Tôi đã nhìn thấy không ít người chuyển từ nghề copyrighting sang làm những ngành nghề khác. Họ nói nghề copyrighting này cực quá, việc nhiều tiền ít. Và cũng đã thấy rất nhiều người như nhân viên tài vụ, nhân viên lễ tân, các nhân tài của giới kĩ thuật chuyển sang copyrighting.
Họ bảo công việc này rất thú vị, rất dễ mang lại cảm giác thành công. Có người còn nói tiền lương cao hơn lúc trước rất nhiều, lương tháng từ 10.000 - 30.000 tệ, nếu có nhiều thời gian rảnh thì có thể kiếm đến 100.000 tệ mỗi tháng.
Nghề copyrighting rốt cuộc có kiếm được tiền không? Nhân tố quyết định vẫn là ở chính bản thân bạn. Tôi tin rằng bất cứ ngành nghề nào cũng như vậy, dùng đúng cách sẽ có thể tiến xa và nhanh hơn, trong quá trình này, điều chúng ta gặt hái được không chỉ có tiền bạc. Ví dụ như chính bản thân tôi đây, chỉ trong vòng hai năm nay mà tất cả mọi thứ đều vượt qua tưởng tượng.
Lúc trước tôi từng xuất bản cuốn sách tạm dịch Sáng tác và đăng tải content truyền thông, được các trường đại học danh tiếng và nhiều trường đại học cao đẳng khác dùng làm tài liệu giảng dạy, cũng bán rất chạy trên thị trường. Biên tập viên bên nhà xuất bản nói với tôi, chỉ riêng phí bản quyền tôi đã kiếm được 70.000 tệ.
Khóa học content mà tôi muốn triển khai cũng đã chỉnh sửa sáu lần (và hiện đang tiến hành điều chỉnh cải tiến lần thứ 7), đồng thời tôi cũng đã được mời đến những nơi mà mình ngưỡng mộ và đánh giá cao để giảng dạy, số lượng học viên cả online và offline đã lên đến 30.000. Trước mắt những đánh giá về khóa học đều cực kỳ tốt, có một nhóm học viên mới sau khi trải qua khóa học thì content của họ đã có những thay đổi tích cực về chất lượng.
Trở thành một giảng viên content tự do là ước mơ từ 10 năm trước của tôi, không ngờ bây giờ đã thực sự thực hiện được rồi!
Nếu ban đầu chỉ đơn thuần là làm vì mục đích kiếm tiền thì chưa hẳn tôi đã đi được đến ngày hôm nay. Tiếp theo tôi sẽ bật mí cho bạn ba típ giúp bạn tiến bộ trong việc viết content mà tôi đã đúc kết ra từ trải nghiệm của chính tôi. Tôi tin rằng bất kể làm công việc gì, thì chắc chắn đều có những gợi ý về công việc ấy.
Tôi là một “thanh niên cứng” đúng chuẩn luôn, về quê yên ổn là một giáo viên ngữ văn trung học dường như là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng tôi không thích công việc mà chỉ liếc sơ thôi đã nhìn thấu được cuộc sống sau này như thế nào.
Tạp chí quảng cáo niên giám ở thư viện đã nhen nhóm trong lòng tôi một mồi lửa, và nó thôi thúc tôi hãy đến một thành phố ấm áp để thổi bùng ngọn lửa lên.
Cha dượng sau khi nghe tôi nói muốn vào miền Nam liền giận dữ bảo: “Cuộc sống thế này còn mong mỏi gì nữa hả, ngoan ngoãn ở nhà làm một cô giáo đi!”
Khi ấy tôi không nói gì mà tranh thủ khi ông tức giận bỏ ra ngoài mua thuốc hút, đã kéo vali một mình đi đến trạm xe lửa mua một tấm vé đứng, quyết tâm vào miền Nam. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi làm trái ý người thân, trước ngày hôm ấy tôi vẫn là một đứa cực kỳ nghe lời, điềm đạm, ít nói và hướng nội.
Nhưng với tất cả những gì đã đạt được cho đến ngày hôm nay, tôi muốn nói với bạn rằng:
Nếu trong lòng có một chuyện vô cùng muốn hoàn thành, bạn sẽ thay đổi khác đi.
Ngày ấy tôi chỉ biết rằng tôi thích những trang quảng cáo thú vị muôn màu muôn vẻ. Tôi cũng không muốn cuộc đời mình giống như một đoàn tàu hỏa chậm chạp nghiền bánh trên đường ray, vừa bắt đầu đã có thể thấy hết được mọi phong cảnh, sống như vậy thì còn ý nghĩa gì nữa. Tôi tin rằng chuyện mà mình cảm thấy ý nghĩa và dốc hết sức lực để làm thì còn có thể làm không tốt sao?
Chính vì thế, nếu trong thâm tâm bạn luôn nung nấu khát khao là một việc gì đó, thì hãy cứ làm đi! Có lẽ đó chính là sứ mệnh của bạn. Không làm thì sao biết mình không làm được? Nếu sự ngăn cản của những người xung quanh thật sự trở thành chướng ngại của bạn, thì điều đó chỉ có thể chứng tỏ rằng bạn vẫn chưa đủ nhiệt huyết và đam mê với việc mình làm.
Đương nhiên, tôi cũng nếm trải không biết đắng cay trên con đường này, viết content không nhẹ nhàng như tôi tưởng, viết văn hay không có nghĩa là sẽ viết content tốt. Tôi cũng thường xuyên có những tháng ngày hoài nghi cuộc sống, nghi ngờ chính bản thân mình. Thế nhưng, cũng chính trong quá trình này tôi bắt đầu từng bước hiểu rằng mình muốn có một cuộc sống như thế nào.
Một buổi chiều đầu năm 2008 tôi ngồi đọc Họa báo cuối tuần tại chiếc bàn làm việc có vách ngăn của mình, một nội dung trong đó đã thu hút tôi: Phỏng vấn nữ hoàng content Đài Loan Lý Hân Tần. Cuộc sống của cô ấy rất tự do, phần lớn thời gian dành cho việc du lịch, đọc sách, xem phim, viết content. Cô có thể kiếm tiền nuôi bản thân nhờ vào content, thậm chí những chuyến du lịch cũng trở thành tài liệu để cô ấy viết sách.
Điều này đã khiến tôi thổn thức không thôi: cuộc sống như thế tôi cũng muốn!
Nhưng mà thời đó lương tháng của tôi chỉ 3000 tệ, tiền thuê nhà đã hết gần 1.500 tệ, không những thuộc “đảng cháy túi vào cuối tháng”, mà còn đang vùng vẫy trong thời gian thử việc, hơn nữa lúc nào cũng bị cấp trên phê bình. Các lỗi mà những copywriter mới thường mắc phải thì hầu như tôi dính đủ cả.
Lý tưởng của một đứa xuất thân từ phố huyện, khi chưa phải lúc thì cũng chỉ có thể như một hạt giống chôn sâu tận đáy lòng.
Hạt giống ấy muốn nảy mầm muốn sinh trưởng thì phải có điều kiện thích hợp. Khi đã xác định rõ cuộc sống mà bản thân mong muốn, nhưng lại phát hiện cuộc sống ấy rất khó thực hiện, phải làm thế nào đây?
Khoảng thời gian ấy, tôi chỉ có thể nỗ lực chạy về phía trước: học tập, thực hành, thậm chí là nếm trải thất bại.
Tôi không thể dừng lại, một đứa con gái một thân một mình dốc sức sinh tồn trên đất Thâm Quyến, ngoài sức khỏe của mình ra thì không còn gì để nương tựa nữa. Tôi cố gắng nếm thử tất cả những thứ có thể giúp bản thân hoàn thiện hơn, bất kể tốt xấu, hết thảy đều là kinh nghiệm.
Tôi dốc lòng nghiên cứu tìm hiểu từng công việc mà mình phụ trách, thậm chí liên tục cày suốt 7 đêm liền để chạy deadline, cuối cùng là sức cùng lực kiệt xỉu ngay trước mặt cấp trên.
Tôi viết content miễn phí cho người ta, chỉ cần có cơ hội là nhất định dốc gan, dốc dạ mà viết.
Tôi học cách phải đọc một cuốn sách như thế nào, đọc hiểu nội dung chính ra sao, làm thế nào để lấy được kiến thức từ sách. Tôi tham gia mọi khóa dạy về content marketing, cho đến hiện tại, học phí tổng cộng cũng đã tốn hơn 200.000 tệ. Gần như tôi đã học hết tất cả các khóa học về content marketing có mặt trên thị trường.
Mỗi lần nắm bắt được một kiến thức mời liên quan đến content marketing tôi đều cảm thấy rất thỏa mãn. Tôi sẽ kết hợp và vận dụng các kiến thức ấy vào thực tế và dần đã cũng gặt hái được thành công, chẳng hạn:
Trong quá trình ấy, cũng không ngừng có những khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới cho tôi.
Không ít người từng hỏi tôi: “Tiểu Ngư, tôi cũng biết viết content, nhưng tại sao tôi không có nhiều đơn đặt hàng như cô nhỉ? Cũng không được may mắn như cô nữa?” Thực ra mấy năm đầu tôi hầu như đều cung cấp free các dịch vụ cho người ta, phàm là họ có nhu cầu và chỉ cần tôi có thời gian tôi sẽ nhận việc ngay mà chẳng hề do dự, hơn nữa cũng không tính thù lao. Bởi khi đó điều mà tôi muốn là có nhiều cơ hội luyện tập để tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn.
Hiện phần lớn khách hàng của tôi đều do các đồng nghiệp bây giờ và đồng nghiệp cũ giới thiệu cho, sở dĩ họ giới thiệu khách hàng cho tôi là bởi thường ngày họ nhìn thấy những cố gắng của tôi trong công việc, cũng tin tưởng tôi có thể làm được. Thế nên, nếu là một tân binh copywriter, tôi khuyên bạn đừng nôn nóng kiếm nhiều tiền mà hãy cố gắng hết sức làm thật tốt những công việc mà bạn đảm nhận.
Cô bạn thân Dương Tiểu Mễ của tôi từng nói một câu thế này:
Vĩnh viễn chỉ làm những việc mà bây giờ mình có thể hoàn thành nó một cách tốt nhất. Đây thật sự là một chân lý vô cùng giản dị.
Khi bạn dốc lòng làm một việc nào đó thì cánh cửa cơ hội sẽ rộng mở với bạn. Đương nhiên, nếu bạn học tập và trau dồi kiến thức một cách không có định hướng và kế hoạch cụ thể thì chưa chắc sẽ đạt được hiệu quả tốt. Là copywriter, chúng ta nên học hỏi và tích lũy kinh nghiệm với mục đích rõ ràng.
Tôi đã vạch ra những năng lực mà một copywriter buộc phải nắm vững như sau: khả năng tiếp thu kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng câu chữ, khả năng marketing, khả năng nhìn thấu lòng người, khả năng sáng tạo, khả năng thẩm mỹ. Bạn có thể rèn luyện nâng cao các khả năng kể trên bằng ba cách như sau: đọc sách, tham gia các khóa học, nhờ người khác chỉ dạy.
Đọc sách: đây là cách học “rẻ” nhất và cũng là cách học có hệ thống nhất. Tốt nhất là đọc theo chủ đề, dựa trên những khả năng mà chúng ta cần tôi luyện để lập ra danh sách những cuốn sách cần đọc theo các chủ đề, sau đó đọc từng cuốn một (Bạn có thể tìm thấy các mục lục sách theo chủ đề trong phần trả lời tin nhắn trên tài khoản Official của tôi). Đương nhiên, đọc hết đống sách ấy cũng chưa hẳn đã nắm vững được kiến thức, thế nên sau khi đọc xong bạn nhất định phải làm một phần tổng kết kiến thức rút ra từ sách, bạn có thể thử lập sơ đồ tư duy, ghi chép ngắn gọn hoặc kể lại nội dung trong sách cho người khác nghe.
Tham gia các khóa học: Đây là cách học nhanh nhất. Các khả năng của tôi thường tiến bộ nhanh chóng trong thời gian ngắn nhờ vào việc học tập trên lớp, luyện tập sau các buổi học, tiếp thu các đánh giá và góp ý của giáo viên. Hơn nữa, việc tiếp xúc với các giáo viên ưu tú cũng giúp chúng ta mở mang tầm mắt.
Nhờ người khác chỉ dạy: nhờ những người giỏi, xuất sắc trong các lĩnh vực liên quan chỉ dạy cho mình. Bây giờ Internet cực kỳ phát triển, bạn có thể trả phí để hẹn gặp các chuyên gia hoặc những người giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các website, việc này sẽ giúp bạn đỡ phải đi đường vòng hơn rất nhiều đấy. Kinh nghiệm chuyên môn của các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau đều vô cùng phong phú, có điều, trước khi hẹn gặp các chuyên gia, tốt nhất nên xác định rõ vấn đề của mình vì như thế việc gặp gỡ mới có hiệu quả tốt được. Đương nhiên, nếu bên cạnh đã có sẵn những nhân tài xuất sắc thì bạn có thể quan sát trực tiếp cách họ xử lý công việc, việc xin chỉ dẫn từ họ cũng sẽ giúp bạn học được rất nhiều thứ.
Tích lũy là một quá trình trường kỳ, rất nhiều bạn trẻ trong vài năm đầu đi làm luôn rất để ý đến vấn đề tiền lương ít ỏi, tính xem mỗi tháng mình có thể dành dụm được bao nhiêu tiền, nhưng trên thực tế, nếu dùng tiền lương của những năm này đầu tư vào việc nâng cao năng lực của bản thân, xét về lâu dài, những điều bạn gặt hái được sẽ vượt xa những người cố gắng dành dụm tiền ngoài kia.
Tôi từng làm tại một công ty và nhìn thấy một người đã đi làm được mười mấy năm nhưng vẫn đang làm những công việc rất cơ bản và nhận một mức lương cũng cơ bản như thế, khi ấy tôi đã sợ hãi vô cùng, bạn thử nghĩ xem nếu dành khoảng thời gian mười mấy năm trời này cho việc trau dồi năng lực của bản thân thì cuộc sống sao lại có thể như thế chứ? Xin đừng để thời gian tích lũy tuổi tác, vì năng lực mới là thứ đáng để thời gian tích lũy nhất!
Xác định năng lực mình cần trau dồi, thông qua việc đọc sách, tham gia các khóa học, nhờ người khác chỉ dạy và nắm bắt lấy mọi cơ hội có thể giúp bạn thực hành thực tiễn, để gặt hái càng nhiều kinh nghiệm quý báu hơn, thì quá trình “thăng cấp” của bạn sẽ càng nhanh chóng hơn.
Nếu bạn không thể tự nâng cao giá trị của bản thân, hãy thể hiện khả năng của mình và xây dựng các mối quan hệ.
“Hết thảy các mông lung đều bắt nguồn từ tương lai vô định phía trước và cách duy nhất để đánh ta lớp sương mù mờ mịt ấy, chính là dốc sức nỗ lực để khiến mình tỏa sáng”. Hy vọng trong tương lai sau này chúng ta có thể cùng nhau tỏa sáng!
Diệp Tiểu Ngư