Bác sĩ Yoshinori Nagumo: Uống nước vẫn béo là do gen đói
Bác sĩ Yoshinori Nagumo: Uống nước vẫn béo là do gen đói
Đây chính là thông tin được bác sĩ người Nhật Yoshinori Nagumo chia sẻ trong cuốn sách "Ăn ít để khỏe".

Tại sao có những người uống nước vẫn béo?

Nhiều người sau khi thất bại trong việc giảm cân thường hay đùa nhau rằng: "Người như tôi chỉ uống nước vẫn cứ béo." Trên thực tế. việc uống nước có làm con người béo lên không là vấn đề cần phải xem xét thêm, nhưng với tôi câu nói kia vẫn mang một ý nghĩa nhất định, đó có thể là đặc tính riêng của con người.

Khi con người sống sót qua thời kỳ đói nghèo kéo dài hơn nửa thời gian của lịch sử nhân loại, tổ tiên chúng ta đã thu nạp được loại gen giúp con người cố gắng hấp thụ phần lớn dưỡng chất dù chỉ từ chút ít thức ăn. Đó chính là “gen đói”, một trong những gen cấu thành nên bộ “gen sinh mệnh”.

Tuy tổ tiên chúng ta dần dần đã kiếm thêm được nhiều thức ăn hơn, nhưng vì không lường được lần tới sẽ no hay đói, cho nên nếu đã có thức ăn, dù rất ít ỏi, chúng ta cũng không bỏ phí chúng. Nhờ đó mà cơ thể biết hấp thụ các dưỡng chất, tích trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Đây chính là lý do khiến cơ thể có thể bị béo lên dù chúng ta ăn rất ít.

Một đoạn gen trong cơ thể người. Ảnh: inter

Nếu cơ thể không vận hành như vậy, có lẽ tổ tiên chúng ta không thể sinh tồn qua hàng vạn năm lịch sử trong cuộc chiến với nạn đói. Vì vậy, những cơ chế khiến cho cơ thể bị béo lên dù ta chỉ ăn một lượng rất ít chính là thành quả tiến hóa của loài người. “Gen đói” đã điều hành chính xác hoạt động chuyển hóa và tích trữ thức ăn dưới dạng mỡ rất hiệu quả, nên nó còn được gọi là “gen tiết kiệm”.

Trong những “dị nhân” về ăn uống mà ta thường thấy trên ti vi, có những tạng người gầy, ăn rất nhiều vẫn không béo nổi, những trường hợp hiếm có đó là do thiếu “gen đói”. Trên thực tế, những người này nếu để bị đói sẽ không sống sót được lâu như người bình thường. Lẽ dĩ nhiên, cơ chế chuyển hóa thức ăn thành chất béo nội tạng là do tạo hóa. Cũng chính nhờ điều đó mà loài người đã tồn tại và sinh sôi được suốt 170.000 năm qua.

Gen đói và gen sinh mệnh

Nếu nói “gen đói” giúp hấp thụ nguồn dưỡng chất nhiều nhất có thể từ chút ít thức ăn, thì nó cũng được xem là loại “gen tích trữ năng lượng”. Và cùng với “gen đói”, còn một loại gen quan trọng nữa cũng góp phần vào việc duy trì sự sống cho con người. Đó chính là “gen trường thọ”, một loại gen đang thu hút được sự chú ý của giới trẻ trong thời gian gần đây, có tên khoa học là “gen Sirtuin".

Vì nó đang là đề tài hay được nói đến trên ti vi, nên có thể rất nhiều người đã từng nghe đến tên của loại gen này, nhưng động cơ để tìm ra nó lại bắt nguồn là từ giả thuyết “Khi chúng ta đói bụng, năng lực sinh tồn sẽ được kích hoạt, và cơ thể được trẻ hóa”.

Hiện nay chúng ta có thể thấy trong “Pháp nhịn ăn” của đạo Phật hay “Tháng Ramadan” của đạo Hồi, thay vì ăn nhiều, ăn ít sẽ giúp kéo dài sự sống. Và đây chính là lý do khiến các nhà khoa học tiến hành quan sát thời gian sinh tồn thực tế của hầu hết các loài động vật khi thay đổi lượng đồ ăn.

Ăn ít, trong đó lượng rau xanh chiếm đa số khẩu phần là thực đơn tốt cho sức khỏe

Họ thử nghiệm trên hầu hết các loài động vật như khỉ nâu Macaca, chuột bạch, hay chuột lang... và thấy, bằng cách giảm 40% lượng thức ăn, hiệu quả duy trì sự sống đạt mức cao nhất, kéo dài 1,4 - 1,6 lần so với thông thường.

Không chỉ vậy, khi tiến hành thử nghiệm ở khỉ, kết quả cho thấy những con khỉ háu ăn sẽ bị rụng lông và da mặt chảy xệ. Còn với những con khỉ tuy đã nhiều năm tuổi, khi bị hạn chế bữa ăn, lông của chúng vẫn mọc rậm, mượt mà, da trở nên căng bóng.

Từ kết quả thực nghiệm này có thể suy đoán rằng, khi sinh vật ở trong tình trạng đói, chắc hẳn có một loại gen nào đó được kích hoạt để duy trì sự sống. Và “gen Sirtuin” (còn gọi là gen sinh mệnh)  chính là kết quả của những hoạt động nghiên cứu dựa trên phán đoán đó.

Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thêm và đưa ra kết n chứng minh rằng khi cơ thể con người ở trình trạng đói, loại gen này sẽ kiểm tra tất cả các gen ở 50.000 tỉ tế bào trong cơ thể người và giúp phục hồi những gen bị hỏng, tổn thương. Điều này không chỉ liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ mà còn cho thấy loại gen này cũng tham gia vào “hoạt động ngăn cản sự lão hóa và bệnh tật”.

Trong quá trình tìm hiểu về “gen Sirtuin”, “gen đói” đã đề cập ở trên, cùng các loại “gen sinh mệnh” khác tôi sẽ nói ở phần sau như “gen sinh sản”, “gen miễn dịch, “gen phục hồi”... tôi đã có một niềm tin vững chắc rằng, chính việc kích hoạt “gen sinh mệnh” sẽ mang lại cho chúng ta sự trường thọ và khỏe mạnh. 

Hơn nữa, “gen sinh mệnh” chỉ thể hiện khi cơ thể bị đói. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến “Phương pháp ăn mỗi ngày một bữa lành mạnh” trở thành chủ đề chính của quyển sách này.

Người Nhật từ xưa đã có câu ngạn ngữ “Hara- hachi-bun-me” để cảnh báo về việc ăn đầy bụng, ngụ ý rằng bí quyết của sức khỏe là chỉ ăn tám phần no (ăn lưng lửng dạ), như một cách nhắn nhủ hậu thế luôn cố gắng giữ gìn lối sống sao cho các gen này được thể hiện đầy đủ.

Bác sĩ Yoshinori Nagumo

Tags: