Lời Trạm đọc: Các độc giả thân mến của Trạm! Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là cơ hội để xã hội tôn vinh thầy cô giáo, nói nhiều hơn đến giáo dục. Ở nước ta, giáo dục là ưu tiên hàng đầu, cải cách giáo dục là mục tiêu quan trọng. Tuy vậy, kết quả của nỗ lực cải cách chưa tương xứng với kỳ vọng.
Để giúp độc giả trẻ có cái nhìn bao quát về nền giáo dục Việt Nam, so sánh một cách tương đối với các nền giáo dục tiên tiến, ở đây là Nhật Bản và Phần Lan, Trạm đọc phối hợp cùng Omega Books, thực hiện phỏng vấn hai chuyên gia.
+ Anh Nguyễn Quốc Vương: Nghiên cứu sinh giáo dục tại Nhật Bản, tác giả cuốn sách “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản"
+ Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung: Tác giả cuốn sách "Giáo dục Việt Nam và Phần Lan", hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục Ired
Dưới đây phần 1 của loạt bài "Bàn tròn giáo dục", bài phỏng vấn chuyên gia Nguyễn Quốc Vương.
Chương trình học ở Việt Nam quá nặng, chưa sát với đòi hỏi của xã hội
Có lẽ bạn hỏi về chương trình học ở Việt Nam đang được tiến hành ở các trường phổ thông chứ không phải chương trình mới sẽ được thực hiện cùng sách giáo khoa mới theo dự định từ 2018?
Theo quan sát của tôi, mặc dù đã qua rất nhiều lần cải cách, sửa chữa chương trình học ở Việt Nam hiện tại vẫn được thiết kế dựa trên tư duy truyền đạt tri thức. Trong tư duy đó trường học sẽ có nhiệm vụ là giảng dạy cho học sinh các tri thức và các tri thức này được cung cấp chủ yếu từ chương trình-sách giáo khoa và thông qua người thầy.
Chính vì bị ám ảnh bởi tư duy đó cho nên mới có chuyện tranh luận sách giáo khoa quá tải hay không quá tải, dày hay mỏng. Tác giả viết sách giáo khoa thì muốn viết sao cho đủ kiến thức, bỏ cái gì đi cũng tiếc. Thầy giáo khi dạy thì chỉ sợ thiếu thời gian, “cháy giáo án” vì cái gì cũng muốn giảng, cũng muốn nói. Bài giảng của thầy lại chủ yếu dựa vào sách giáo khoa thậm chí chỉ là sự tóm tắt sách giáo khoa nên nỗi lo sợ thiếu thời gian để truyền đạt tri thức tới học trò trở thành nỗi ám ảnh.
Chính vì thế vấn đề của chương trình học tập trong trường học ở Việt Nam theo tôi không phải là nhiều môn học thừa thãi mà trước hết nó nằm ở chỗ người ta lúng túng trong việc thiết kế chương trình do thiếu tư duy nền tảng hay nói cách khác là triết lý làm chỗ dựa.
Do đó cái thừa vẫn thừa mà cái thiếu vẫn thiếu. Chưa kể cho cơ chế một chương trình-một sách giáo khoa được duy trì quá lâu dẫn đến hệ lụy rất nhiều người làm giáo dục kể cả người làm ở vĩ mô và giáo viên tư duy rằng mọi chân lý đều nằm trong chương trình và sách giáo khoa. Học sinh cứ lĩnh hội được nó là đủ. Giáo viên chỉ là người thừa hành mà không có vai trò chủ động trong việc tự biên soạn, cơ cấu nên nội dung giáo dục của chính mình tạo ra các “thực tiễn giáo dục”. Do đó giáo dục Việt Nam có nhược điểm là “giáo dục không có thực tiễn” (1000 giáo viên ở 1000 trường thuộc các địa phương khác nhau đều dạy hệt như nhau về cơ bản).
Ở một số nước hiện nay, đặc biệt là Phần Lan, người ta muốn giảm tối đa số môn học, tăng thời lượng bàn luận trên lớp về các chủ đề sát sườn với cuộc sống. Anh đánh giá sao về xu hướng này, nó có diễn ra ở Nhật Bản không?
Ở Nhật theo quan sát của tôi từ 1945, khi Nhật cải cách giáo dục theo hướng dân chủ hóa thì xu hướng “cắt giảm tối đa” các môn học tôi không thấy có. Các môn học hiện nay về cơ bản vẫn là các môn học đã xuất hiện từ năm 1947. Chỉ một hai môn học biến mất hoặc hợp lại thành môn học mới. Cũng có trường hợp có môn học tách ra thành nhiều phân môn ví dụ như môn Xã hội tách thành nhiều môn có liên quan như Lịch sử-Địa lý, Luân lý, Công dân, Kinh tế-chính trị (tất nhiên vẫn còn có cả môn Xã hội).
Nhưng “các chủ đề sát sườn với cuộc sống” thì luôn được quan tâm. Ngay từ năm 1947 khi biên soạn bản Hướng dẫn học tập, văn bản chỉ đạo giáo viên toàn quốc, Bộ giáo dục Nhật đã dành một dung lượng khá lớn để nói về điều này, về chuyện giáo dục phải dựa trên nền tảng đời sống và nó phải là giáo dục đời sống. Đặc biệt trong môn Xã hội, học sinh phải được trải nghiệm đời sống để trưởng thành, để tập làm người công dân dân chủ có tư duy độc lập và tinh thần tự do. Triết lý này cho đến nay ở Nhật vẫn không lay chuyển.
Chính vì vậy trong chương trình giáo dục trường học ở Nhật thường ba gồm ba yếu tố: các môn giáo khoa-đạo đức (Đạo đức vốn không được coi là môn giáo khoa và gần đây Bộ giáo dục mới quyết định nó sẽ trở thành môn giáo khoa đặc biệt), hoạt động đặc biệt (hoạt động câu lạc bộ, hoạt động tự trị, nghi lễ trường học), Thời gian hoạt động tổng hợp (khoảng thời gian học tập tạo cơ hội cho học sinh học các vấn đề tổng hợp, những vấn đề xã hội hiện tại đang đối mặt).
Do đó trong chương trình học, học sinh từ tiểu học sẽ có cơ hội tìm hiểu, thảo luận rất nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống như sửa đổi hiến pháp, ô nhiễm môi trường, tăng hay giảm thuế tiêu dùng, chế độ tư pháp cho phép người dân thường tham gia xét xử tại tòa án (chế độ saibanin). …
Nói tóm lại trường học không phải đơn thuần là nơi chuẩn bị cho học sinh “bước vào đời” mà trường học thực sự là đời sống để học sinh trải nghiệm làm công dân và xã hội hóa bản thân.
Internet và xu hướng "Thoát trường học"
Tự học với bản thân tôi rất quan trọng. Để nghiên cứu về giáo dục Nhật thì ngôn ngữ (tiếng Nhật) là công cụ cực kì quan trọng. Tôi đến Nhật du học năm 2006 khi đã 25 tuổi và khi đó chỉ nói được vài từ chào hỏi. Học hết một năm rưỡi thực tập sinh (chủ yếu là học tiếng) tôi xin thi cao học nhưng thầy hưỡng dẫn không cho với lý do “Tiếng Nhật của anh chưa đủ”. Tôi phải cắn răng đi làm thuê và trả học phí khá lớn (khoảng 200 triệu đồng khi đó) cho việc được ở lại học tiếp.
Ở trường người ta chỉ dạy chủ yếu là ngữ pháp và nói là chủ yếu và đối tượng sinh viên quốc tế khá đa dạng. Chữ Hán tôi phải tự học toàn bộ từ viết tới đọc… Sau này khi đọc được sách của người Nhật và trở thành người thông dịch, phiên dịch tôi càng thấy rằng tự học với sự dẫn dắt của động lực mạnh mẽ từ bên trong sẽ có hiệu quả tốt. Tự học cũng sẽ dẫn mình đi được bền trên chặng đường dài.
Câu hỏi của anh hơi khó trả lời vì người Nhật rất…đa dạng (cười). Tuy nhiên quan sát đời sống trường học, đời sống thực tế và sách vở của người Nhật sẽ thấy ý thức tự học của họ rất rõ ràng.
Trước khi đến địa điểm nào, gặp ai người Nhật sẽ tự tìm kiếm thôn tin qua sách vở, internet về địa điểm hoặc người đó vô cùng chi tiết. Trong trường học từ tiểu học, học sinh đã được làm việc thường xuyên với thao tác tìm kiếm thông tin, tra cứu qua sách vở.Đọc sách-một phương thức tự học phổ biến, truyền thống và cũng có hiệu quả lâu bền nhất trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của mọi tầng lớp. Họ đọc ở bất cứ đâu: thư viện, nhà ga, bệnh viện, trường học, công viên, trên tàu xe…
Tôi rất thích một khái niệm của ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books, về cái gọi là "Uber trong giáo dục". Ý nói về một hệ thống khóa học không cần sở hữu giảng viên, phòng ốc, cơ sở vật chất… chỉ cần khung chương trình tốt, và khi đó sẽ thuê các giảng viên giỏi nhất về dạy cho học viên của mình.
Anh đánh giá sao về quan điểm này?
Tôi nghĩ đó cũng là một ý tưởng tốt.
Một nền giáo dục hiện đại, một xã hội nhân văn phải là nơi chấp nhận các ý tưởng đa dạng. Trên thực tế có nhiều trường học, trung tâm cũng đã làm điều này rồi. Có thể gọi đó là một biểu hiện của “thoát trường học”. Tôi nghĩ trong thời đại từ giờ trở đi quan niệm về người giáo viên và trường học sẽ dần thay đổi. Không gian học tập sẽ mở rộng hơn và bất cứ đâu cũng có thể trở thành trường học. Người giáo viên cũng vậy sẽ được hiểu với hàm nghĩa rất rộng. Ở Nhật ngay cả ở trường phổ thông trong rất nhiều môn học, giờ học họ đã mời cả các chuyên gia, các nhà thực nghiệp hoặc người dân địa phương tới dạy thay vì dùng giáo viên kiểu truyền thống.
Internet quả thật là một ông thầy bách khoa thông thái. Tuy nhiên suy cho cùng nó chỉ là công cụ. Nếu cá nhân không được huấn luyện các năng lực cần thiết để sử dụng công cụ này thì nó cũng không có nhiều tác dụng. Vai của giáo viên là nằm ở chỗ làm cho học sinh có được năng lực đó. Chẳng hạn người thầy biết làm cho học sinh hiểu rằng để giải quyết vấn đề A thì lấy thông tin ở đâu, xử lý thông tin đó thế nào, đọc hiểu thông tin đó ra sao, tái cơ cấu các thông tin đã xử lý đó và kết hợp với các kinh nghiệm đã có như thế nào để tạo ra thông tin mới để giải quyết vấn đề.
Theo tôi hiểu thì trước đây theo kiểu tư duy truyền thống người thầy như cái bồ chứa chữ và dạy cho học sinh biết hết các chữ mình biết. Giờ đây, trong xã hội thông tin hóa, người thầy phải trở thành “người dẫn đường” hoặc người trợ giúp học sinh. Vì thế tôi nghĩ, cho dù biên độ “thoát trường học” được đẩy tới mức tối đa, người thầy vẫn sẽ có vị trí quan trọng.
Lĩnh vực này tôi không tìm hiểu kĩ tuy nhiên theo quan sát của tôi thì Internet được sử dụng rất rộng rãi trong giáo dục ở Nhật để hỗ trợ cho cả thầy và trò. Việc tìm kiếm thông tin ở Nhật thông qua thư viện điện tử diễn ra rất thuận lợi.
Học từ giáo dục nước ngoài, đừng "Cưa Mercedes thành công nông"
Tôi đã từng viết rằng việc học tập giáo dục nước ngoài ở Việt Nam giống như “cưa Mercedes thành công nông” (cười) Nói thế hơi tếu táo và dễ làm nhiều đồng nghiệp nổi cáu. Nhưng nếu nhìn lại các cuộc cải cách giáo dục bằng tư duy lịch sử sẽ thấy nó không phải là một nhận xét thiếu căn cứ. Chúng ta đã chỉ chú trọng du nhập các phần kĩ thuật bề nổi của nước ngoài và không chú ý đầy đủ đến việc xây dựng nền tảng và các nguyên lý cơ bản cho phần kĩ thuật đó chạy. Vì thế khi phần kĩ thuật đó được áp dụng trong thực tế trường học thì nó chạy không ổn đinh, không cho ra kết quả như mong muốn hoặc tạo ra sự rối loạn.
Cách khắc phục cần làm là phải chú ý hơn nữa đến các nền tảng cơ bản, các nguyên lý phố quát của giáo dục thế giới trước rồi mới tính đến phần kĩ thuật. Cả hai cần phải dựa trên các kết quả nghiên cứu công phu và thận trọng.
Tôi nghĩ không nên hiểu một cách đơn giản học hỏi là thấy cái gì đó hay ở nước ngoài rồi mang vào Việt Nam và làm theo. Việc học hỏi cũng không chỉ giới hạn ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Việc nghiên cứu, học hỏi cần phải được tiến hành với cả những nước đang gặp nhiều khó khăn như Việt Nam và những nước ở xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Khi nghiên cứu họ, một cách tự nhiên ta sẽ nhận ra mình đang ở đâu, mình đang đối mặt với vấn đề gì và cần phải làm gì.
Vì thế, với tôi học Nhật cũng tốt, học Phần Lan cũng hay. Nghiên cứu Lào, Campuchia …càng cần thiết.
Một nền giáo dục hiện đại là nền giáo dục chấp nhận nhiều trường phái, nhiều ý tưởng, nhiều mô hình. Ở Nhật cho dù có những tính chất “Á đông” cố hữu, sự đa dạng này vẫn tồn tại. Chẳng hạn hệ thống trường tư khá mạnh. Đấy là một truyền thống có tính lịch sử của Nhật Bản. Truyền thống này có đóng góp khá lớn vào sự thành công của giáo dục Nhật.
Trạm Đọc xin cảm ơn anh về buổi trao đổi!
Thực hiện: Đỗ Hiếu - Hải Quỳnh/Trạm Đọc