Khi Chiến tranh thế giới thứ hai làm gián đoạn việc kinh doanh đồ chơi, thay vì từ bỏ và đóng cửa các nhà máy, ông vẫn nghiên cứu chất dẻo đưa vào sản xuất hàng loạt, cuối cùng đã tạo ra “viên gạch nhựa nhỏ có thể ghép lại với nhau” đầu tiên của LEGO, một bước đột phá dẫn đến một bộ sản phẩm hoàn toàn mới. Sau đó, Christiansen và đội ngũ mời trẻ em đến văn phòng và trong lúc xem chúng chơi, họ được truyền cảm hứng để phát triển toàn bộ “hệ thống trò chơi” – những khu phố hoàn chỉnh với con người, tòa nhà, đường sá và xe hơi — điều này giúp hoạt động kinh doanh của họ tăng trưởng theo cấp số nhân.
Hiện tại, các văn phòng của LEGO luôn nhộn nhịp với hoạt động và niềm vui. Và văn hóa vui chơi hiệu quả này tiếp tục thúc đẩy sự sáng tạo, tạo ra mọi thứ từ các công viên giải trí LEGOLAND trên khắp thế giới, trò chơi điện tử, chương trình truyền hình và phim LEGO bom tấn. Năm 2015, LEGO được vinh danh là “thương hiệu mạnh nhất thế giới”. Đây cũng là ví dụ điển hình về cách “chơi hết mình” có thể biến công việc khó khăn thành dễ dàng.
Theo cách mà LEGO tạo ra những mảnh ghép nhỏ có thể lắp ghép - được thiết kế để xếp chồng lên nhau và gắn với nhiều kiểu kết hợp - bạn cũng có thể xếp chồng lên nhau và kết hợp các hoạt động cần thiết nhất và vui vẻ nhất để tạo ra những trải nghiệm mới dễ dàng. Anna và tôi từng lập mỗi người một danh sách gồm 20 niềm vui công việc nhà và cùng chia sẻ chúng. Chúng bao gồm “thu dọn phòng hoặc ngăn kéo hoặc tủ bát đĩa lộn xộn (tức là tạo ra trật tự từ sự hỗn loạn),” “nghe đi nghe lại một bài hát cụ thể,” và “ăn hạnh nhân phủ sô cô la đen.” Những danh sách này rất dễ tạo lập. Và một khi chúng tôi tạo xong, việc xây dựng những trải nghiệm đặc biệt cần thiết và thú vị thậm chí trở nên dễ dàng hơn.
Chúng tôi bắt đầu với một thứ cực kỳ quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó nhằn: buổi họp tài chính hằng tuần. Tôi nói “hằng tuần”, nhưng trên thực tế, nó ít hơn nhiều, vì đó là điều tôi thường bỏ qua để thực hiện hầu hết các hoạt động khác. Tôi biết rằng một khi cố gắng chịu đựng nó, chúng tôi sẽ nhận được một phần thưởng xứng đáng: cảm giác rằng chúng tôi duy trì kế hoạch tài chính đúng trình tự. Nhưng vì cảm giác đó chỉ có được sau buổi họp, nên rất dễ dàng để hủy bỏ nó. Vì vậy, chúng tôi thường làm như thế.
Với niềm vui làm việc nhà, chúng tôi quyết định xây dựng một trải nghiệm mới mà chúng tôi mong muốn: Chúng tôi lấy ra sô-cô-la đen phủ hạt hạnh nhân. Chúng tôi bật “Feeling Good” của Michael Bublé làm nhạc nền (lặp lại). Chúng tôi coi nó giống như buổi hẹn hò hơn là
một nghĩa vụ bắt buộc. Đó là khi tôi nhận thấy một yếu tố của cuộc họp mà trước đây tôi đã bỏ qua: toàn bộ công việc liên quan đến thu dọn những chỗ lộn xộn, tài chính gia đình! Chỉ cần nhận thấy rằng việc sáng tạo để thoát khỏi sự hỗn loạn là một phần của trải nghiệm mang lại cho tôi lợi ích hữu hình và tức thì.
Chúng tôi biến nhiệm vụ mà bản thân khó có thể chịu được lâu trong quá khứ thành hoạt động thường kỳ mà chúng tôi mong đợi.
Kiến tạo những thói quen với tâm hồn
Phần lớn các sách viết về thói quen. Không nhiều sách viết về quy tắc. Các thuật ngữ này đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau. Nhưng các nhà kinh tế học hành vi khẳng định chúng hoàn toàn không giống nhau. Các quy tắc tương tự như các thói quen theo nghĩa “khi tôi làm X, tôi cũng làm Y.” Nhưng chúng khác với thói quen vì một thành phần quan trọng: sự hài lòng về tâm lý mà bạn trải qua khi thực hiện. Thói quen giải thích “những gì” bạn làm, nhưng quy tắc là về “cách” bạn làm điều đó.
Các quy tắc giúp thói quen thiết yếu dễ duy trì hơn bằng cách mang lại ý nghĩa cho chúng. Ví dụ, hãy nghĩ về cách tiếp cận của Marie Kondo với việc thu dọn. Không chỉ đơn giản mời gọi chúng tôi dọn dẹp những thứ lộn xộn trong tủ quần áo, cô đề xuất một quy tắc để buông bỏ. Chúng tôi cảm ơn món đồ mà mình đang loại bỏ. Chúng tôi phải suy nghĩ về cách mà các món đồ này tạo ra niềm vui.
Cô viết, “Hành động gấp không chỉ làm gọn quần áo để cất giữ. Đó là một hành động quan tâm, một biểu hiện của tình yêu và sự trân trọng đối với cách những bộ quần áo hỗ trợ lối sống của bạn. Vì vậy, khi gấp, chúng ta nên đặt cả trái tim vào đó, cảm ơn quần áo đã bảo vệ thân thể của chúng ta.”
Điều thay đổi cuộc sống ở đây là phần thưởng không chỉ đơn giản là cảm thấy nhẹ nhõm khi quần áo cuối cùng đã được gấp gọn. Đó không chỉ là điều gì đó mà bạn cảm thấy hạnh phúc khi vượt qua được. Quy tắc trở nên có ý nghĩa với chính nó.
Một số quy tắc có ý nghĩa hơn cả những gì người bên ngoài có thể đánh giá toàn diện. Giống như cách Agatha Christie viết những bí ẩn tuyệt vời nhất của cô khi ăn táo trong bồn tắm. Hay Beethoven chuẩn bị pha cà phê vào mỗi buổi sáng, ông sẽ đếm từng hạt một, chính xác 60 hạt cà phê cho tách của ông. Còn người La Mã cổ đại vào thời Caesar, vốn có xu hướng đặt ra một quy tắc cho hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày, thực hiện một nghi lễ tôn giáo về lần cạo râu đầu tiên của họ – Depositio barbae. Cho dù bề ngoài những hành vi này có vẻ ngớ ngẩn đến mức nào, việc thực hiện chúng một cách nhất quán có thể giúp chúng ta ổn định, xoa dịu những lo lắng và đưa chúng ta trở lại trạng thái tự nhiên theo những cách mà thường chỉ chúng ta hiểu được.
Các quy tắc là những thói quen mà chúng ta thực hiện. Chúng là những thói quen có linh hồn.
Chúng có khả năng biến nhiệm vụ tẻ nhạt thành trải nghiệm tạo niềm vui.
Khi mang niềm vui vào thói quen hằng ngày, chúng ta không còn khao khát một ngày xa vời nó có thể đến. Ngày đó luôn là ngày hôm nay. Khi gắn những mảnh vụn nhỏ của sự kỳ diệu vào những công việc bình thường, chúng ta không còn chờ đợi đến thời điểm sau cùng có thể cho phép mình thư giãn. Lúc đó luôn luôn là bây giờ. Khi niềm vui và tiếng cười chiếu sáng thêm nhiều khoảnh khắc, chúng ta càng bị thu hút về trạng thái tự nhiên.
- Theo cuốn sách: Tư duy tối giản - Hiệu quả tối ưu