Cái nhìn của thế hệ cha ông về tục đồng cốt từ trăm năm trước!
Cái nhìn của thế hệ cha ông về tục đồng cốt từ trăm năm trước!
Từ đầu thế kỷ 20, tác giả Phan Kế Bính đã mổ xẻ, nhận xét, bình luận, đánh giá từng phong tục tập quán của nước ta một cách hệ thống. Không chỉ vậy, ông còn dự đoán được đâu là phong tục nên duy trì và phát huy hơn nữa. Chính bởi vậy, cuốn sách “Việt Nam phong tục” của ông, tuy đã tồn tại qua hàng thế kỷ nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị văn hóa, đôi khi còn có tính thời sự. Dưới đây là lược trích đoạn phân tích của ông về tục “Đồng cốt” trong dân gian.
Tác giả Phan Kế Bính
Đồng cốt là những người thờ về chư vị, như thờ bà Liễu Hạnh công chúa, Thượng Ngàn công chúa, Cửu Thiên huyền nữ, v.v. thì gọi là đồng Đức Mẹ; thờ về các vị hoàng tử thì gọi là đồng Đức Ông; thờ về các cậu thì gọi là đồng Cậu Quận; thờ về các cô thì gọi là đồng Cô.

Đàn bà hay đau yếu, hoặc đôi khi mặt đỏ rần rần, hoặc hay nằm mơ thấy bay và thấy lội dưới nước thì cho là có số phải thờ. Người có số phải thờ, phải đem vàng hương đến kêu tại cửa tĩnh nào, đội bát phù hương, xin làm con công đệ tử. Đã thờ rồi, thì cứ mồng năm, ngày Tết phải đến lễ. Người nào chư vị bắt đồng thì phải ngồi đồng hầu bóng thánh; ai còn trẻ tuổi thì xin khất lại mấy năm cũng được.

Thánh đã bắt đồng thì phải lập cửa tĩnh riêng tại gia mà thờ, hoặc phải đến chầu chực tại nơi đền miếu nào.

Bàn thờ bài trí tượng chư vị, ngựa võng, hài hộp, vàng xanh vàng đỏ, nón dứa nón nghệ bằng giấy treo lủng lẳng cả trước cửa bàn. Người đồng cốt lại may sắm khăn áo các màu, cái xanh, cái đỏ, cái vàng, cái trắng gọi là khăn áo ngự, để khi ngồi hầu bóng thì mặc.

Nhà đồng bóng mua những thứ hoa quả, bỏng kẹo, thường ngày đêm hương khói phụng thờ.

Đôi khi rằm, mồng một, ngày tuần ngày tiết, hoặc khi có người đau yếu kêu cầu thì bọn cung văn đến đàn trống hầu văn để đồng vào hầu bóng. Đồng mặc áo xanh áo đỏ, đội khăn các màu, múa mênh nhảy nhót ở trước cửa tĩnh, lượn ra lượn vào, ưỡn à ưỡn ẹo. Bọn cung văn đàn ngọt hát hay thì đồng ban thưởng cho tiền cho lộc. Nịnh hót khéo nữa thì có khi đồng cởi cả ruột ban cho. Đồng phán ra những tiếng ỏn a ỏn ẻn mà truyền bảo người có bệnh, có khi đồng làm ra mặt hờn giận nhà chủ không thành thì các người hầu bóng bên cạnh lại kêu kêu khấn khấn, van van lạy lạy, tâu đối cho được lòng đồng thì đồng lại hả hê truyền phán. Nhất là những khi bóng cậu bóng cô lên thì khó chiều nữa. Cậu cô phán ra những tiếng bập bẹ ngọng nghịu, như tiếng dị mũi, mà hay hờn giận lắm.

Có khi đồng phán cho lấy rượu hỏa thang để đồng rửa mặt rửa tay. Đồng phán cho nhà chủ thế nào thì phải thuận lời ấy, hoặc ban cho tàn nhang nước lã để về mà uống, hoặc ban cho một chén nước quết trầu để về mà xoa chỗ đau. Nhà chủ kiều cúng một hôm rồi thì mỗi tối phải trầu rượu hương hoa đến lễ, xin dấu uống hoặc xin bùa đeo. Khi nào bệnh đã bớt thì phải lễ tạ, tùy đồng phán cho biện đồ lễ gì thì phải tuân lời mà làm, hoặc làm lễ bằng gà xôi oản quả, hoặc bằng tiền bạc, có đám cúng bài tốn đến trăm bạc.

Cuốn sách "Việt Nam phong tục" của tác giả Phan Kế Bính

Cứ mỗi năm ngày mồng sáu, bảy tháng Hai là ngày hội đền Lộ (đền thờ bà Thiên Hậu), ngày mồng tám tháng Ba là ngày hội Phủ Dầy (đền thờ bà chúa Liễu), đều gọi là ngày hội Bà cốt thì các đồng cốt trẩy về đền lễ bái đông lắm. Các đồng đến đó tranh nhau múa mênh coi cũng vui mắt. Đồng bóng thi đồng quan với nhau, hễ xin âm dương mà thánh cho ai đỗ thì người ấy được gọi là đồng quan, có danh giá hơn các đồng khác.

*

Tục đồng cốt mới lại nhảm nữa. Có người nói đồng cốt có cách múa mênh õng ẹo cũng như một cách nhảy đầm của đàn bà bên Âu châu. Cách nhảy đầm thì là một dịp cho đàn bà được phô phang cái dáng yêu kiều, cái điệu ẻo ớt. Tục ta không có cách ấy, cho nên phải mượn đến cách đồng bóng múa mênh, ấy là cái tính riêng của đàn bà, muốn phô trương cái đẹp ở trước mắt thiên hạ. Còn sự quỷ thần thì do ở lòng mê tín mà ra, không lạ gì cả.

Lời ấy có lẽ phải. Chớ nếu bảo thánh bắt đồng thì rất vô lý. Vì các bà ấy cũng là người danh tiếng lúc sinh tiền, có lẽ nào phải nương bóng vào xác tanh hôi phàm trần, để làm bộ ở trước mặt đám trai trẻ?

Còn như cái lòng mê tín của người có tật bệnh thì lại là quá. Họ thật là thành tâm, không có chút nào dám ngờ vực phép thánh. Truyền cho uống tàn hương nước lã thì  uống tàn hương nước lã, truyền cho xoa quết trầu thì xoa quết trầu. Dẫu bẩn thỉu ghê gớm thế nào cũng nhắm mắt mà theo. Mà động chồng con nói ra nói vào câu gì thì họ làm cho phải tịt. Tội quá! Cúng mãi không khỏi thì họ cho là người nhà không thành, chớ không khi nào chịu là phép thánh không thiêng; mà có lỡ chết đi thì các mụ đồng lại được điều: Thánh chữa được bệnh chớ không chữa được mệnh. Vậy thế ra khỏi bệnh thì là thánh thiêng, không khỏi thì là tại người nhà không thành, mà chết thì là tại mệnh. Đằng nào thánh cũng hay, đồng cũng phải, thế thì còn ai nói cho được. Lại còn nhiều bệnh nữa, thánh nghe chừng không chữa nổi, phán về cho phục dược, uống thuốc mà khỏi ra thì nhờ ơn thánh chỉ bảo, không khỏi ra thì tại thầy thuốc vụng, thế có phải điều gì cũng vơ lấy phần phải cả không?

Khốn nạn thay cho các kẻ ngu xuẩn, chỉ tin những sự huyền hoặc, mà không biết trọng cái sự hiển nhiên. Những chốn quê thôn, đàn ông phần nhiều cũng như đàn bà. Đôi khi có người kiến thức, lấy điều khôn lẽ phải mà bảo thì lại cho là báng bổ chớ biết đâu rằng người báng bổ ấy mới thực là người biết trọng quỷ thần.

Than ôi, đạo phù thủy cùng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy. Bao giờ trong nước tuyệt hẳn được cái mối ấy thì mới có cơ khôn ngoan ra được.

—--------

Tuyển tập sách thu hút thế hệ trẻ Việt tìm hiểu về cội nguồn dân tộc 

Mới đây, “Tủ sách Đời người” đã cho ra mắt 2 cuốn sách về đề tài văn hóa, lịch sử dân tộc Việt là: “Cổ học tinh hoa” và “Việt Nam phong tục” với những nét đặc biệt riêng.

 

Cuốn sách “Cổ học tinh hoa” 250 điển tích điển cố do nhóm hai vị học giả Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân thu thập, chọn lọc và soạn lại thành từ các tài liệu cổ, các tích xưa và sách kinh điển của Trung Quốc như Khổng Từ tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Han Thi ngoại truyện, v.v., trong đó chứa đựng những triết lý sống giản đơn, dung dị, xoay quanh sự hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ, v.v. Những hàm ý trong mỗi câu chuyện tưởng như vô nghĩa vì ai cũng biết nhưng lại có giá trị sâu sắc, làm toát lên cốt cách đẹp đẽ của người phương Đông. Đây là tâm huyết của hai tác giả trong việc giữ gìn hồn cốt dân tộc để nhắc nhở thế hệ sau dù tiếp cận kiến thức mới mẻ từ các nền văn minh tân tiến vẫn không quên cái gốc rễ, đánh mất những giá trị trân quý.

Trong khi đó, cuốn sách “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính có thể gọi là một công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ về văn hoá, lối sống đã tồn tại hàng nghìn năm của người Việt, trong mối quan hệ với gia đình, xã hội. Và trên thực tế, cuốn sách gần một trăm năm tuổi này hiện vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về phong tục tập quán của người Việt Nam. 




Tags: