4 nguyên tắc thiết kế cơ bản cho người mới bắt đầu
4 nguyên tắc thiết kế cơ bản cho người mới bắt đầu
Đây là những nguyên tắc thiết kế cơ bản được nhà thiết kế, giảng viên, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy Robin Williams chia sẻ trong cuốn sách 'Cẩm nang thiết kế cho người không chuyên'.

Dưới đây là giới thiệu tổng quan về các nguyên tắc thiết kế cơ bản góp mặt trong tất cả những thiết kế chỉn chu. Mặc dù tôi lần lượt thảo luận riêng về từng nguyên tắc, hãy nhớ rằng thật ra chúng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Bạn hiếm khi chỉ áp dụng một nguyên tắc.

 

Tương phản (Contrast)

 

Mục đích của sự tương phản là nhằm tránh tình trạng trên một trang thiết kế có nhiều yếu tố trông tương tự như nhau. Nếu các yếu tố (kiểu chữ, màu sắc, kích cỡ, độ dày nét chữ, hình dạng, khoảng cách, ... ) không giống nhau, hãy làm cho chúng trông khác hẳn. Sự tương phản thường là đặc điểm thu hút thị giác quan trọng nhất trên trang thiết kế — là cái đầu tiên khiến người ta phải nhìn vào. Đồng thời, nó còn làm sáng rõ thông điệp cần truyền đạt.

 

Lặp lại (Repetition)

 

Hãy lặp lại các yếu tố thị giác xuyên suốt một sản phẩm thiết kế. Bạn có thể lặp lại màu sắc, hình dạng, họa tiết, quan hệ không gian, độ dày nét chữ, phông chữ (font), kích cỡ, đồ họa,... Điều này giúp thông tin trông có tính tổ chức, và củng cố sự thống nhất phong cách trên toàn sản phẩm.

 

Thẳng hàng (Alignment)

 

Không nên xếp các yếu tố trên trang một cách tùy tiện. Mỗi yếu tố cần có sự liên kết về thị giác với yếu tố khác, nhằm tạo ra một diện mạo gọn gàng và tinh tế.

 

Gần kề (Proximity)

 

Những yếu tố có liên quan với nhau nên được nhóm lại gần nhau. Khi nhiều yếu tố nằm gần nhau, chúng tạo thành một đơn vị thị giác thay vì những đơn vị riêng biệt. Điều này hỗ trợ cho việc tổ chức thông tin, giảm sự rối rắm và cho người xem một bố cục rõ ràng.

Hãy xem trang bìa báo cáo dưới đây 

Đây là một thiết kế điển hình nhưng khá tẻ nhạt: chữ được căn giữa, cách dòng đều đặn để lấp đầy trang. Nếu không biết tiếng Anh, chắc bạn sẽ nghĩ có đến 6 chủ đề riêng biệt. Mỗi dòng trông như thế một yêu tố độc lập, không  liên quan gì với nhau.

Bằng cách đặt tiêu đề chính và tiêu đề phụ lại gần nhau (nguyên tắc gần kề) ta đã có một đơn vị rõ ràng thay vì 6 đơn vị trông như chẳng liên quan gì đến nhau.

Kiểu căn trái hoặc căn phải mang đến một đường thẳng sắc nét, diện mạo tinh tế hơn so với kiểu căn giữa (nguyên tắc thằng hàng).

Kiểu chữ và màu sắc của tiêu đề được lặp lại ở tên tác giả giúp củng cố mối liên hệ giữa chúng dù hai chi tiết này nằm cách xa nhau (nguyên tắc lặp lại). 

Trong thiết kế này, sự tương phản được tạo ra bằng cách thêm những dải băng đen (nguyên tắc tương phản).

"Cẩm nang thiết kế cho người không chuyên" không nhằm mục đích thay thế bốn năm học ở trường thiết kế... nhưng dám chắc (đọc xong cuốn sách) bạn sẽ chẳng bao giờ còn nhìn một thiết kế thao cách cũ. Tôi cũng đảm bảo nếu tuân theo những nguyên tắc cơ bản tại đây, sản phẩm của bạn trông sẽ chuyên nghiệp, rõ ràng, thống nhất và hấp dẫn hơn. Và như thế bạn sẽ thấy tự tin hơn. - Robin Williams 

Trạm đọc 

 

Tags: