“Không thể nào,” cậu bé nói, “Đó là điều một người đàn ông cần làm.”
“Thành công” là khái niệm thường được dùng để đánh giá giá trị của một người đàn ông. Tuy nhiên bản thân từ “thành công”, xét trên mọi ngữ nghĩa, lại không hàm ý một địa vị cụ thể nào, thậm chí không miêu tả được những gì một người đàn ông đã làm để đạt được điều đó, hay khi đạt được nó rồi anh ta còn giữ mình trong sạch hay không. Chính việc định nghĩa lại sự thành không đã làm nên sự sâu sắc của “Ông già và Biển cả” – cuốn tiểu thuyết kinh điển của Ernest Hemingway.
Câu chuyện trong sách rất đơn giản: Santiago là một ông lão đánh cá giàu kinh nghiệm nhưng hàng tháng trời lại không bắt được con cá nào. Đến ngày thứ 85, ông tiến sâu hơn vào vịnh Mexico và trông thấy một con cá kiếm lớn. Vì không thể kéo nó lên thuyền, ông đã giữ chặt cần câu trong 3 ngày trước khi hạ con cá bằng một mũi lao. Sau khi đem con cá lên thuyền, Santiago quay trở về cùng chiến lợi phẩm. Thế nhưng trên đường về, đàn cá mập đã rỉa con cá kiếm chỉ còn một bộ xương trắng, và ông lão trở về trắng tay.
Ở bề nổi, đây là một cốt truyện đơn giản nhưng ẩn sâu bên trong là thông điệp trường tồn với thời gian. Nó nói lên một sự thật rằng, đối với một người đàn ông, cái tôi, sự tôn trọng, sự bền bỉ và ước mơ có thể thúc đẩy anh ta bứt phá mọi giới hạn để vượt qua thách thức. Đây là câu chuyện về tinh thần bất khuất của một người đàn ông. Santiago là biểu tượng cho một thái độ sống và cuộc chiến của ông với con cá dữ có thể dạy cho phái mạnh rất nhiều bài học.
Santiago chẳng có gì ngoài một túp lều tả tơi và một con thuyền ọp ẹp với cánh buồm “được chắp vá từ bao đựng bột” và trông như “cờ hiệu xin hàng.” Dáng người hốc hác của ông được nhấn mạnh bởi những nếp nhăn, sẹo và những vết sưng tấy dưới ánh mặt trời gay gắt. Vì lẽ đó, ông là người nghèo khổ nhất trong ngôi làng chài nhỏ của mình.
Nhưng cho dù “mọi thứ về Santiago đều nói lên sự già cỗi”, mắt ông lại “có màu như biển khơi, luôn luôn phấn khởi và bất bại.” Thay vì bỏ cuộc sau 84 ngày không may ấy, ông quyết định tiến sâu hơn vào vùng vịnh Mexico.
Người đàn ông cần tiếp tục làm việc mà anh ta phải làm ở mức tốt nhất có thể mặc cho khó khăn nào xảy đến . Dù thách thức có thể níu chân anh, tinh thần anh cần đặt trong tâm thế không bao giờ bỏ cuộc. Điều đó có thể giúp anh cố gắng hết lần này đến lần khác.
Hoặc như Hemingway miêu tả: “Một người đàn ông chỉ có thể bị tiêu diệt chứ không thể bị đánh bại.”
May mắn đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Đối với một nghề mê tín như đánh bắt cá, vận xui là một thứ khủng khiếp. Ở trong làng, Santiago được gọi là “salao”, vận xui xúi quẩy nhất, vì ông đã ra khơi 84 ngày liên tiếp mà không đánh bắt được con cá nào.
Ông là kẻ lạc loài trong làng và mất đi cộng sự đáng tin của mình: cậu bé Manolin - cha mẹ cấm cậu ra khơi cùng ông. Trong khi Santiago phải chật vật trong nghèo đói mỗi ngày thì những ngư dân khác trong làng vẫn đánh được nhiều cá.
Ai cũng có thể có may mắn, nhưng không phải ai cũng có đủ quyết tâm, kỹ năng và sự bền bỉ. Santiago hiểu điều này và tin vào năng lực của bản thân hơn may mắn trời ban. “Kệ may mắn chứ”, ông nghĩ, “Mình sẽ tự tạo may mắn cho mình.”
Ông không cố gắng đi đường tắt. Ông nắm chặt cần câu hơn bất cứ ai và ông chắc chắn rằng “lúc nào cũng có mồi câu chờ đợi ở nơi mà ông tin rằng sẽ có cá.” Santiago luôn giữ dây câu với niềm tin tuyệt đối và ông sẵn sàng với mọi khó khăn mà cuộc đời sắp đặt.
Chúng ta không thể đạt được thành công bằng cách ngồi yên và chờ đợi. Chỉ khi thẳng tiến đến mục tiêu thì cánh cửa cơ hội mới mở rộng với ta. Santiago trào phúng, “May mắn thì tốt đấy, nhưng tôi thích sự chính xác hơn. Khi may mắn đến thì mình đã sẵn sàng.”
“Santiago run vì trời trở lạnh, nhưng ông biết mình có thể tự sưởi ấm và ông cần phải ra khơi.”
Cho dù đó là một chuyện nhỏ nhặt như trời trở lạnh hoặc đứng bên lằn ranh sống chết, một người đàn ông cần phải làm việc anh ta cần làm, không nên than vãn và càng không nên tự thương hại bản thân. Santiago không than thở vì đói khát và càng không khóc khi dây câu cứa vào tay.
Lênh đênh một mình trên biển, cách xa mọi chiếc thuyền khác, Santiago chiến đấu với thách thức lớn nhất của đời mình. Đó là một con cá kiếm dài hơn 5m và cuộc chiến với nó kéo dài mấy ngày liền. Khi gần kiệt sức, tay của ông bị dây câu cứa vào tay và quấn chặt lấy như “móng vuốt của chim đại bàng.” Ông rửa vết thương bằng nước biển rồi để nó khô tự nhiên dưới ánh mặt trời. Cánh tay ấy bị thương nặng và ông chỉ còn mỗi tay phải để đối mặt với con cá dài gấp đôi người ông. Mệt nhoài, Santiago “dựa vào thân thuyền” và “chấp nhận mọi cơn như lẽ tự nhiên. Ông tỏ ra thoải mái nhưng thực tế là đang chịu đựng, dù ông không thừa nhận sự chịu đựng đó chút nào."
Giá trị của một người đàn ông thể hiện qua hành động chứ không phải lời nói. Bằng cách khiêm tốn, anh ta sẽ để kết quả chứng minh giá trị của mình. Santiago có rất nhiều cơ hội để ra oai khi trò chuyện với cậu bé Manolin, nhưng ông không làm điều đó.
Manolin hỏi, “Ai là quản lý giỏi nhất, cháu hỏi thật đấy, Luque hay Mike Gonzalez?”
“Tao nghĩ là hai người họ bằng nhau.”
“Và ông là người đánh cá giỏi nhất.”
“Không. Tao biết nhiều người giỏi hơn tao.”
“Không thể nào,” cậu bé nói, “Có rất nhiều người đánh cá giỏi và nhiều người rất vĩ đại, nhưng chỉ có một mình ông.”
“Cảm ơn nhóc. Mày làm tao vui đấy. Tao hy vọng rằng không có con cá dữ dội nào xuất hiện và chứng minh rằng chúng ta sai.”
Tất cả là vì Santiago có sự quyết tâm không ai bì được. Tự cao chỉ khiến cái tôi thoải mái trong một thời gian ngắn, và nó chẳng để lại ấn tượng gì cho người nghe cả.
“Nhưng tôi muốn có được sự tự tin và sánh vai cùng DiMaggio vĩ đại, anh ta làm mọi thứ thật tuyệt hảo mặt kệ vết thương ở trên chân.”
Với Santiago, “Joe DiMaggio vĩ đại” là người truyền cảm hứng và tạo động lực cho ông. DiMaggio có những phẩm chất mà Santiago ngưỡng mộ, gợi nhắc Santiago rằng để thành công ông cần tập trung 100% vào công việc và chấp nhận mọi thử thách. Ngưỡng mộ người khác – hay có thần tượng – giúp ta có tấm gương sáng để noi theo. Họ là minh chứng rằng khó khăn nào cũng có thể vượt qua, cũng là sự bảo đảm cho mọi cơ hội tốt có thể xảy đến trong đời người.
Tuổi già sức yếu là một cái cớ phổ biến. Dù với một số vấn đề, đây là chuyện không thể tránh khỏi. Nó vẫn thường được viện cớ vào những lúc không nên, thậm chí khi người nói còn chưa nỗ lực chút nào. Khi đàn cá mập bắt đầu tấn công con cá kiếm của Santiago, ông sợ rằng mình sẽ không chống đỡ được vì tuổi già, nhưng ngay sau đó ông lấy vũ khí ra và làm việc ông cần làm. Khi lưỡi dao cắm vào một con cá mập rồi rơi khỏi cán, nỗi sợ hãi trỗi dậy một lần nữa. “Chúng sắp đánh bại mình rồi,” ông nghĩ. “Mình quá già để có thể đánh thắng cá mập, nhưng mình sẽ không ngừng lại khi trong tay vẫn còn mái chèo, gậy và bánh lái.”
Đàn cá mập kéo đến đông hơn. Ông quơ lấy gậy và đánh chúng với tất cả sức lực của mình. Trong lúc chiến đấu, mặt trời lặn dần và Santiago nghĩ, “Nếu bọn này kéo tới vào ban đêm thì mình sẽ làm gì? Mình có thể làm gì?” Ông ra một đòn nữa. “Chiến đấu,” ông nói, “Mình sẽ chiến đấu cho đến khi ngã xuống.”
Dù đàn cá mập cắn nát con cá kiếm của Santiago, nhưng chúng không đánh bại ông với tư cách một người đàn ông. Ông chưa bao giờ bỏ cuộc. Lúc chèo thuyền trở về, Santiago nếm được vị máu trong miệng của mình và ông phun xuống biển rồi nói, “Ăn đi, lũ cá. Rồi mơ rằng tụi mày đã giết một người đàn ông.”
Người đàn ông nào cũng có một đàn cá mập vây quanh mình; chúng sẽ bu lấy khi ngửi thấy mùi máu của thành tựu. Nhưng bạn không bao giờ quá già để đánh một trận ra trò cả.
Vào cuối truyện Santiago không hề khác gì lúc câu chuyện mở đầu: gần như trắng tay. Con cá không giúp ông có thêm tiền hay thành công, nhưng điều nó mang lại còn đáng giá hơn bất cứ thứ gì tiền có thể mua được. Ông không đánh mất mình khi đối mặt với thách thức, và ông hết sức trong một trận đấu công bằng. Một người đàn ông không bao giờ bỏ cuộc.
Thảo Vy | Artofmanliness.com
Nguồn ảnh: Aleksandr Petrov
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM