10 cuốn sách mang lại cảm hứng sống và viết cho nhà văn Bùi Tiểu Quyên
10 cuốn sách mang lại cảm hứng sống và viết cho nhà văn Bùi Tiểu Quyên
Là nhà văn, đồng thời cũng đang là một nhà báo, trong hành trình sống và viết, sách trở thành người bạn và là phương tiện đắc lực với nhà văn Bùi Tiểu Quyên.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên thuộc thế hệ 8X, là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, hiện công tác tại báo Phụ nữ TPHCM. Chị là tác giả của nhiều tác phẩm: Đi ngược chiều thương, Con tàu đi tìm sân ga, Cỏ đồi phương Đông, Cỏ lau vạn dặm (NXB Văn hoá - Văn nghệ); Nửa đêm nằm nhớ, Những cánh cửa đều mở, Cỏ dại thênh thang (NXB Trẻ); Sông có bao giờ thẳng (NXB Phụ nữ Việt Nam).

Năm 2021, chị ra mắt truyện dài dành cho thiếu nhi Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng). Mới đây là bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình do Lionbooks và NXB Hà Nội ấn hành. Với tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã nhận được giải Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TPHCM 2021, giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động 2021, giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022. Trước đó, vào năm 2014, chị được trao Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM cho tập truyện ngắn Cỏ đồi phương Đông.

Dưới đây là chia sẻ của chị về 10 cuốn sách mang lại cảm hứng sống và viết cho bản thân.

Sông Đông êm đềm

Một trong những tác phẩm ấn tượng đặc biệt tôi từng đọc khi còn nhỏ là Sông Đông êm đềm - một bộ tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn Nga Mikhail A.Sholokhov. Tôi “ôm” bộ sách đọc từ ngày này qua tháng khác vì lúc đó cũng không có lựa chọn khác. Còn nhớ, tủ sách của anh tôi thuở ấy chỉ có một số tác phẩm văn học: Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Bác sĩ Zhivago… Tôi lần lượt đọc hết rồi đến Sông Đông êm đềm. Tác phẩm viết về giai đoạn mặt trận miền Tây nước Nga trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1912-1922). Câu chuyện về chiến tranh và thân phận con người, với bối cảnh chính là ngôi làng Cossack bên bờ sông Đông…

Thành thật mà nói, lúc ấy tôi đọc vậy thôi chứ… không hiểu gì cả. Thế nhưng bộ tiểu thuyết đồ sộ này lại mang đến cho tôi một giấc mơ đẹp. Bằng suy nghĩ hết sức hồn nhiên và thuần khiết của một đứa trẻ lên 10, tôi muốn sau này lớn lên mình cũng sẽ viết sách, kể những câu chuyện hay và dài đến như vậy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể nào viết nổi một bộ tiểu thuyết dài tập, nhưng mỗi lần nghĩ về những cuốn sách đã đọc trong năm tháng tuổi thơ, Sông Đông êm đềm lại chính là bộ sách khó quên, giữ cho tôi cả giấc mơ lẫn nhiều kỷ niệm.

Đại Việt sử ký toàn thư & Việt Nam sử lược

Đây là hai cuốn sách không thể đọc một lần xong rồi thôi, mà là nguồn tư liệu cần cho bất kỳ năm tháng nào chúng ta muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử nước nhà. Thông tin sử liệu từ hai cuốn sách đều là những ghi chép ngắn, giản lược về các triều đại; dấu mốc sự kiện quan trong trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Nhưng từ đó đó cho ta kiến thức bao quát, hệ thống để tiếp tục tìm đọc các nguồn tư liệu, tài liệu lịch sử khác. Mãi đến khi đi làm, tôi mới có cơ hội tiếp cận hai cuốn sách này, có thể gọi đó là “sách gối đầu giường” của tôi vì có thể giở ra xem bất cứ lúc nào.

Ping - Vượt khỏi ao tù

Trong số những cuốn sách truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi thời còn tuổi đôi mươi chính là cuốn sách nhỏ này: Ping - Vượt khỏi ao tù. Năm tháng ấy tôi bắt đầu hành trình của một người trẻ, cũng có những va vấp hoang mang trước tuổi mình; cũng tìm kiếm mục đích sống và khát vọng vươn tới điều gì đó lớn lao. Câu chuyện về chú ếch Ping với cuộc phiêu lưu kỳ thú cùng sự dẫn dắt của bác Cú vừa thú vị vừa chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa.

Cuộc hành trình có ý nghĩa nhất chính là cuộc hành trình bên trong mỗi chúng ta” - cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ câu này trong cuốn sách. Và đúng là như vậy, con người ta dù ở năm tháng nào thì “hành trình bên trong” vẫn luôn là hành trình quan trọng nhất. Lâu rồi tôi không đọc lại quyển sách này, nhưng tin rằng những giá trị tiếp nhận từ cuốn sách đã có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trưởng thành, tự nhận diện, sống có mục đích và tri ngộ của tôi trong những năm tháng đôi mươi ấy. 

Đội gạo lên chùa

Cuốn sách dày gần 1.000 trang và tôi đã thật sự chìm đắm từng ngày trong những trang viết về nhân vật chú tiểu An, sau đó là hòa thượng Khoan Hòa. Cuộc trốn chạy khỏi ngôi làng đầy kẻ thù dẫn chị em An - Nguyệt đến chùa Sọ. Từ đó, cuộc đời mới của hai chị em mồ côi cha mẹ sau một trận Pháp càn được kể lại, soi chiếu trong ánh sáng của đức Phật, từ bi, bao dung, thấu hiểu và thức tỉnh. Chiến tranh và thân phận, hiện thực và đức tin, tình yêu và lòng thù hận…; bi, trí, dũng, đẹp và buồn, tuyệt vọng và cứu rỗi, đau đớn và hồi sinh… đều có trong Đội gạo lên chùa.

Sau tiểu thuyết này, tôi mê đắm những câu chuyện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tiếp tục đọc các tác phẩm đồ sộ khác của ông: Hồ Quý LyMẫu Thượng Ngàn. Ngoài việc tiếp nhận các giá trị văn học - văn hóa từ các tác phẩm, bộ sách của cố nhà văn còn để lại trong lòng tôi niềm cảm phục lớn lao về tư duy đề tài cùng cách mà ông đã dấn thân và những trang chữ, để lại cho đời những câu chuyện giá trị, ý nghĩa như vậy.

Nhà giả kim, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi

Không nằm ngoài sự lựa chọn của nhiều người, tôi cũng đọc tất cả những tựa/bộ sách kể trên. Mỗi tác phẩm đều cho người đọc thêm nhiều giá trị, đúc kết, hiểu mình hiểu người và truyền động lực, thêm sức mạnh để có được những lựa chọn/thái độ sống tích cực. “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” - tôi tin rằng rất nhiều bạn đọc nhớ câu này trong tác phẩm Nhà giả kim của Paulo Coelho. Và cũng sẽ có rất nhiều người - như tôi - cảm thấy điều đó thật đúng.

Một cuốn sách không thể giúp ta thành công, đạt được điều ta mong muốn. Nhưng một cuốn sách với những thông điệp ý nghĩa, đến đúng thời điểm hoặc để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng ta cũng giống như một bệ đỡ tinh thần, một dòng nước mát lành trao truyền cho chúng ta sức mạnh để phấn đấu, để bước đi, có niềm tin mạnh mẽ và thực hiện được những điều mà chúng ta mong muốn.

Lụa

Lụa là một trong nhưng tác phẩm mà tôi có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, không phải vì câu chuyện mà vì cách viết của tác giả Alessandro Baricco. Hever Joncour từ thị trấn Lavilledieu (miền Nam nước Pháp) đến Nhật Bản tìm mua trứng tằm nhằm vực dậy ngành công nghiệp dệt lụa của thị trấn. Và từ đất nước được xem là nơi “tận cùng của thế giới”, Hever Joncour đã bị mê hoặc, chìm đắm và tình yêu và hoan lạc bởi một người con gái phương Đông…

Những trang chữ đẹp như lụa, mềm mại, tĩnh tại, quyến rũ, huyền ảo… và đầy nhạc tính. Câu chuyện như thực như mơ như thơ trên nền bối cảnh đẹp như tranh vẽ. “Sự lấp lánh của chữ” là điều mà tôi cảm nhận được khi đọc Lụa - một cuốn sách mỏng chưa đầy 150 trang nhưng đã trở thành một “hiện tượng xuất bản” của văn học châu Âu từ những năm cuối thập niên 1990. 

An Sơn ghi

 

Tags: