Benjamin Franklin - Con người đa tư duy
Benjamin Franklin - Con người đa tư duy

Vì nhiều lý do mà không ai giải thích được hết, những người Mỹ lỗi lạc thường được thần thoại hóa và xưng tụng là “Nhóm Lập Quốc” (Founding Fathers), hoặc trái lại, bị gieo tiếng ác là những gã da trắng đáng chết nhất lịch sử Hoa Kỳ, đã bỗng dưng trở thành một thứ mốt thời thượng trong thập niên vừa qua. John Adams, Alexander Hamilton và Thomas Jefferson dường như là những người hưởng lợi chính từ trào lưu này mãi cho đến gần đây, khi Benjamin Franklin gia nhập cuộc đua.

Đầu tiên, H. W. Brands xuất bản cuốn tiểu sử về cuộc đời Franklin – từ lúc sinh ra đến lúc mất – được nhiều người đón nhận, rồi Edmund Morgan tiếp nối với một nghiên cứu tính cách lý thú theo lối Boswell về vị hiền nhân người Mỹ vĩ đại này. Và giờ đây, Walter Isaacson cũng nhập hội với một bức chân dung toàn cảnh mà hầu như đảm bảo sẽ mang đến cho quý độc giả đại chúng sự nghiệp lẫy lừng của Franklin.

Isaacson viết cuốn sách này đang giữ chức chủ bút tại tòa soạn Time, rồi sau đó là tổng biên tập của CNN; cả hai đều là những công việc toàn thời gian khó có thể đem đến cho ông cơ hội về thăm lại thế kỷ XVIII. Nhưng bất kỳ ai đinh ninh rằng “''Benjamin Franklin: Cuộc đời một người Mỹ” là cuốn sách dành để nhâm nhi cùng một cốc cà phê đều sẽ sai lầm.

Nó là một quyển biên niên sử được nghiên cứu thấu đáo, thể hiện ngòi bút sinh động cùng lập luận thuyết phục, đồng thời được chấm phá thêm những mẩu thông tin nhỏ nhưng mới mẻ. Trong số đó, có một điều mới mẻ với chính tôi: đó là Franklin đã tìm hiểu những cách kềm tỏa tính tự đại, và Davy Crockett đã tham gia trận Alamo với một bản “Tự truyện” của Franklin trong túi áo khoác.

Thay vì viết về Franklin theo lối của Boswell, Isaacson chỉ tìm thấy điểm chung với Edward R. Murrow trong việc cật vấn nhân vật này một cách sốt sắng – và cũng khéo léo – trong khi vẫn chọn lọc giữa hàng núi kiến thức cực uyên bác được gom góp lại về Franklin suốt hơn hai thế kỷ. Có chăng là Isaacson đã hơi sa vào những “đòn” học thuật liên hoàn ở cuối sách, khi đưa ra một kết luận và lời bạt riêng biệt về di sản của Franklin, một bảng niên đại gồm những thời khắc quan trọng, những tiểu sử ngắn về mọi nhân vật phụ của câu chuyện, các bảng chuyển đổi mệnh giá tương đương giữa đồng đô-la hiện đại với đồng tiền Anh và thuộc địa cũ, cùng một danh sách tham khảo đặc chú thích và 50 trang chú dẫn. Sự uyên thâm này phần nào dễ thấy, nhưng cũng khá ấn tượng.

Trường đoạn cuộc đời của Franklin (1706-1790) đại diện cho một thách thức lớn với mọi nhà viết tiểu sử. Khi còn bé, ông đã trao đổi những giai thoại về thần học Thanh giáo với Cotton Mather; đến khi trở thành nhà chính khách lão thành, ông vẫn so sánh các ghi chú với Thomas Jefferson về đường lối khả dĩ của Cách mạng Pháp.

Franklin cũng hay xuất hiện nhiều, khi là người duy nhất có mặt trong cả ba thời khắc hình thành nền độc lập của nước Mỹ: lúc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập; lúc đàm phán ký kết Hiệp ước Paris nhằm kết thúc cuộc Chiến tranh Cách mạng; và cuộc tranh biện vĩ đại khai sinh nên Quốc hội.

Bên cạnh đó, phía sau phong thái bình dân của mình, Franklin là một khoa học gia tầm cỡ thế giới, một bậc thầy văn xuôi hoàn hảo và một nhà ngoại giao xuất sắc. (Hãy tưởng tượng Jonas Salk, Mark Twain và Henry Kissinger tựu chung trong một bản thể). Và trên tất thảy, ông là một người mang vô vàn chiếc mặt nạ, tùy biến theo tính cách cũng như tài năng của ông, và dễ dàng biến đổi từ Poor Richard , một trí thức London cho đến Voltaire chốn rừng sâu. Ông là sự co duỗi cả về mặt thời đại, trí tuệ lẫn tâm lý.

Ngay từ đầu, Isaacson đã nhận ra rằng nhân vật được khắc họa trong cuốn “Tự truyện” là một trong những phát minh tồi tệ nhất của Franklin. Ông lập luận một cách thuyết phục rằng những nhà phê bình Franklin sắc bén nhất, từ Max Weber cho đến D. H. Lawrence, đều chĩa súng vào những chiếc mặt nạ của ông thay vì con người đằng sau chúng.

Thay vì phát triển những thuyết tâm lý thấu đáo nhằm giải thích sự linh động nội tâm của Franklin, Isaacson lại chuộng một lối giải thích theo kiểu cũ – một bản tường thuật về sự nghiệp của ông, gắn với những đánh giá mang tính diễn giải về những khoảnh khắc thể hiện “phép màu Franklin” nổi bật nhất. Và nếu tôi hiểu đúng, thì Isaacson cho rằng việc truy tìm cái lõi Franklin giữa những lớp vỏ liên tục xáo trộn là điều vừa vô ích, vừa lầm lạc; vì tài hòa phối những giọng văn khác nhau của bản thân chính là nét đặc trưng tiêu biểu trong tính cách của Franklin.

Những chương đầu tiên đã khái quát quá trình vươn lên của Franklin tại Philadelphia, từ một cậu thiếu niên không xu dính túi thành một công dân hàng đầu. Isaacson đã làm phức tạp lên phong cách Horatio Alger quen thuộc trong cuốn “Tự truyện” bằng cách chú ý đến xu hướng đặt bút danh hư cấu thuở ban đầu của Franklin (ví dụ như Silence Dogood), cũng như thể hiện luận điểm thuyết phục của ông một cách quanh co thông qua truyện ngu ngôn châm biếm, khiến cho hình ảnh của ông trước công chúng có chất ve vãn và luôn lập lờ.

Ông cũng kéo dài mối thân tình kiểu xa cách kỳ quặc mà ông đặt ra với Deborah Read, người vợ nông cạn của ông và William, người con chính tay ông nuôi nấng như rồi từ mặt. Tuy là người ủng hộ những giá trị gia đình trên lý thuyết, nhưng trên thực tế, Franklin lại là một người chồng, người cha lạnh nhạt, và những biểu cảm âu yếm kèo dài nhất chỉ đến với ông vào cuối đời, khi ông dành chúng cho các cháu của mình.

Trong thập niên 1750 và 1760, Franklin đã dành phần lớn thời gian ở London để tìm kiếm một bản tuyên bố của hoàng gia đối với Pennsylvania, nhằm thay thế chính quyền độc hữu của gia tộc Penn. Ngay cả trong những viện hàn lâm tinh vi nhất của nước Mỹ, các học giả cũng bất đồng về giai đoạn này trong sự nghiệp của Franklin, một phần vì bối cảnh chính trị tại Philadelphia và London rất rối ren, phần khác vì lòng trung của Franklin với Đế quốc Anh không phù hợp với quyết tâm hướng đến nền độc lập sau này của ông.

Như Isaacson nhận thấy, Franklin đã hiểu sai sự chống đối càng lúc càng gia tăng của người Mỹ đối với sư cai trị của người Anh, vì ông vẫn nuôi trong đầu một viễn cảnh về một cộng đồng đế chế xuyên Đại Tây Dương với những đồng bãn bình đẳng, một sân khấu quốc tế nơi vinh quang của nước Anh và tiếng tăm nổi như cồn của ông có thể tỏa sáng cùng nhau.

Tuy mang số phận trở thành một người Mỹ nguyên bản, nhưng đến phút chót, Franklin mới nghĩ đến nền độc lập cho nước Mỹ, và miễn cưỡng từ bỏ danh phận người Anh của bản thân. Isaacson không thẳng thừng nói ra điều đó, nhưng ông gợi ý rằng việc Franklin thống thiết từ bỏ cậu con trai – kẻ vẫn thuộc phái Trung thành – xuất phát từ chính sự giằng xé đầy khổ tâm của ông với lòng trung thành chính trị trong mình. Do vậy, William chính là “phần Anh Quốc” trong Franklin mà ông buộc phải từ bỏ.

Chương ấn tượng nhất của Isaacson, cũng là một thành tựu về tổng hợp lịch sử, tập trung vào vai trò của Franklin trong những cuộc đàm phán hòa bình tại Paris và từ đó kết thúc Chiến tranh giành Độc lập. Một lần nữa, đây lại là một bãi chiến trường máu me nặng nề, với rải rác thi thể của nhiều thế hệ sử gia. Công việc trước đây của Isaacson, với tư cách sinh viên ngành chính trị đối ngoại Hoa Kỳ và người viết tiểu sử cho Henry Kissinger đã giúp ích nhiều cho ông trong chương này.

Bằng cách nào đó, ông đã sàng lọc qua những tàn tích ngoại giao và tái hiện lại trực giác tinh tế của Franklin về những mục tiêu đối kháng nhau giữa các đoàn đại biểu Mỹ, Anh và Pháp, trong khi vẫn nhận ra rằng John Adams và John Jay đã đúng khi kiên quyết chống lại bản năng của Franklin để có một cuộc mặc cả riêng với người Anh, từ đó khiến người Pháp bị bỏ rơi mà không thu được chút lợi lộc gì. Dường như vũ khúc ngoại giao giữa Pháp và Mỹ đã có một lịch sử lâu đời.

Dù căn nguyên cho niềm yêu mến của chúng ta đối với thế hệ lập quốc có là gì, thì cuộc đời Franklin qua ngòi bút của Isaacson chính là điển hình cho xu hướng diễn giải định nghĩa nên những nhà viết tiểu sử xuất sắc nhất đương thời: cụ thể hơn, đó là tài khám phá những khiếm khuyết bên trong sự vĩ đại.

Tôi có cảm giác rằng sự nghiệp của chính Isaacson, với tư cách một người nắm quyền trong giới truyền thông, đã hình thành ở ông sự thích thú đối với tài điều khiển những phiên bản của chính mình ở Franklin, cũng như sự cảm thông đối với những trò lá mặt lá trái của Franklin – luôn sáng tỏ và thường khá khôi hài.

Vì tất cả những lý do trên, một cuốn tiểu sử “thẳng thắn” về Franklin là một sự đối lập về ngữ nghĩa. Chính sự am hiểu bằng trực giác của Isaacson, cùng với khao khát nghiên cứu phi thường, đã kết hợp lại để biến cuốn tiểu sử này thành ứng cử viên hàng đầu cho hình tượng Franklin chính đáng trong thời đại chúng ta.

-JOSEPH J. ELLIS | Tác giả "Thomas Jefferson - Nhân sư Mỹ"
Dịch từ: The NewYork Times

Tags: