3 BÀI HỌC RÚT RA TỪ “KOCHLAND - ĐẾ CHẾ KOCH” CHO NGƯỜI KINH DOANH
3 BÀI HỌC RÚT RA TỪ “KOCHLAND - ĐẾ CHẾ KOCH” CHO NGƯỜI KINH DOANH
Việc tạo ra sự giàu có khổng lồ từ việc sở hữu một trong những công ty tư nhân có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ đã cho phép anh em nhà Koch rót hàng trăm triệu đô la và các tổ chức tư vấn và tổ chức chính trị tự do cánh hữu như viện Cato, Hội Người Mỹ vì sự thịnh vượng… 
KOCHLAND: ĐẾ CHẾ KOCH
(27 lượt)

Kochland là một hướng dẫn không thể thiếu về cách Koch Industries phát triển, cũng như cách nó ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của chính phủ và ảnh hưởng của nó tới mọi mặt đời sống tại Mỹ. Với những báo cáo chuyên sâu và những thông tin thực tế thu thập được trong suốt 7 năm ròng rã, Leonard đã giải mã được lịch sử và cấu trúc của đế chế Koch một cách ấn tượng. Từ cuốn sách của Leonard ta có thể học được gì? Đặc biệt đối với các start-up?

 

Sự cần thiết của tư duy dài hạn 

 

Như được mô tả trong Kochland, Koch Industries hoạt động theo những cách trái ngược với suy nghĩ ngắn hạn của hầu hết các tập đoàn hiện đại. Koch Industries nói không với “ăn xổi ở thì” mà đặt cược dài hạn vào các ngành công nghiệp cần kiên nhẫn đầu tư mới có khả năng mang lại lợi nhuận ổn định. 

Việc gạt bỏ đề xuất của các tay ngân hàng phố Wall năm 1981 mới chỉ là trận đụng độ nhỏ trong cuộc chiến tổng lực dài hơi mà ông tham dự để kiến tạo và dẫn dắt Koch phát triển theo đúng tầm nhìn của mình. Koch đã tránh được loại rắc rối  mà những công ty đại chúng mắc phải: báo cáo kết quả tài chính mỗi quý cho các nhà đầu tư. Thay vào đó, Koch chỉ phải bận tâm đến doanh thu của từng năm. Koch luôn duy trì một bộ phận phát triển đầu não hoạch định chiến lược cho những mảng kinh doanh có thể tồn tại hàng thập kỷ. Tầm nhìn này đã giúp công ty luôn vững vàng trong khi các đối thủ thì loạng choạng. Như năm 2003, Koch đã mua lại hàng loạt nhà máy phân bón đang thua lỗ - thương vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro mà không một công ty đại chúng nào dám liều lĩnh tiếp nhận. Nhưng các nhà máy này đang sinh lời chẳng khác gì “những cây ATM bị lỗi liên tục nhả tiền”. Khác với các doanh nghiệp niêm yết, Koch không phải trả cổ tức - một con số không nhỏ; nhờ đó, họ có thể tái đầu tư ít nhất 90% lợi nhuận để ngày càng lớn mạnh và bành trướng.”

Là một tập đoàn tư nhân thuộc sở hữu của gia đình Koch, Koch Industries không chịu áp lực phải đáp ứng yêu cầu của các cổ đông. Trong khi đó, các công ty đại chúng phải báo cáo tài chính mỗi quý. Chính vì vậy, trong nhiều năm, Charles Koch - người điều hành Koch Industries - khi đo lường lợi tức đầu tư đã quyết định giữ vững mô hình tập đoàn tư nhân. 

Chiến lược này đã đặt nền móng cho nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục. Koch đã liên tục mở rộng bằng cách mua lại vô số doanh nghiệp và tham gia nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Giờ đây, Koch đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thường nhật mặc dù không mấy ai biết tới. 

Không chỉ vậy, Charles Koch không mong đợi ý tưởng của mình về sự tham gia hạn chế của chính phủ vào các quy định liên quan đến người lao động vào môi trường sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Ông kiên nhẫn xây dựng một tổ chức chính trị và một cơ sở hạ tầng tạo ra ý tưởng có thể phát triển và hỗ trợ các mục tiêu này trong thời gian dài. 

 

Linh hoạt trong chiến thuật, nhưng nhất quán trong tầm nhìn

 

Dưới thời Charles Koch, Koch Industries đã đạt được thành công kinh tế bằng cách có tầm nhìn nhất quán (dựa trên nguyên lý Quản lý dựa trên thị trường - MBM) và sự linh hoạt của các chiến thuật. Koch Industries là một trong những nhà máy lọc dầu đầu tiên tận dụng sức mạnh của dữ liệu lớn để cải thiện hoạt động và hiệu quả. 

Trong thời kỳ suy thoái, khi hầu hết các công ty sa thải nhân viên thì Koch lại mở rộng đầu tư. Koch đã mạnh mẽ chuyển đổi từ các ngành công nghiệp cốt lõi ban đầu là năng lượng sang các ngành công nghiệp lân cận, chẳng hạn như phân bón, giao dịch thương mại, các loại giấy, tã trẻ em… Tất cả đều được xây dựng dựa trên năng lực cốt lõi, đồng thời đảm bảo khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong các biến động kinh tế theo chu kỳ. 

Trong nhiều thập kỷ mà Charles Koch điều hành Koch Industries, công ty đã liên tục đầu tư dài hạn trong khi liên tục tái cấu trúc. Tuy nhiên có một điều chưa bao giờ dao động là “tín ngưỡng” mà Charles Koch đã xây dựng ở Koch Industries  - Quản lý dựa trên thị trường

“Mỗi nhân viên được nhận vào làm việc tại Koch sẽ trải qua một khóa huấn luyện vài ngày để học về triết lý MBM của Charles. Ông thường nói đó là chìa khóa để đạt tới tự do và thịnh vượng, có thể áp dụng cho cá nhân, doanh nghiệp và cả quốc gia. Việc tuân thủ “tín ngưỡng” này là điều bắt buộc đối với những ai mong muốn làm việc tại Koch. Trong một cuốn sách, Charles Koch viết “sự điều chỉnh hành vi” là cần thiết để MBM phát huy hiệu quả thay vì vận dụng rập khuôn. Mười nguyên tắc hướng dẫn trong MBM được in ra và dán khắp trụ sở, trên cả ly cà phê sử dụng một lần mà nhân viên dùng trong giờ nghỉ. Người làm tại Koch thuộc lòng các từ vựng trong MBM và nói thứ ngôn ngữ mà chỉ người trong nội bộ mới hiểu. [...] Các nhân viên tại đây không chỉ là người làm công ăn lương mà còn là công dân của một thể chế với ngôn ngữ và mục tiêu riêng. Thành công của Koch, chí ít là về mặt tài chính, lại càng củng cố niềm tin rằng họ đang làm điều đúng đắn và MBM thực sự là chìa khóa cho cuộc sống.” 

Do vậy, các startup cũng hãy tạo được “tín ngưỡng” riêng cho doanh nghiệp của mình. 

 

Tạo ra nền văn khóa khởi nghiệp ngay trong công ty

 

Nguyên lý “Quản lý dựa trên thị trường” không chỉ tạo ra tầm nhìn nhất quán cho tất cả các nhân viên tại Koch Industries, nó còn tạo ra “tinh thần kinh doanh có nguyên tắc”, có nghĩa là cho phép mọi nhân viên trong công ty xem họ như một chủ doanh nghiệp của chính họ, đứng đầu hoạt động kinh doanh của chính họ. Điều này mang lại các lợi ích như:

  • Nhân viên hiểu được công việc mình đang làm giúp tăng thêm giá trị kinh doanh cho công ty. 
  • Tìm thấy cơ hội kinh doanh và đề xuất nó với công ty. 

Bằng cách phân cấp khả năng quan sát và đề xuất các cải tiến, doanh nghiệp sẽ có được những người sâu sát với thị trường nhất để có thể đưa ra những phản ứng nhanh chóng. 

“Koch đã thành lập ra một bộ máy phát triển và những bộ máy này sẽ là bộ máy sáp nhập. Nó chuyên tìm kiếm các công ty mới để Koch mua và những thỏa thuận mới có thể đầu tư. Nhóm này cũng sẽ chính thức hóa bản năng của Sterling Varner để tìm kiếm những cơ hội mới trên thị trường. Nhóm phát triển sẽ là trung tâm mà tất cả nhân viên Koch có thể gửi những giao dịch tiềm năng mà họ phát hiện ra. Các quản lý cấp cao trong mọi đơn vị tại Koch được dạy rằng họ phải hành động như những “hướng đạo sinh” năng nổ trên thị trường, và khi thấy một giao dịch đủ lớn, đủ tiềm năng, họ sẽ chuyển nó lên nhóm phát triển để được thông qua. Nhóm phát triển sau đó nghiên cứu ý tưởng từ mọi góc độ trước khi quyết định hướng đi tiếp theo. Nhóm phát triển cũng tự đưa ra các ý tưởng của mình. Qua thời gian, các giám đốc trong nhóm sẽ thực hiện nghiên cứu thận trọng về xu hướng 10-20 năm sau đó và xác định những thị trường mới trong đó Koch có thể muốn đầu tư.”

—--------- 

Có thể thấy triết lý “Quản lý dựa trên thị trường” (MBM) là thứ hấp dẫn nhất trong cuốn sách. Mỗi chương của cuốn sách đều cung cấp các thông tin làm rõ cách mà triết lý này được hình thành và phát triển theo thời gian. Và “tín ngưỡng” này của Charles Koch đã được ông viết riêng thành một cuốn sách “Good Profit - Lợi nhuận tốt: Quản lý dựa trên thị trường và tạo dựng một doanh nghiệp vĩ đại.” Trong quá trình ứng dụng, nguyên lý này đã có những thành công nhất định, nhưng cũng có những thất bại để rút ra những bài học xương máu. Đọc về lịch sử phát triển về “tín ngưỡng” này của Koch, các startup sẽ rút ra được kinh nghiệm riêng cho mô hình khởi nghiệp của mình. 

Tags: