Ẩn ức về cái đẹp trong tiểu thuyết của Mishima Yukio
Ẩn ức về cái đẹp trong tiểu thuyết của Mishima Yukio
Tường tận từng góc khuất u tối trong tâm lý của con người, Mishima Yukio đã gửi đến độc giả một kiến giải duy mỹ về cái đẹp trong "Kim Các tự".

Kim Các tự là tiểu thuyết kinh điển của Mishima Yukio, tác phẩm mới được phát hành tiếng Việt qua bản dịch của Nguyễn Văn Thực. Một buổi trò chuyện quanh tác phẩm với chủ đề "Ẩn ức về cái đẹp trong tiểu thuyết Kim Các tự" diễn ra chiều 2/7 tại TP.HCM.

 Tại buổi tọa đàm, độc giả có dịp lắng nghe và hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Mishima Yukio - một tài năng của văn học Nhật Bản. Theo chia sẻ của nhà văn Huỳnh Trọng Khang, các tác phẩm của Mishima Yukio là tinh hoa của văn học Nhật Bản mang sắc thái độc đáo.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (bên trái) và nhà văn Huỳnh Trọng Khang (bên phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Văn.

Tác phẩm Kim Các tự có bản tiếng Việt lần đầu từ năm 1970, sau đó được tái bản lần lượt qua các năm 1990, 2002 và 2004 với tên gọi Ngôi đền vàng.

Tác phẩm dựa trên một sự kiện có thật vào ngày 2/7/1950, tòa Kim Các tự - di sản của Kyoto chìm trong biển lửa dưới bàn tay phóng hỏa của một tiểu tăng tại chùa. Mishima đã cất công thu thập tài liệu và bằng tài năng của mình thể hiện quan niệm duy mỹ cực đoan rằng cái đẹp không nằm trong vật chất mà nằm trong suy nghĩ, cái đẹp ở ảo mộng thì tuyệt mỹ hơn ngoài đời và cuối cùng, cái đẹp cần phải đi tới chỗ tự hủy hoại.

Tiểu thuyết kể về thiếu niên tên Mizoguchi, có tật nói lắp và luôn tự ti về khuyết tật cũng như diện mạo của mình. Từ nhỏ, cậu đã được cha kể về Kim Các tự, say mê Kim Các tự qua từng trang sách vở. Về sau khi trở thành tăng sinh vào tu tập tại Kim Các tự, cậu vì quá mê đắm và muốn giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ trong lòng mình nên đã đốt ngôi chùa.

Xuyên suốt tác phẩm là nỗi bất mãn kể từ giây phút cậu hay tin ngôi chùa có thể bị hủy hoại trong làn bom đạn, Mizoguchi muốn kéo mọi vẻ đẹp về gần với sự hủy diệt để giải thoát những ẩn ức mặc cảm của cậu.

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, các tác phẩm của Mishima giàu mỹ cảm, tinh tế và đầy ám ảnh. Cái đẹp trong văn chương ông thường được gắn với sự hủy diệt, cái đẹp lại chìm trong bóng tối nhưng chính điều đó làm nên tên tuổi của nhà văn.

“Văn chương cần được hiểu bằng những ẩn ý sau hàng chữ, hành động đốt Kim Các tự của chú tiểu không phải là hành động đốt để hủy hoại đơn thuần mà chính là phá đi hình tướng của Kim Các tự để cái đẹp không bám víu vào hình tướng ấy. Kim Các tự đã từ không đến với cậu và cũng từ đó trở về không. Như hình ảnh cánh chim phượng hoàng trong tiểu thuyết hồi sinh từ trong lửa để sống một đời trọn vẹn", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu liên tưởng đến Cửu Trùng đài của Vũ Như Tô, ông chia sẻ: "Đừng để bất cứ thứ gì trở thành chân lý hàng đầu. Cả hai đều yêu cái đẹp nhưng bị cái bóng khống chế đời mình".

Bằng bút pháp sắc sảo và sự am hiểm đến tường tận từng góc khuất u tối trong tâm lý của con người, Mishima Yukio đã gửi đến độc giả một kiến giải duy mỹ về cái đẹp cùng những ẩn ức của con người khi cái đẹp chìm khuất trong bóng tối và sự yếu thế của con người trước cái đẹp. Họ cố vùng vẫy, thoát ra khỏi những phức cảm mà họ luôn ám ảnh.

Cái đẹp không nằm trong hình tướng hay vẻ bề ngoài mà nằm trong tâm trí. Vẻ đẹp tuyệt mỹ trong trí tưởng tượng gấp bội lần đời thực. Làm sao để giữ mãi vẻ đẹp ấy? Phải thiêu đốt cái đẹp ngay chính lúc rực rỡ nhất như những cánh đào rơi mùa hạ.

Chính quan điểm cái đẹp cần phải đi tới chỗ tự hủy hoại lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của Mishima Yukio làm say đắm biết bao thế hệ độc giả hơn nửa thế kỷ qua. Quan điểm này thể hiện một cách mãnh liệt trong kiệt tác Kim Các tự mà mỗi độc giả khi lật từng trang sách phải tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình về nỗi ám ảnh của cái đẹp không hình tướng.

Trao đổi với Zing, nhà văn Huỳnh Trọng Khang cho biết dù đã được học và đọc đi đọc lại nhiều lần tiểu thuyết Kim Các tự của Mishima Yukio, qua những lời chia sẻ của thầy Nhật Chiêu, anh nhận được nhiều kiến thức mới và bổ sung vào những quan điểm của riêng mình về cái đẹp trong văn học Nhật Bản.

Theo Zing News

Tags: