7 mẹo nhỏ để việc đọc sách trở nên
7 mẹo nhỏ để việc đọc sách trở nên "dễ thở" hơn
Tôi thường thua kém trong các trò chơi trí tuệ: sudoku, cờ vua, cờ tướng, cờ caro, othello … nên đọc sách là giải pháp thay thế. Ít nhất sách không cười vào mặt tôi “Mày lại thua nữa rồi!”

Bạn có còn nhớ bài viết "Tạo dựng thói quen đọc sách: Sai! Sai hết cả! Hãy để tôi đưa ra những quan điểm mang tính đột phá" đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bạn đọc trong cộng đồng độc giả Trạm Đọc vừa qua? Nếu không nhớ thì cũng không sao. Bởi ngay sau khi đọc xong bài viết cùng tác giả này, có lẽ bạn sẽ tìm lại ngay bài viết kia để được thích thú với những quan điểm vô cùng mới lạ về Văn hóa Đọc và làm sao để truyền thông cho nó một cách hiệu quả (tại ĐÂY).

 

Giờ thì...Mời bạn.

 

Một bài viết TỐI CẦN THIẾT cho người đọc sách.

 

Trừ khi bạn chưa đọc một cuốn nào ….

 

Đến thời điểm này thì chẳng ai dại dột đi bàn cãi về giá trị của sách cả, dĩ nhiên tôi cũng đồng tình như bạn rằng sách là kho tàng tri thức. Nhưng biết là một chuyện, hiểu là một chuyện, và có chịu đọc sách hay không lại là chuyện khác. Đọc sách giống như tập thể dục – bản thân tôi biết tập thể dục là tốt nhưng … không tập. Tương tự, sách là bài thể dục cho não bộ, tư duy. Nhiều người không đọc, hoặc đọc không đủ số lượng họ cần. Bài viết này là một vài mẹo mực từ một con nghiện sách (bibliophile) đọc nhiều hơn bất kỳ ai mà tôi quen biết, khiến việc đọc sách của bạn trở nên hứng thú hơn, nhẹ nhàng hơn. Cùng khám phá một vài điều mà rất nhiều người đọc sách bỏ qua:

 

MÔ TẢ LẠI VỀ MỘT VÀI LỢI ÍCH “KHÔNG TƯỞNG” MÀ SÁCH MANG ĐẾN

 

 

Bạn sẽ có một trí nhớ tốt hơn. Tôi thường thua kém trong các trò chơi trí tuệ: sudoku, cờ vua, cờ tướng, cờ caro, othello … nên đọc sách là giải pháp thay thế. Ít nhất sách không cười vào mặt tôi “Mày lại thua nữa rồi!”


Hầm trú ẩn. Tác dụng này cực kỳ hữu hiệu đặc biệt với người hướng nội. Khi công việc, mối quan hệ, … có trục trặc, bạn có thể chui vào thế giới của sách để giảm căng thẳng, xả stress, tìm sự bình yên


Kiến thức. (Phần này không cần nói thêm)


Trở thành bậc thầy giao tiếp và tạo quan hệ. Bạn ăn nói lưu loát hơn, ngôn từ phong phú hơn, diễn đạt trôi chảy hơn và tư duy nhất quán hơn.


Kỹ năng: Cải thiện khả năng tập trung trong công việc, thú vị nhất là bạn sẽ “nói giỏi, viết hay”.


SỰ THẬT VỀ VIỆC ĐỌC SÁCH (CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT)

 

 

Đây là lưu ý vô cùng khẩn cấp đầu tiên! Bạn ĐỪNG quan trọng việc đọc sách thì phải áp dụng được gì vào thực tế. Tôi không hiểu ai đó lại đưa ra cái suy nghĩ khắt khe và cầu toàn đến vậy. Có vẻ họ đang bóp cổ bạn bằng quan điểm đó, làm cho chính bạn thấy khó thở khi đọc. Hãy nhẹ nhàng coi đó là một hoạt động giải trí, thú vui tiêu khiển, thậm chí trò “giết thời gian” vì thời gian sẵn sàng chết vì bạn nếu bạn đọc sách.

 

Lưu ý quan trọng thứ hai: Đọc sách thì phải nhớ được điều gì đó. Bạn chỉ nhớ 5% những gì bạn đọc, nghiên cứu là vậy, bạn không thể nhớ nội dung cuốn sách mà cũng … không cần nhớ. Bạn nhớ làm gì cái danh bạ điện thoại khi bạn thích là có thể mở ra xem? Bạn nhớ làm gì nội dung khi lúc cần bạn lại mở sách ra tìm đến trang đó? Bộ não của bạn, thiết nghĩ, chỉ nên dùng 20% cho việc ghi nhớ, còn lại 80% phải là hoạt động tư duy và chiêm nghiệm. Einstein không nhớ nổi số điện thoại của mình, và một vài vĩ nhân không nhớ mình là ai, nhà ở đâu hay chuyện con cái. Đầu óc họ “làm việc toàn thời gian” cho tư duy. Người đời thường gán cho họ bệnh “đãng trí”, nhưng đó là cái “đãng trí bác học”, những kẻ chê bai lại thường dạng “thiếu niên đắc chí”

 

Lưu ý về ngộ nhận “chết người” thứ ba: Đọc sách phải giữ gìn. Sách không phải vật trang trí bày lên tủ kính đâu bạn ơi. Những cuốn sách của tác giả Dale Carnegie (Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống) thường yêu cầu người đọc phải gạch chân, tô màu, bôi xóa đóng khung những đoạn quan trọng. Tôi cũng thường có thói quen khoanh tròn, nguệch ngoạc những suy nghĩ phát sinh bất chợt khi đọc. Gia Cát Lượng và Chu Du đọc xong một cuốn là đốt một cuốn. Thế nên tôi thích câu của bác Nguyễn Mạnh Hùng bên Thaihabook: “Sách không phải để thờ”

 

Lưu ý về cái ổ gà thứ tư: Sách là lý thuyết. Cái mặt kẻ phát ngôn câu này mới là lý thuyết của chữ DỐT. Kẻ đó còn không biết chọn sách cơ.

 

VÀ ĐÂY LÀ ĐIỀU BẠN TRÔNG ĐỢI: NHỮNG MẸO NHỎ ĐỘC QUYỀN CỦA TÔI TRONG VIỆC ĐỌC (KHÔNG CÓ TRÊN GOOGLE) VÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC

 

 

 

Đến bây giờ, có thể tôi đã tháo gỡ xong bàn tay trên cổ bạn. Hít thở đi, và chúng ta cùng tiếp tục.

 

Mẹo số 1: Đọc ngẫu hứng (random). Hãy nhẹ nhàng vươn đôi tay ra và nhúp lấy một cuốn bất kỳ bạn thích, liếc ngang mục lục xem có phần nào hay hay thì đọc. Bạn không nhất thiết phải đọc từ đầu.

 

Mẹo số 2: Đọc dở dang. Nếu có một vài cuốn cần đọc, nhưng cuốn này đọc chưa xong mà lại bị hấp dẫn bởi cuốn khác, hãy đọc cuốn hấp dẫn hơn. Đôi khi tôi thường đọc dở dang 6-7 cuốn cùng lúc.

 

Mẹo số 3: Nghệ thuật tàn phá. Sách của tôi luôn chi chít giấy nhớ, gạch chân, đóng khung, nguệch ngoạc ghi chép, gập trang, cong mép, đôi chỗ bẩn bẩn, có mùi thức ăn, hoặc một mẫu sinh vật ép khô (muỗi là chủ yếu) … cứ bình tĩnh. Chúng ta đâu có đặt lên bàn thờ thứ đó. Bạn được toàn quyền đối xử với sách mà. (Những kẻ có đạo đức đang lên án tôi phần này, từ từ đã, có phải bạn đọc được ít sách hơn tôi?)

 

Mẹo số 4: Đọc sách khi bắt đầu một ngày mới. Tôi không quan tâm bạn bắt đầu một ngày mới lúc mấy giờ. Người ta nói “Người thành công thường dậy sớm” và “Trên bước đường thành công không có dấu chân kẻ lười biếng”. Tôi thường bình minh lúc 9h sáng và nếu quả thật vậy, tôi sẽ để lại dấu lốp xe thay vì dấu chân. Thời điểm khi mới ngủ dậy, độ tập trung sẽ tốt hơn trước khi tâm trí bạn bị chôn sống bởi các công việc khác.

 

Mẹo số 5: Đọc sách lúc chờ đợi: chờ xe, chờ bạn, đi WC. Tôi không nói chuyện thói quen tốt xấu ở đây, chắc bạn đang nghĩ ai lại mang sách vào WC bao giờ? Tôi nghĩ thế vẫn hay hơn mang smartphone vào. Bạn thích thứ gì bị “ám mùi” hơn?

 

Mẹo số 6: Tạm thời không quan trọng đọc bao lâu một ngày. Đừng cứng nhắc thế, có thể nằm dài cả ngày ra đọc, hoặc hôm nào bận bịu thì không đọc nổi 1 trang, đó là chuyện bình thường. Matamune (thần mèo 2 đuôi trong truyện tranh Vua pháp thuật) : “Sách là thú vui tao nhã của người có tri thức”.

 

Mẹo số 7: Tạm thời không quan trọng việc đọc để học thứ gì đó. Nếu thích, bạn cứ đọc ngôn tình, hoặc vài ba mớ văn chương “5 xu 3 hào” của Gào của Thét cũng chẳng sao (xin lỗi Gào, bạn viết dở tệ). Biết thế nào là dở mới biết thế nào là hay. Nếu sách nào cũng hay thì người đọc dở.

 

Khi bạn đọc xong bài viết này, có thể một vài ý bạn khó mà “tiêu hóa”. Nhưng không sao, trên đây chỉ là quan điểm. Thứ nữa, đã có kết quả chứng thực về số lượng sách tôi đọc được. Câu hỏi cuối cùng là: nếu bạn thử làm theo, và bạn đọc được nhiều hơn, điều gì sẽ xảy ra với con người bạn?

 

 Trạm Đọc (Read Station)

Theo Hàn sĩ lang thang

Tags: