Chương 1 “Bức tranh cảm xúc”
Tác giả kết hợp cách lý giải từ Internet và sự diễn giải của bản thân để đem đến cho người đọc phác họa tổng quan về cảm xúc.
Chương 2 “Nghĩ khác, sống khác”
Người đọc sẽ được tiếp cận một vài tư duy không gọi là mới mẻ nhưng có thể bản thân chưa tự nghĩa đến bao giờ, chẳng hạn như “Khi chúng ta nhìn thấy một người có được một điều gì đó mà chúng ta chưa có, chúng ta cảm thấy có sự bất công cho bản thân. Nhưng, chúng ta đâu biết được, để có được thành quả đó, họ đã phải trả những cái giá mà chúng ta chưa bao giờ phải trả”.
Tác giả Thiện Từ có đề cập đến một điều mình từng đọc được trong tạp chí khoa học: Dù là kỷ niệm vui hay buồn thì lúc chúng ta nhớ lại quá khứ, chúng đều trở thành kỷ niệm buồn, vì dù là kỷ niệm vui thì chúng ta cũng không trải nghiệm được nữa. Từ suy nghĩ này, tác giả khuyến khích người đọc sống trọn vẹn giây phút hiện tại.
Trong những quyển sách tâm lý như “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” (Richard Nicholls) hoặc “Chú chim bay không quay đầu ngoảnh lại” (Shiva Ryu) đều đề cập đến tư tưởng giống như câu này: “Hạnh phúc không nằm ở cuối con đường, hạnh phúc chính là con đường mà chúng ta đang đi”, cũng được nhắc đến trong quyển “Bẫy cảm xúc hay trò lừa đảo của tâm trí”.
Chương 3 “Tôi đi tìm tôi”
Chương này có nói đến tính tích cực và tiêu cực của nỗi sợ. Nhiều khi vì chúng ta “biết” quá nhiều nên chúng ta mới “sợ”. “Sợ” để rèn luyện tính quả quyết, dũng cảm vượt qua trở ngại thì sẽ tốt hơn là “sợ” để bị chùn chân trong mọi việc, bị thao túng không làm được gì cả. Đọc xong phần này, mình phân biệt được giữa “biết” và “sợ”, từ đó học cách điều chỉnh thái độ + phản ứng của mình một cách tích cực đối với sự vật sự việc xung quanh.
Cuộc sống xô bồ bon chen của người lao động hiện đại đầy rẫy bụi trong không khí và cả “bụi tâm hồn”. Bụi không khí có thể dùng khẩu trang để lọc, nhưng “bụi tâm hồn” đòi hỏi chiếc “khẩu trang tâm hồn” để ngăn chặn. Tác giả Thiện Từ đưa ra các hướng dẫn như cần biết loại bỏ những tư tưởng tiêu cực, chọn lọc những điều mà đầu óc tiếp thu để biến chúng thành dưỡng chất cho tinh thần. Tuy nhiên, khi tìm người khác để tâm sự, chúng ta cần tỉnh táo để không rơi vào “bẫy cảm xúc”. Nói theo cách dễ hiểu, “bẫy cảm xúc” là khi ta gặp vấn đề về tâm lý >> có người xoa dịu an ủi >> cảm xúc tiêu cực đó tạm lắng xuống nhưng không mất đi >> sự tiêu cực tích tụ trong lòng gây hại cho chính bản thân và người xung quanh. Phương pháp xử lý là phải tập “nhìn sâu”, quan sát để nhận ra cảm xúc tiêu cực đang bị vùi lấp nơi đáy lòng, để rồi chuyển hóa chúng thành cảm xúc tích cực.
Trong chương 5 “Bắt tay vào dọn dẹp”
Mình đặc biệt chú ý đến đoạn “Vẻ đẹp của sự ra đi”. Theo cách nghĩ của tác giả, cũng như ngọn lửa khi cháy đã cháy hết mình đến khi lụi tàn, quãng thời gian một người sống trên đời cũng là tất cả những gì họ đã cống hiến cho đời, nên khi họ ra đi, chúng ta đừng quá đau buồn. Dù thân thể hữu hình của họ không còn nhưng chính sự tồn tại của họ trong ký ức chúng ta đã là bằng chứng cho thấy họ vẫn “sống” tiếp.
“Thay vì hỏi ‘sau khi chết sẽ như thế nào?’, tôi nghĩ có một câu hỏi quan trọng hơn và cần thiết hơn rất nhiều là ‘khi còn sống, sẽ sống như thế nào?’”.
“Trước khi bạn có dịp gặp lại người gây tổn thương cho bạn, tôi nghĩ bạn nên chuẩn bị, không phải là chuẩn bị những đòn đáp trả như bấy lâu nay bạn vẫn làm, mà là chuẩn bị sự tha thứ. Nó sẽ giúp bạn bình an. Khi giận một ai đó, chúng ta hãy nhìn với ánh mắt của vô thường, của sự ra đi, và thiền sư Thích Nhất Hạnh đã để lại cho chúng ta học tập:
Giận nhau trong bản môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Người đâu và ta đâu?”
Chương 8 “Tôi sẽ làm gì?”
Tác giả cho rằng nếu bị rơi xuống hố sâu của cảm xúc tiêu cực thì thay vì đọc sách, nên “đọc” dòng cảm xúc của bản thân. Đó cũng là một ý tưởng có lý, tuy vậy đối với kinh nghiệm cá nhân mình, nếu chưa đủ từng trải để tự đọc cảm xúc của bản thân thì có thể đọc sách của người khác để tìm sự gợi mở, sự góp ý cho con đường mình muốn đi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà giới đọc sách có cụm từ “những quyển sách giúp thay đổi cuộc đời”. Sách sẽ tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau, tìm được sách hay đúng lúc đang cần cũng giống như gặp được mối duyên lành.
Gần cuối sách, phần “Kết nối tâm hồn” khiến mình chột dạ. Khi lắng nghe tâm sự của người khác, nếu ta không lắng nghe một cách đồng cảm mà chỉ chăm chăm ngắt lời để lên mặt dạy dỗ hoặc toàn kể lể chuyện cá nhân, thì người đang nói chuyện với ta sẽ sớm ngừng cuộc đối thoại. Bên cạnh đó, ta cần phải trau dồi tâm hồn cho thật tròn vẹn, trong tâm có đầy thì mới có thể trao tặng người khác.
Bìa sách có tông màu xanh dịu mắt nhưng cá nhân mình cảm thấy bìa chưa đẹp, chưa gợi nhiều liên tưởng đến nội dung. Nội dung được trình bày và biên tập kỹ, không có lỗi chính tả, chữ in to rõ dễ đọc. “Bẫy cảm xúc hay trò lừa đảo của tâm trí” là một quyển sách tâm lý học ứng dụng có phần khô khan, dù tác giả đã linh hoạt đưa vào khá nhiều câu chuyện trích từ các cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Do đã đọc khá nhiều sách tâm lý nên riêng với mình thì quyển sách này chưa đáp ứng được những điều mình kỳ vọng, chưa đem đến những rung động hoặc khai sáng cho tâm hồn. Có lẽ sách thích hợp với những độc giả đang muốn bắt đầu tìm hiểu về tâm lý học. Nếu đọc kỹ và ghi chép lại, người đọc vẫn sẽ chọn lọc được nhiều điều hữu ích.
Sea, 30-8-2019