Bạn thật sự là ai: 5 nhóm tính cách có tác động sâu sắc đến cuộc đời mỗi người
Bạn thật sự là ai: 5 nhóm tính cách có tác động sâu sắc đến cuộc đời mỗi người
Các nhà tâm lý học tính cách đã nhất trí rằng con người khác nhau ở năm phương diện cơ bản mà họ gọi là Năm nhóm tính cách lớn. Năm nhóm tính cách này có tác động sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.
BẠN THẬT SỰ LÀ AI
(11 lượt)
Bạn có biết chúng ta không thể liếm cùi chỏ của mình không? Và nghe có vẻ lạ nhưng bạn có biết bất kể bạn phản ứng như thế nào sau khi nghe câu hỏi đó, cách phản ứng đó cũng có thể gợi ý về những đặc điểm ổn định bẩm sinh và những đặc điểm giúp tạo thành nền tảng tính cách của bạn không?

Hãy để tôi giải thích: mặc dù có hàng ngàn cách khác nhau để phân biệt con người dựa vào các đặc điểm của họ, các nhà tâm lý học tính cách đã nhất trí rằng con người khác nhau ở năm phương diện cơ bản mà họ gọi là Năm nhóm tính cách lớn. Năm nhóm tính cách này có tác động sâu sắc đến cuộc đời mỗi người. 

Năm nhóm tính cách này gồm có:

  • Cởi mở đón nhận trải nghiệm (đối lập với Bảo thủ)
  • Tận tâm (đối lập với Hời hợt)
  • Hướng ngoại (đối lập với Hướng nội)
  • Dễ chịu (đối lập với Khó chịu)
  • Nhạy cảm thái quá (đối lập với Ổn định)

Mỗi đặc điểm trong các nhóm này đều có một nền tảng sinh học vững chắc, và hiện nay, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh tính cách đang xác định những cấu trúc cũng như đường dẫn truyền thần kinh tạo ra các đặc điểm này. Bởi vì các nhóm đặc điểm này xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, nên văn hóa và nhóm ngôn ngữ, chúng có thể được coi là những nhóm tính cách phổ quát. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là mọi người đều giống nhau, mà ngược lại, nó cho thấy dù ở đâu thì con người đều có thể được phân biệt với nhau trên các phương diện này. Bên cạnh đó, giữa năm nhóm đặc điểm này không có một ranh giới cố định nào; mỗi cá nhân đều sở hữu cả năm đặc điểm ở một mức độ nào đó và hiếm ai nghiêng hẳn về một thái cực.

Tiếp theo, hãy cùng lướt qua từng nhóm đặc điểm.

 

Cởi mở đón nhận trải nghiệm

 

Người có mức độ cởi mở cao với trải nghiệm dễ bị thu hút bởi những chuyến phiêu lưu mới và sốt sắng khám phá nhiều phương pháp khác nhau. Những người có mức độ cởi mở thấp hơn thì thích những cách thức đã được chứng minh là hiệu quả, và khác với những người bạn cởi mở hơn của mình, họ vô cùng thoải mái khi nói “cách này đã được kiểm chứng”. Một nghiên cứu đáng chú ý tại Viện Nghiên cứu và Đánh giá tính cách tại Berkeley (nay là Viện Nghiên cứu Tính cách và Xã hội) cho thấy sự cởi mở đón nhận trải nghiệm là đặc điểm nổi bật của những người đặc biệt sáng tạo. Theo một nghiên cứu thú vị của một trong những người phát triển mô hình Năm nhóm yếu tố tính cách lớn, những người thuộc nhóm cởi mở thường “nổi da gà” - tức là lông trên người họ dựng đứng - khi nghe một bản nhạc hoặc tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật khiến họ rung động. 

Vậy bạn có thử liếm cùi chỏ của mình không? Tôi đoán nếu thuộc nhóm hào hứng đón nhận những trải nghiệm mới thì hẳn bạn đã thử liếm rồi. Còn nếu có mức độ cởi mở thấp, bạn có khuynh hướng tiếp tục đọc.

 

Tận tâm

 

Những cá nhân có mức độ tận tâm cao thường là những người đặc biệt phù hợp với các định nghĩa truyền thống về thành công. Họ thường đạt thành tích cao hơn trên con đường học vấn cũng như sự nghiệp so với những người có mức độ tận tâm thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là đa số những thành công của người tận tâm sẽ xuất hiện trong các hoạt động hoặc công việc đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề thông thường, trong khi người có tính cởi mở cao có thể xuất sắc trong các lĩnh vực cần đến những giải pháp sáng tạo. Người có mức độ tận tâm cao rất đúng giờ và kiên trì; họ có thể tập trung cao độ vào những hoạt động trước mắt. Tuy nhiên, kiểu tập trung chuyên biệt này có thể chỉ hiệu quả trong một vài lĩnh vực nhất định. Ví dụ, hai người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách và cơ cấu của các tổ chức Robert và Janice Hogan đã thực hiện một nghiên cứu mà trong đó những nghệ sĩ nhạc jazz được yêu cầu đánh giá khả năng biểu diễn của đồng nghiệp. Kết quả là những nghệ sĩ có mức độ tận tâm cao thường bị đồng nghiệp đánh giá là biểu diễn kém hơn. Có lẽ đó là vì những nghệ sĩ tập trung cao độ vào phần trình diễn của mình thường không thể hiện được tính ngẫu hứng vốn rất quan trọng đối với thể loại nhạc jazz ứng tác.

Người trưởng thành thuộc nhóm tận tâm thường có khuynh hướng tránh xa chất gây  nghiện, không tham gia các hoạt động nguy hiểm và rất tuân thủ các chế độ có lợi cho sức khỏe cũng như vóc dáng.  Nhờ đó, họ khỏe mạnh và sống thọ hơn những người bạn có mức độ tận tâm kém hơn. Sự khác biệt về mặt sức khỏe là việc đáng lưu ý: thiếu sự tận tâm đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng không kém gì bệnh tim trong dự đoán tình trạng chết trẻ, không kém gì bệnh tim. Người có chỉ số tận tâm cao cũng nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành các vai trò trong công việc cũng như trong gia đình, nhờ đó lại tăng thêm mức độ tận tâm.

Những người này phản ứng như thế nào khi nghe câu hỏi về việc tự liếm cùi chỏ? Khi tôi yêu cầu mọi người làm việc này theo nhóm, người thuộc nhóm tận tâm thường không thực hiện ngay lúc đó. Tôi nghĩ họ đã ghi nhớ để làm thử ở nhà. Tôi còn cho rằng những người đặc biệt tận tâm hẳn đã lên Google và tìm thông tin về “tư liếm cùi chỏ” để xem đó có thật là việc bất khả thi hay không?

 

Hướng ngoại 

 

Người hướng ngoại cực kỳ nhạy với những phần thưởng tiềm năng trong môi trường hoạt động của mình. Họ nhanh chóng nhắm tới sự kích thích tích cực mà mình luôn khao khát có được để có thể hoàn thành các công việc và dự án hằng ngày một cách hiệu quả. Đặc điểm này cũng bắt nguồn từ đặc điểm sinh học. Đã có bằng chứng cho thấy so với người hướng nội, người hướng ngoại thường đạt thành tích tốt hơn trong các hoạt động nhận thức có liên quan tới phép đảo chữ hoặc trí nhớ ngắn hạn khi não của họ được khuấy động bởi các chất kích thích hóa học như caffeine. Ngược lại, thành tích của họ sẽ tệ hơn nếu họ hấp thụ những chất có tác dụng xoa dịu thần kinh như các loại đồ uống có cồn.

Sở thích âm nhạc của người hướng ngoại thiên về kiểu âm thanh ồn ào, rộn ràng và tràn đầy năng lượng. Một phần vì nhu cầu được kích thích và cũng bởi sự tập trung vào phần thưởng hơn là hình phạt, người hướng ngoại có khuynh hướng “đụng độ” với những nhân vật hoặc cơ quan có thẩm quyền nhiều hơn, chẳng hạn như họ thường bị cảnh sát giao thông thổi phạt hoặc từng nhiều lần bị cha mẹ, thầy cô phạt cấm túc khi còn nhỏ.

Một trong những tình huống kích thích nhất đối với người hướng ngoại là giao tiếp xã hội và họ rất hào hứng tham gia vào những sự kiện đó. Một trong những hoạt động xã hội kích thích nhất là các hoạt động có liên quan tới tình dục, và thực tế cho thấy người hướng ngoại có tần suất thường xuyên hơn và trải nghiệm tình dục đa dạng hơn so với người hướng nội. Tuy nhiên, người hướng nội vẫn có thể tận hưởng một số hoạt động dù họ không tham gia với tần suất cao như người hướng ngoại, bởi trong nhiều loại hoạt động thì chất lượng được đánh giá cao hơn số lượng. Nói cách khác, người hướng ngoại có khuynh hướng ưu tiên số lượng hơn chất lượng, còn người hướng nội thì ngược lại. Các sinh viên hướng nội của tôi cho biết khuynh hướng này cũng đúng với chất lượng hoạt động tình dục của họ. Tôi ghi nhận nhưng chưa có dữ liệu để xác thực thông tin này.

Còn về chuyện liếm cùi chỏ, tôi hết sức tin rằng những độc giả hướng ngoại sẽ thử liếm cùi chỏ của mình. Có khi họ đã liếm luôn cùi chỏ của người ngồi bên cạnh rồi.

 

Dễ chịu

 

Những cá nhân có thang điểm dễ chịu cao thường phát huy đặc biệt hiệu quả năng lực của mình khi làm việc trong các nhóm, nơi họ có thể được tin tưởng giao cho nhiệm vụ xóa bỏ mâu thuẫn và xây dựng mối quan hệ hợp tác. So với người có thang điểm dễ chịu thấp hơn thì họ rất tin người và do đó thường bị người khác coi là ngây thơ. Người thuộc nhóm dễ chịu có khuynh hướng xuất sắc trong các hoạt động hướng về con người, tức là những lĩnh vực đòi hỏi lòng cảm thông, tinh thần vị tha cũng như các cách tương tác thể hiện được lòng nhiệt thành và giàu tính biểu cảm. Nhóm này cũng chú ý đến những tín hiệu đến từ biểu cảm của người khác và điều này góp phần làm tăng khả năng đồng cảm của họ.

Những người có mức độ dễ chịu thấp thường đa nghi và khó tin tưởng người khác. Họ có kiểu tương tác hơi mang tính công kích và chính kiểu tương tác này có thể khiến họ có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là tim mạch. Họ cũng dễ bị căng thẳng vì áp lực thời gian và cực kỳ tham vọng. Ngày nay, người ta đã nhận ra rằng không phải tham vọng thành công mà chính nét tính cách khó chịu cũng như thái độ thù địch mới là tác nhân gây ra các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Vậy mức độ dễ chịu có liên quan như thế nào đến chuyện tự liếm cùi chỏ? Những người thuộc nhóm dễ chịu thì dễ... đồng tình với người khác, do đó, khả năng cao là họ sẽ xuôi theo cuộc chơi. Tuy nhiên, người có mức độ dễ chịu thấp có lẽ sẽ không có ý định tham gia vào chuyện này. Có khi họ đã ngừng đọc quyển sách này và đi ra ngoài để mắng những đứa trẻ ồn ào nhà hàng xóm.

 

Nhạy cảm thái quá

 

Cụm từ quả nhạy cảm thường khiến người nghe cảm thấy bị chê bai, và mặc dù được đánh giá cao ở một số nơi (như ở New York chẳng hạn), sự nhạy cảm thái quá thường không được xem như một đặc điểm có lợi. Những người có điểm cao trong thang điểm “nhạy cảm” của Năm nhóm tính cách lớn thường dễ rơi vào trạng thái lo lắng, u uất và dễ tổn thương. Điều này không có nghĩa là họ có bệnh lý trầm cảm hoặc mắc chứng âu lo; họ chỉ đơn giản là có những cảm xúc tiêu cực và thường để những cảm xúc này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu như nhóm hưởng ngoại có khuynh hướng tìm kiếm phần thưởng tiềm năng trong môi trường sống của họ, những người thuộc nhóm quá nhạy cảm rất nhạy với các loại hình phạt tiềm ẩn. Không có gì ngạc nhiên khi trong quá trình xác định xem đặc điểm nào trong Năm nhóm tính cách lớn có thể dự đoán tốt nhất về khả năng sống hạnh phúc của một người, chúng tôi phát hiện ra rằng nhóm những người hướng ngoại có tâm lý ổn định thường dễ hạnh phúc nhất và nhóm hướng nội nhạy cảm thái quá là ít có khả năng tận hưởng cuộc sống nhất.

Vậy sự nhạy cảm thái quá này có ưu điểm nào không? Xét theo một số khía cạnh nào đó, những người có thần kinh quá nhạy cảm giống như những chú chim hoàng yến từng được giới thợ mỏ dùng để thăm dò khí độc trong các hầm mỏ thời xưa. Nhóm này có thể phát hiện những thứ mà người ít nhạy cảm hơn không hề nhận ra, chẳng hạn như những thay đổi trong môi trường sống, sự xáo trộn trong thói quen sinh hoạt hằng ngày và các mối nguy hiểm khó lường trước. Sự nhạy cảm thái quá này không giúp mang lại một cuộc sống thoải mái và đơn giản cho người sở hữu nó. Các nhà văn, nghệ sĩ và những người nhìn đời với đôi mắt sắc sảo thường có khuynh hướng quá nhạy cảm.

Trong lịch sử tiến hóa của tính cách con người, tôi đoán nhóm hướng ngoại ổn định là những người đầu tiên phát hiện con mồi và tổ tiên của chúng ta đều được hưởng lợi từ những gì họ bắt được. Tuy nhiên, để sinh tồn, chúng ta cũng cần những người hướng nội nhạy cảm có biệt tài phát hiện thú dữ. Chúng ta cũng nên biết ơn họ vì họ giúp tổ tiên chúng ta giảm nguy cơ bị thú dữ phát hiện, săn lùng và ăn thịt.

Nếu thuộc nhóm nhạy cảm thái quả, có lẽ bạn đã trăn trọc vì vấn đề tự liếm cùi chỏ suốt một khoảng thời gian dài và lo lắng rằng mình lại không thể chứng tỏ được khả năng vượt qua các thử thách nhỏ. Nhưng tôi hy vọng dự đoán của tôi là sai. Sự nhạy cảm thường bị đánh giá thấp. Và xét từ góc độ tiến hóa, loài người thật sự nợ bạn rất nhiều.

Vậy ý nghĩa nào ẩn đằng sau việc chúng ta biết mình thuộc nhóm tính cách nào? Đã có bằng chứng cho thấy mỗi đặc điểm trong Năm nhóm tính cách lớn đều có cơ sở di truyền học. Những đặc điểm cơ bản này tạo thành bản tính sinh học, hay bản tính đầu tiên của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bản tính sinh học này cùng với cuộc chơi may rủi của các loại gien di truyền là những yếu tố duy nhất quyết định hướng đi của ta trong đời.

Bài viết được trích lược từ cuốn “Bạn thật sự là ai?” của tác giả Brian R.Little do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc thêm về cuốn sách tại đây
Tags: