5 cuốn sách khủng, khó đọc nhưng một khi đã đọc thì bạn khó mà dứt ra được!
5 cuốn sách khủng, khó đọc nhưng một khi đã đọc thì bạn khó mà dứt ra được!
Việc thích những cuốn sách khủng ấy thực chất giống với Hội chứng Stockholm: nạn nhân bị bắt cóc đem lòng yêu kẻ bắt giữ mình. Những cuốn sách này nắm bắt và giam cầm tâm trí tôi lâu đến mức tôi bắt đầu cảm thấy ảo tưởng rằng mình yêu chúng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.
Combo Nguồn Gốc Trật Tự Chính Trị + Trật Tự Chính Trị Và Suy Tàn Chính Trị
(65 lượt)
Tôi yêu những cuốn sách đồ sộ. Những cuốn sách dày và lớn, như những viên gạch, và nếu bạn ôm nó nhảy xuống bể, bạn chắc chắn sẽ không thể nổi lên được. 

Khi hầu hết mọi người đi du lịch biển, họ mua một vài cuốn tiểu thuyết lãng mạn hoặc bí ẩn nào đó ở sân bay. Còn tôi á? Tôi mang theo cuốn Critique of Pure Reason (Tạm dịch: Phê phán Lý tính Thuần túy) của Kant. Tại sao? Bởi vì nó dày khoảng 800 trang và dày đặc chữ. Sau đó, tôi ghi chép trên ghế nằm trên bãi biển trong khi bạn gái tôi đang tắm nắng. Đôi khi tôi còn mang theo máy tính xách tay của mình để nghiên cứu. Bạn gái tôi nói với tôi điều này thật buồn cười. Nhưng tôi lại thấy nó thật tuyệt vời. 

Vấn đề của những cuốn sách đồ sộ là: Chúng hầu như luôn tuyệt vời. Không có biên tập viên hay nhà xuất bản nào có đầu óc tỉnh táo lại cho phép xuất bản 1.000 trang sách vớ vẩn. Vì họ sẽ bắt tác giả băm nhỏ bản thảo dày cộp đó thành dăm mười phần, không thì cũng đuổi thẳng cổ tác giả ra khỏi văn phòng của mình. Nên nếu một cuốn sách 1.000 trang được xuất bản, điều đó có nghĩa nó đặc biệt. 

Việc viết/đọc giống như ghé qua bộ não của người khác. Và một cuốn sách hoặc bài viết ngắn cũng giống như một chuyến lưu trú ngắn ngày. Bạn bước vào, uống cà phê, nói chuyện về thời tiết hoặc thể thao, rồi rời đi.

Nhưng với những cuốn sách đồ sộ, bạn không chỉ ghé thăm bộ não của tác giả mà còn bước vào một mối quan hệ lãng mạn với nó. Bạn đang làm quen với bộ não của họ, tận hưởng những buổi tối yên tĩnh trong công viên với bộ não của họ, thức khuya khóc lóc và lắng nghe tất cả nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi, niềm vui và hạnh phúc tuôn ra từ não họ. Đó là mối quan hệ thắm thiết nhất giữa hai người chưa từng gặp và sẽ không bao giờ gặp nhau.

Tôi không nói rằng mọi cuốn sách khủng đều sẽ khiến bạn cảm thấy như vậy. Những nhiều cuốn sẽ làm được. Nếu bạn tìm hiểu sâu về chúng đủ lâu, chúng sẽ định hướng lại cách bạn suy nghĩ và cảm nhận về thế giới này, và bạn cũng sẽ biết cách tốt hơn để thoát ra khỏi chúng. 

Sau đây là 5 cuốn sách đã giúp tôi làm tốt những điều đó. 

 

1/ “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy

 

Độ dày: Khoảng 1.300 trang

Trước khi tôi biết Chiến tranh và Hòa bình là gì hoặc nó nói về điều gì, nó đã trở thành huyền thoại trong tâm trí tôi. Hồi trung học và đại học, nếu có đứa trẻ nào phàn nàn về độ dài và độ khó của một cuốn sách nào đó, giáo viên sẽ thường nói những điều như: “Còn tốt  hơn là việc đọc Chiến tranh và Hòa bình.”

Vấn đề rất rõ ràng: Gần 1.300 trang. Được viết bởi một anh chàng người Nga nhàm chán nào đó hơn 100 năm trước. Hơn 25 nhân vật chính và một câu chuyện kéo dài gần 10 năm. Không, cảm ơn.

Tới năm 2013, tôi tình cờ thấy cuộc phỏng vấn của David Foster Wallace, trong đó anh ấy đã nói gì đó về Chiến tranh và Hòa bình là cuốn sách hay nhất từng được viết. Bây giờ, tôi yêu DFW (anh ấy cũng có tên trong danh sách này) và đến thời điểm này, tôi yêu thích những cuốn sách dày 1.300 trang.

Và, giống như một kẻ kỳ cục,  tôi đã mua Chiến tranh và Hòa bình để mang theo trong chuyến đi ba tuần tới Philippines. Chẳng bao lâu, tôi thấy mình bỏ qua những bãi biển cát trắng hoang sơ với làn nước trong xanh ngày này qua ngày khác để nhìn chằm chằm vào chiếc Kindle của mình hàng giờ liền với hàm răng há hốc vì làm thế nào một con người lại có thể tạo ra thứ gì đó tuyệt vời và tuyệt vời đến vậy.

Chiến tranh và Hòa bình có thể là thứ hoành tráng nhất mà con người từng tạo ra. Tôi biết ngày nay từ 'sử thi' được sử dụng rộng rãi như thể nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng thực ra tôi không hề cường điệu khi nói điều đó. Phạm vi của câu chuyện, kết hợp với chiều sâu nhân văn vô song của mỗi nhân vật - tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy ở bất kỳ nơi nào khác trong bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Nó thực sự là một cuốn sách về cuộc sống đẹp đẽ và kinh hoàng, dù hình thức của nó có ra sao.

Cuốn sách này là một tiểu thuyết lịch sử dựa trên nỗ lực (và đã thất bại) của Napoléon nhằm xâm lược Nga vào năm 1812. Hơn một nửa châu Âu bị tàn phá và Napoléon mất gần 90% quân đội của mình. Cuốn sách tập trung chủ yếu vào xã hội thượng lưu Nga, cách họ phản ứng trước việc đất nước đang sụp đổ và cách họ đương đầu với nó bằng tất cả những cách độc đáo và thiếu sót của mình. Nhưng điều khiến Tolstoy nổi bật như một trong những người kể chuyện hay nhất mà loài người từng tạo ra là khả năng phân tích tâm lý các nhân vật và tìm ra động cơ sâu sắc nhất và thận trọng nhất của họ chỉ trong vài câu.

Như Isaak Babel đã nói: “Nếu thế giới có thể tự viết, nó sẽ viết như Tolstoy”.

Tại sao khó đọc: Chủ yếu là vì độ dài. Tôi phải mất gần hai tháng để đọc hết nó và tôi là người đọc khá nhanh. Cũng phải mất vài trăm trang trước khi tôi thấy mình đọc hiệu quả. Như tôi đã đề cập, có hơn 25 nhân vật chính cũng như một số nhân vật phụ. Và tệ hơn nữa, nhiều cảnh đầu tiên của cuốn sách (diễn ra tại các tòa án tối cao của tầng lớp quý tộc Nga) bao gồm các đoạn bằng tiếng Pháp khiến bạn luôn phải kiểm tra chú thích cuối trang. 

Lưu ý: Số lượng bản dịch của cuốn sách này nhiều như số trang và nhiều bản dịch rất tệ.

Tại sao bạn vẫn nên đọc nó: Nói một cách đơn giản, đây là thiên tài văn học yêu thích của thiên tài văn học bạn yêu thích. Tolstoy là bậc thầy. Hai cuốn tiểu thuyết lớn Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina của ông đều luôn nằm trong top 3 trong danh sách “cuốn sách hay nhất từng được viết”. Từ Dostoevsky đến Gustav Flaubert, từ Ernest Hemingway đến David Foster Wallace, bất cứ khi nào Tolstoy được nhắc đến thì tất cả họ đều say sưa như những đứa trẻ ham chơi trong bữa tiệc sinh nhật.

HÃY ĐỌC CUỐN SÁCH NÀY!

Những trích dẫn đắt giá: 

- “Con người không thể sở hữu bất cứ thứ gì chừng nào còn sợ chết. Nhưng đối với người không sợ hãi thì anh ta có mọi thứ. Nếu không có đau khổ, con người sẽ không biết được giới hạn của mình, không biết được chính mình”.
- “Nhưng bây giờ, trong ba tuần cuối cùng của cuộc hành quân, Pierre đã học được một sự thật mới và an ủi hơn - anh đã học được rằng trên đời không có gì đáng sợ cả. Anh ấy đã học được rằng, một người không thể được hoàn toàn hạnh phúc và tự do, nên không có tình huống nào mà anh hoàn toàn bất hạnh và mất tự do. Anh đã học được rằng có giới hạn cho đau khổ và giới hạn cho tự do, và những giới hạn đó rất gần nhau; rằng người đau khổ vì một chiếc lá nghiêng trên luống hoa hồng của mình cũng đau khổ như khi phải ngủ quên trên mặt đất trần và ẩm ướt.”
- “Chúng ta chỉ có thể biết rằng chúng ta không biết gì cả. Và đó là mức độ khôn ngoan cao nhất của con người.”

 

2/ “The better angels of our nature” (Tạm dịch: Những thiên thần tốt hơn trong bản chất của chúng ta) của Steven Pinker

 

Độ dày: hơn 800 trang. 

Rất có thể bạn đã nghe thấy cuốn sách này được đề cập ở đâu đó trong vài năm qua. Và rất có thể bạn đã nghe nhắc đến nó vì nó đã sai lầm hoặc nhận định không đúng điều gì đó. 

Đó là bởi vì lập luận của Pinker trong cuốn sách này quá mâu thuẫn với tất cả những gì chúng ta cho là đúng, đến mức cực kỳ khó chấp nhận (do đó, ông ấy cần hơn 800 trang để thuyết phục bạn).

Lập luận của ông ấy là gì? Là thế này: ngày nay chúng ta đang sống trong thời kỳ hòa bình, bao dung và bất bạo động nhất trong lịch sử nhân loại.

Tôi sẽ lắng lại trong giây lát…

Trên thực tế, Pinker nói, so với phần còn lại của lịch sử loài người, hòa bình và bất bạo động trong 70 năm qua là đều các nhà sử học, nhà xã hội học và nhà khoa học chính trị không biết phải giải thích như thế nào. 

Bây giờ, nếu bạn giống như hầu hết mọi người, bạn sẽ ngay lập tức phản đối lập luận này. Bạn nghĩ rằng điều đó không thể là sự thật. Và đó là lý do tại sao Pinker bắt đầu cuốn sách bằng cách khéo léo nhắc nhở chúng ta rằng phần lớn lịch sử loài người bao gồm chế độ nô lệ với việc tra tấn, hành quyết công khai, sự tàn ác đối với cả động vật và trẻ em, hiến tế con người và giết người vì danh dự, v.v. Những điều này được coi là quy luật trải nghiệm của con người, không phải là ngoại lệ. Ở châu Âu thời Trung cổ, có một loại hình nghệ thuật tra tấn và mọi người thích thú với việc cắt xẻo người nơi công cộng. Phụ nữ và trẻ em thường bị bán làm nô lệ. Những cuộc chiến tranh giết chết hàng trăm ngàn người được phát động không vì lý do gì khác ngoài việc một vị lãnh chúa hay vị vua nào đó bị tổn thương cái tôi của mình. Tệ hơn, hình như người ta thường đốt mèo như một hình thức giải trí.

Và khi bụng bạn đang cồn cào, Pinker sẽ ném cho bạn 600 trang dữ liệu. Hết trang này đến trang khác đầy biểu đồ, đồ thị, nghiên cứu, trích dẫn lịch sử. Lượng bằng chứng mà ông đưa ra rất lớn, xuyên suốt cuốn sách, mỗi câu đều được chú thích ở cuối trang với các tài liệu tham khảo. 

Nhưng đừng bị ngộp bởi các dữ liệu. Ông đã dành vài chương cuối cùng để tìm hiểu lý do tại sao bạo lực đã giảm bớt và đây là lúc cuốn sách thực sự hấp dẫn. Tôi sẽ không tiết lộ trước đâu, nhưng đây là một số gợi ý: sự đồng cảm được đánh giá cao, lý trí và khả năng đọc viết bị đánh giá thấp, chính phủ tốt hơn mọi người nghĩ, và tôn giáo thì… ghét “ăn cháo đái bát”, nhưng lại là nguyên nhân gây ra bạo lực. 

Tại sao khó đọc: Phần khó nhất của cuốn sách này là dữ liệu đầy đủ đến mức nào. Pinker không chỉ thể hiện sự suy giảm của chiến tranh và bạo lực trong xã hội; ông dành nhiều trang hoặc thậm chí toàn bộ chương để thể hiện sự suy giảm của những thứ như tra tấn, ngược đãi động vật, bạo lực gia đình, tội ác và căm thù, thậm chí là đánh đòn trẻ em. Có hàng trăm biểu đồ và đồ thị và tất cả đều có thể khiến bạn hơi mệt mỏi.

Ngoài ra, mô tả của ông về một số vụ bạo lực phổ biến trong suốt lịch sử đôi khi có thể khiến người ta phát ốm. Thật là mở mang tầm mắt về việc loài người chúng ta có thể tàn ác đến mức nào (và thường là như vậy).

Tại sao bạn vẫn nên đọc nó: Nó đáng giá vì một vài lý do. Đầu tiên, nếu/khi bạn bị thuyết phục bởi lập luận trọng tâm của Pinker, toàn bộ quan điểm của bạn về thế giới và lịch sử sẽ thay đổi. Rõ ràng ngày nay chúng ta có những vấn đề lớn cần giải quyết, nhưng so sánh một cách tương đối, đây là những vấn đề tốt hơn rất nhiều so với những vấn đề mà mọi người phải đối mặt thậm chí chỉ vài thế hệ trước. Đây thực sự là một sự thay đổi đáng kể trong thế giới quan của hầu hết mọi người và có ý nghĩa thực tế, hữu hình.

Thứ hai, lập luận của Pinker về lý do tại sao bạo lực xảy ra và tại sao nó giảm bớt có thể sẽ thay đổi một số giả định của bạn về cuộc sống. Lập luận “Tất cả những gì chúng ta cần là tình yêu” của Pinker thực sự nguy hiểm hơn nhiều so với việc nó có ích. Ngược lại, ông ủng hộ một đặc tính cổ điển của thời kỳ Khai sáng: lý trí, lòng khoan dung, quyền tự do cá nhân và một mức độ hoài nghi lành mạnh.

Những trích dẫn đắt giá: 

- “Việc tra tấn được thể chế hóa ở các nước theo đạo Cơ đốc không chỉ là một thói quen thiếu suy nghĩ; nó có lý do đạo đức. Nếu bạn thực sự tin rằng việc không chấp nhận Chúa Giê-su là vị cứu tinh của mình là tấm vé dẫn đến sự đọa đày trong lửa, thì việc tra tấn một người cho đến khi anh ta thừa nhận sự thật này là mang lại cho anh ta ân huệ lớn nhất trong đời: thà bị tra tấn vài giờ còn hơn là cả đời sau.”

- “Đôi khi người ta hỏi tôi: “Làm sao anh biết ngày mai sẽ không có chiến tranh (hoặc diệt chủng, hoặc hành động khủng bố) sẽ bác bỏ toàn bộ luận điểm của anh?” Câu hỏi này đã bỏ lỡ quan điểm của cả cuốn sách. Vấn đề không phải là vì chúng ta bước vào Kỷ nguyên Bảo Bình nên mọi người trên trái đất được bình yên mãi mãi; mà là bởi sự giảm thiểu đáng kể của bạo lực và điều quan trọng là chúng ta phải hiểu chúng. Sự suy giảm bạo lực là do các điều kiện chính trị, kinh tế và ý thức hệ tồn tại trong các nền văn hóa cụ thể vào những thời điểm cụ thể. Nếu điều kiện đảo ngược, bạo lực có thể quay trở lại ngay lập tức.”

- “Theo cách nghĩ này, việc phụ nữ để lộ nhiều da thịt hay đàn ông chửi bới nơi công cộng không phải là dấu hiệu của sự suy thoái văn hóa. Ngược lại, đó là dấu hiệu cho thấy họ đang sống trong một xã hội văn minh đến mức họ không phải sợ bị quấy rối hay hành hung”.

 

3/ “Godel, Escher, Bach: an Eternal Golden Braid” (Tạm dịch: Godel, Escher, Bach: mối liên kết vàng vĩnh cửu) của Douglas Hofstadter 

 

Độ dày: Hơn 800 trang

Sự yêu thích của tôi đối với những nghịch lý bắt nguồn từ những ngày còn thơ ấu khi chúng tôi nằm trong gara của bạn tôi, say sưa và nói những điều vớ vẩn như: “Bạn ơi, điều duy nhất không đổi trên thế giới… chính là… sự thay đổi.” Và rồi ngồi đó nhìn Pink Floyd như thể có điều gì đó thay đổi cuộc sống vừa xảy ra. Khi lớn hơn, sự phổ biến của những nghịch lý đằng sau nhiều tình huống trong cuộc sống trở nên rõ ràng hơn và tôi không thể không cảm thấy rằng chúng thể hiện một giới hạn nào đó đối với khả năng xử lý một số loại thông tin nhất định của bộ não con người. Tôi thậm chí còn viết cả một bài về những nghịch lý kỳ lạ nhưng có thật trên trang web của tôi. Tôi tự nói đùa và nghĩ mình khá thông minh.

Sau đó tôi đọc Godel, Escher, Bach và nhận ra rằng tôi thậm chí còn không biết mình đang nói về cái quái gì. 

Về cốt lõi, Godel, Escher, Bach là một cuộc điều tra về cách các thành phần của một hệ thống có thể kết hợp với nhau và tạo ra thứ gì đó lớn hơn tổng các bộ phận của chúng - hoặc về cơ bản, làm thế nào một thứ giống như ý thức tự tham chiếu (một bộ não có thể có suy nghĩ về chính nó, hoặc thậm chí có những suy nghĩ về những suy nghĩ về chính nó) có thể tồn tại từ một đống nhầy nhụa gồm vài tỷ tế bào thần kinh.

Tại sao nó khó đọc: Nó chứa đầy trí tuệ. Một chương sách có thể là một đoạn do Bach viết, phân tích nó, rồi sử dụng phân tích đó để đưa ra quan điểm về lý thuyết hệ thống, dẫn đến một nghịch lý và sau đó bị chế giễu bằng cuộc đối thoại hư cấu giữa Achilles và một con rùa. Nếu bạn không có nền tảng về toán học thì các phần lý thuyết tập hợp sẽ khó theo dõi. Nếu bạn không có kiến ​​​​thức nền tảng về âm nhạc, bạn sẽ không thể hiểu được nhiều điểm tương đồng với Bach. Nếu bạn không có bất kỳ kiến ​​thức nào về triết học, một số tài liệu tham khảo và thảo luận sẽ trở nên trống rỗng. Nhưng thật đáng để dành thời gian để hiểu mọi thứ. 

Tôi phải mất tới tận 3 lần cố gắng thì mới hoàn thành được nó, và thậm chí sau khi đọc xong tôi không nghĩ mình hoàn toàn hiểu được những gì được viết trong sách. Tôi thấy thật hữu ích khi đặt cuốn sách xuống trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần, để nó bên mình và sau đó quay lại đọc khi bạn đã sẵn sàng đọc tiếp. ó giống như ăn bánh mousse sô cô la, nó ngậy, đậm đà và nhanh no nên mỗi lần, bạn chỉ có thể ăn từng miếng nhỏ.

Tại sao bạn vẫn nên đọc nó: Tôi cảm thấy như mọi người nên có một bản của cuốn sách vào lúc nào đó trong đời - ngay cả khi họ không thích nó, ngay cả khi họ không hiểu nó - chỉ để xem cuốn sách có thể làm được gì, để thấy được thiên tài về trì óc con người đã được tạo ra. 

Nhưng đây thực sự là lý do tại sao bạn nên đọc nó: triết học, nói chung, cực kỳ dày đặc và nhàm chán, và đây có lẽ là cuốn sách duy nhất tôi từng thấy áp dụng một cách sáng tạo là điều cần thiết để hiểu các khái niệm triết học sâu sắc vào việc viết và giải thích thực tế. Theo nhiều cách, đọc GEB là một niềm vui thuần túy và tôi đảm bảo rằng nó không giống bất cứ thứ gì bạn từng đọc. Nó kéo căng não của bạn theo những cách mà bạn không ngờ đến.

Những trích dẫn đắt giá: 

- “Ý nghĩa nằm sâu trong tâm trí người đọc cũng như trong Haiku.”

- “Bạn cả tin đến mức nào vậy? Tính cả tin của bạn có nằm ở “trung tâm cả tin” nào đó trong não bạn không?  Liệu một bác sĩ giải phẫu thần kinh có thể tiếp cận và thực hiện một số thao tác tế nhị để giảm bớt sự cả tin của bạn, nếu không thì sẽ để bạn yên? Nếu bạn tin vào điều này thì bạn khá cả tin và có lẽ nên cân nhắc đến việc có một cuộc phẫu thuật như vậy.”

- “Cái “Tôi” là gì, và tại sao những thứ như vậy được tìm thấy (ít nhất là cho đến nay) chỉ gắn liền với, như nhà thơ Russell Edson đã từng diễn đạt một cách tuyệt vời: ‘sự bập bênh của sợ hãi và giấc mơ’”

 

4/ Bộ sách “Nguồn gốc Trật tự chính trị” và “Trật tự chính trị & Suy tàn chính trị” của Francis Fukuyama

 

Độ dày: Khoảng 1.500 trang cho cả 2 tập

(Tôi hơi gian lận vì đây là hai cuốn sách riêng biệt: Nguồn gốc trật tự chính trịTrật tự chính trị & Suy tàn chính trị. Nhưng tác giả Fukuyama dự định chúng là hai phần trong một tác phẩm vĩ đại duy nhất, nên tôi đã xếp chúng vào danh sách này.)

Fukuyama nổi tiếng nhất với tuyên bố táo bạo sau Chiến tranh Lạnh rằng “sự kết thúc của lịch sử” đã đến. Người ta có thể nói rằng ông đã dành phần lớn thời gian trong 20 năm qua để cố gắng khôi phục danh tiếng của mình sau tuyên bố quá táo bạo đó. Tôi tin rằng với tác phẩm này, kiệt tác được thừa nhận của ông, ông đã làm được điều đó và hơn thế nữa.

Trong hai cuốn sách này, Fukuyama mong muốn trả lời 2 câu hỏi: 1) Làm thế nào và tại sao các hệ thống chính phủ phát triển trên khắp thế giới? 2) Tại sao một số hệ thống chính phủ lại trở nên hữu dụng hơn và công bằng hơn những hệ thống khác?

Để củng cố lập luận của mình, Fukuyama theo dõi sự tiến hóa của tất cả các nền văn minh lớn trên thế giới theo đúng nghĩa đen: Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Châu Âu và Tân Thế giới cho đến ngày nay. Cuốn sách Nguồn gốc trật tự chính trị theo dõi lịch sử thế giới cho đến Cách mạng Pháp và phân tích sự khác biệt giữa các hệ thống nhà nước tiền hiện đại ở mỗi nền văn minh lớn và lý do tại sao chúng phát triển theo hướng đó. Cuốn Trật tự chính trị & Suy tàn chính trị bắt đầu với các cuộc Cách mạng Pháp và Mỹ (về cơ bản là sự phát minh ra nền dân chủ hiện đại) và xem xét lý do tại sao các hệ thống quốc gia/nhà nước phương Tây lại thống trị hành tinh, tại sao Bắc Mỹ, Úc và phần lớn châu Á đã bắt kịp phương Tây về tốc độ phát triển, giáo dục và kinh tế, cũng như lý do tại sao các khu vực khác trên thế giới như Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Đông lại gặp khó khăn theo những cách mang tính văn hóa độc đáo của riêng họ.

Bộ sách đưa bạn đi khắp thế giới và cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi như: “Tại sao các nước Latinh lại tham nhũng đến vậy?” hoặc “Tại sao có rất ít tội phạm bạo lực ở châu Á mặc dù có rất nhiều người nghèo đói?” hay “Tại sao các phong trào dân chủ không bao giờ bén rễ ở Trung Đông mặc dù rõ ràng là đa số người dân ở đó ủng hộ chúng?”...

Tại sao khó đọc: Nếu bạn là một người mê lịch sử, bạn sẽ thích nội dung này. Nếu không, bộ sách có thể hơi khó “nuốt”. Fukuyama tạo ra một luận điểm lớn, và để hỗ trợ tốt cho luận điểm đó, ông cần phải nghiên cứu thấu đáo. Bạn sẽ có khoảng hơn 100 trang lịch sử Trung Quốc cổ đại, tiếp theo là khoảng 100 trang lịch sử Ấn Độ cổ đại, tiếp theo là 100 trang lịch sử Trung Đông, tiếp theo là 100 trang lịch sử châu Âu thời trung cổ, v.v. Đôi khi bạn phải cố gắng vượt qua những điều xưa cũ đó để thấy được những điều tốt đẹp.

Tại sao bạn vẫn nên đọc nó: Xét về những ý tưởng thuần túy và sự hiểu biết về thế giới và nhân loại, đây có lẽ là một trong những bộ sách mang tính khai sáng nhất mà tôi từng đọc trong đời. Không phải cường điệu đâu. Nghiêm túc mà nói, tại sao Trung Quốc lại như vậy? Đó có vẻ là một câu hỏi buồn tẻ và mơ hồ mà một đứa trẻ chín tuổi sẽ hỏi bố mình, nhưng sau khi đọc bộ sách này, bạn sẽ biết chính xác tại sao Trung Quốc lại như vậy. Bộ sách này cũng mang lại cho tôi sự tôn trọng rất cần thiết đối với các chính phủ. Là một người có khuynh hướng theo chủ nghĩa tự do trong suốt thời đại học, Fukuyama ‘đập vào mặt’ tôi hàng trăm trang để giải thích tại sao các chính phủ tập trung, bất chấp những sai sót và nguy hiểm hiển hiện. Đây có thể là một trong những thứ tốt nhất mà nhân loại từng tạo ra. Tôi không hề đùa đâu.

Những trích dẫn đắt giá:

- “Nhiều người, khi quan sát xung đột tôn giáo trong thế giới đương đại, đã trở nên thù địch với tôn giáo và coi đó là nguồn gốc của bạo lực và không khoan dung. Trong một thế giới có nhiều môi trường tôn giáo chồng chéo và đa dạng, điều này rõ ràng có thể xảy ra. Nhưng họ không đặt tôn giáo vào bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn của nó, nơi tôn giáo là yếu tố quan trọng cho phép sự hợp tác xã hội rộng hơn vượt khỏi họ hàng và bạn bè - đã được coi như nguồn gốc của các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, các hệ tư tưởng thế tục, như chủ nghĩa Mác-Lênin hay chủ nghĩa dân tộc, đã thay thế niềm tin tôn giáo trong nhiều xã hội đương đại, có thể đã và đang có sức tàn phá không kém do những niềm tin cuồng nhiệt mà chúng tạo ra.”
- “Con người về bản chất là loài động vật tuân theo quy tắc; chúng được sinh ra để tuân theo những chuẩn mực xã hội xung quanh mình, và chúng củng cố những quy tắc đó với ý nghĩa và giá trị siêu việt. Khi môi trường xung quanh thay đổi và những thách thức mới nảy sinh, thường có sự khác biệt giữa các thể chế hiện tại và nhu cầu hiện tại. Những thể chế đó được hỗ trợ bởi vô số các bên liên quan cố thủ, những người phản đối bất kỳ thay đổi cơ bản nào.”
- “Nhiều vấn đề trong số này có thể được giải quyết nếu Hoa Kỳ chuyển sang một hệ thống chính phủ nghị viện thống nhất hơn, nhưng một sự thay đổi căn bản trong cơ cấu thể chế của đất nước là điều không thể tưởng tượng được. Người Mỹ coi Hiến pháp của họ như một văn kiện gần như tôn giáo, vì vậy việc khiến họ suy nghĩ lại những nguyên lý cơ bản nhất của nó sẽ là một cuộc đấu tranh khó khăn. Tôi nghĩ rằng bất kỳ chương trình cải cách thực tế nào cũng sẽ cố gắng cắt giảm số phiếu phủ quyết hoặc chèn vào các cơ chế kiểu nghị viện để thúc đẩy quyền lực phân cấp mạnh mẽ hơn trong hệ thống quyền lực phân chia hiện có.”

 

5/ “Infinite Jest” (Tạm dịch: Sự chế giễu vô tận) của David Foster Wallace 

 

Độ dày: Khoảng 1.100 trang

Trong 40 năm nữa, khi tôi già đi và không thể tự chủ việc đi vệ sinh nữa, tôi sẽ quây quần bên các cháu quanh lò sưởi và tự hào kể cho chúng nghe về việc ông nội thân yêu của chúng đã đọc Infinite Jest không chỉ một lần mà đến hai lần. 

Vì bất cứ lý do gì, khi ra mắt vào năm 1995, Infinite Jest đã trở thành một sự kiện văn hóa. Đó là cuốn sách đồ sộ “tuyệt vời” dành cho tất cả Gen X. Những người đến đọc sách của Wallace rất đông và anh nhanh chóng được mời tham gia các chương trình truyền hình lớn để phỏng vấn trên toàn quốc.

Tất nhiên, tất cả điều này khiến anh không thoải mái. Bên cạnh sự lo lắng của anh, cuốn sách thực sự là sự phản ánh chính xác văn hóa Mỹ -  theo đuổi một cách mù quáng những điều mới mẻ, hấp dẫn, không biết đến bất kỳ chiều sâu, ý nghĩa hay tầm quan trọng nào. DFW từng nói đùa rằng dường như mọi người đều yêu thích cuốn sách của ông, kể cả một số ít người thực sự đọc nó.

Infinite Jest diễn ra trong một tương lai gần hư cấu. Hoa Kỳ và Canada đã sáp nhập. Một ca sĩ sến sẩm được bầu làm tổng thống. Và ô nhiễm đến mức các máy phóng khổng lồ xả rác thải độc hại từ New England vào Quebec gần đó.

Cuốn sách xoay quanh một số cốt truyện: một thần đồng học tại học viện quần vợt thuộc sở hữu của gia đình, một người nghiện ma túy đang hồi phục đang cố gắng tạo ra một cuộc sống trong sạch cho chính mình và một hộp mực bí ẩn được gọi đơn giản là “The Entertainment” điều đó dường như thú vị đến mức bất kỳ ai xem nó sẽ bỏ qua mọi việc - ăn, ngủ, đi vệ sinh - chỉ để tiếp tục đọc nó.

Cốt truyện lỏng lẻo vì thực sự, không có nhiều câu chuyện diễn ra. Bạn chủ yếu đọc hàng trăm trang sách này vì cách viết độc đáo của Wallace. Một số người thấy cuốn sách tẻ nhạt (đôi khi tôi cũng thấy cuốn sách này tẻ nhạt), nhưng một khi bạn đã thích phong cách của anh ấy, việc Wallace liên tục quan sát cuộc sống theo những cách mà bạn không hề biết đến sẽ khiến bạn cảm thấy như thể bạn đang trở nên thông minh hơn chỉ bằng cách đọc cuốn sách này, ngay cả khi đó là một đoạn viết về những điều trần tục như giày tennis và việc nhai thuốc lá.

Tại sao khó đọc: Cốt truyện phức tạp và rời rạc. Hơn chục nhân vật chính. Ồ, và có hơn 200 trang chú thích cho sự liên tưởng của Wallace.

Để đọc được cuốn sách này, bạn cần có thời gian. Nó là cuốn sách hư cấu, nhưng cần được đọc như khi bạn đọc những cuốn phi hư cấu dày đặc chữ. Điều đó không có nghĩa là nó khó đọc. Nó chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn. 

Tại sao bạn vẫn nên đọc nó: Cuốn sách này chính là cuốn sách được viết bằng tiếng Anh độc đáo nhất từng thấy trong 100 năm qua. Chắc chắn là có một số bình luận thực sự sâu sắc về sự thái quá của người Mỹ và những tác hại của việc theo đuổi hạnh phúc bằng mọi giá. Bạn sẽ thấy những đoạn thực sự cảm động về người nghiện, hay những phần viết về những thời điểm tốt nhất và tồi tệ nhất của một số nhân vật. 

Nhưng nói cho cùng, cuốn sách chính xác là những gì nó phản ánh: thái quá, mang tính giải trí, gây nghiện và hấp dẫn.

Những trích dẫn đắt giá:

- “Mọi người đều giống nhau ở chỗ luôn có niềm tin thầm kín rằng trong sâu thẳm, họ khác biệt với những người khác.”
- “Mario yêu thích các chương trình Madam Psychosis đầu tiên vì anh ấy cảm thấy như đang nghe ai đó buồn bã đọc to những lá thư ố vàng mà cô ấy lấy ra từ hộp đựng giày vào một buổi chiều mưa, những điều về sự đau khổ và những người bạn yêu thương sắp chết và nỗi khốn khổ của nước Mỹ, chúng đều là thật. Ngày càng khó tìm được tác phẩm nghệ thuật hợp lệ nói về những thứ có thật.”

 

Theo Mark Manson 

 

Tags: