Sách mở rộng tâm trí của chúng ta như thế nào?
Sách mở rộng tâm trí của chúng ta như thế nào?
"Tôi sợ rằng trong suốt quãng đời còn lại của mình, hạnh-phúc-hạng-hai nào đó sẽ là điều tốt nhất mà tôi có thể hy vọng. Nhưng điều đó thật không công bằng. Vì thế tôi quyết tâm làm việc khác. Không có ai xung quanh để dạy tôi? Cũng ổn thôi. Tôi cắm đầu vào đọc sách."
Tôi được đào tạo để trở thành vận động viên thể dục trong hai năm ở Hồ Nam, Trung Quốc vào những năm 1970. Khi tôi học lớp một, chính phủ muốn chuyển tôi đến trường dành cho vận động viên, mọi chi phí đều được chi trả. Nhưng mẹ hổ của tôi nói: "Không." Bố mẹ tôi muốn tôi trở thành một kỹ sư như họ. Sau khi trải qua Cách mạng Văn hóa, họ tin chắc rằng chỉ có một con đường chắc chắn dẫn đến hạnh phúc: một công việc an toàn và được trả lương cao. Việc tôi có thích công việc đó hay không không quan trọng.

Nhưng ước mơ của tôi là trở thành một nghệ sĩ Kinh kịch. Một nghệ sĩ Kinh kịch phải bắt đầu đào tạo từ khi còn nhỏ để học nhào lộn, vì vậy tôi đã cố gắng bằng mọi cách để theo học trường Kinh kịch. Tôi thậm chí còn viết thư cho hiệu trưởng và người dẫn chương trình phát thanh. Nhưng không có người lớn nào thích ý tưởng này. Không người lớn nào tin rằng tôi nghiêm túc. Chỉ có bạn bè ủng hộ tôi, nhưng họ cũng là những đứa trẻ, cũng bất lực như tôi mà thôi. Vì vậy, ở tuổi 15, tôi biết mình đã quá lớn để được đào tạo. Ước mơ của tôi sẽ không bao giờ thành hiện thực. Tôi sợ rằng trong suốt quãng đời còn lại của mình, hạnh-phúc-hạng-hai nào đó sẽ là điều tốt nhất mà tôi có thể hy vọng.

Nhưng điều đó thật không công bằng. Vì thế tôi quyết tâm làm việc khác. Không có ai xung quanh để dạy tôi? Cũng ổn thôi. Tôi cắm đầu vào đọc sách.

Tôi khao khát nhận được lời khuyên từ bố mẹ, và tôi đã tìm thấy chúng trong cuốn sách này từ một gia đình nhà văn và nhạc sĩ. 

Cuốn sách “Correspondence in the Family of Fou Lei" (Tạm dịch: Những lá thư trong gia đình Phúc Lỗi)

Tôi tìm thấy hình mẫu người phụ nữ độc lập của mình trong khi truyền thống Nho giáo đòi hỏi tôi vâng lời.

Cuốn sách “Jane Eyre” của tác giả Charlotte Bronte

Và tôi học cách làm việc hiệu quả từ cuốn sách này.

Cuốn sách “Cheaper by the Dozen”

Và tôi đã có cảm hứng đi du học sau khi đọc những cuốn sách này.

Cuốn sách "Complete Works of Sanmao" của Sanmao (Echo Chan) và "Lessons From History" của Nan Huaijin
Tôi đến Mỹ năm 1995, và cuốn sách đầu tiên tôi đọc ở đây là cuốn đã bị cấm ở Trung Quốc - “The Good Earth” kể về cuộc sống nông dân Trung Quốc vì nó không phù hợp cho hoạt động tuyên truyền ở nước tôi. Còn Kinh Thánh rất thú vị nhưng lạ lùng đối với tôi. Nhưng điều răn thứ năm -  “Ngươi phải hiếu kính cha mẹ ngươi.” - đã giúp tôi giác ngộ. Và tôi nói: “Đương nhiên rồi.” Lời răn này đã giúp tôi thoát khỏi cái bẫy tội lỗi kiểu Nho giáo và kết nối lại với cha mẹ. Việc tiếp xúc với một nền văn hóa mới cũng khiến tôi bắt đầu thói quen đọc và so sánh. Nó giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn. 

Ví dụ, lúc đầu tôi thấy bản đồ này chẳng phù hợp bởi vì đây là những gì mà học sinh Trung Quốc lớn lên cùng.

Sự so sánh hai tấm bản đồ thế giới của tác giả bài nói chuyện

Chưa bao giờ tôi nhận thức được Trung Quốc không cần phải là trung tâm của thế giới. Một bản đồ thực sự mang tầm nhìn của ai đó. 

Đọc và so sánh không phải là một điều gì mới mẻ. Nó là một tiêu chuẩn trong thế giới học thuật. Thậm chí có cả những lĩnh vực nghiên cứu, ví dụ như tôn giáo so sánh và văn học so sánh. 

So sánh và đối chiếu giúp học giả hiểu biết đầy đủ hơn về một chủ đề. Vì vậy, tôi nghĩ, nếu việc đọc so sánh có ích cho việc nghiên cứu thì tại sao lại không áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày? Vì thế tôi bắt đầu đọc sách theo cặp. Chúng có thể nói về những người cùng liên quan đến một sự kiện, hoặc những người bạn có cùng trải nghiệm. Tôi cũng so sánh những câu chuyện giống nhau theo những thể loại khác nhau, hoặc những câu chuyện tương đương trong những nền văn hóa khác nhau, như Joseph Cambell đã làm trong cuốn sách tuyệt vời của ông - "The Power of Myth" (Tạm dịch: Sức mạnh của thần thoại).

Ví dụ, cả Chúa Kito và Đức Phật đều trải qua 3 sự cám dỗ. Đối với Chúa Kitô, những cám dỗ là kinh tế, chính trị và tinh thần. Đối với Đức Phật, tất cả đều thuộc về tâm lý: dục vọng, sợ hãi và nghĩa vụ xã hội -- thật thú vị.

Vì vậy, nếu bạn biết ngoại ngữ, việc đọc những cuốn sách yêu thích của mình bằng hai ngôn ngữ cũng rất thú vị.

Thay vì chăm chăm vào việc dịch thuật, tôi thấy có rất nhiều mình học được. Ví dụ, qua bản dịch, tôi nhận ra “hạnh phúc” trong tiếng Trung có nghĩa đen là “niềm vui nhanh chóng”, “cô dâu” trong tiếng Trung nghĩa là “người mẹ mới”. 

Lisa Bu - Tác giả bài nói chuyện

Những cuốn sách như một cánh cổng thông tin kỳ diệu giúp tôi kết nối với con người của quá khứ và hiện tại. Tôi biết tôi sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn hay bất lực nữa. Một giấc mơ tan vỡ cũng không là gì cả so với với những gì mà nhiều người đang phải chịu đựng. Tôi dần tin rằng một giấc mơ không nhất thiết phải trở thành hiện thực. Mục đích quan trọng nhất của nó là giúp chúng ta biết được ước mơ đến từ đâu, đam mê đến từ đâu, hạnh phúc đến từ đâu. Thậm chí một giấc mơ tan vỡ có thể mang điều đó đến với bạn.  

Nhờ có những cuốn sách mà tôi được đứng tại đây hôm nay, hạnh phúc, sống lại với mục đích và sự rõ ràng, trong hầu hết thời gian. Mong rằng những cuốn sách luôn ở bên bạn.

- Bài nói chuyện của Lisa Bu trên TED năm 2013

Tags: