Buông bỏ buồn buông: Hãy làm khách, đừng làm chủ
Buông bỏ buồn buông: Hãy làm khách, đừng làm chủ
Trích dẫn cuốn sách Buông bỏ buồn buông

Buông hay giữ?

Ngày xưa ở Thái Lan, trâu nước được xem như một thành viên của gia đình. Chúng sống trong khoảng sân bên dưới những ngôi nhà sàn và thường hiền lành đến nỗi trẻ nhỏ có thể ngủ ngon trên lưng chúng mà không hề hấn gì, còn chúng thì thơ thẩn gặm cỏ giữa trời hè râm mát.

Tuy vậy, thỉnh thoảng trâu nước cũng sợ hãi vì một lý do gì đó mà chỉ có chúng mới hiểu được. Những lúc như vậy, chúng khịt khịt mũi, ngửa mũi lên trời và sẵn sàng lồng lên chạy về bất cứ hướng nào.

Một sáng nọ, có bác nông dân trong làng dẫn con trâu nước ra đồng gặm cỏ. Khi bác đi ngang qua tu viện của chúng tôi, có vật gì đó trong rừng đã khiến con vật sợ hãi. Thế là nó ngóc đầu, ngửa mặt lên trời và khịt khịt mũi. Bác nọ cố tìm cách giữ nó lại bằng sợi dây thừng mỏng manh buộc lỏng lẻo quanh cổ nó nhưng chẳng mấy chốc, sợi dây đã quấn chặt lấy ngón tay của bác và con trâu nước lồng lên, chạy mất cùng với sợi dây thừng và ngón tay của bác!

Bác nông dân tội nghiệp đã đi thẳng đến tu viện của chúng tôi để nhờ giúp đỡ với ngón tay ròng ròng máu và gần như đã mất đi móng đầu tiên. Chúng tôi đưa bác đến bệnh viện để băng bó vết thương và mấy ngày hôm sau thì bác đã bình phục.

Sau này tôi vẫn thường dùng câu chuyện đó làm ví dụ trong những cuộc nói chuyện, về những gì sẽ xảy ra khi chúng ta không chịu buông bỏ trong cuộc sống.

Theo bạn thì ai mạnh hơn, người đàn ông đó hay con trâu nước kia?

Thật là, chẳng hợp lý chút nào khi ta cố giữ một con trâu nước đang lồng lên. Hãy thả nó đi, vì sau khi chạy chừng vài trăm mét, tự nó sẽ dừng lại mà thôi. Khi đó, người nông dân có thể thong thả đi tới, cầm lấy dây thừng và dắt nó ra đồng gặm cỏ như bình thường.

Rất nhiều người trong số chúng ta cứ cố níu giữ một điều gì đó trong khi lẽ ra chúng ta phải buông tay, chính vì thế mà họ đã khiến cho bản thân phải đau đớn - cũng như bác nông dân kia đã bị tổn thương trên thân thể vì cố ghì giữ con trâu nước.


Hãy làm khách, đừng làm chủ! 

Khách thập phương đến thăm tu viện của tôi thường khen nơi này xinh đẹp và yên tĩnh. Nghe vậy, tôi cứ nghĩ họ bất thường bởi có biết bao nhiêu thứ phải làm mà họ không nhìn thấy. Nào là bảo trì phòng ốc, sân bãi; nào là hướng dẫn cho các thầy mới tu tập, nào là trả lời vô số các câu hỏi của khách quan. Với tôi, tu viện chẳng khác gì một nơi bận rộn công việc. Bởi vậy mà tôi nghĩ hẳn phải có điều gì không đúng ở đây, và chẳng mấy chốc tôi đã nhận ra đó chính là do thái độ của tôi.

Thế là tôi bèn thay đổi thái độ của bản thân.

Mỗi tuần một lần, thường là vào sáng thứ Hai, tôi tưởng tượng mình là một vị khách tham quan chứ không phải là chủ nhân của cái tu diện nơi tôi đang sống suốt ba mươi năm. Trong vai trò là một vị khách phương xa, tôi không phải bận tâm về việc bảo trì tu viện, giảng dạy cho các sư thầy hay trả lời các câu hỏi của quan khách. Những lúc đó, tôi chỉ đơn thuần chiêm ngắm tu viện như một người khách và chợt nhận ra rằng mọi người nói đúng. Quả thật đó là nơi chốn bình yên và xinh đẹp vô cùng khi mà tôi không còn đóng vai chủ nhân nữa.

Tôi chia sẻ phương pháp này với các bạn bè của mình. Các bạn cũng có thể tập theo. Mỗi tuần, bạn hãy dành ra một vài giờ, có thể là vào cuối tuần, để tưởng tượng mình là khách trong chính căn nhà của mình. Và thường thì khách đến nhà sẽ chẳng phải rửa chén bát, hút bụi hay lau chùi nhà cửa cũng như nhiều công việc nhà khác. Lúc đó, bạn sẽ không cảm thấy áy náy chút nào vì mình đang làm khách chứ không phải làm chủ, đồng thời sẽ thưởng thức được vẻ đẹp cũng như sự bình yên của nó. Bạn có thể yên tâm nghỉ ngơi mà không hề cảm thấy bận tâm điều chi. Hãy tận hưởng ngôi nhà mà không vọng động chút mong muốn nào cho nó. Cứ chiêm ngưỡng nơi chốn ấy thôi.


Hãy cho phép họ ra đi

- Bạn có thanh thản khi nghĩ đến cái chết sắp đến không?

Đó là câu mà tôi thường hỏi những người đang cận kề cái chết, tôi trấn an họ rằng chết là lẽ thường tình trong cuộc sống và họ có thể ra đi trong sự bình an và nhân phẩm cao quý.

Nhiều người trong số họ cho tôi biết họ hoàn toàn thanh thản trước cái chết. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ người thân và bạn bè của họ không để họ ra đi. Họ hết sức đau khổ khi cứ phải nghe người thân than khóc: "Mẹ ơi, mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con ra đi!".

Steve là một phật tử trẻ khoảng ba mươi tuổi. Anh có một công ty du lịch chuyên đưa khách du ngoạn bằng bè đến những nơi đẹp nhất trên thế giới. Nhưng bất hạnh thay anh đang chết dần vì căn bệnh ung thư.

Tôi đã đến thăm Steve và Jenny là vợ anh ấy nhiều lần, và thật lòng mà nói, tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh vẫn chưa qua đời và cứ phải chịu đựng căn bệnh. Tại sao anh ta cứ vương vấn như vậy?

Tôi bèn quay sang Jenny và hỏi cô ấy: "Cô có cho phép Steve ra đi chưa?".

Không trả lời, Jenny bò lên giường, dịu dàng choàng tay quanh người chồng tiều tụy, hốc hác và nói với người đàn ông mà cô yêu thương: "Steve, em cho phép anh ra đi. Em không sao đâu, anh hãy ra đi." Nói rồi họ ôm nhau và khóc.

Hai ngày sau đó, Steve đã qua đời.

Tôi vẫn thường hay bảo người thân và bạn bè của một người sắp qua đời hãy tặng cho họ món quà lớn nhất, đó chính là cho phép họ ra đi. Bạn có thể làm điều đó theo cách riêng của mình, nhưng đó chính là món quà giúp cho người mà bạn yêu quý được tự do.

Nhập mã TIKITD giảm thêm 5% khi mua sách Buông bỏ buồn buông do Tiki Trading phân phối: https://bit.ly/BuongBoBuonBuongTiki (Thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/07/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn).
Tags: