“Thương vụ nước chanh” là câu chuyện xoay quanh Evan Treski và em gái của cậu, Jessie Treski, rất hợp nhau về nhiều mặt. Họ chơi cùng nhau và khả năng thiên bẩm của họ thường bổ sung cho nhau. Jessie rất giỏi toán và các môn học khác ở trường, nhưng trí tuệ cảm xúc lại là phần yếu nhất của cô. Trong khi đó Evan có trí tuệ cảm xúc, năng lực chơi thể thao tốt nhưng cậu lại không giỏi trong các môn học tại trường.
Mối quan hệ của họ thay đổi vào mùa hè năm lớp ba của Evan, khi nhà trường gửi một lá thư đến nhà thông báo: Jessie sẽ được nhảy cóc qua lớp ba, và lên lớp 4 học cùng anh trai mình. Thông báo này với Evan thật sự là thảm họa, khi cậu hình dung bạn bè và thầy cô giáo sẽ so sánh và chê bai cậu như thế nào lúc không thể giải các bài toán giỏi như Jessi.
Sau mấy ngày dằn dỗi, Evan và Jessi quyết định thực hiện một chiến bán nước chanh, xem đứa trẻ nào có thể kiếm được nhiều tiền nhất trong tuần cuối cùng trước khi đến trường. Evan muốn giành phần thắng để chứng minh Jessi vẫn chỉ là đứa trẻ con, không xứng học lớp 4 cùng cậu. Jessi thì muốn chiến thắng để chứng minh cô bé đã lớn rồi.
Mỗi chương của tập 1 bộ sách đều bắt đầu với định nghĩa về một thuật ngữ trong kinh doanh, giúp các bạn nhỏ dần tiếp cận với các khái niệm kinh doanh quen thuộc như: suy thoái, chia tách, liên doanh, hợp tác, cạnh tranh, hạ giá… Và mối quan hệ cùng các câu chuyện xảy ra trong chương đều minh họa khá cụ thể, dễ hiểu các thuật ngữ này. Tương tự, tác giả cũng cung cấp cho các độc giả nhỏ một số hiểu biết tuyệt vời về việc điều hành một doanh nghiệp và giao thương nói chung. Jessie thu thập những hiểu biết đó trong hộp khóa của mình để sử dụng sau này.
“Giá trị gia tăng: Công ty thêm một điều gì đó vào sản phẩm (ví dụ một tính năng đặc biệt hay bao bì bắt mắt) để khiến sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường”.
“Sự tín nhiệm: là một tài sản vô hình nhưng vẫn được ghi nhận và đánh giá cao, từ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, đến tạo lập quan hệ thân thiết với khách hàng và nhà cung cấp”.
Thông qua quá trình kinh doanh nước chanh của hai anh em Evan và Jessi, tác giả cũng lồng ghép vào đó những bài toán và những cuộc thảo luận thú vị về cách giải những bài toán đó. Điều này thậm chí còn chạm đến quan điểm rằng: những người có thế mạnh tư duy khác nhau sẽ tiếp cận các vấn đề toán học theo những cách khác nhau. Và đây chính là cách rất tuyệt vời để chỉ cho độc giả nhỏ thấy những kiến thức chúng đang học có liên quan như thế nào đối với cuộc sống.
Cuối cùng, “Thương vụ nước chanh” còn là câu chuyện qua đó tác giả gợi ý cách để trẻ đối mặt và giải quyết các xung đột, rắc rối của chính mình như thế nào. Dũng cảm đối mặt với cảm xúc của mình, nhận sai khi phạm lỗi, sẵn sàng bỏ qua khi đối phương nhận lỗi và sửa sai, không lôi người lớn vào câu chuyện… đó là các cách Evan và Jessi đã giải quyết hục hặc của bản thân (tập 1 bộ sách), cũng như xung đột với cậu bạn từng ăn trộm 208 đô la mà Jessi và bạn mình đã phải đổ mồ hôi mới kiếm được trong một tuần bán nước chanh của mình (tập 2 bộ sách) cuối cùng trải nghiệm như những thám tử nhí trong tập 3 của bộ sách.
Không chỉ là tác phẩm văn học thiếu nhi giàu tính nhân văn, bộ sách “Thương vụ nước chanh” khơi gợi cho các bạn nhỏ nhiều kiến thức mới mẻ về thương mại, tài chính, luật pháp. Bộ sách phù hợp với độc giả nhí từ 8 đến 15 tuổi.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Tuổi mới lớn dưới góc nhìn đa chiều của các nhà văn Âu Mỹ