và giáo dục đặc biệt còn yếu và thiếu. Các phương pháp tiếp cận của Phần Lan đối với việc giảm tỷ lệ bỏ học sớm, tăng tính chuyên nghiệp của giáo viên, thực hiện chế độ trách nhiệm giải trình thông minh, áp dụng cách đánh giá học sinh thông minh hơn ở trường học có thể là nguồn cảm hứng đối với các hệ thống trường học khác đang loay hoay tìm kiếm con đường đi đến thành công.
Thứ tư, Phần Lan cũng là quốc gia có thành tích quốc tế cao trong thương mại, công nghệ, phát triển bền vững, điều hành chính phủ tốt, thịnh vượng, bình đẳng giới, phúc lợi trẻ em, và do đó, đặt ra những câu hỏi thú vị về mối quan hệ qua lại giữa giáo dục và các lĩnh vực khác trong xã hội. Có vẻ như các lĩnh vực chính sách công khác như y tế và việc làm cũng đóng một vai trò trong sự nghiệp phát triển và cải cách giáo dục trong dài hạn. Ở Phần Lan, bình đẳng thu nhập, khả năng dịch chuyển xã hội và lòng tin trong xã hội Phần Lan cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp này, như các chương tiếp theo sẽ chỉ ra.
Cuối cùng, chúng ta nên lắng nghe câu chuyện Phần Lan vì nó mang lại hy vọng cho những ai đang đánh mất niềm tin vào giáo dục công và việc liệu giáo dục công có thể được cải thiện hay không. Cuốn sách này cho thấy việc thay đổi mạnh mẽ hệ thống giáo dục là điều có thể thực hiện được, nhưng việc đó đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì và lòng quyết tâm. Câu chuyện Phần Lan đặc biệt thú vị nhờ vào một số chính sách và thay đổi chủ chốt được áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà Phần Lan từng chứng kiến kể từ sau Thế chiến Hai. Điều này cho thấy một cuộc khủng hoảng có thể khơi dậy bản năng sinh tồn giúp mang lại những giải pháp tốt hơn cho các vấn đề rất cấp bách so với một “tình huống bình thường” thường mang lại.
Cuốn sách này phản đối những ai tin rằng cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề kinh niên ở nhiều hệ thống giáo dục là tước quyền điều khiển từ tay ban giám hiệu nhà trường để trao nó cho những ai có thể điều hành nhà trường một cách hiệu quả hơn, thông qua hệ thống đặc quyền hay các hình thức tư nhân hóa khác. Tuy những ý tưởng có thể được chuyển giao từ Phần Lan sang các quốc gia khác chưa nhiều, song một số bài học cơ bản nhất định có thể có giá trị chung cho các hệ thống giáo dục khác, chẳng hạn như các cách thức phát huy thế mạnh của giáo viên, đảm bảo môi trường học tập thư giãn, không gây sợ hãi cho học sinh, và dần dần tăng cường lòng tin bên trong các hệ thống giáo dục.
Như có thể thấy trong cuốn sách này, không có lý giải duy nhất nào cho một hệ thống giáo dục thành công hay thất bại. Thay vào đó, có một mạng lưới các yếu tố đan xen nhau, giáo dục, chính trị, văn hóa, vận hành khác nhau trong các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, tôi muốn kể ra ba yếu tố quan trọng trong chính sách giáo dục Phần Lan kể từ đầu những năm 1970 mà có vẻ còn vượt cả yếu tố văn hóa.
Khía cạnh thứ nhất là một tầm nhìn đầy cảm hứng về thế nào là một nền giáo dục công tốt: Phần Lan trước nay vẫn dành cam kết đặc biệt cho việc xây dựng một hệ thống trường cơ sở tốt cho mọi đứa trẻ, do chính phủ đài thọ và do địa phương điều hành. Mục tiêu giáo dục phổ biến này, vốn xem công bằng trong giáo dục là ưu tiên hàng đầu, đã trở nên bám rễ vào nền chính trị và dịch vụ công ở Phần Lan sâu đến mức nó vẫn tồn tại nguyên vẹn, không suy suyển qua nhiều đời chính phủ và các bộ thuộc các phe phái chính trị đối lập. Kể từ khi hệ thống peruskoulu được đưa vào áp dụng đầu những năm 1970, đã trải qua 20 chính quyền đại diện cho các màu sắc chính trị khác nhau và 27 bộ trưởng giáo dục phụ trách cải cách giáo dục ở Phần Lan. Cam kết có một trường công thật tốt cho mọi đứa trẻ đã trở nên mạnh mẽ đến mức có người gọi nó là Giấc mơ Phần Lan. Cái tên này là một gợi ý cho các quốc gia khi nói đến cải cách giáo dục: Tốt hơn nên có một giấc mơ của riêng bạn thay vì đi vay mượn giấc mơ của người khác.
Khía cạnh thứ hai của cải cách giáo dục Phần Lan đáng được chú ý là cách mà quốc gia này xử trí với những lời khuyên của bạn bè và các nước láng giềng. Cảm hứng để Phần Lan xây dựng một nhà nước độc lập kể từ năm 1917 chủ yếu là đến từ các đồng minh của mình, nhất là Thụy Điển. Mô hình nhà nước phúc lợi, hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục cơ bản là những ví dụ điển hình về các ý tưởng được vay mượn từ người hàng xóm phía tây của chúng tôi. Sau này, các chính sách giáo dục của Phần Lan cũng chịu ảnh hưởng từ vai trò dẫn đường của các tổ chức đa quốc gia, nhất là OECD (Phần Lan gia nhập năm 1969) và Liên minh Châu Âu (Phần Lan gia nhập năm 1995). Trong cuốn sách này, tôi đưa ra một luận điểm là, bất chấp ảnh hưởng quốc tế và việc vay mượn ý tưởng giáo dục từ các nước khác, Phần Lan cuối cùng đã tìm ra cách của riêng mình để xây dựng hệ thống giáo dục mà ngày nay đang tồn tại.
Tôi gọi đây là “Cách thức Phần Lan” vì nó khác với cái mà phần lớn phần còn lại của thế giới đã làm trong lĩnh vực cải cách giáo dục trong 25 năm qua. Phương thức khác biệt của Phần Lan là duy trì những truyền thống tốt nhất và những tập quán đang tốt đẹp ở hiện tại rồi kết hợp chúng với những ý tưởng sáng tạo tiếp thu từ các nước khác. Xây dựng lòng tin, tăng cường tính tự chủ, và dung hòa sự đa dạng chỉ là một vài ví dụ về những ý tưởng cải cách ở nhà trường Phần Lan ngày nay. Nhiều ý tưởng sư phạm và sáng kiến giáo dục ban đầu được du nhập từ các nước khác, thường là từ Bắc Mỹ hay Vương quốc Anh, chẳng hạn như mô hình chương trình học của Anh, California và Ontario; cộng tác trong học tập của Mỹ và Israel; đánh giá tổ hợp của Mỹ; việc dạy khoa học và toán học của Anh, Mỹ và Úc; lãnh đạo có hỗ trợ của chính sinh viên của Canada và Hà Lan; và nhiều ý tưởng khác. Đồng thời, Giấc mơ giáo dục Phần Lan được “làm tại Phần Lan” và do đó thuộc về người Phần Lan chứ không phải được thuê mượn từ những nước khác.
Khía cạnh thứ ba trong cuộc cải cách là việc phát triển có hệ thống các điều kiện làm việc tôn sư trọng đạo và gây cảm hứng cho giáo viên cùng hiệu trưởng của các trường học Phần Lan. Cuốn sách này đặt ra một câu hỏi quan trọng vẫn hay được nhắc lại khi bàn đến cải cách giáo dục toàn hệ thống: Làm thế nào chúng ta thu phục được những thanh niên ưu tú nhất, thông minh nhất chọn dạy học làm nghiệp cho mình? Kinh nghiệm từ Phần Lan, như được minh họa trong Chương 3, cho thấy nếu chỉ xây dựng chương trình đào tạo giáo viên đẳng cấp thế giới hay trả thù lao hậu hĩnh cho giáo viên thì chưa đủ: Đúng là Phần Lan đã xây dựng được chương trình đào tạo giáo viên đẳng cấp thế giới; Phần Lan trả lương cao cho giáo viên.
Sự khác biệt đích thực nằm ở chỗ, giáo viên ở Phần Lan được kỳ vọng phát huy tối đa kiến thức nghề nghiệp và khả năng suy xét một cách vừa trên cơ sở độc lập vừa dựa trên tập thể ở trong nhà trường của họ. Họ kiểm soát các chương trình học, hoạt động đánh giá học sinh, cải thiện trường học và sự tham gia của cộng đồng. Đây được gọi là tính chuyên nghiệp của giáo viên. Cũng giống như giáo viên khắp thế giới bước chân vào nghề giáo với sứ mệnh xây dựng cộng đồng và truyền bá văn hóa, nhưng giáo viên Phần Lan, trái với đồng nghiệp của họ ở rất nhiều nước, có những quyền tự do và thẩm quyền để đi đến cái đích của nghề nghiệp.
HỌC TỪ CÁC NƯỚC KHÁC
Phần Lan có thể là mô hình cải cách giáo dục cho các nước khác được không? Nhiều người lấy làm thích thú với thực tế là Phần Lan đã thành công trong việc biến đổi hệ thống giáo dục của mình từ một cái gì đó chỉ dành cho số ít tinh hoa, cái gì đó vô danh và không hiệu quả trở thành một ví dụ mẫu mực về sự công bằng và tính hiệu quả (Schleicher, 2006).
Phần Lan cũng là một trong số ít 34 quốc gia thành viên OECD thành công trong việc cải thiện kết quả giáo dục, được đo bằng các chỉ số quốc tế và các bài kiểm tra thành tích của học sinh. Hơn nữa, nhiều vị khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi biết rằng dạy học đã trở thành nghề nghiệp đứng số một đối với người trẻ ở Phần Lan, trên cả nghề y và nghề luật, và rằng ngành sư phạm tiểu học ở các trường đại học ở Phần Lan là một trong những ngành học có mức độ cạnh tranh cao nhất. Tất cả các khía cạnh này của hệ thống giáo dục Phần Lan được phân tích kỹ hơn trong cuốn sách này.
Tuy nhiên, có người hồ nghi rằng có phải hệ thống của Phần Lan không có nhiều điểm phù hợp lắm để áp dụng cho các hệ thống giáo dục khác do những tính chất đặc thù của đất nước này. Lập luận phổ biến nhất của họ là: Phần Lan quá đặc thù nên hệ thống giáo dục của nó gần như không có ý nghĩa gì với nước Mỹ, Anh, Úc, Pháp hay các quốc gia khác có tầm vóc hơn nhiều, và Phần Lan cũng “quá khác biệt để trở thành mô hình cho công cuộc cải cách toàn hệ thống ở Bắc Mỹ” như Michael Fullan (2010, trang xiv) viết. Có hai điểm thường được nhấn mạnh khi cân nhắc xem Phần Lan có phải là mô hình phù hợp cho cải cách giáo dục không.
Thứ nhất, Phần Lan vẫn còn khá đồng nhất về mặt văn hóa và chủng tộc và do đó quá khác biệt so với Mỹ, chẳng hạn thế. Cũng đúng, tuy nhiên, Nhật Bản, Thượng Hải, Hàn Quốc, Estonia hay Ba Lan cũng giống Phần Lan về điểm này. Tỷ lệ công dân gốc nước ngoài của Phần Lan là 5,2% năm 2013 và tỷ lệ công dân không nói tiếng Phần Lan chỉ chiếm trên 10% (Thống kê Phần Lan, 2014a). Đáng chú ý là Phần Lan là một đất nước nói ba ngôn ngữ, đều là ngôn ngữ chính thức: Tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển và tiếng Sami. Cộng đồng thiểu số ngôn ngữ và sắc tộc lớn nhất ở Phần Lan là Nga, Estonia và Somali. Quá trình đa dạng hóa của xã hội Phần Lan từ giữa thập niên 1990 diễn ra nhanh nhất châu Âu, với tốc độ 800%. Khi tôi bắt đầu bước vào sự nghiệp giảng dạy ở Helsinki giữa thập niên 1980, trong lớp của tôi hiếm có ai có ngoại hình hoặc nói thứ tiếng khác so với những người khác. Vậy mà đến thập kỷ đầu của thế kỷ 21, số lượng công dân gốc ngoại quốc của Phần Lan đã tăng gần gấp ba. Phần Lan không còn đồng chủng nữa, nhưng, tất nhiên, vẫn chưa thể so sánh với Mỹ hay Úc như một quốc gia đa văn hóa xét về sự đa dạng sắc tộc.
Thứ hai, Phần Lan được coi là quá nhỏ để trở thành một mô hình tốt cho cải cách toàn hệ thống ở Bắc Mỹ. Lập luận này hiểm hóc và khó bảo vệ hơn. Khi xem xét yếu tố quy mô trong cải cách giáo dục, cần lưu ý là nhiều quốc gia liên bang, các bang, tỉnh hay địa phương tương đối được tự chủ trong việc quản lý giáo dục và điều hành các trường học. Trường hợp này cũng giống với Mỹ, Canada, Úc, Brazil và Đức. Dân số Phần Lan ngày nay là 5,5 triệu người, xấp xỉ dân số bang Minnesota ở Mỹ hay Victoria ở Úc, và nhỉnh hơn một chút so với dân số của Alberta ở Canada hay Nord-Pas-de-Calais ở Pháp. Quả thật, khoảng 30 bang ở nước Mỹ có dân số gần bằng hoặc nhỏ hơn dân số Phần Lan, trong đó bao gồm bang Maryland, Colorado, Oregon và Connecticut. Dân số các bang Washington, Indiana và Massachusetts cũng tương đối nhỏ và gần bằng dân số Phần Lan. Ở Úc, chỉ có bang New South Wales có dân số nhỉnh hơn một chút so với dân số Phần Lan; và tất cả các bang còn lại của Úc đều nhỏ hơn. Ở Pháp, Île-de-France là vùng duy nhất vượt qua Phần Lan về quy mô dân số. Ở Canada, chỉ Ontario là lớn hơn đáng kể về dân số (và diện tích) so với Phần Lan; tất cả các tỉnh còn lại có quy mô tương đương. Nếu những chính quyền này được tự do xây dựng chính sách giáo dục của riêng mình và tiến hành những cải cách mà họ cho là tốt nhất thì những kinh nghiệm của một hệ thống giáo dục có quy mô tương tự hệ thống giáo dục của Phần Lan sẽ đặc biệt lý thú và phù hợp với họ. Pháp là nước duy nhất trong số các nước nói trên áp dụng phương pháp quản lý giáo dục tập trung, và do đó các nhà hoạch định chính sách giáo dục Pháp có thể cãi rằng những hệ thống giáo dục nhỏ hơn không phải là mô hình phù hợp cho những cải cách của họ.
Cuối cùng, có một số người nghi ngại những so sánh quốc tế không phù hợp hoặc không đáng tin cậy như những gì chúng được mặc nhận. Một quan điểm cho rằng các bài kiểm tra thành tích học tập như PISA của OECD, Nghiên cứu Xu hướng trong Toán học và Khoa học Quốc tế (TIMSS - Trends in International Mathematics and Science Study) và Nghiên cứu Tiến bộ trong Năng lực Đọc Quốc tế (PIRLS - Progress in International Reading Literacy Study) tập trung vào những lĩnh vực quá hẹp để phản ánh được cả một bức tranh tổng thể của giáo dục nhà trường, và do đó bỏ lơ đi các kỹ năng xã hội, việc trau dồi đạo đức, tính sáng tạo, hiểu biết về máy tính và không xem chúng là những kết quả quan trọng của giáo dục công cho mọi người (về lập luận này, xem Chương 2). Người ta cũng càng ngày càng quan ngại về việc những so sánh quốc tế này đang chi phối chính sách giáo dục và cổ súy cho nền văn hóa “quản trị bằng con số” (Grek, 2009; Meyer & Benavor, 2013l; Zhao, 2014). Một nhóm hoài nghi khác (nhóm này bao gồm các nhà khoa học và chuyên gia Phần Lan và nước ngoài thuần túy lập luận rằng các phương pháp đánh giá được chọn áp dụng trong các bài kiểm tra quốc tế hiện tại đang thiên vị Phần Lan vì chúng trùng khớp với văn hóa giảng dạy ở Phần Lan hơn.
Gần đây, Howard Gardner của Trường Harvard cảnh báo các khán thính giả của ông ở Phần Lan nên thận trọng với những nghiên cứu đánh giá học sinh hiện tại kiểu này , bởi ông cam đoan rằng kết quả trong những nghiên cứu này luôn phụ thuộc vào lĩnh vực kiến thức được kiểm tra và phương pháp nghiên cứu được sử dụng. Thêm vào đó, những nghiên cứu này không đo lường kỹ năng giao tiếp, kỹ năng không gian hay kỹ năng sáng tạo, trong khi những bộ kỹ năng này đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới đương đại của chúng ta. Dường như có một lực lượng ngày càng đông đảo những người hoài nghi về độ tin cậy của PISA và những người thách thức trật tự thế giới giáo dục mới vốn được thiết lập trên một phạm vi rộng lớn nhờ vào duy nhất phương pháp đánh giá này.
Dù liên tục đạt thành tích cao hơn các quốc gia khác song những thành tựu của Phần Lan bị coi nhẹ trong rất nhiều các báo cáo của chính sách được đề xuất. Ví dụ, trong một báo cáo có uy tín lớn do McKinsey and Company thực hiện (Mourshed, Chijioke & Barber, 2010), Phần Lan thậm chí còn không được coi là “quốc gia mức cải thiện bền vững” trong danh sách các nước hình mẫu tiềm năng trong cải cách giáo dục. Kết quả là các nhà hoạch định chính sách trong nhiều bối cảnh sẽ không xem xét chiến lược của Phần Lan khi họ xây dựng “vốn tiết mục” các tập quán cải thiện trường học. Các chiến lược giáo dục quốc gia và hướng dẫn chính sách gần đây, chẳng hạn như Sách trắng trường học (Schools White Paper) 2010 ở Anh (Bộ Giáo dục, 2010), Bài học từ PISA đối với nước Mỹ (Lessons from PISA for the United States) (OECD, 2013f) và Chiến lược Giáo dục Ngân hàng Thế giới 2020 (Ngân hàng Thế giới, 2011) thường viện dẫn những đặc điểm chung của các hệ thống giáo dục đạt kết quả cao như những tiêu chí đáng mơ ước cho việc cải thiện giáo dục.
Mọi sự tập trung vào hiệu quả giáo viên, tự chủ trường học, trách nhiệm giải trình và dữ liệu đều là những yếu tố trọng tâm của hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc, Singapore, Alberta và Phần Lan, nhưng theo những cách rất khác nhau. Như cuốn sách này sẽ còn nhắc đi nhắc lại, nét độc đáo nằm ở chỗ Phần Lan sử dụng chính những khía cạnh này của chính sách giáo dục như thế nào. Kinh nghiệm Phần Lan cho thấy, nếu có sự tập trung nhất quán vào yếu tố công bằng và hợp tác trong giáo dục, chứ không phải chọn lọc và ganh đua, có thể dẫn tới một hệ thống giáo dục trong đó mọi học sinh đều được học hành đâu vào đấy. Trả lương giáo viên dựa trên điểm thi của học sinh hay biến trường công thành trường tư thông qua quyết định nhượng đặc quyền của chính phủ hay các hình thức khác là những ý tưởng không có chỗ đứng trong “vốn tiết mục” cải thiện giáo dục của Phần Lan.
Quy mô dân số Phần Lan và tính đồng chủng tương đối của xã hội Phần Lan rõ ràng biến nhiều khía cạnh của việc xây dựng chính sách giáo dục và tiến hành cải cách trở nên dễ dàng hơn so với ở những nước lớn hơn, đa dạng hơn.
Nhưng chỉ những yếu tố này không thôi không giải thích được tất cả sự tiến bộ và thành tựu của giáo dục Phần Lan như được mô tả trong cuốn sách này, và chúng ta không nên để những yếu tố này cản trở chúng ta học hỏi lẫn nhau trong nỗ lực cải thiện một nền giáo dục chung cho mọi học sinh. Tuy nhiên, Phần Lan độc đáo so với các quốc gia khác xét về các giá trị, các yếu tố quyết định văn hóa và sự gắn kết xã hội, như Andre Noel Chaker mô tả đầy thuyết phục trong cuốn sách của ông, Phép màu Phần Lan (The Finnish Miracle ) (2011/2014). Công bằng, trung thực, bình đẳng xã hội đã ăn sâu vào cách sống của người Phần Lan. Người dân có ý thức chia sẻ trách nhiệm cao, không chỉ với cuộc sống của riêng họ mà còn với cuộc sống của người khác. Việc chăm lo cho đời sống an sinh của trẻ em bắt đầu từ trước khi chúng ra đời và tiếp tục cho đến khi chúng trưởng thành. Mọi trẻ em trước khi cắp sách đến trường vào năm bảy tuổi đều được hưởng quyền được chăm nom, và suốt thời thơ ấu của mình tất cả mọi người Phần Lan đều được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ y tế công. Giáo dục ở Phần Lan được nhìn nhận rộng rãi là công ích của nhà nước và do đó được hiến pháp bảo vệ như một quyền con người cơ bản cho tất cả mọi người. “Bé nhưng bé hạt tiêu” và “Chất hơn là lượng” là những ngạn ngữ điển hình về văn hóa thường nhật ở Phần Lan.
Trong cuốn sách này, tôi mô tả cách người Phần Lan xây dựng một đất nước vận hành tốt, bền vững, công bằng nơi có một hệ thống giáo dục công lập bình đẳng thông qua những cách của riêng họ. Phái đoàn Thương hiệu Quốc gia của chính phủ Phần Lan do cựu CEO của Nokia là Jorma Ollila làm chủ tịch viết năm 2010 rằng “ở Phần Lan, mọi người không thích làm mọi thứ theo cách người khác hay làm, từ cách ăn mặc cho đến lối sống. Người Phần Lan làm những gì họ cho là điều hợp lý để làm, chứ không phải ‘điều người ta đã làm’” (Bộ Ngoại giao, 2010, trang 59). Cá tính mạnh mẽ của người Phần Lan, cùng với sự phân tầng xã hội rất nhỏ, cộng với truyền thống sẵn sàng cộng tác với người khác đã mở đường cho vô số tiềm năng sáng tạo. Cảm hứng và tầm nhìn để xây dựng một xã hội với một hệ thống giáo dục tốt và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người được rút ra từ kho tiềm năng sáng tạo này.
Dữ liệu cho cuốn sách này không đến từ một nguồn duy nhất, và cuốn sách này cũng không tuyên bố rằng sự xuất sắc trong giáo dục có thể được chứng minh bằng bất cứ một nghiên cứu quốc tế nào. Bằng cứ cho cuốn sách được lấy từ những cơ sở dữ liệu quốc tế có sẵn như PISA và TIMSS, từ các chỉ số giáo dục toàn cầu và từ các số liệu thống kê chính thức đa tác dụng ở Phần Lan.
CƠ CẤU CUỐN SÁCH
Ấn bản đầu tiên của Bài học Phần Lan cho tôi cơ hội tiếp cận những cuộc đàm luận rất hay, rất chi tiết về thay đổi giáo dục nói chung và mô hình giáo dục Phần Lan nói riêng. Ấn bản thứ hai này bao gồm dữ liệu được cập nhật về các thành quả quốc tế, những mô tả chi tiết hơn về bình đẳng trong giáo dục Phần Lan, sơ đồ được chỉnh sửa của cấu trúc hệ thống giáo dục Phần Lan sau những cải cách thực hiện năm 2013. Tôi cũng sẽ trả lời câu hỏi mà nhiều người đã hỏi tôi từ khi kết quả của PISA 2012 được công bố: Điều gì giải thích cho sự sa sút của Phần Lan trong bảng xếp hạng PISA toàn cầu?
Cuốn sách này được đúc rút từ 10 ý tưởng dưới đây, được giải thích chi tiết trong cuốn sách:
Sau phần Giới thiệu này, cuốn sách được chia làm năm chương. Chương 1 giải thích thực trạng chính trị và lịch sử của Phần Lan sau Thế chiến Hai và thực tế này đã định hình cho bước chuyển dịch tiến tới một nhà trường cơ bản chung cho mọi người như thế nào vào cuối những năm 1960. Khi kể câu chuyện về sự thay đổi giáo dục ở Phần Lan cho vài chục vị khách nước ngoài, tôi đã nhận ra rằng điều quan trọng là phải lội ngược dòng thời gian, về trước cả thời điểm ra đời của peruskoulu (tôi sử dụng từ Phần Lan này vì không có từ tiếng Anh tương đương) năm 1970. Chương 1 minh họa quá trình cải cách hệ thống nhà trường cũ, vốn chia học sinh theo hai hướng và dựa rất nhiều vào các trường chuyên tư nhân điều hành và nhà nước-tư nhân đồng tài trợ thành các trường hỗn hợp nhà nước quản lý và chi trả toàn bộ. Chương 1 cũng phác thảo những đặc điểm chính của hệ thống giáo dục hậu giáo dục bắt buộc (ra đời không lâu sau khi cải cách peruskoulu được tiến hành cuối những năm 1970). Những đặc điểm chính của Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Phần Lan quan trọng, kỳ thi kết thúc cấp trung học phổ thông ở Phần Lan, cũng được mô tả trong chương này.
Chương 2 giải quyết một câu hỏi căn bản: Có phải trong quá khứ Phần Lan cũng từng có kết quả cao trong giáo dục? Câu trả lời trong chương này giống như dự đoán: không. Câu trả lời này lập tức nảy sinh một câu hỏi hệ luận: Điều gì làm nên một hệ thống giáo dục tốt và những cải cách giáo dục nào đã mang lại tiến bộ ấn tượng như vậy ở Phần Lan? Nội dung cốt lõi của chương này là sự thấu triệt rằng thành công của giáo dục Phần Lan trong những so sánh quốc tế, ít nhất ở mức độ nào đó, có thể được hiểu thông qua các nghịch lý. Chúng ta có thể đúc rút ý tưởng này bằng một nguyên tắc đơn giản trong cải cách giáo dục: “Chất lượng hơn số lượng”. Chương 2 cung cấp các ví dụ có xác cứ về việc ý tưởng nghịch lý này xuất hiện như thế nào trong hệ thống giáo dục Phần Lan ngày nay.
Chương 3 nói về giáo viên và nghề giáo viên ở Phần Lan. Chương này phân tích vai trò rất quan trọng của giáo viên ở Phần Lan và mô tả những đặc điểm chính của nghề sư phạm, công tác đào tạo giáo viên và trách nhiệm của giáo viên ở Phần Lan. Chương này gợi ý rằng tuy công tác đào tạo sư phạm chất lượng cao ở bậc đại học và bổ túc nghề nghiệp liên tục là những điều kiện cần để thu hút những người trẻ tài năng nhất và tận tâm nhất vào nghề dạy học, song chưa phải là điều kiện đủ. Giáo viên phải có môi trường làm việc chuyên nghiệp để họ cảm thấy được trọng vọng và có thể thực hiện được các mục đích đạo đức trong nhà trường. Chương này cũng thảo luận vấn đề giáo viên với tư cách lãnh đạo và những biểu hiện của điều đó trong các giáo viên Phần Lan, bao gồm cả những phát hiện của Cuộc Điều tra Quốc tế về Dạy và Học của OECD (TALIS) 2013 về nghề sư phạm ở Phần Lan.
Kể từ sự phục hồi kinh ngạc của Phần Lan sau cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng đầu những năm 1990, và gần đây hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều người đã nói về mô hình Phần Lan trong việc xây dựng một xã hội thông tin toàn diện và một nền kinh tế tri thức cạnh tranh (Castells & Himanen, 2002; Dahlman, Routti, & Ylä-Anttila, 2006; Halme và cộng sự, 2014). Điều có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của Phần Lan là, khi nền kinh tế Phần Lan và nhất là khu vực công đang điều chỉnh để thích ứng với cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn và để đạt năng suất cao hơn, thì cùng lúc đó hệ thống giáo dục cũng có những cải thiện vững chắc. Chương 4 minh họa một số mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chính sách giáo dục Phần Lan và các chính sách khu vực công khác cùng đang là trọng tâm của sự phục hồi kinh tế. Hơn nữa, chương này gợi ý rằng, tiến bộ trong ngành giáo dục diễn ra đồng thời với những thay đổi trong hoạt động điều hành của chính phủ, những thay đổi đã làm cải thiện năng lực cạnh tranh kinh tế, tính minh bạch và chính sách phúc lợi.
Cuối cùng, Chương 5 nêu lên câu hỏi mà, thật đáng ngạc nhiên, hiếm khi các vị khách đặt ra đối với người Phần Lan: Tương lai của giáo dục nhà trường ở Phần Lan là gì? Nằm ở tâm điểm chú ý toàn cầu cũng có cái giá của nó. Tuy người Phần Lan đã tổ chức hàng nghìn chuyến tham quan giáo dục cho các đoàn giáo dục nước ngoài từ cuối năm 2001 song lại chỉ có rất ít thời gian và năng lượng để định hình về hệ thống giáo dục tương lai của chính họ. Những dấu hiệu đầu tiên của tác động này được nhắc tới trong nghiên cứu PISA 2009 và được tái khẳng định trong phân tích PISA 2012. Chương 5 kết thúc bằng việc khẳng định rằng bài học quan trọng rút ra cho Phần Lan từ chính quá khứ của nó là Phần Lan cần phải biết rõ tiếp theo đây cần phải làm gì. Tôi kết luận rằng chính vai trò trung tâm trong cuộc tranh luận về cải cách giáo dục đã ngăn cản người Phần Lan tư duy về một mô hình giáo dục cần thiết trong tương lai. Chương này khép lại bằng việc thảo luận sự cần thiết phải cải cách, bất chấp thực tế là hệ thống hiện tại đang được ca tụng vì sự ưu việt và dường như nó vẫn đang vận hành tốt.
Có một điểm lưu ý quan trọng mà người đọc cuốn sách này cần ghi nhớ. Trong nghiên cứu của tôi, tôi lấy dữ liệu chủ yếu từ các cơ sở dữ liệu của OECD và Thống kê Phần Lan vẫn được phổ biến công khai cho những độc giả quan tâm. Tôi đã lập các biểu đồ chỉ ra mối tương quan hay không tương quan giữa hai biến số, ví dụ, mối quan hệ giữa chi phí giáo dục và thành quả giáo dục ở các nước khác nhau. Theo đạo lý ngàn đời trong thống kê và khoa học, tương quan không nhất thiết hàm ý quan hệ nhân quả; điểm này cũng phải được lưu ý khi đọc cuốn sách này. Điều đó có nghĩa là, kể cả nếu có một mối tương quan giữa hai biến số, điều ấy cũng không mặc nhiên được hiểu là biến số này gây ra biến số kia. Quan hệ tương quan là cần thiết cho quan hệ nhân quả tuyến tính, và tương quan thường gợi ý rằng quả thực biến số này gây ra biến số kia. Hình 2.8, 2.10, 4.1 và 5.1 minh họa những mối tương quan tuyến tính như vậy.
Trạm Đọc (Read Station)