Thứ nhất: Phải học cách sinh tồn, đừng cho rằng mình sẽ không bao giờ gặp nguy hiểm. Từ nhỏ đến lớn, cha mẹ thường nhắc nhở tôi phải luôn chú ý đến vấn đề an toàn của bản thân. Nhưng có lúc, do bị dặn dò quá nhiều, tôi cảm thấy rất khó chịu, tuy miệng trả lời “con biết rồi”, nhưng trong lòng không những không phục, mà còn nghĩ: “Cái gì mà đứa trẻ này bị cướp giật, đứa trẻ kia bị bắt cóc tống tiền trong trường, đó đều là tin trên đài, báo, ti vi, làm gì có chuyện như vậy xảy ra với con? Đó chẳng phải là xác suất giống như trúng xổ số hay sao?” Nhưng đúng là chẳng ai ngờ tới, “giải độc đắc” này quả thực lại có lúc rơi vào đầu tôi.
Cả đời tôi không thể quên được sự hối hận khi bị tên bắt cóc đó dùng vật sắc nhọn dí vào lưng mà không tìm được cách thoát khỏi tay hắn, nếu tôi sớm nghe lời cha mẹ thì có lẽ đã không xảy ra sự việc như vậy. Giờ đây, tôi phải nhắc nhở các bạn rằng: “Đừng nên cho rằng nguy hiểm chỉ là hư cấu, hoặc nói nó chỉ có thể rơi vào người khác chứ không phải mình. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ trở thành người bị hại bất cứ lúc nào!”
Thứ hai: Tránh trở thành mục tiêu bị bại. Điều này có liên quan đến mọi phương diện. Ví dụ, trước khi sự việc này xảy ra, tôi luôn cảm thấy tự hào về bộ đồng phục học sinh của mình, nhưng ai có thể ngờ được rằng, bộ đồng phục mà bạn tự hào kia có ngày sẽ trở thành manh mối kiếm ăn cho một số kẻ bất hảo bắt cóc tống tiền đây? Một chi tiết cần đặc biệt chú ý là, khi gặp người lạ hỏi thăm đường, thông thường họ nhất định sẽ giữ khoảng cách với bạn để biểu thị sự tôn trọng và lịch sự, nếu muốn tiếp cận, đi sát bên cạnh bạn, thì nhất định phải cảnh giác. Giống như trường hợp của tôi, vừa đi vừa nói chuyện, cuối cùng bị dẫn vào nơi khuất vắng, dễ dàng rơi vào bẫy của bọn bắt cóc.
Thứ ba: Khi xảy ra chuyện, hãy nhớ rằng: “Bình tĩnh là tấm bùa hộ mệnh tốt nhất.” Thêm một câu nói khác cũng vô cùng chính xác: “Hầu hết những người chết bất đắc kỳ tử đều không chết vì tai nạn, mà chết vì hoảng loạn.” Câu nói này có phần hơi cường điệu, nhưng có chung một lý lẽ với điều tôi muốn nói đến: một khi tâm lý hoảng loạn, bạn sẽ giúp kẻ xấu có cơ hội thừa cơ lợi dụng, chúng sẽ càng dễ dàng “thao túng” và đẩy bạn vào thế bị động. Nhưng khi giữ được bình tĩnh, bạn sẽ có khả năng tìm được phương pháp tối ưu để giải quyết vấn đề.
Thứ tư: Lòng can đảm là quan trọng, nhưng có lúc nhanh trí còn quan trọng hơn. Trong lúc vô tình chạm trán với bọn tội phạm, thanh thiếu niên chúng ta thường lâm vào thế yếu, không thể phát huy sự can đảm thường thấy. Giống như tôi, trong cả quá trình xảy ra sự việc đó, tôi một mặt không hề tỏ ý chống đối, mặt khác tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của hắn để chạy thoát. Bước kế tiếp là gây sự chú ý trong quán ăn bằng cách làm đổ bát đĩa, thế là họ “giam” tôi lại, đồng thời đưa đến phòng giám đốc. Trên thực tế, đây chính là một cách tự bảo vệ mình, làm cho kẻ bắt cóc kia không đạt được mục đích, cũng là một giải pháp khôn ngoan.
Sau này, thầy giáo của tôi có bình luận về sự kiện đó như sau: cho dù chạy được vào trong quán ăn, nhưng tôi vẫn không trực tiếp cầu cứu những người bên trong, đó là cách làm rất thông minh. Vì cho dù tôi có trực tiếp cầu cứu họ, nếu gặp phải người không có trách nhiệm, chưa biết chừng còn đuổi tôi đi. Mà với cách làm của tôi, nhân viên trong quán vì muốn bắt đền tổn thất, nhất định sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Cùng lúc đó, với sự tập trung chú ý của mọi người, những kẻ xấu sẽ phải bỏ đi, vậy là tôi đã đạt được kết quả tốt hơn.
Thứ năm, cái gọi là “tu dưỡng”, chính là thói quen có được nhờ rèn luyện hằng ngày. Đây chính là điểm mà tôi hiểu rõ nhất.
Xin kể lại cho các bạn một câu chuyện trong trận động đất khủng khiếp tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên: Cho dù trước đó chưa từng xảy ra động đất, nhưng Trường Trung học Tang Tao thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó với động đất. Ngôi trường này nằm kề sát huyện Bắc Xuyên, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của trận động đất, nhưng khi trận động đất xảy ra, hơn hai nghìn giáo viên và học sinh của trường lập tức chạy thẳng ra sân vận động, đứng tập hợp theo lớp, tổng cộng hết 1 phút 36 giây. Ngôi trường này đã lập nên kỳ tích không một giáo viên, học sinh nào bị thương. Câu chuyện này đã tác động mạnh đến tôi, khiến cho tôi ngày càng tự giác rèn luyện những thói quen tốt hơn nữa.
Bất luận khi gặp phải vấn đề gì, điều đầu tiên tôi làm là cố gắng giữ cho bản thân bình tĩnh lại nhanh nhất có thể. Trong những trường hợp khẩn cấp, tôi đều tìm ra được phương pháp giải quyết tối ưu nhất, đó là do bản thân tôi luôn tự ý thức rèn luyện những thói quen tốt hằng ngày. Nói một cách khác, chính vì tôi thường ngày rất coi trọng vấn đề quản lý bản thân, đồng thời tích cực rèn luyện kỹ năng tự xử lý vấn đề, do đó vào thời điểm mấu chốt, những thói quen này sẽ phát huy hiệu quả như một dạng phản xạ tự nhiên.
- Trích sách: Từ bỏ thì dễ, vượt lên chính mình mới khó