Cái ác, Vườn địa đàng và Hành trình anh hùng: Tại sao Wonder Woman không chỉ là một 'Hot-Girl' biết cầm gươm
Cái ác, Vườn địa đàng và Hành trình anh hùng: Tại sao Wonder Woman không chỉ là một 'Hot-Girl' biết cầm gươm
Bạn nghĩ mình đã *xem* Wonder Woman? Think Again! (Spoiler)

Câu đầu tiên người ta nói về phim Wonder Woman là công chúa Diana xinh như mộng. Câu số 2: Đây là bộ phim nữ siêu anh hùng "tử tế" đầu tiên được làm (và các nhà nữ quyền có nhiều chuyện để nói về điều này). Câu số 3: Cảnh quay lẫn kĩ xảo rất mãn nhãn. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó, thì Nữ thần chiến binh chỉ là một bộ phim của 'Hot-girl' siêu anh hùng hoành tráng, trôi tuột khỏi tâm trí khán giả sau khi rời rạp như nhiều bom tấn hành động khác.

Nhưng nếu bạn gỡ bỏ lớp áo giáp cực kì "sexy" của Diana, lướt qua "body" mê hồn của nàng và đi sâu vào trong tâm trí của nữ anh hùng này, bạn sẽ bắt gặp được nhiều ý tưởng cực kì phức tạp có có độ tuổi đã vài nghìn năm trong bộ phim nhìn-đơn-giản-mà-không-hề-đơn-giản-này.

Trong cuốn sách The Hero with a Thousand Faces (Anh hùng có hàng nghìn khuôn mặt), nhà thần thoại học Joseph Campbell, sau khi đã nghiên cứu hàng nghìn các câu chuyện anh hùng khác nhau từ khắp các nền văn hóa trên thế giới, đã xác định được một cấu trúc căn bản mà ông gọi là Monomyth. Và trong Wonder Woman, nhân vật Diana cũng đi theo sát sao mẫu hình này.

Đầu tiên, giống như bao vị anh hùng khác như Hercules, Jesus, Đức Phật...Diana cũng là sự kết giao giữa 2 yếu tố: thần linh và người phàm. Ban đầu, nàng nghĩ mình cũng chỉ được nặn từ đất sét và được thổi linh khí để sống dậy giống như các chiến binh Amazons khác. Mãi về sau, nàng mới phát hiện được sự thật mà mẹ nàng, Hoàng hậu Hippolyta, đã che giấu rằng cha của nàng chính là vị thần Zeus tối cao (do đó ở đoạn cuối phim, nàng mới có khả năng điều khiển được sét để đánh bại thần chiến tranh Ares).

Quá trình trưởng thành của nàng có những điểm tương đồng khá giống với huyền thoại về các anh hùng, đặc biệt là Đức Phật. Khi nhờ các đạo sĩ xem tướng cho con mình, họ phán rằng cuộc đời của Đức Phật sẽ có 2 nhánh: một là chàng sẽ trở nên vị Hoàng đế vĩ đại nhất thế giới, hai là chàng sẽ đi tu, đắc quả Phật, cứu khổ chúng sinh. Là một người cha tốt, đức vua nào muốn con phải chịu những đau đớn của cuộc sống thế gian, chỉ muốn chàng trở thành người nối ngôi tài giỏi, trị vì trăm họ.

Vậy nên ông đã làm kế hoạch bưng bít, bao bọc con mình suốt 29 năm trong cung điện, chiều chuộng chàng với vinh hoa phú quý khiến chàng lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Cùng một khuôn mẫu như vậy, Diana được Hoàng hậu Hippolyta, mẹ nàng chăm chút hết mức, luôn muốn giữ nàng ở trong xứ Themyscira, một hòn đảo vô hình tách biệt với thế giới đau khổ và gian ác ngoài kia. Nàng còn thậm chí bị cấm học võ, bởi theo ý mẹ nàng, thần chiến tranh Ares sẽ không bao giờ trở lại, vậy thì lý do gì để học cách chiến đấu trong thời đại hòa bình trị vì như vậy.

Diana và bộ tộc của mình ở xứ đảo quốc Themyscira

Nhưng giống người anh hùng Harry Potter luôn bất tuân các quy tắc mà trường Hogwarts đặt ra, Diana đã không vâng lời mẹ mà nhờ dì của mình là chiến binh Antiope huấn luyện trong bí mật. Đây cũng là một đặc điểm phổ biến của các vị anh hùng. Bởi nếu họ chỉ sống theo những luật lệ, an vị trong cái vòng an toàn mà gia đình, bộ tộc, xã hội vẽ ra và bảo họ ngồi yên trong đấy, họ sẽ mãi chỉ là một thường dân, một con thỏ ngoan hiền và vô hại. Họ không bao giờ có thể là người cứu thế giới, nếu họ chỉ là con cừu đi theo số đông. Các nguyên tắc sinh ra để bảo vệ bạn, nhưng đến một lúc nào đấy, nếu muốn trưởng thành, bạn phải biết phá những luật lệ cần phá. Hơn nữa, cái tổ ấm đó sẽ không bao giờ bảo vệ các anh hùng được mãi.

Trong mọi câu chuyện anh hùng, những dị thường đột nhiên một ngày sẽ xuất hiện làm chao đảo thế giới quen thuộc, xô đổ niềm tin của người anh hùng về một thế giới an lành, và kêu gọi họ tham gia vào cuộc phiêu lưu bước ra ngoài vùng an toàn của mình, đối đầu với hỗn mang để mang lại bình yên cho thế giới. Với loạt truyện Chúa Nhẫn, đó chính là khi pháp sư Gandalf gõ cửa nhà Bilbo Baggins tại ngôi làng Shire yên bình khi Chúa tể bóng tối Sauron và thuộc hạ của hắn đang bắt đầu ủ mưu để chiếm lại Trung Địa. Với loạt truyện Harry Potter, đó là khi cậu bé có tia chớp trên trán nhận được thư nhập học từ Trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts, cũng chính là lúc thế lực của Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy bắt đầu trỗi dậy.

Với Đức Phật, tiếng gọi phiêu lưu bắt đầu khi Thái tử xin được đi du ngoạn để hiểu hơn cuộc sống của dân chúng. Điều này khiến cha chàng vô cùng lo lắng, tức tốc ra lệnh cho mọi người phải giăng đèn kết hoa, lộ vẻ hạnh phúc trên mỗi con đường mà Thái tử sẽ đi qua. Nhưng dù có bưng bít giỏi đến đâu, cha chàng cũng không biến đổi thực tế rằng cái mặt đau khổ, ác độc của cuộc sống luôn luôn tồn tại với mặt tốt lành mà trước giờ ông vẫn nhốt đứa con của mình trong đó. Khi đi du ngoạn, Thái tử đã sốc khi không thấy mọi thứ không đẹp đẽ như trong cung vàng điện ngọc. Chàng gặp "một cụ già yếu ớt, mắt mờ, lưng còng, tóc bạc, da nhăn, bước đi rung rẩy phải nhờ một cây gậy chống đỡ. Một người bệnh hoạn đau đớn rên la ngoài đường trông thật thảm thương. Một thây người chết sình thúi đưa lên giàn hoả thiêu đốt trước sự khóc lóc sầu não của người thân còn sống."

Đức Phật gặp Người Già, Người Bệnh, Người Chết và một Tu Sĩ

Chính điều này đã khiến chàng từ vua cha, từ bỏ vinh hoa phú quý, trở thành một đạo sĩ để đi tìm pháp tu nhằm cứu lớp lớp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Sự thức tỉnh này muốn nói rằng: cho dù bạn có bao bọc vòng an toàn của mình kĩ tới mức nào, những thế lực đen tối bên ngoài vẫn luôn chờ chực vực dậy, giống như lũ tử thần thực tử hay thuộc hạ của Sauron luôn chờ đợi cơ hội để chiếm lại thế giới. Hay nói theo Đạo Giáo, thế giới là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa hai thế lực thiện và ác, âm và dương, trật tự và hỗn mang. Bạn không nhìn thấy cái ác, không có nghĩa là nó không tồn tại. Và khi những dấu hiệu của các ác đang đến gần, người anh hùng không bịp tai, chui đầu vào cát để phủ nhận, mà sẵn sàng dứt áo ra đi, bỏ lại thế giới an toàn của mình để xông ra ngoài hỗn mang, thiết lập lại trật tự cho thế giới.

Trong Wonder Woman, tiếng gọi phiêu lưu đầu tiên thức tỉnh công chúa Diana xảy đến khi nàng giải cứu Steve Trevor, một điệp viên của phe đồng minh đang bị quân Đức truy đuổi vì ăn cắp bí mật quân sự của chúng. Nhờ chàng mà nàng biết được rằng thế giới ngoài kia đang trải qua một cuộc thế chiến thảm khốc, cướp đi sinh mạng vô tội của hàng triệu thường dân. Thức tỉnh, nàng quyết tâm rời hòn đảo thiên đường của mình, giống như Đức Phật từ bỏ cung điện, để lên đường tiêu diệt thần chiến tranh Ares. Mẹ nàng, hoàng hậu Hippolyta có nói: "Nếu con chọn rời đi, con có thể sẽ không bao giờ trở lại?" và công chúa Diana đáp rằng: "Con sẽ là ai nếu con ở lại?" Bởi đó là số phận của những anh hùng, nghĩa vụ của họ là lao ra-ngoài-kia, chiến đấu với hỗn mang, chứ không phải chọn cuộc sống yên ấm ở-trong-này.

Có 2 chi tiết trong phim chứng tỏ trạng thái thơ ngây của nàng Diana giống như 29 năm đầu đời sống hưởng lạc của Đức Phật. Đầu tiên là chiếc đồng hồ. Khi Steve Trevor cố giải thích cho nàng mục đích của nó là gì, nàng cảm thấy thật khó hiểu vì dường như ở xứ Themyscira, nàng không có khái niệm về thời gian. Khác với các loài vật, con người là sinh vật có ý thức về tương lai, rằng một ngày họ sẽ phải chết. Và tin tức này đem lại rất nhiều lo âu, đau khổ cho họ. Chính vì thế mà ở đoạn cuối phim, trước khi hi sinh, Steve Trevor đã trao lại cho nàng một chiếc đồng hồ, một biểu tượng đặc trưng của loài người, khác với những vị thần bất tử. Thứ hai là cảnh Diana đi ra mặt trận, chứng kiến những binh lính bị thương, thị trấn bị tàn phá, dân làng đi tản cư, giống như Đức Phật gặp Lão, Bệnh, Tử khi đi du ngoạn. Lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy đau khổ trong đời, Diana cảm thấy sốc bởi chính sự ngây thơ của mình trước cái ác. 

Sau khi rời xứ Themyscira, Diana đi theo một cuộc hành trình anh hùng tương đối chuẩn mực như rất nhiều bộ phim khác. Nàng nghe theo tiếng gọi phiêu lưu (do điệp viên Steve Trevor thông báo), rời bỏ thế giới bình thường (hòn đảo Themyscira), lập biệt đội giải cứu thế giới (bao gồm do thám Sammer, thiện xạ Charlie, và người Anh-điêng Chief), vượt qua thử thách (trận chiến ở No Man's Land), chết (cái chết của nhận thức khi nàng giết tên tướng Ludendorff, nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn), tái sinh (nhận ra rằng cái ác không chỉ hiện hữu ở trong mỗi Ludendorff), chiến đấu với trùm cuối (thần chiến tranh Ares), đạt được kho báu (hòa bình cho thế giới).

Biệt đội anh hùng 

Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong Wonder Woman là thông điệp phức tạp hơn nhiều của Diana về cái ác. Trong rất nhiều bộ phim, khi người anh hùng giết một tên trùm cuối, tất cả các thuộc hạ của hắn đột nhiên sẽ ngưng hoạt động và chết theo. Nàng Diana cũng có niềm tin như vậy khi dùng thanh gươm diệt thần để giết tên tướng Đức Ludendorff, người mà nàng tin rằng chính là thần Ares. Thế nhưng, kì lạ thay, những binh lính của hắn không dừng lại mà vẫn tiếp tục chuyển bom khí độc lên máy bay để tấn công Luân Đôn. Điều này đã khiến nàng sụp đổ.

Chính cuộc khủng hoảng niềm tin này đã khiến Diana dường như chết đi về mặt nhận thức – biểu tượng cho cái chết và cuộc tái sinh liền kề trong Monomyth. Từ trước đến giờ, cô vẫn khăng khăng tin rằng mình ra đi với một sứ mệnh duy nhất của dòng tộc chiến binh Amazons là tiêu diệt tên Ares, kẻ thù của loài người, cái ác của mọi cái ác, và chỉ cần giết hắn thì thế giới sẽ được yên bình. Mặc cho các khán giả xem phim cười cợt về sự ngu ngốc của mình, Diana vẫn tin rằng cô có thể khai tử cái ác bằng thanh gươm diệt thần. Cô đã lầm về cái ác. Đây là cũng điểm gây cười trong phim, bởi vì người hiện đại chúng ta nghĩ rằng cô ngốc quá, cô trẻ con quá, cô ngây thơ quá. Cái ác nằm trong mỗi con người, và bạn không thể giết nó chỉ bằng giết một kẻ xấu được! Tuy nhiên, để thể trừu tượng hóa cái ác như hiện nay, chúng ta cũng đã trải qua một cuộc chuyển biến nhận thức đáng kể, điển hình là sự thay đổi từ hình tượng con rắn trong Do Thái giáo chuyển thành Satan dưới Ki-tô giáo.

Nếu như trong Cựu Ước, cái ác chính là con rắn xảo quyệt, dụ dỗ Eve ăn trái cấm khiến chúa trời trục xuất Adam và Eve ra khỏi vườn địa đàng. Trong Sáng Thế 3:17- 3: 19, Ngài phán với A-đam: “Vì con đã nghe lời vợ, ăn trái cây Ta đã truyền lệnh đừng ăn nên đất đai bị rủa sả vì con; Cả đời con phải làm lụng khó nhọc mới có miếng ăn. Đất sẽ sinh các loài gai góc. Và con sẽ ăn cây cỏ ngoài đồng. Con phải đổ mồ hôi trán mới có thức ăn. Cho đến ngày con trở về đất, Vì con từ đất mà ra. Vì con là bụi đất, Con sẽ về với đất bụi!” Từ đây mà theo Ki-tô giáo, con người khi sinh ra đã mắc Tội tổ tông vì tổ tiên của họ đã dám bất tuân lời Chúa. Về sau ở Ki-tô giáo, con rắn đã được thay thế bằng linh hồn ác quỷ hay Satan để đại diện cho cái ác. Tại sao lại có sự biến đổi lạ lùng đó?

Trong Tân Ước thì Satan chính là con rắn

Nguyên do là người xưa, cũng giống như công chúa Diana, đang cố khái niệm hóa các ác hay tìm ra bản chất thực sự của cái ác của mọi cái ác. Ban đầu, họ nghĩ rằng cái ác là con rắn đến từ tự nhiên, một lẽ rất hợp lý về mặt sinh học, vì tổ tiên nhà khỉ của chúng ta là thường là con mồi của loài rắn. Nhưng khi đã tiêu diệt hết các loài rắn xung quanh, họ vẫn cảm thấy bị đe dọa bởi những kẻ man rợ sẵn sàng giết sạch cả bộ tộc, cướp bóc của cải, bắt cóc vợ con của mình. Vậy nên, họ xây nên những bức tường thành cao nhằm ngăn chặn sự xâm chiếm của cái ác. Nhưng rồi, ngay trong cả những pháo đài kiên cố nhất, họ lại cảm thấy mối đe dọa đến từ chính những người hàng xóm, họ hàng, ruột thịt...và cuối cùng là chính trong trái tim mình. Họ nhận ra chính mình cũng có thể làm điều ác. Khi Diana giết Ludendorff, nàng chỉ đang giết một con rắn (Ludendorff có thể biểu tượng cho con rắn vì mỗi khi hắn hít loại khí 'tăng lực' thì gân mặt nổi lên như một con mãng xà sắp đớp mồi). Nàng chỉ đang giết một biểu hiện vật lý của một các ác trừu tượng.

Thần chiến tranh Ares cũng chỉ là một cái ác ở một cấp độ cao hơn con rắn. Khi tiết lộ thân phận của mình chính là Sir Patrick, Ares cho Diana biết rằng hắn hoàn toàn không phải là người gây ra các ác trên thế giới. Tất cả những gì hắn làm, giống như con rắn, chỉ là thì thầm những lời ma quỷ vào tai con người, và chính chúng ta là người đã chọn làm điều xấu. Theo một số lý giải, thì Chúa toàn năng đã cố ý để con người ăn trái Thiện Ác, vì Ngài muốn con người có tự do lý trí, để tự mình quyết định đâu là đúng sai và tự nhận trách nhiệm cho quyết định bản thân của mình. Nhưng con người đã dùng tự do đó để chọn về phe ác quỷ, vì vậy Ares mới thuyết phục Diana cùng ông tiêu diệt loài người, nhằm khôi phục lại thiên đường đã mất (nếu bạn để ý đoạn cuối phim, thì thiên đường đó được dựng không khác nhiều so với Vườn Eden trong Cựu Ước). 

Gần cuối phim, Diana mới nhận thức được chân lý này. Nàng bảo rằng, bên trong mỗi con người đều có thiện và ác, và ngay cả các siêu anh hùng cũng không thể làm gì được. Và đúng là nếu muốn tiêu diệt triệt để cái ác, bạn phải tiêu diệt toàn bộ loài người như ý định của thần chiến tranh Ares. Nhưng Diana chọn một giải pháp khác. Nàng, giống như Chúa Jesus, cho rằng tình yêu sẽ cứu rỗi tất cả, và dù con người không xứng đáng với sự cứu giúp của các vị thần, nàng vẫn chọn đặt niềm tin vào họ. Và đó chính là thông điệp sâu sắc của Wonder Woman, tin tưởng vào những giá trị nhân văn của con người, như nàng ở cuối phim: "It's about what you believe. And I believe in love. Only love will truly save the world." Đó là lý do khiến nàng không chỉ một 'Hot-Girl' biết cầm gươm mà là một vị anh hùng thực sự. 

Wonder Woman

Trạm Đọc