Bí kíp luyện viết lách
Bí kíp luyện viết lách
Tôi không tự nhiên biết viết ngay khi vừa mở mắt – đó là một quá trình luyện tập cả đời.

Tôi sẽ không tự nhận mình là nhà văn tuyệt vời nhất thế giới nhưng tôi nghĩ mình cũng là một người đủ trình độ. Tôi đã luyện tập trong suốt 25 năm và nghề viết giúp tôi kiếm đủ sống.

 

Tôi muốn chia sẻ bí quyết của mình cho những người mới bắt đầu học viết văn. Tôi không tự nhiên biết viết ngay khi vừa mở mắt – đó là một quá trình luyện tập cả đời. 

 

Để nói qua một chút về sự nghiệp viết lách của mình: tôi bắt đầu sự nghiệp với tư cách là phóng viên chuyên viết về mảng thể thao khi đang là học sinh năm cuối trung học, dần dần tôi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp và sau đó là biên tập viên của một tờ tạp chí địa phương ở Guam. Tôi tiếp tục với công việc là một tác giả tự do cho nhiều tờ tạp chí và các xuất bản phẩm khác, viết dự thảo cho các nhà làm luật và viết các bài diễn văn cho Thống đốc Guam trong một thời gian. Cuối cùng, tôi lập một blog cá nhân cho riêng mình trong khi vẫn viết tự do cho 5 blog khác. Tôi đã viết blog được gần 10 năm rồi và sở hữu một số lượng kha khá các đầu sách và bài giảng.

 

 

Dưới đây là một số ghi chú quan trọng dành cho việc luyện tập, không theo thứ tự:

 

Viết lách hằng ngày: Tôi viết khá nhiều mỗi ngày. Xin nhấn mạnh là mỗi ngày, không phải là một hoặc hai lần/tuần. Viết dưới mọi hình thức: cho blog cá nhân của tôi, cho chương trình Sea Change, viết mỗi khi có ý tưởng mới cho một cuốn sách hoặc một bài giảng mới. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà tôi làm trong suốt 25 năm, bởi sự luyện tập bền bỉ sẽ làm dịu đi những khó khăn và biến những trở ngại trở nên ít đáng sợ hơn. Lời khuyên của tôi là nên lập blog hằng ngày hoặc blog cách ngày

 

Học cách vượt qua sự kháng cự: Mỗi nhà văn đều phải đối mặt với trở ngại ngáng đường việc viết lách của họ, sự thôi thúc trì hoãn đẩy họ tới việc bị sao lãng hoặc những công việc bận rộn khác. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng thay vì chạy trốn, tôi học cách đối mặt với sự kháng cự. Tôi học cách để trở nên không quá sợ hãi trước việc viết lách. Tôi học cách bắt đầu mà không cần suy nghĩ quá nhiều về nó. Nếu sự kháng cự đang cản trở việc viết lách hằng ngày của bạn, hãy đương đầu với nó, đừng né tránh.

 

Coi việc viết lách như một cách rèn luyện sự tập trung tinh thần:Tôi coi viết lách như một cách để tĩnh tâm, nơi tôi có thể rũ bỏ mọi thứ trong chốc lát và hoàn toàn tập trung vào một hoạt động. Nói cách khác, tôi cần dành một khoảng không và đặt tâm trí mình vào việc viết, chỉ đơn thuần không cuốn theo sự sao lãng khi nhận thấy nó đang đến gần. Tôi nhìn vào bản thân và để cảm xúc tuôn trào theo từng con chữ, hoặc, hiểu nội tâm mình và cố gắng chuyển điều đó lên trang giấy.

 

Thiết lập thời gian biểu viết lách: Giống như việc bạn tạo một chiếc đồng hồ bấm giờ cho việc tĩnh tâm, sẽ thật hữu dụng nếu bạn làm điều tương tự vào mỗi lần viết. Chẳng hạn, bạn có thể đặt giờ 10 phút, hãy để câu chữ tuôn ra và cố gắng tập trung trong suốt 10 phút đó. Xác định được khoảng thời gian giới hạn cho phép giải tỏa đi một vài nỗi sợ hãi trong bạn và điều đó được biểu hiện thông qua ghi chép của bạn.

 

 

Học cách đối phó với nỗi sợ hãi: Tất cả những người viết đều phải vật lộn với những nỗi sợ - sợ thất bại, sợ mình không đủ tài năng, sợ cảm giác không thoải mái và sự thiếu chắc chắn khi thâm nhập vào những góc khuất làm chúng ta kinh hãi. Một số người để nỗi sợ hãi xâm lấn, cản trở họ ngay từ khi bắt đầu, ngăn cản họ viết hoặc khiến họ bị phân tâm. Nhưng tôi phát hiện ra rằng, sẽ hữu ích hơn nếu bạn học cách chung sống với nỗi sợ và viết với bất cứ giá nào. Tất nhiên, bạn vẫn viết ngay cả khi bạn có thể cảm thấy vô cùng không thoải mái và bản thân tràn ngập sự không rõ ràng. Bạn có thể ngồi lại với nỗi sợ hãi trong một phút và sau đó bắt đầu viết. Những nỗi sợ hãi rất đáng sợ nhưng tình hình sẽ không quá tệ nếu bạn học cách đối mặt với chúng.

 

Quan tâm tới kĩ thuật viết: Kĩ thuật của một tác giả nằm ở câu từ, vì vậy bạn nên quan tâm đến chúng. Nói cách khác, bạn viết đúng chính tả và ngữ pháp, đây là những điều cơ bản của viết lách. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ mắc lỗi, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn phải thường xuyên làm tốt hơn mức độ cơ bản. Bạn sẽ không thể trở thành thợ mộc nếu không học cách đóng đinh và dùng cưa, đúng không nào? Khi bạn viết xong, hãy soát lại lỗi chính tả và học thêm các từ mới. Tra từ điển thường xuyên. Hãy để bạn bè biên tập cho bạn và tránh mắc cùng một lỗi nhiều lần. Chọn lọc những bài viết của AP hoặc tờ Chicago và học thêm một vài văn phong phổ biến một cách kiên trì.

 

Nhưng hãy thoát khỏi chủ nghĩa cầu toàn: Đừng để việc thiếu kiến thức về nền tảng viết lách cản trở bạn, cứ viết đi. Bạn sẽ học trong quá trình bạn viết, với sự luyện tập thường xuyên và chăm chú. Cùng lúc đó, bạn muốn thực hiện những ý tưởng mới mà mình đang ấp ủ nhưng chính những chuẩn mực lý tưởng lại kìm hãm bạn. Hãy cứ lao vào và làm việc. Đừng quan trọng yếu tố hoàn hảo, xuất bản một hoặc hai bản thảo nháp của bạn. Lỗi câu từ không phải là một vấn đề nghiêm trọng đến vậy.

 

Học cách đánh máy: Tất nhiên, điều này không cần thiết, nhưng biết đánh máy là một kĩ năng tốt cho các nhà văn. Không mất nhiều thời gian để thành thạo – luôn có rất nhiều phần mềm online dạy các bước cơ bản và rèn luyện kĩ năng đó cho bạn và bạn sẽ cải thiện trong vòng một tháng. Sau một năm, bạn sẽ trở thành bậc thầy về kĩ nghệ đánh máy. Điều này giúp bạn chuyển tải ý tưởng trong đầu bạn ra trang giấy nhanh hơn khi bạn đánh máy với một tốc độ ngon lành.

 

 

Tập viết lách dưới áp lực thời gian:Một trong những kĩ năng đáng giá nhất mà tôi học được khi còn làm nhà báo chính là tập viết dưới áp lực thời gian. Hằng ngày, chúng tôi phải nộp một hoặc nhiều bài viết (con số có thể lên tới năm hoặc sáu) và chúng tôi có một biên tập viên luôn theo dõi sát sao để cô ấy hoàn thành công việc của mình đúng thời hạn. Những áp lực này cho chúng ta một bài học, đó là bạn có thể hoàn thành một bài viết đúng thời gian nếu bạn tập trung. Bạn học cách không lo lắng về sự hoàn hảo, học cách không để nỗi sợ hãi ngáng đường và chỉ để các con chữ tuôn trào. Và làm thế nào để bài của bạn được biên tập một cách nhanh chóng? Nếu bạn không làm việc cho một tờ báo, hãy lập thời hạn cho riêng bạn. Nói với một ai đó, gửi cho họ những bài viết của bạn đúng thời gian nếu không muốn chịu phạt.

 

Đọc thật nhiều: Những nhà văn xuất sắc nhất (xuất sắc hơn rất nhiều so với tôi) thường ngấu nghiến nhiều sách. Hầu như lúc nào tôi cũng đọc sách, tôi thích đọc sách viễn tưởng nhưng tôi cũng đọc dòng sách phi hư cấu và những bài báo dài kì trên mạng. Đọc những tác phẩm hay giúp bạn định hình phong cách viết riêng, truyền cảm hứng và mở rộng khả năng ngôn ngữ. Hãy đọc thật nhiều!

 

Chôm chỉa của ai đó: Khi bạn phát hiện ra một nhà văn có một vài tác phẩm hay, hãy mổ xẻ chúng. Cố gắng đưa vào văn phong của bạn, kết hợp với những gì bạn đang có, phối lại với những điều hay ho mà bạn tìm thấy ở các nhà văn khác và tạo thành tác phẩm của riêng mình.

 

Giữ những ghi chú cho việc viết lách: Khi bạn tìm được thứ gì đó đáng để chôm chỉa, hãy lưu lại vào máy tính hoặc viết ra một quyển sổ. Khi bạn nhen nhóm ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết, một bài viết trên blog, một nhân vật, một triết lý… lưu chúng vào sổ tay. Hãy làm việc này một cách đều đặn.

 

 

Tìm những nhà văn cùng chí hướng: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc theo sát lịch trình viết lách, hãy gặp gỡ những tác giả khác cùng thời với bạn thường xuyên, có thể gặp ngoài đời hoặc gặp qua mạng. Chia sẻ những tác phẩm của bạn cho người khác, thảo luận về những vấn đề bạn gặp phải. đọc bài viếtthuộc cùng thể loại của các tác giả khác. Một hội viết lách nhỏ là một công cụ tốt để kiểm soát thời gian viết của bạn và giúp bạn nhận ra rằng mình không cô độc.

 

Thấu hiểu người đọc: Một điều quan trọng khác mà tôi học được khi còn làm phóng viên là thấu hiểu cách tư duy của độc giả. Rất nhiều tác giả mới vào nghề chỉ viết những gì có trong đầu họ, nhưng sau đó điều này có thể gây khó hiểu hoặc không tạo hứng thú cho người đọc. Gần đây, tôi nghĩ đến việc người đọc hiểu các bài viết như thế nào, họ cần kiểu viết nào, các câu văn của tôi có rõ nghĩa hay không, hay những kinh nghiệm nào tôi có thể truyền tải cho độc giả.

 

Có vẻ có khá nhiều việc phải làm đây! Nhưng đây đều là những điều có thể thực hiện được. Chỉ cần bạn thực sự đặt tâm huyết và học từng chút một tất cả những điều trên hằng ngày.

 

Một vài điểm lưu ý nữa dành cho những ai có ý định viết lách

 

Ai cũng có thể viết và ai cũng nên viết: Bạn không cần phải trở thành một James Joyce để viết. Thậm chí cả khi bạn không bao giờ muốn trở thành một tác giả chuyên nghiệp, hằng ngày, bạn vẫn có thể viết cho một tờ báo, viết lá thư cho người thân yêu (bạn có thể gửi chúng đi hoặc không). Không nổi tiếng cũng không sao. Viết lách là một phương thức rèn luyện tuyệt vời, giúp chúng ta học cách tập trung và vượt qua nỗi sợ hãi, giải quyết sự trì hoãn, và học cách để ngôn từ nói hộ tâm trí.

 

Bắt đầu viết dù bạn ở đâu: Dù bạn đã viết được một vài năm hay bạn mới bắt đầu, dù bạn có năng khiếu ngôn ngữ hay đang tìm cách đánh vật với nó, đó là lúc để bắt đầu. Không quan trọng vị trí của bạn ở đâu, hay trình độ của bạn như thế nào so với người khác –hãy cứ viết, với tất cả những vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn sẽ tiến bộ trong suốt khoảng thời gian đó và thoải mái hơn với những gì bạn đang làm.

 

Bạn sẽ làm tốt nếu bạn làm nhiều và làm với tâm huyết: Bạn sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo trong việc viết – có trời mới biết tôi cách xa ngưỡng hoàn mĩ đến mức nào – do đó cách duy nhất để tiến bộ là luyện tập. Và để chăm nom đến những gì bạn đang làm. Hãy làm điều đó mỗi ngày và từng nhược điểm sẽ trở nên tuyệt vời một cách đáng ngạc nhiên.

 

Minh Anh - Trạm Đọc (Read Station) dịch

Theo Zen Habits

Tags: