Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Với người cầm bút, sự đọc cũng quan trọng như sự viết
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Với người cầm bút, sự đọc cũng quan trọng như sự viết
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (Hội viên Hội Nhà văn TPHCM), hiện công tác tại Báo Phụ nữ TPHCM và là cây bút trẻ đang được chú ý tại TPHCM hiện nay. Trạm Đọc có cuộc trò chuyện với chị.

Từng khẳng định tên tuổi với nhiều tập truyện ngắn và tản văn dành cho người trưởng thành, vào tháng 6 năm 2021, nhà văn Bùi Tiểu Quyên bất ngờ ra mắt truyện dài dành cho thiếu nhi - Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng). Lần đầu thử sức với văn học thiếu nhi, nhưng tác phẩm của chị ngay lập tức nhận được những phản hồi tích cực, đồng thời được trao những giải thưởng danh giá: giải Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TPHCM 2021, giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động 2021, giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022.

Khi Cà Nóng chu du Trường Sa vẫn đang tiếp tục đến với bạn đọc, thì mới đây, nhà văn Bùi Tiểu Quyên vừa ra mắt bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình, gồm 2 tập: Phong ba nơi đầu sóngBiển ấy là của mình, do Lionbooks và NXB Hà Nội ấn hành. Vào ngày 26-2 tới đây, chị sẽ có buổi giao lưu và trò chuyện với độc giả nhân dịp ra mắt bộ sách tại Đường sách TPHCM.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (Hội viên Hội Nhà văn TPHCM), hiện công tác tại Báo Phụ nữ TPHCM và là cây bút trẻ đang được chú ý tại TPHCM hiện nay. Trạm Đọc có cuộc trò chuyện với chị.

 

Càng đọc nhiều càng thấy kiến văn mở rộng 

 

- Sau Cà Nóng chu du Trường Sa là bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình. Dường như Trường Sa đang là mảnh đất trù phú cho những trang viết của chị, hay chị nghĩ mình “mắc nợ” nơi đây?

- Sau Cà Nóng chu du Trường Sa (dành cho bạn đọc từ 11 tuổi trở lên), tôi nhận lời mời của Lionbooks cùng hợp tác thực hiện bộ sách tranh cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tôi cảm thấy đây là một duyên may kỳ lạ, không phải “mắc nợ” Trường Sa mà cảm giác như thể rằng tôi cần viết tiếp.

Được dành cho trẻ dưới 10 tuổi nên câu chuyện trong bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình đơn giản hơn nhiều. Điểm nhìn ở câu chuyện lần này là từ đảo Sinh Tồn (Trường Sa), thông qua lăng kính của một chú chó nhỏ. Vậy nên rất khác với câu chuyện của Cà Nóng chu du Trường Sa.

Tôi nghĩ, với hai tác phẩm này, bạn đọc dù ở độ tuổi nào cũng có thể tiếp cận, đọc và tìm hiểu về nơi đầu sóng. Sau bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình, tôi nghĩ mình đã hoàn thành nhiệm vụ rồi.

 - Hoành thành nhiệm vụ với Trường Sa, còn công việc viết và đọc hẳn sẽ còn tiếp tục với chị. Đến bây giờ, chị còn nhớ cuốn sách đầu tiên mình đọc không? Nó có ảnh hưởng gì đến chị về sau?

- Đó là bộ sách kiếm hiệp của Việt Nam: Đường gươm diệt ác (2 tập) nhưng tôi không còn nhớ tên tác giả nữa. Đại khái đó là câu chuyện về những người anh hùng nghĩa nghiệp đứng lên chống lại cái xấu, cái ác, chống lại kẻ thù xâm lược… Sách in trên giấy có màu vàng ngà, long bìa rớt gáy vì đã được đọc quá nhiều. Tôi đọc xong rồi đọc lại, cứ thế chắc cả chục lần vì trong nhà lúc ấy không có cuốn sách nào khác. Mãi sau đó anh Hai tôi mới mang về cho mấy cuốn văn học Nga.

Đường gươm diệt ác là quyển sách đầu tiên, đọc vào những năm tháng còn nhỏ đến mức ký ức đã nhớ nhớ quên quên. Thật ra chỉ thuần là một câu chuyện mà tôi thích đọc, không có ảnh hưởng gì lớn lao đến những lựa chọn của tôi về sau. Chỉ có điều, quyển sách này mỗi lần nhớ về lại nhắc tôi những kỷ niệm hết sức dễ thương của một đứa trẻ thích đọc sách ở quê xưa. Thuở đó hay trèo lên cây me, cây khế hay leo tuốt mái nhà nằm gác chân chữ ngũ, vừa đọc vừa ăn trái cây hay hóng gió, nhìn đất nhìn trời, nhìn chim bay…

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên nhận Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022 

- Quả thực, có rất nhiều người khi lớn lên trở thành những cây bút lẫy lừng nhờ được nuôi dưỡng bởi những trang sách như vậy. Trong rất nhiều tò mò mà độc giả khi nghĩ về một tác giả nào đó, đó là tác giả ấy đọc gì để viết nên những tác phẩm của mình. Giờ đây, khi đã trở thành người viết chuyên nghiệp, việc đọc có ảnh hưởng như thế nào đến chị - trên tư cách là một người cầm bút?

- Thời học cấp 2, tôi đọc báo Mực Tím và “mê đắm” bút nhóm Vòm Me Xanh, cứ ước sao trưởng thành một chút mình cũng được sinh hoạt trong bút nhóm (cười). Bởi thế mà tôi “nung nấu” viết thơ, truyện in báo Mực Tím. Cũng được in 1 bài thơ có tựa đề là Cô giáo vùng sâu, còn truyện ngắn gửi báo Xuân thì được nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần - khi ấy anh công tác ở báo với vai trò là BTV - gửi thư về quê, báo rằng tác phẩm đã trễ so với lịch duyệt bài của báo, đồng thời động viên tôi viết tiếp.

Nhận thư mà tôi vui còn hơn truyện mình được đăng báo nữa (cười). Tôi nghĩ đó là cách nhà văn trao niềm tin cho một cây bút mới học lớp 8 nhưng sớm có đam mê viết lách, chứ không nghĩ truyện mình viết đủ chất lượng để in trên báo Xuân. Tôi luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn vì điều ấy. Niềm tin của người lớn dành cho, lúc nào cũng có ý nghĩa rất lớn lao trong tâm hồn của trẻ thơ.

Khi học cấp 3 và đại học, ngoài Mực Tím, tôi đọc báo Áo Trắng và các tác phẩm, tuyển tập truyện ngắn của nhiều nhà văn/người viết trẻ. Đến năm nhất đại học tôi mới viết truyện gửi Áo Trắng (thời đó còn viết tay trên giấy học trò). Gửi mấy truyện mới được in truyện đầu tiên. Đó cũng là lúc tôi có điều kiện đọc sách nhiều hơn, nhất là sách văn học. Càng đọc nhiều càng thấy kiến văn mở rộng, vốn ngôn từ cũng như mỹ cảm dành cho tác phẩm văn chương ngày một nâng cao. Thời đi học, tôi vẫn đều đặn viết truyện ngắn, tản văn cộng tác cho báo Áo Trắng, Tuổi Ngọc rồi báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Tài Hoa Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng…

Hai tác phẩm mới nhất của nhà văn Bùi Tiểu Quyên

Tôi nghĩ, phải trải qua một thời gian nhất định, chúng ta mới cảm nhận rõ rệt hiệu quả, ảnh hưởng của việc đọc đến bản thân ta ra sao. Khi chìm đắm trong những câu chuyện nhân văn, tôi thấy cuộc đời thật đẹp, tình yêu, sự tử tế, lòng nhân hậu cứu rỗi con người. Ngay cả khi đó là một bi kịch, thì bi kịch ấy vẫn soi rọi thân phận với những giá trị đẹp đẽ, lóng lánh nhất của đời sống. Càng đọc, càng thấy mình cũng có những khát vọng muốn tạo ra những giá trị đẹp đẽ ấy cho cuộc đời, bằng văn chương.

Sự đọc của mỗi người khác nhau, với sở thích/tính cách/nghề nghiệp/mục đích khác nhau. Nhưng sự đọc của một người cầm bút, tôi cho rằng điều đó cũng quan trọng như sự viết của chính ta vậy. Đọc không chỉ vì muốn đọc, muốn biết câu chuyện trong trang sách mà còn là để học hỏi, để soi chiếu cho chính mình.

Sau này, khi công việc học tập đòi hỏi đọc sách nghiên cứu/tư liệu, tôi càng cảm thấy bể học mênh mông thì nguồn sách vở mà ta cần đọc trong cuộc đời cũng… bao la như vậy. Chỉ có điều, càng dấn bước vào một lĩnh vực chuyên sâu, hiểu biết hơn về lịch sử - văn hóa, cái trách nhiệm mà chính ta tự trao vào tay mình với văn chương lại càng lớn lao hơn. Có thể bản thân sẽ làm được hoặc không thể làm được những điều mà mình mong muốn, nghĩ về. Nhưng tất cả những gì mà tôi đã, đang và sẽ tiếp nhận được từ sự đọc, chắc chắn có ảnh hưởng đến tôi rất nhiều trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tất nhiên, đó đều là những ảnh hưởng tích cực. 

 

Trao cho bạn đọc những giá trị tốt đẹp

 

- Học văn/đọc văn là để hoàn thiện nhân cách. Đây có lẽ là điều mà những người đọc, đặc biệt là với sách văn chương sẽ nhận được. Với những tác phẩm đã và đang viết, chị có mong muốn gửi đến độc giả của mình “món quà” này không? Ngược lại, trên tư cách một nhà văn kiêm người đọc, chị đã có trải nghiệm “hoàn thiện nhân cách” như thế nào?

- Với tác phẩm đầu tay là Đi ngược chiều thương (2008), tôi đơn thuần là viết vì bản thân mình nhiều hơn. Viết vì mình muốn viết về ký ức tuổi thơ mình. Đến tác phẩm thứ hai, thứ ba Con tàu đi tìm sân ga (2012) và Cỏ đồi phương Đông (2014), thật ra cũng là như vậy. Chỉ khác chăng là thấy mình bước lên một nấc thang thứ 2, với những câu chuyện viết về tuổi trẻ, cho tuổi trẻ thời mình đang sống và cũng là để xem khả năng của mình đến đâu.

Tôi luôn nghĩ, một người cầm bút đi được đường dài hay không, phải tính từ tác phẩm thứ 3 trở đi. Nếu không có sự thay đổi về bút lực, không được đánh giá cao, không có bạn đọc thì tôi cần thiết phải xem lại chính mình. Yêu thích là một chuyện, còn có khả năng và có phù hợp hay không lại là một chuyện khác. Khi Cỏ đồi phương Đông được trao Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM năm 2014, tôi mới cảm thấy con đường này - dù không dễ dàng chút nào - nhưng mình có thể đi được, bằng tình yêu và cả sức trẻ nữa.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên

Cho đến khi có bạn đọc, nhận được phản hồi từ mọi người về các tác phẩm, ý thức về văn chương của tôi mới rõ ràng hơn. Cho đến thời điểm này, tôi hiểu sâu sắc rằng, điều khiến tôi hạnh phúc nhất đối với các tác phẩm của mình đó chính là trao vào tay bạn đọc của mình không chỉ là những câu chuyện kể, những cảm xúc đẹp mà còn là ít nhiều có thể truyền cảm hứng, những giá trị sống tích cực, lạc quan; yêu con người, yêu cuộc đời, yêu quê hương đất nước; sống có mục đích, lý tưởng, ước mơ, hoài bão và những khát vọng đẹp… Mỗi người đọc sẽ có sự tiếp nhận khác nhau, nhưng tất cả những điều mà tôi muốn gửi đến bạn đọc thông qua những tác phẩm của mình, cũng giống như những gì mà tôi đã nhận được từ những cuốn sách mình đã đọc được vậy.

Đọc, đi, nghĩ, viết. Tôi may mắn có được tất cả những điều đó trên hành trình trưởng thành của mình. Vậy nên, có lẽ không chỉ có sự đọc mà là cộng hưởng của tất cả mọi điều đã rèn giũa tâm hồn tôi từng ngày. Hiểu biết, trải nghiệm nhiều hơn, nhìn xa trông rộng hơn, thấm thía hơn cũng có nghĩa là lòng ta sẽ bao dung hơn, biết chia sẻ, thấu cảm và cũng biết cách chấp nhận hơn. Chân thành, chăm chỉ, kiên nhẫn, giàu yêu thương… có thể là phẩm cách của mỗi cá nhân nhưng sự lạc quan, tích cực trước mọi vạn biến của đời sống là lựa chọn thái độ sống của mỗi người. Và thái độ sống đó như thế nào cũng bắt đầu từ những gì ta đã trải qua, tiếp cận và tiếp nhận trong suốt quá trình sống của mình, từ văn chương, từ những trang sách và từ cuộc đời.

  - Việc đọc mang lại cho chúng ta không ít giá trị: giải trí, bổ sung kiến thức, hoàn thiện nhân cách... Còn chị, chị đọc nhằm mục đích gì? Kinh nghiệm đọc của chị có gì đặc biệt?

- Tôi vẫn đọc để giải trí, với những tác phẩm-tác giả yêu thích. Nhưng tôi cũng cần đọc để làm việc, để nắm bắt nội dung/xu hướng của những dòng chảy sách/văn học trong và ngoài nước. Ngoài ra, tôi còn phải đọc để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình. Cuối cùng, là đọc để học hỏi, trau dồi, soi chiếu và khám phá những chiều kích của văn chương, của con người.

Việc phải đọc nhiều như vậy nên thời gian phân bổ cũng phải vô cùng hợp lý. Có lúc tôi đọc 15 phút vào buổi sáng, có khi đọc 30 phút đến 1 tiếng vào buổi tối. Mà cũng có khi ngồi hàng giờ, suốt canh thâu để đọc. Thậm chí cũng có nhiều lúc vừa làm việc vừa nghe sách nói hay là đi đâu cũng cầm trên tay cuốn sách cần đọc để có thể tiện đọc bất cứ lúc nào trong thời gian chờ đợi. Cũng có những ngày mệt quá tôi không đọc gì hết (cười). Thả lỏng bản thân cũng là một cách để đọc vào tâm tư chính mình.

Sách đã xuất bản của nhà văn Bùi Tiểu Quyên

 - Hiện nay, thị trường xuất bản khá sôi động, mỗi ngày lại có hàng trăm ấn phẩm được ra mắt. Đứng giữa hằng hà sa số sách như vậy, việc lựa chọn sách để đọc không phải là dễ. Chị có lời khuyên gì đến các bạn trẻ trong việc lựa chọn sách?

- Thời gian càng hiếm hoi, ta sẽ càng ưu tiên dành cho những điều quan trọng. Vậy nên, trước khi chọn sách, bạn cần phải biết bản thân yêu thích thể loại nào hoặc tác giả nào. Điều này sẽ giới hạn cho bạn phạm vi chọn sách dễ dàng hơn rất nhiều. Khi đã xác định rồi, tôi nghĩ bạn có thể thử tìm đọc những tác phẩm được trao giải thưởng văn học (trong và ngoài nước), các tác phẩm được nhiều người yêu thích, review tốt trên những trang bán sách online hoặc fanpage của các đơn vị làm sách.

Hoặc bạn cũng có thể tự vào nhà sách đọc lướt thử vài trang đầu xem có hợp “gu” của mình không. Tôi luôn tin là, cầm một cuốn sách lên đọc mà bị cuốn hút ngay từ những trang đầu, đó sẽ luôn là những cuốn sách xứng đáng cho bạn có được một trải nghiệm đọc cho đến trang cuối cùng.

Một cách khác là hãy trao đổi với bạn bè về sở thích, thói quen đọc sách. Có thể những người bạn sẽ cung cấp cho bạn những tựa sách phù hợp. Tôi nghĩ rằng, rất nhiều người lớn có thể nói bạn nên đọc cuốn này hay cuốn kia, nhưng bạn bè -những người cùng thế hệ - mới là những người có thể giúp bạn chọn sách hay đúng với tuổi và mối quan tâm của bạn nhất. Truyền thông mạng xã hội cũng có thể là một kênh tham khảo cho bạn khi chọn sách. Mỗi cuốn đều được quảng bá nhưng một tác phẩm được nhiều người đọc chia sẻ, khen ngợi, đánh giá tích cực thì bạn cũng đừng tiếc thời gian, đọc thử xem sao.

Nói gì thì nói, tôi vẫn tin bạn trẻ là những người đọc thông minh. Một cách lạc quan, tôi không nghĩ là bạn trẻ gặp khó khăn trong việc lựa chọn tác phẩm yêu thích, phù hợp. Điều quan trọng là bạn có yêu thích đọc sách hay không mà thôi. Mong rằng, mỗi người trẻ đều sẽ ít nhiều cảm nhận được những giá trị vô hình mà to tát từ việc đọc sách mang lại. Và đừng bao giờ ngừng đọc, ngừng học hỏi các bạn nhé. Đường còn dài, chúng ta sẽ luôn đủ thời gian cho tất cả những điều mà chúng ta muốn làm, cho những khát vọng và hy vọng…

- Cảm ơn chị rất nhiều!

Đọc thêm10 cuốn sách mang lại cảm hứng sống và viết cho nhà văn Bùi Tiểu Quyên

AN SƠN thực hiện

Tags: